Áp lực bạn bè—Có thật sự mạnh đến thế không?
Giới trẻ thắc mắc...
Áp lực bạn bè—Có thật sự mạnh đến thế không?
“Em nghĩ mình không bị áp lực bạn bè”.—Pamela, nữ sinh cấp 1.
“Tôi nghĩ rằng áp lực bạn bè không còn ảnh hưởng mạnh đối với tôi nữa. Phần lớn những áp lực xuất phát từ chính bản thân tôi”.—Robbie, một thanh niên.
CÓ BAO GIỜ bạn cảm thấy như thế chưa? Công nhận là bạn có thể biết Kinh Thánh nói: “Bạn-bè xấu làm hư thói-nết tốt”. (1 Cô-rinh-tô 15:33) Tuy vậy, có thể bạn thắc mắc: ‘Người ta có lo quá đáng về áp lực bạn bè không—có lẽ nó không mạnh như cha mẹ tôi và những người lớn tuổi khác thường nói?’
Nếu đôi khi bạn trăn trở với những nghi ngờ như thế, bạn không phải là người trẻ đầu tiên làm thế. Nhưng chúng tôi mời bạn xem xét một điều có thể xảy ra. Liệu áp lực bạn bè có ảnh hưởng mạnh hơn bạn nghĩ không? Nhiều người trẻ đã thấy mình ngạc nhiên trước sức mạnh của áp lực bạn bè. Chẳng hạn, Angie thừa nhận rằng để thích ứng với xã hội, có lẽ cô đã nỗ lực nhiều hơn là cô nghĩ. Cô nhận xét: “Đôi khi áp lực xã hội mạnh đến nỗi thậm chí ta không biết đó là áp lực bạn bè. Ta bắt đầu tin rằng đó chính là áp lực nội tâm”.
Tương tự thế, Robbie được đề cập ở trên nói rằng áp lực lớn nhất của anh là từ nội tâm. Thế nhưng, anh thừa nhận rằng thật là khó khi sống gần một thành phố lớn. Tại sao? Bởi vì áp lực bạn bè phát xuất từ môi trường thiên về chủ nghĩa vật chất. Anh nói: “Ở nơi này, sự giàu có là điều thật quan trọng”. Rõ ràng, phải kể đến áp lực bạn bè. Thế thì tại sao nhiều người trẻ nghĩ rằng áp lực bạn bè không ảnh hưởng đến họ?
Mạnh hơn người ta tưởng
Áp lực bạn bè có thể khéo đánh lừa người ta—thực tế là có thể chúng ta không mảy may chú ý đến nó. Để minh họa: Nếu đang ở ngang mực nước biển, chúng ta chịu áp suất bất biến khoảng một kilôgam trên một centimét vuông của bầu không khí khổng lồ * Bạn sống dưới áp suất đó mỗi ngày nhưng hầu như bạn không để ý đến nó. Tại sao vậy? Bạn quen với áp suất ấy.
bên trên.Đành rằng áp suất khí quyển không nhất thiết gây tác hại xấu, nhưng khi người ta gây sức ép đối với chúng ta, dần dần họ có thể khiến chúng ta thay đổi. Sứ đồ Phao-lô hiểu sức mạnh của áp lực bạn bè. Ông cảnh báo tín đồ Đấng Christ tại Rô-ma: “Đừng để cho thế gian ép bạn rập theo khuôn của nó”. (Rô-ma 12:2, The New Testament in Modern English) Vậy, làm sao điều này có thể xảy ra?
Áp lực bạn bè tác động như thế nào?
Bạn có thích được người khác tán thành và chấp nhận không? Phần lớn chúng ta thừa nhận là có. Song, ước muốn tự nhiên được tán thành này có thể là con dao hai lưỡi. Chúng ta sẵn sàng làm đến mức nào để đạt được sự chấp nhận mình ao ước? Ngay dù chính chúng ta tự tin về phương diện này, còn những người chung quanh chúng ta thì sao? Họ cố gắng chống lại, hay để áp lực bạn bè uốn nắn mình?
