Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Danh Đức Giê-hô-va ở Thái Bình Dương

Danh Đức Giê-hô-va ở Thái Bình Dương

Danh Đức Giê-hô-va ở Thái Bình Dương

BIÊN TẬP VIÊN TỈNH THỨC! Ở FIJI

ĐÁM ĐÔNG vô cùng ngạc nhiên. Những người mới đến quần đảo Thái Bình Dương của họ nhắm mắt trước khi dùng bữa ăn thịnh soạn được chuẩn bị sẵn. Những người dân trên đảo hỏi: “Các ông đang làm gì vậy?”

“Tạ ơn Chúa vì những gì Ngài ban”, họ đáp.

Người dân đảo muốn biết thêm: “Chúa các ông sống ở đâu?”

Họ trả lời: “Ở trên trời”.

“Tên Ngài là gì?”

“Giê-hô-va”.

“Chúa các ông có ăn đồ ăn không?” những người dân đảo hỏi.

Những người mới đến đáp: “Đức Chúa Trời là một thần linh, Ngài không giống như chúng ta; Ngài sống mãi mãi. Ngài đã làm nên trái đất, bầu trời, biển, và mọi vật. Ngài tạo ra chúng ta”.

Người dân đảo ngạc nhiên khi nghe lẽ thật đơn giản này và hỏi những người lạ mặt sao lại đến đảo của họ. Câu trả lời cũng thật giản dị: “Chúng tôi đến để rao báo cho mọi người biết về Giê-hô-va Đức Chúa Trời thật và Con Ngài là Chúa Giê-su, Đấng Cứu Chuộc chúng ta”.—From Darkness to Light in Polynesia (Từ tối tăm ra ánh sáng ở Polynesia).

Những người lạ mặt này là ai? Có phải là Nhân Chứng Giê-hô-va thời nay không? Không. Họ là hai thầy giảng người Tahiti, tức nhà truyền giáo, đã đến đảo Mangaia (thuộc phía nam Quần Đảo Cook) ngày 15-6-1824. Tại sao họ dùng danh Đức Giê-hô-va? Đây có phải là một sự kiện đơn lẻ không? Trả lời được những câu hỏi trên sẽ giúp chúng ta biết tại sao danh Đức Giê-hô-va vẫn rất quan trọng đối với nhiều nền văn hóa thuộc quần đảo Thái Bình Dương.

Danh Đức Chúa Trời được dùng rộng rãi

Nhiều giáo sĩ người Anh và Mỹ đến Thái Bình Dương vào thế kỷ 19 đã dùng danh Giê-hô-va trong cách nói hằng ngày và trong văn bản. Thật vậy, một sử gia đã nhầm lẫn tuyên bố những giáo sĩ đầu tiên này “là môn đồ của Giê-hô-va thay vì môn đồ của Christ”.

Các lá thư của những giáo sĩ này thường bắt đầu bằng cụm từ: “Cầu Chúa Giê-hô-va của chúng ta và Chúa Giê-su Christ vua bình an cứu giúp bạn”. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi một nhà ngôn ngữ học nổi tiếng là Albert J. Schütz nhận xét rằng trong quyển sách vỡ lòng được xuất bản năm 1825 ở Fiji, chỉ có một từ mượn của tiếng Anh, đó là danh Jehova.

Việc những giáo sĩ đầu tiên dùng danh Giê-hô-va đã tác động mạnh mẽ đến người dân đảo Thái Bình Dương. Một số dân đảo được các giáo sĩ dạy dỗ và sau đó được phái đi làm thầy giảng, hoặc giáo sĩ, để đem thông điệp của họ đến những đảo khác. Bình luận về việc hai giáo sĩ người Tahiti nói trên đến đảo Mangaia, sách The Covenant Makers—Islander Missionaries in the Pacific (Những người lập giao ước—Giáo sĩ dân đảo Thái Bình Dương) cho biết: “Đối với các thầy giảng người Tahiti, chỉ có Giê-hô-va là Đức Chúa Trời thật. Ngài tạo ra cả thế giới, và con người là một phần sáng tạo của Ngài... [Họ] khẳng định Giê-hô-va là Đức Chúa Trời thật duy nhất và Con Ngài, Chúa Giê-su Christ là Đấng Cứu Chuộc nhân loại”.

