Chúng ta thật ra có bao nhiêu giác quan?
Chúng ta thật ra có bao nhiêu giác quan?
“Sự tương tác giữa chúng ta với môi trường xung quanh quá nhạy cảm và dễ dàng, nên khó nhận ra những tiến trình phức tạp để tạo ra dù chỉ một cảm giác đơn giản nhất”.—SENSORY EXOTICA—A WORLD BEYOND HUMAN—EXPERIENCE (NHỮNG ĐIỀU KỲ LẠ VỀ CÁC GIÁC QUAN—MỘT THẾ GIỚI NGOÀI TẦM HIỂU BIẾT CỦA CON NGƯỜI).
HÃY hình dung bạn đang đạp xe trên một con đường quê tĩnh lặng. Trong khi bạn đạp xe, các tế bào thụ cảm ở chân giúp bạn biết dùng vừa đủ lực cần thiết để duy trì tốc độ. Cơ quan thăng bằng giữ cho bạn không bị ngã; mũi bạn ngửi thấy hương thơm; mắt bạn thu nhận phong cảnh xung quanh; còn tai bạn nghe tiếng chim thánh thót. Khi khát, bạn với tay lấy bình nước, nhờ sự trợ giúp của các tế bào thụ cảm xúc giác ở đầu các ngón tay. Các chồi vị giác và tế bào thụ cảm nóng lạnh cho biết hương vị và độ nóng lạnh của thức uống. Các tế bào thụ cảm ở da và tế bào thụ cảm gắn liền với lông cho biết sức gió mạnh thế nào và, phối hợp với mắt, chúng cũng cho biết bạn đang chạy với tốc độ nào. Da cũng cho biết nhiệt độ và độ ẩm xung quanh, còn khả năng nhận thức về thời gian thì cho biết bạn đã đạp xe khoảng bao lâu. Cuối cùng, các tế bào thụ cảm trong nội tạng sẽ thôi thúc bạn nghỉ và ăn. Thật vậy, sự sống là một bản giao hưởng tuyệt vời của các giác quan!
Chỉ có năm giác quan?
Trong suốt chuyến hành trình bằng xe đạp đó, có bao nhiêu giác quan hoạt động—phải chăng chỉ có năm giác quan truyền thống: thính giác, thị giác, khứu giác, vị giác, xúc giác? Theo bách khoa tự điển Encyclopœdia Britannica, năm giác quan này được nêu lên bởi triết gia cổ đại Aristotle, người có “ảnh hưởng lâu dài đến độ cho đến nay nhiều người vẫn chỉ nói đến năm giác quan như thể không có giác quan nào khác”.
Tuy nhiên, theo bách khoa tự điển Britannica, chỉ riêng các nghiên cứu về tính nhạy cảm của da cũng đã “cung cấp bằng chứng cho thấy số giác quan ở người không chỉ có năm”. Sao lại có thể như thế được? Một số chức năng trước đây được gộp chung trong xúc giác nay được xem là những giác quan riêng. Chẳng hạn, tế bào thụ cảm sự đau đớn phản ứng và nhận ra sự khác biệt giữa các lực hoặc tác nhân vật lý, nhiệt và hóa học. Các
tế bào thụ cảm khác báo hiệu chỗ ngứa. Các bằng chứng cũng cho thấy chúng ta có ít nhất hai loại tế bào thụ cảm áp lực, một loại đối với lực nhẹ bên ngoài cơ thể, loại kia phản ứng trước các tác động mạnh. Ngoài ra, cơ thể chúng ta còn có nhiều giác quan bên trong nội tạng. Vai trò của chúng là gì?Các giác quan trong nội tạng
Các giác quan trong nội tạng phát hiện những thay đổi xảy ra bên trong cơ thể. Chúng báo hiệu những hiện tượng như đói, khát, mệt, đau bên trong, và nhu cầu cần hít thở không khí hoặc đi nhà vệ sinh. Cùng với đồng hồ sinh học, các tế bào thụ cảm trong nội tạng khiến chúng ta cảm nhận được sự mệt mỏi vào cuối ngày hoặc giờ ngủ bị xáo trộn khi bay đến những vùng có múi giờ cách biệt. Trên thực tế, vì chúng ta “cảm nhận” rõ rệt sự trôi qua của thời gian, có người đã đề nghị thêm nhận thức thời gian vào danh sách các giác quan.
Chúng ta cũng có giác quan tiền đình, tức giác quan về thăng bằng, nằm ở tai trong. Nó phản ứng trước trọng lực, sự tăng tốc và chuyển động quay. Cuối cùng, chúng ta có giác quan bản thể giúp phát hiện sự căng cơ, cũng như sự chuyển động và vị trí của tay chân ngay cả khi nhắm mắt.
Tất nhiên, không chỉ con người mới có cảm giác. Loài thú cũng có nhiều giác quan, trong đó có một số loại rất đáng kinh ngạc mà chúng ta không có. Trong bài tiếp theo, chúng ta sẽ xem xét một số giác quan này. Chúng ta cũng sẽ nghiên cứu kỹ hơn về chính mình và những nét độc đáo khiến con người có vị trí đặc biệt trong các loài sinh vật trên đất.
[Khung/Hình nơi trang 4]
Xúc giác kỳ diệu của con người
Tay người có xúc giác đặc biệt nhạy cảm. Theo tạp chí Smithsonian, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng tay chúng ta có khả năng phát hiện một nốt nhỏ chỉ cao ba micrôn. (Một sợi tóc người có đường kính từ 50 đến 100 micrôn). Tuy nhiên, khi “dùng một bề mặt nhám thay vì một nốt nhỏ, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng tay có thể phát hiện độ nhám chỉ cao 75 nanômet”—một nanômet bằng một phần ngàn micrôn! Có được độ nhạy cảm tuyệt vời như thế là nhờ chúng ta có khoảng 2.000 tế bào thụ cảm xúc giác trên mỗi đầu ngón tay.
Xúc giác còn có vai trò trọng yếu đối với sức khỏe và hạnh phúc của chúng ta. Tờ U.S.News & World Report nói: “Sự vuốt ve khiến cơ thể tiết ra một số hormon có tác dụng làm dịu cơn đau và làm đầu óc sáng suốt”. Một số người tin rằng khi một đứa bé thiếu sự vuốt ve yêu thương, thì bé sẽ chậm phát triển.
[Nguồn hình ảnh nơi trang 3]
Mắt: The Complete Encyclopedia of Illustration/J. G. Heck; tai và tai trong: © 1997 Visual Language; tay: The Anatomy of Humane Bodies, hình họa do một số họa sĩ bậc thầy giỏi nhất ở Âu Châu vẽ... Oxford, 1698, William Cowper