Chẳng hạn, ngày nay nhiều người xem các tiêu chuẩn đạo đức của Kinh Thánh là lỗi thời hoặc thiếu thực tế trong thế giới hiện đại. Nhiều người cảm thấy thờ phượng Đức Chúa Trời theo cách Ngài đòi hỏi chúng ta trong Lời Ngài là không quan trọng lắm. (Giăng 4:24) Tại sao họ cảm thấy như thế? Một phần của câu trả lời có lẽ là áp lực bạn bè. Nơi Ê-phê-sô 2:2, Phao-lô nói đến hệ thống mọi sự của thế gian này có một ‘tinh thần’, tức một thái độ đang thịnh hành. Tinh thần ấy gây áp lực đối với người ta để họ theo lối suy nghĩ của một thế gian không biết Đức Giê-hô-va. Chúng ta có thể bị ảnh hưởng như thế nào?
Những hoạt động thường ngày của chúng ta như đi học, đi làm, học hỏi, lo việc gia đình thường đòi hỏi phải hòa nhập với những người không có cùng quan điểm với chúng ta về mọi giá trị của đạo Đấng Christ. Chẳng hạn, nơi trường học nhiều người có thể theo đuổi danh vọng bằng bất cứ giá nào, tham gia vào quan hệ tình dục vô luân, hoặc thậm chí lạm dụng rượu và ma túy. Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta kết bạn thân với những người có hạnh kiểm như thế hoặc xem những chuyện đó là bình thường, thậm chí đáng tán dương? Chúng ta có thể bắt đầu chấp nhận những thái độ tương tự—có lẽ chầm chậm lúc đầu. ‘Tinh thần’, tức không khí, của thế gian sẽ gây áp lực, như thể ép chúng ta theo khuôn của nó.
Đáng chú ý là các nhà khoa học xã hội đã làm nhiều cuộc thử nghiệm; kết quả đã ủng hộ các nguyên tắc này của Kinh Thánh. Hãy xem xét cuộc thử nghiệm đáng chú ý của ông Asch. Một người được mời gia nhập với một nhóm đang ngồi chung với nhau. Tiến sĩ Asch cho xem một tấm bìa lớn, trên đó có một đường kẻ thẳng đứng, rồi ông đưa ra một bìa khác có ba đường thẳng đứng với kích thước rõ ràng khác nhau. Kế tiếp ông hỏi từng người trong nhóm cho biết đường kẻ nào giống với đường kẻ đầu tiên. Câu trả lời thật dễ dàng. Vài lần đầu, tất cả đều đồng ý. Nhưng lần thử nghiệm thứ ba có sự thay đổi.
Giống như lần trước, thật dễ dàng nhận biết đường kẻ nào có kích thước giống nhau. Nhưng cá nhân đang tham dự không biết rằng những người khác đã được thuê để giả vờ tham gia vào cuộc thử nghiệm. Những người đó đều nhất trí với câu trả lời sai. Chuyện gì xảy ra? Chỉ có 25 phần trăm những người tham dự thử nghiệm kiên định với điều họ biết là đúng. Tất cả những người khác đều đồng ý với nhóm, ít nhất cũng một lần—ngay dù điều đó nghĩa là họ chối điều mà mắt họ thấy!
Rõ ràng, người ta muốn hợp với những người chung quanh—đến mức đa số thậm chí sẽ phủ nhận điều mà họ biết là thật. Nhiều người trẻ đã cảm nghiệm ảnh hưởng của áp lực này. Daniel, 16 tuổi, thừa nhận: “Áp lực bạn bè có thể làm cho ta thay đổi. Và khi càng có nhiều người hiện diện, áp lực càng lớn. Có thể ta thậm chí bắt đầu nghĩ rằng những điều họ đang làm là đúng”.