Khi mang thông điệp Kinh Thánh đến những đảo khác, một số giáo sĩ đầu tiên đã đương đầu với những nguy hiểm không thể tưởng vì người dân ở đó đôi khi rất hung hăng. Mô tả về những khó khăn đó, sách Mission, Church, and Sect in Oceania (Sứ mạng, giáo hội, và giáo phái ở Châu Đại Dương) nói: “Đức tin vững mạnh nơi Đức Giê-hô-va thường giúp vượt qua nỗi sợ hãi và tuyệt vọng”.

Một gương mẫu đáng nhớ về đức tin như thế nơi Đức Giê-hô-va được thể hiện vào năm 1823 khi thông điệp Kinh Thánh được mang tới đảo Rarotonga thuộc Quần Đảo Cook. Giáo sĩ kiêm thủy thủ John Williams lái tàu đến đó và phái hai cặp vợ chồng lên bờ để dạy người Rarotonga. Nhưng, sau khi có sự bất đồng với ông vua đã quá say rượu, các giáo sĩ này bị đánh đập tàn nhẫn. Toàn bộ tài sản của họ bị tước đoạt và suýt chút nữa thì mất mạng.

Trở lại tàu, các giáo sĩ này tả người Rarotonga là những người man rợ và tàn ác nhất mà họ từng gặp. Sợ điều tệ hại nhất có thể xảy ra, ông Williams quyết định tạm rời bỏ hòn đảo đó, ít nhất trong một thời gian. Thấy vậy, một thầy giảng trẻ tuổi tên Papeiha đã tình nguyện đến đảo đó một mình để thử rao giảng. Ông nói: “Dù những người man rợ này có tha hay giết tôi thì tôi vẫn lên đảo”.

Bằng những lời thường được trích trong các sách nói về hoạt động giáo sĩ thời ban đầu, Papeiha nói: “Ko Jehova toku tiaki! Tei roto au i tona rima!” (Đức Giê-hô-va là Đấng chăn giữ tôi! Tôi trong tay Ngài!) Sau đó, chỉ với một bộ đồ gọn nhẹ cùng với quyển sách chứa đựng những câu Kinh Thánh bằng tiếng Tahiti, ông nhảy qua mạn tàu và bơi vào bờ. Không chỉ sống sót, mà khi đến đảo ông nhận ra rằng nhiều người ở đó đã hưởng ứng những điều ông dạy.

Chính một người Rarotonga tên More Ta’unga sau này đã trở thành giáo sĩ. Vào năm 1842, ông trở thành giáo sĩ đầu tiên thiết lập nền tảng truyền giáo trên đảo New Caledonia. Nói về một người địa phương được ông chọn, dạy đọc và viết, More Ta’unga ghi trong nhật ký của mình: “Anh ấy dần dần học những điều này. Không lâu sau, anh nói với tôi: ‘Tôi muốn cầu nguyện’. Nhưng tôi khuyên anh đừng nóng vội. Một thời gian sau anh lại hỏi: ‘Ông không cho tôi cầu nguyện sao?’ Kế đó anh hỏi sao tôi không đồng ý để anh cầu nguyện, thì tôi đáp: ‘Anh phải bỏ hình tượng trước đã thì mới có thể cầu nguyện với Đức Giê-hô-va. Chỉ một mình Ngài mới nghe anh’. Sau đó anh xách một giỏ hình tượng đến chỗ tôi và nói: ‘Hãy đốt chúng đi. Từ giờ trở đi Đức Giê-hô-va sẽ là Đức Chúa Trời của tôi’. Anh ấy trở nên tiến bộ trong việc cầu nguyện”.

Người dân đảo Thái Bình Dương chấp nhận Đức Giê-hô-va

Vì các giáo sĩ dùng tên Đức Chúa Trời cách rộng rãi nên không lạ gì khi những người nghe giảng bắt đầu chấp nhận Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời của họ. Cuốn Missionary Adventures in the South Pacific (Những cuộc phiêu lưu của các giáo sĩ ở Nam Thái Bình Dương) tả một buổi họp lớn được tổ chức tại một đảo ở miền bắc Thái Bình Dương sau khi chiếc tàu Morning Star chở các giáo sĩ cập bến. Sách này nói người dân đảo “biểu quyết bằng cách giơ tay, phần lớn để vậy khá lâu, nhằm khẳng định là họ sẽ dẹp bỏ hình tượng và thờ phượng Đức Giê-hô-va. Ngoài ra, họ sẽ cung cấp đầy đủ các nhu cầu cho những thầy giảng. Một miếng đất được dâng riêng cho Đức Giê-hô-va để xây nhà thờ và nhà ở cho các thầy giảng”.

