Đi máy bay—Những lời khuyên của một phi công lão luyện
Đi máy bay—Những lời khuyên của một phi công lão luyện
ĐI MÁY BAY tuyệt đối thú vị—tôi luôn luôn cảm thấy như thế. Nó không chỉ đem lại sự tự do đi nơi này đến nơi kia cách nhanh chóng mà còn cho người ta xuyên qua được những đám mây vào một ngày u ám, và bay vút lên trong ánh nắng tỏa sáng tận trên trời cao. Tôi thích cảm giác hồi hộp khi đi máy bay từ lúc được đi chuyến bay đầu tiên khi còn là một cậu bé hồi năm 1956. Niềm say mê này dẫn tôi đến việc chọn nghề phi công chuyên nghiệp, nhưng tôi cũng đã làm nghề điều tra tai nạn máy bay.
Đi bằng đường hàng không an toàn tới mức nào? Và bạn nên dự phòng những gì khi có dịp đi máy bay?
Để cách di chuyển an toàn trở nên an toàn hơn
Khắp thế giới mỗi năm, gần 18.000 máy bay thường xuyên hạ và cất cánh tại hàng ngàn phi trường, chuyên chở hơn 1,6 tỷ hành khách đến các nơi dự định—mà lại gặp rất ít tai nạn. Trên thực tế, công ty cung cấp bảo hiểm nổi tiếng Lloyd’s ở Luân Đôn ước định rằng đi máy bay an toàn hơn đi xe gấp 25 lần. Như vậy theo thống kê, phần nguy hiểm nhất trong chuyến đi của bạn sẽ là lúc lái xe đến và rời phi trường. Thế nhưng, tuân theo một vài biện pháp dự phòng khôn ngoan khi đi máy bay có thể giúp cách di chuyển tương đối an toàn này trở nên an toàn hơn.
● Cẩn thận chọn hãng hàng không: Không phải tất cả các hãng hàng không đều có thành tích an toàn như nhau. Những hãng hàng không có uy tín thường là những hãng chuyên chở an toàn. Họ sử dụng máy bay hiện đại, có tiếng tăm vì thành tích an toàn và bảo trì.
● Cẩn thận chọn quần áo: Những người sống sót sau khi máy bay rớt đều gặp nguy hiểm vì lửa và khói. Do đó, mặc áo tay dài và quần hoặc váy dài sẽ là lá chắn tốt nhất che chở da bạn khỏi lửa và nhiệt. Quần áo bằng sợi thiên nhiên cho chúng ta sự che chở tốt, nhưng những chất tổng hợp nhân tạo thường bị chảy hoặc co rút trên da khi gặp nhiệt, gây nguy cơ phỏng nặng hơn. Quần áo bằng da thuộc cũng có thể co rút khi gặp nhiệt, vì vậy không nên dùng. Mặc nhiều lớp quần áo che chở thân thể tốt hơn là chỉ mặc một lớp, và quần áo màu nhạt phản nhiệt tốt hơn quần áo màu sẫm. Giầy đế bằng, tốt nhất là loại thắt dây không làm giày bị tuột và che chở chân bạn khỏi bị đứt và phỏng, và vớ len tốt hơn vớ bằng sợi tổng hợp.
● Lắng nghe những chỉ dẫn về thủ tục an toàn: Phi hành đoàn sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết về thủ tục an toàn trước khi máy bay cất cánh. Tai nạn hiếm khi xảy ra, nhưng khi gặp có thể bạn phải tự thoát khỏi máy bay bằng cách áp dụng những điều bạn nhớ trong phần chỉ dẫn đó. Do đó hãy cẩn thận lắng nghe lời hướng dẫn. Một cuộc thăm dò những du khách người Canada đi bằng máy bay tiết lộ rằng chỉ có 29 phần trăm hành khách trên chuyến bay có đọc hoặc xem lướt qua thẻ an toàn. Hãy dành một chút thời gian để nghiên cứu những chỉ dẫn an toàn, đặc biệt về cách mở các cửa thoát hiểm, vì bạn có thể là người đầu tiên đến cửa đó. Hãy xem xét làm cách nào bạn tìm được cửa thoát hiểm nếu ở trong bóng tối hoặc bị khói cản tầm nhìn của bạn. Một cách đơn giản là đếm những hàng ghế từ bạn đến cửa thoát hiểm. Do đó, ngay cả trong bóng tối, bạn vẫn có thể tìm và mở được cửa thoát hiểm.
