Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Barcelona—Một bảo tàng viện ngoài trời với nhiều màu sắc và kiểu kiến trúc

Barcelona—Một bảo tàng viện ngoài trời với nhiều màu sắc và kiểu kiến trúc

Barcelona—Một bảo tàng viện ngoài trời với nhiều màu sắc và kiểu kiến trúc

BIÊN TẬP VIÊN TỈNH THỨC! Ở TÂY BAN NHA

HÃY tưởng tượng trong chốc lát là bạn đang đi tham quan một phòng triển lãm nghệ thuật rộng thênh thang. Rất nhiều tác phẩm trưng bày lập tức thu hút sự chú ý và trí tưởng tượng của bạn. Nhìn chỗ nào bạn cũng thấy muôn vàn hình thù, kiểu cọ và màu sắc kỳ lạ, ngoạn mục. Tuy nhiên, bộ sưu tập nghệ thuật lạ lùng này lại không được trưng bày trong một tòa nhà hay dinh thự. Thành phố Barcelona là bảo tàng viện ngoài trời, rộng thênh thang này—trong đó đặc biệt đáng chú ý là Quadrat d’Or * (Khu Phố Vàng). Các tác phẩm nghệ thuật được trưng bày không phải là những bức họa hoặc công trình điêu khắc nhưng là chính các tòa nhà. Chúng cống hiến cho du khách vô vàn kiểu dáng và lối trang trí.

Tọa lạc trên Bờ Biển Địa Trung Hải về phía đông bắc Tây Ban Nha, chỉ cách biên giới phía nam của nước Pháp 160 kilômét, Barcelona có lẽ là thành phố mang phong cách Âu Châu nhiều nhất trong các thành phố ở Tây Ban Nha. Hơn một trăm năm qua, nói đến thành phố này là người ta nghĩ ngay đến sự canh tân về kiến trúc và phong cách nghệ thuật.

Mặc dù có thời bị người La Mã, Visigoth, Moor, và người Frank chinh phục, Barcelona đã phát triển thành một trung tâm thương mại. Vào thế kỷ 14, Barcelona trở nên một thành phố sản xuất và cảng Địa Trung Hải quan trọng nhất của Tây Ban Nha. Những tòa nhà và thánh đường theo kiến trúc Gô-tích, nằm ở vị trí nổi bật ở trung tâm thành phố ngày nay, được xây dựng từ thế kỷ đó. Sự nguy nga của kiến trúc Gô-tích (1), với kỹ thuật xây cất công phu và tỉ mỉ, cho thấy sự giàu có và thịnh vượng của Barcelona vào giai đoạn đó.

Vào thế kỷ 16, Tây Ban Nha bắt đầu chú ý đến các nước Phương Tây, vì sự giao thương với thuộc địa đem lại nhiều lợi nhuận hơn. Nhưng đến khi xảy ra cuộc cách mạng kỹ nghệ vào thế kỷ 19, Barcelona trở thành trung tâm công nghiệp dệt của Tây Ban Nha, và thành phố này lại bắt đầu thịnh vượng một lần nữa.

Thành phố thay hình đổi dạng

Sự phát triển mau chóng vào thế kỷ 19 đem lại thịnh vượng nhưng cũng tạo ra một số khó khăn cho thành phố. Dân số của Barcelona bùng nổ vào hậu bán thế kỷ đó, nhưng khu đô thị lại chưa được mở mang. Cần phải giải quyết vấn đề mật độ dân cư quá cao. Kỹ sư công chính Ildefons Cerdà được giao nhiệm vụ thiết kế sơ đồ qui hoạch đô thị vùng phụ cận và mở rộng thành phố.

Sơ đồ qui hoạch của Cerdà, triển khai vào năm 1859, được gọi là L’Eixample, hay sự mở rộng, nay là tên của khu vực trung tâm thành phố. Theo qui hoạch đó, các đường phố với hàng cây hai bên và các khu phố hình vuông được sắp xếp hầu như đối xứng hoàn hảo, tạo thành một mạng ô vuông. Một Barcelona mới, đồ sộ và trong lành hơn sẽ mọc lên.