Nói về sự cải đạo của Malietoa, tộc trưởng đảo Samoa, quyển sách Wiliamu—Mariner-Missionary—The Story of John Williams (WiliamuGiáo sĩ kiêm thủy thủCâu chuyện của John Williams) cho biết: “Malietoa nói một bài giảng dài trước dân chúng, công khai hứa sẽ trở thành người thờ phượng Đức Giê-hô-va và xây một nhà thờ cho Ngài. Ông ra lệnh những người đang ở nhà phải bắt đầu học về Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su Christ”.

Tất cả các hoạt động này ảnh hưởng lâu dài trên đời sống của nhiều cộng đồng ở quần đảo Thái Bình Dương. Thậm chí ngày nay tại nhiều nước như Fiji và Samoa, danh Đức Giê-hô-va cũng được nhắc đến trên đài phát thanh hoặc báo chí địa phương là chuyện bình thường.

Nhưng ảnh hưởng đó không chỉ dừng ở đây. Trong quyển Treasure Islands (Quần đảo châu báu) được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1977, tác giả Pearl Binder cho thấy tầm quan trọng của danh Đức Giê-hô-va đối với người dân Banaba. Trước đây họ sống ở Kiribati nhưng sau đó đến đảo Rabi thuộc Fiji định cư. Bà Binder viết: “Các giáo sĩ tới Banaba đã mang đến cho dân nhiều hơn những gì họ tưởng... Niềm tin nơi Giê-hô-va là phần cốt yếu của đời sống họ, và hơn bất cứ điều gì khác, nó giúp họ đoàn kết trong suốt bảy mươi năm gian khổ, hoạn nạn ngày càng chồng chất, và đến nay họ vẫn giữ được đức tin. Nếu không có Giê-hô-va của người da trắng (Đấng mà chính người da trắng ngày càng xem thường), dân Banaba hẳn đã bị diệt vong”.

Danh Đức Chúa Trời trong các bản dịch Kinh Thánh

Một trong những mục tiêu chính của các giáo sĩ đầu tiên là xuất bản các bản dịch Kinh Thánh dễ hiểu bằng những thứ tiếng của quần đảo Thái Bình Dương. Nhờ những nỗ lực của họ, Kinh Thánh được in bằng nhiều thứ tiếng của cả vùng Thái Bình Dương. Điều hợp lý là những dịch giả này phiên âm danh Giê-hô-va giống như họ phiên âm tên tất cả các nhân vật khác trong Kinh Thánh.

Những người nghiêm túc học Kinh Thánh thật thích thú khi thấy các dịch giả đầu tiên này đã dùng danh Giê-hô-va không những trong bản dịch phần tiếng Hê-bơ-rơ mà còn trong bản dịch phần tiếng Hy Lạp, thường gọi là Tân Ước. Một cuộc nghiên cứu trong bảy thứ tiếng của quần đảo Thái Bình Dương cho thấy danh Giê-hô-va được dùng trong 72 câu khác nhau thuộc phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp. Những câu này không chỉ có trong các bản dịch của thế kỷ 19 mà cũng có trong một bản dịch hiện đại bằng tiếng Rotuma được xuất bản vào năm 1999. Bản dịch này dùng danh Giê-hô-va trong 48 câu của phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp.

Vào cuối thế kỷ 19, William Wyatt Gill, một giáo sĩ lâu năm ở Thái Bình Dương, đã viết về một trong những bản dịch đầu tiên: “Trong suốt 42 năm dùng Kinh Thánh tiếng Rarotonga, tôi mạn phép thừa nhận rằng đây là một bản dịch vừa hay vừa sát với bản gốc... Như trong tất cả các bản dịch khác của vùng Thái Bình Dương và New Guinea, danh thánh ‘Giê-hô-va’ được phiên âm chứ không bao giờ dịch ra, như thế càng cho thấy rõ sự khác biệt giữa Đức Chúa Trời hằng sống và các vật mà người ngoại đạo thờ”.

Tại sao họ dùng danh Đức Chúa Trời?