Angie, cô gái nói ở trên, thuật lại một ví dụ điển hình của áp lực ấy nơi trường học: “Khi ở bậc trung học, y phục rất quan trọng. Phải mặc
hàng hiệu. Ta thật sự không muốn tiêu 50 đô mua một áo sơ mi—ai lại muốn làm thế?” Như Angie gợi ý, có thể khó nhận ra áp lực khi nó tác động đến bạn. Nhưng áp lực bạn bè có thể ảnh hưởng chúng ta về những vấn đề nghiêm trọng hơn không?Lý do vì sao áp lực bạn bè có thể nguy hiểm
Hãy tưởng tượng bạn đang bơi trên biển. Trong khi bạn đang mãi bơi và cưỡi sóng, có những lực mạnh mẽ khác âm thầm hoạt động. Sóng biển đẩy bạn vào bờ, nhưng cũng có thể có một dòng nước ngầm. Dòng nước ấy từ từ đẩy bạn dạt sang một bên. Cuối cùng khi nhìn về phía bờ, bạn không thấy gia đình hoặc bạn bè nữa. Bạn không ngờ dòng nước đã đẩy bạn dạt sang một bên bao xa! Tương tự thế, khi chúng ta làm những hoạt động thường ngày, tư tưởng và cảm xúc của chúng ta chịu ảnh hưởng liên tục. Trước khi nhận thức được, những ảnh hưởng này có thể đẩy chúng ta xa khỏi những tiêu chuẩn mà chúng ta nghĩ mình sẽ nắm vững.
Chẳng hạn, sứ đồ Phi-e-rơ là một người dạn dĩ. Đêm Chúa Giê-su bị bắt, ông đã can đảm dùng gươm đối đầu với đám đông thù nghịch. (Mác 14:43-47; Giăng 18:10) Dù vậy, nhiều năm sau áp lực bạn bè khiến ông biểu lộ tính thiên vị trắng trợn. Ông né tránh anh em tín đồ gốc Dân Ngoại—ngay dù trước đó Đấng Christ đã cho ông một sự hiện thấy, bảo ông không nên xem Dân Ngoại là ô uế. (Công-vụ 10:10-15, 28, 29) Có lẽ Phi-e-rơ thấy đương đầu với sự khinh thị của những người khác khó hơn là đương đầu với giáo gươm! (Ga-la-ti 2:11, 12) Thật vậy, áp lực bạn bè có thể nguy hiểm.
Thừa nhận sức mạnh của áp lực bạn bè là điều trọng yếu
Trường hợp của Phi-e-rơ có thể dạy cho chúng ta một bài học quan trọng. Mạnh mẽ trong một số lĩnh vực không có nghĩa là mạnh mẽ về mọi mặt. Phi-e-rơ có những nhược điểm, như tất cả chúng ta. Bất luận chúng ta là ai, chúng ta cần ý thức đến những điểm yếu của mình. Chúng ta phải thành thật tự hỏi: ‘Điểm yếu của tôi là gì? Tôi có ao ước một lối sống giàu sang không? Tính tự cao tự đại có ảnh hưởng đến lòng tôi không? Tôi sẵn sàng làm đến mức nào để được sự tán dương, địa vị và danh vọng?’
Có lẽ chúng ta sẽ không cố ý tự đặt mình vào tình trạng nguy hiểm bằng cách giao du với những người vô luân dùng ma túy hoặc những người sống buông thả tình dục. Vậy, nói sao về những yếu kém ngấm ngầm hơn của chúng ta? Nếu chọn kết hợp thân mật với những người sẽ gây ảnh hưởng trong những lãnh vực chúng ta có điểm yếu, khi ấy chúng ta đang tự đặt mình vào tình trạng dễ bị áp lực bạn bè lôi cuốn—có lẽ gây tổn hại lâu dài cho chúng ta.
Tuy nhiên, điều tốt là không phải mọi áp lực bạn bè đều xấu. Chúng ta có thể kiềm chế áp lực bạn bè—thậm chí khiến nó thành điều thuận lợi không? Và làm thế nào chúng ta có thể chống lại ảnh hưởng xấu của bạn bè? Những câu hỏi đó sẽ được bàn đến trong tương lai của mục “Giới trẻ thắc mắc...”.
[Chú thích]
^ đ. 9 Một thử nghiệm đơn giản minh họa áp suất không khí là hiện thực. Nếu bạn mang một chai nhựa rỗng lên đỉnh núi, cho không khí vào chai rồi đóng kín lại, chuyện gì sẽ xảy ra với cái chai khi bạn xuống núi? Nó sẽ bẹp dúm. Áp suất không khí bên ngoài lớn hơn nhiều so với tỉ trọng không khí loãng bên trong chai.
[Hình nơi trang 13, 14]
Môi trường vật chất có thể gây áp lực bạn bè mạnh mẽ