Quan sát thế giới
Quan sát thế giới
Khả năng giữ thăng bằng lạ lùng của loài chim
Loài chim có một cơ quan giữ thăng bằng nằm ở tai trong để phối hợp những động tác của chúng khi bay. Nhưng cơ quan này cũng không tiết lộ làm sao chúng có thể đứng và đi được, vì như tờ báo Leipziger Volkszeitung của Đức cho biết: “Thân chim không thẳng đứng như con người mà nằm ngang và đuôi lại không nặng bằng trọng lượng cơ thể của chúng”. Tờ báo giải thích tiếp: “Sau bốn năm nghiên cứu, nhà động vật học Reinhold Necker đã thành công trong việc tìm ra một cơ quan giữ thăng bằng khác ở chim bồ câu”. Ông Necker khám phá ra rằng những tế bào thần kinh và xoang chứa chất lưu ở vùng xương chậu của chim dường như giúp chúng giữ được thăng bằng. Bài báo cho biết: “Khi các xoang chứa chất lưu bị rỗng, bồ câu không còn khả năng đậu thẳng đứng hoặc không đi lại được nữa một khi mắt chúng bị che lại. Chúng ngã từ chỗ đậu xuống hoặc ngã sang một bên. Tuy nhiên, chúng vẫn có thể bay”.
Giá trị của việc đọc sách
Tạp chí The Independent ở Luân Đôn cho biết: “Việc trẻ ham thích đọc sách lúc rảnh rỗi tác động đến sự thành công của chúng trong vấn đề học vấn nhiều hơn là tác động của địa vị và sự giàu có của gia đình”. Cuộc nghiên cứu thói quen đọc sách cấp quốc tế ở lứa tuổi 15 cho thấy “việc có tính ham thích đọc sách” và là “người đọc sách thường xuyên” có nhiều lợi thế hơn việc có cha mẹ học thức cao được hưởng lương hậu. Cũng theo tờ báo trên, cuộc nghiên cứu cho thấy “những em nào ở lứa tuổi này mà hoàn cảnh gia đình thiếu thốn nhất nhưng cực kỳ ham thích đọc sách thì đạt điểm cao hơn trong các bài kiểm tra môn đọc (trung bình 540 điểm) so với các em trong những gia đình thuộc giai cấp cao nhất nhưng lại không thích đọc sách (491 điểm)”. Một cuộc khảo sát hơn 1.000 trẻ em vị thành niên cho biết rằng “con gái thường thích đọc sách để giải trí hơn là con trai”. Bảy mươi lăm phần trăm em gái so với 55 phần trăm em trai nói rằng chúng đã đọc một cuốn sách trong tháng vừa qua.
Mối quan tâm thật sự của trẻ vị thành niên
Tạp chí The Times ở Luân Đôn nói: “Các bậc cha mẹ quá lo sợ con cái vị thành niên của mình dính líu đến ma túy đến nỗi không nhận ra những vấn đề trầm trọng về sức khỏe tinh thần lẫn tình cảm ảnh hưởng đến con cái họ”. Một cuộc khảo sát hơn 500 phụ huynh và hơn 500 trẻ vị thành niên cho thấy 42 phần trăm các bậc cha mẹ cho rằng hiện tượng nghiện ma túy là vấn đề lớn duy nhất mà con em họ đang đương đầu. Tuy nhiên, chỉ 19 phần trăm người trẻ đồng ý với quan điểm này, 31 phần trăm quan tâm nhiều hơn đến mối quan hệ của họ với gia đình và bạn bè, 13 phần trăm thì lo lắng về nạn bạo lực học đường. Justin Irwin, giám đốc dịch vụ tư vấn bằng điện thoại Get Connected—tổ chức đã yêu cầu thực hiện cuộc khảo sát, cho biết điều làm ông lo âu nhất là khuynh hướng cha mẹ không chú ý tới các vấn đề tâm lý cũng như tình cảm của con cái ở tuổi vị thành niên. Ông khuyến khích cha mẹ: “Hãy thôi võ đoán. Hãy có óc thực tế”.
Đừng bao giờ xóc mạnh em bé!
Tờ nhật báo Toronto Star nói việc xóc em bé khiến đầu và cổ đột ngột bị giật mạnh “có thể gây chảy máu bên trong đầu và tăng áp lực lên não, làm cho não bị long ra”. Vì các cơ của em bé chưa hoàn toàn phát triển và nhất là lớp màng não rất mỏng manh, “chỉ cần xóc em bé một vài giây thôi cũng có thể gây tổn thương vĩnh viễn. Những tổn thương có thể là não bị sưng và chấn thương, liệt não, trí tuệ chậm phát triển, chậm lớn, khiếm thị, khiếm thính, bại liệt và tử vong”. James King, bác sĩ nhi khoa tại Bệnh Viện Nhi Đồng Eastern Ontario, đã nghiên cứu những hậu quả của việc xóc em bé. Ông nói rằng mọi người cần được giáo dục về vấn đề này, vì trong nhiều trường hợp các tổn thương không dễ nhận thấy và có lẽ em bé chỉ được chẩn đoán là bị cúm hoặc nhiễm bệnh do siêu vi. Bác Sĩ King nói: “Đừng bao giờ xóc mạnh em bé. Đây là thông tin cần phải được phổ biến rõ ràng. Những người mới làm cha mẹ cần biết điều này”.