● Giới hạn hành lý xách tay: Tập san Flight International (Chuyến bay quốc tế) ghi: “Một mối
nguy gây thương tích nặng ở đầu và thậm chí tử vong, cứ tái diễn [đối với hành khách] là, trong chuyến bay bình thường, có những vật dụng rơi xuống từ những ngăn cất giữ hành lý phía trên đầu mà có thể do hành khách trên chuyến bay đã mở hoặc đóng không kỹ”. Vì vậy, hãy nhớ rằng hành lý xách tay nặng có thể là một mối nguy cho sự an toàn. Do đó, khi ở trong tình trạng khẩn cấp, hãy bỏ TẤT CẢ hành lý của bạn. Tập trung hết nỗ lực để được sống sót! Sau này bạn có thể sắm lại những hành lý khác.Trong trường hợp khẩn cấp
Cái khó khăn nhất để thoát ra khỏi máy bay là khi có lửa, khói và hơi ngạt bốc lên. Một báo cáo về tai nạn cho biết: “Khi máy bay hạ cánh thì hầu như không còn nhìn thấy gì ở bên trong từ 30 centimét cách mặt sàn trở lên [vì khói]. Những người sống sót cho biết rằng họ hầu như không còn đủ sức và tinh thần để cố tới được những cửa thoát hiểm”. Sự sống sót tùy thuộc vào việc nhanh chóng thoát khỏi máy bay.
Phi hành đoàn đều được huấn luyện để giúp hành khách thoát khỏi máy bay nhanh chóng và an toàn. Do đó, hãy thi hành các chỉ dẫn của họ ngay lập tức. Tuy nhiên, không phải lúc nào mọi sự cũng đúng như dự định. Những trục trặc về hệ thống âm thanh, nhân viên phi hành đoàn bị thương, sự rối loạn, cùng những ảnh hưởng do tiếng ồn, hơi nóng, và khói, có thể khiến những nỗ lực tốt nhất của phi hành đoàn mất hiệu quả. Hãng máy bay bạn đang đi có thể không dùng ngôn ngữ của xứ bạn, và điều này cũng cản trở việc liên lạc giữa phi hành đoàn và bạn.
Những phân tích tai nạn cho thấy rằng sự cương quyết sống sót của chính bạn là yếu tố chủ yếu giúp bạn có cơ may sống sót qua tình trạng nguy cấp. Bạn cần có kế hoạch hành động rõ ràng và sẵn sàng nhận trách nhiệm về sự sống còn của mình. Kế hoạch đó cũng nên cho cả những ai cùng đi với bạn, đặc biệt là những trẻ em hoặc người lớn tuổi, và những biện pháp để ở gần nhau nhằm giúp đỡ nhau khi thoát ra khỏi máy bay. Tạp chí Flying Safety (Thủ tục an toàn trên máy bay) đề nghị: “Nếu bạn phải chạy ngang qua khói, hãy kêu họ bám chặt nhau. Tay họ nắm lấy dây lưng bạn có thể tạo nên một dây an toàn chắc chắn”. Nói cho bạn đồng hành biết những gì bạn dự định sẽ làm trong trường hợp khẩn cấp.
Tất cả mọi hình thức di chuyển đều có thể gặp rủi ro nào đó, nhưng những máy bay hành khách hiện đại giúp chúng ta tránh khỏi nhiều nguy hiểm, đưa chúng ta đến đích an toàn thoải mái để sẵn sàng làm việc hoặc giải trí. Hãy chuẩn bị tinh thần nhưng đừng lo âu. Hãy thư giãn và vui thích với chuyến bay của bạn—cũng như tôi vậy.— Bài đóng góp.
[Hình nơi trang 19]
Huấn luyện để thoát hiểm trong trường hợp khẩn cấp
[Hình nơi trang 19]
Hãy lắng nghe những chỉ dẫn về thủ tục an toàn