Tại sao các giáo sĩ, dịch giả Kinh Thánh, và thầy giảng này dùng danh riêng của Đức Chúa Trời, Giê-hô-va, rộng rãi đến thế? Đặc biệt vì họ nhận thấy cần phải phân biệt Giê-hô-va Đức Chúa Trời có một và thật với vô số thần giả mà dân đảo Thái Bình Dương thờ phượng. (Giăng 17:3; 1 Cô-rinh-tô 8:5, 6) Mỗi thần đều có tên riêng, nên điều hiển nhiên là những người thờ phượng các thần này đều hỏi: “Chúa của ông là ai? Ngài tên gì?” Dùng từ ‘Chúa’ theo ngôn ngữ địa phương sẽ khiến họ hiểu lầm hoặc có lẽ làm họ nghĩ rằng Đấng Toàn Năng đơn giản cũng là một vị thần khác, thêm vào số thần họ đã thờ. Vì thế việc các giáo sĩ đầu tiên này dùng rộng rãi danh Giê-hô-va là điều tất nhiên.

Có phải tất cả những người dùng danh Giê-hô-va đều thật sự hiểu Ngài là ai không? Không. Một dịch giả kiêm giáo sĩ, con trai của một giáo sĩ người Hawaii nổi tiếng có cùng tên là Hiram Bingham, đã hô lớn “chỉ có một Đức Chúa Trời thật—Giê-hô-va” khi ông rao giảng cho dân đảo Abaiang (ở Kiribati) trong lúc họ thiêu đốt các hình tượng. Nhưng sách Missionary Adventures in the South Pacific tường thuật về biến cố này:

“Tuy vậy, ông Bingham biết là việc từ bỏ các hình tượng không có nghĩa—hoặc chưa có nghĩa—là người dân thật sự theo đạo Đấng Christ. Họ chưa hiểu sâu ý nghĩa thật sự của thông điệp trong Phúc Âm, nhưng đây là một bước khởi đầu”. Rõ ràng, chỉ biết danh Đức Giê-hô-va thôi thì chưa đủ. Tín đồ thật của Đấng Christ cần phải biết cá tính của Đức Giê-hô-va và vâng lời Ngài trong mọi khía cạnh.—Giô-ên 2:32.

Ngay cả người trung thành Môi-se, vốn đã biết và dùng danh Giê-hô-va, vẫn cần biết thêm. Ông cầu xin: “Vậy bây giờ, nếu tôi được ơn trước mặt Chúa, xin cho tôi biết đường của Chúa, để cho tôi biết Chúa và được ơn trước mặt Ngài”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 33:13) Thật vậy, Môi-se không chỉ muốn biết danh Giê-hô-va mà còn muốn biết các đức tính của Ngài và cách làm Ngài hài lòng. Nhờ lời cầu khẩn này, Môi-se đã được ban cho đặc ân tuyệt diệu là chứng kiến sự vinh hiển liên quan đến ý nghĩa của danh Đức Giê-hô-va.—Xuất Ê-díp-tô Ký 33:19; 34:5-7.

Ngày nay cũng vậy, hàng ngàn Nhân Chứng Giê-hô-va khắp vùng Thái Bình Dương dùng Kinh Thánh do những giáo sĩ đầu tiên biên dịch nhằm giúp những người có lòng thành thật không những hiểu ý nghĩa danh Giê-hô-va mà còn biết những gì Ngài đòi hỏi nơi những người thờ phượng Ngài bằng “tâm-thần và lẽ-thật”. (Giăng 4:23, 24) Thật vậy, danh Giê-hô-va đang được vinh hiển “trong các cù-lao biển”. Do đó nhiều ngàn người đang đặt hy vọng nơi danh cao cả của Ngài.—Ê-sai 24:15; 42:12; 51:5; Châm-ngôn 18:10.

[Hình nơi trang 20]

Dân đảo Thái Bình Dương rao truyền cho người khác danh Đức Chúa Trời mà họ học biết từ các giáo sĩ đầu tiên của khối đạo xưng theo Đấng Christ

[Nguồn tư liệu]

Cây dừa và hình bên trái: Từ sách Gems From the Coral Islands

[Hình nơi trang 21]

John Williams

[Nguồn tư liệu]

Culver Pictures

[Hình nơi trang 21]

Papeiha

[Nguồn tư liệu]

Được sự cho phép của Viện Nghiên Cứu Thái Bình Dương, từ sách Mission Life in the Islands of the Pacific của Aaron Buzacott

[Hình nơi trang 23]

Nhân Chứng Giê-hô-va rao truyền danh Đức Chúa Trời trên khắp thế giới