Thành phố bắt đầu phát triển rất mau lẹ đúng theo qui hoạch của Cerdà. Mỗi khu nhà được thiết kế một nét độc đáo riêng, cống hiến cho du khách ngày nay cơ hội chiêm ngưỡng các công trình kiến trúc thật hấp dẫn, đa dạng và đẹp đẽ. Những đại lộ thanh lịch cũng nằm trong sơ đồ. Trong sách của ông nhan đề Barcelona, Robert Hughes xem L’Eixample ‘là một trong những khu thị tứ đáng chú ý nhất ở Âu Châu vì những công trình kiến trúc trong đó’.

Nhờ càng ngày càng phồn thịnh, Barcelona được đăng cai tổ chức cuộc Triển Lãm Toàn Cầu năm 1888. The Arc de Triomf (2) (Khải Hoàn Môn), tọa lạc gần trung tâm thành phố, được xây cất để kỷ niệm biến cố quan trọng đó. Tuy nhiên, công trình kỳ lạ này cũng chứng tỏ một phong trào mỹ thuật mới đã ra đời, biến Barcelona thành thành phố độc nhất vô nhị trên thế giới.

Nghệ thuật mới tạo thêm vẻ lộng lẫy cho thành phố

Vào đầu thế kỷ 20, Art Nouveau—một trào lưu nghệ thuật trang trí lấy cảm hứng từ các hình dạng trong thiên nhiên—bắt đầu đua nở trong khắp Âu Châu và Hoa Kỳ. * Barcelona có tiền để đầu tư, có một sơ đồ qui hoạch sẵn để thực hiện những công trình làm đẹp thành phố, và có các kiến trúc sư đầy sáng kiến nóng lòng muốn thử nghiệm. Bởi thế, Art Nouveau tạo cho thành phố một vẻ độc đáo. Antoni Gaudí (1852-1926) là nhân vật tiêu biểu nhất của trào lưu nghệ thuật mới, và ông đã để lại dấu ấn khó xóa nhòa trên cảnh quan đô thị của Barcelona.

Đa số công trình xây cất mỹ thuật điển hình nhất của Gaudí được tìm thấy ở Barcelona, một số được nằm trong danh sách các tòa nhà thuộc Di Sản Thế Giới. Casa Milà (3), hay là La Pedrera, tọa lạc trên đường Passeig de Gràcia gần trung tâm thành phố, là một điển hình đáng chú ý. Người ta không tìm thấy bức tường thẳng nào trong công trình kiến trúc này. Mặt tiền uốn cong trông như thể được đẽo từ sa thạch. Những lan can làm bằng sắt luyện, trông giống như những chòm lá và bụi cây mâm xôi, trang hoàng bên ngoài. Bên trong, trần nhà và cột nhà uốn cong theo đủ hình thù mà người ta có thể tưởng tượng được.

Một công trình tinh xảo điển hình khác cho thấy thiên tài của Gaudí là Casa Batlló (4), cũng nằm trên đường Passeig de Gràcia. Từ năm 1904 đến 1906, Gaudí tu sửa tòa nhà của Josep Batlló i Casanovas, một nhà kỹ nghệ giàu có. Nhà kiến trúc này đã thiết kế một ngôi nhà dường như thuộc thế giới tưởng tượng. Mái nhà uốn cong trông giống như xương sống của khủng long, và các viên ngói giống như vảy cá. Phải thấy tòa nhà thì mới tin được.

Kiệt tác còn dở dang của Gaudí, nhà thờ Sagrada Familia (5), có lẽ là công trình đáng chú ý nhất cho thấy tài sáng tạo của ông. Bốn gác chuông nằm ở mặt tiền phía bắc trông giống như những dòng sáp chảy xuống bốn giá nến hình tháp. Cao hơn hẳn các tòa nhà chung quanh, những ngọn tháp cao vút này đã trở thành biểu tượng quốc tế của Barcelona.

Cũng không kém ngạc nhiên là Parc Güell (6), một công viên do Gaudí thiết kế, tọa lạc trên một ngọn đồi phía tây thành phố. Những tác phẩm điêu khắc và cột trụ cong vẹo, những bức khảm muôn màu, những tòa nhà và ống khói lạ thường tương phản với những khu vườn quyến rũ bao quanh chúng. Một tòa nhà có hình dáng và màu sắc đáng chú ý khác là Palau de la Música Catalana (7) (Nhạc viện) do Domènech i Montaner, người đồng thời với Gaudí thiết kế.

Giữa núi và biển

Vị trí cũng như di sản kiến trúc của Barcelona tạo cho thành phố này một sắc thái riêng biệt. Dãy núi Collserola bao quanh thành phố về phía tây, còn ranh giới phía đông là Địa Trung Hải. Chính nhờ bờ biển này, Barcelona được thịnh vượng và là cảng thương mại chính của Tây Ban Nha. Không lạ gì khi gần cảng có tượng Christopher Columbus (8) chỉ tay về phía biển.

Cũng nhờ biển và núi bao quanh, thành phố có khí hậu ôn hòa làm cho sinh hoạt ngoài trời thú vị. Quanh năm, phố xá đầy người từ sáng sớm đến chiều tối. Hầu như mỗi góc phố đều có tiệm ăn và quán cà phê, thu hút khách đi đường với mùi thơm cà phê mới xay hoặc cám dỗ họ nếm thử các món ăn địa phương. Chợ bán thực phẩm như chợ nổi tiếng Boquería nằm trên đại lộ La Rambla, với hàng cây hai bên, bán đủ loại trái cây, rau và cá có thể tưởng tượng được.

Tuy nhiên, cuộc tham quan Barcelona vẫn chưa trọn nếu không đến Montjuïc, một sườn đồi dốc đứng gần biển. Trên đồi này, khách tham quan có thể viếng thăm các bảo tàng viện, phòng triển lãm nghệ thuật, và được chiêm ngưỡng quang cảnh ngoạn mục của thành phố và Biển Địa Trung Hải. Các sân vận động chính dùng trong Thế Vận Hội 1992 cũng tọa lạc trên đồi Montjuïc. Nhân Chứng Giê-hô-va đến Barcelona để tham dự đại hội quốc tế từ ngày 31 tháng 7 đến ngày 3 tháng 8. Phải dùng vận động trường bóng đá Camp Nou rất rộng mới có đủ chỗ cho toàn thể đại biểu đến dự.

Mặc dù Barcelona cũng có những vấn đề giống như hầu hết các thành phố lớn khác, nhưng du khách đến đây bao giờ cũng được hưởng hương vị Địa Trung Hải. Từ các quầy bán hoa cho đến các quán cà phê trên đường La Rambla, từ những phố xá nhỏ hẹp và vẻ đẹp cổ xưa của Khu Gô-tích cho đến những công trình kiến trúc đặc sắc của thành phố, Barcelona cống hiến cho du khách một bảo tàng viện ngoài trời với nhiều màu sắc và kiểu kiến trúc mà ít ai có thể quên được.

[Chú thích]

^ đ. 3 Đây là tên trong tiếng Catalan, ngôn ngữ chính thức ở Barcelona và vùng chung quanh Catalonia. Ngôn ngữ này thuộc nhóm ngôn ngữ Rô-man, có những nét giống tiếng Tây Ban Nha và tiếng Pháp. Đa số người sống trong thành phố này nói cả tiếng Tây Ban Nha lẫn tiếng Catalan.

^ đ. 13 Trào lưu nghệ thuật này được gọi là Modernismo ở Tây Ban Nha.

[Bản đồ nơi trang 14]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

Barcelona

Madrid

Seville

[Hình nơi trang 16]

Hệ thống thông gió và ống khói của Casa Milà

[Nguồn tư liệu]

Godo-Foto

[Nguồn hình ảnh nơi trang 15]

Những hình ở trên: Godo-Foto

[Nguồn hình ảnh nơi trang 17]

Sandra Baker/Index Stock Photography

Godo-Foto