Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hãy đúng giờ!

Hãy đúng giờ!

Hãy đúng giờ!

“ĐI TRỄ là tật cố hữu của các nhân viên cấp cao. Trong mười cuộc họp họ đến trễ hết sáu”, tờ USA Today bình luận, dựa trên cuộc thăm dò 2.700 nhân viên cấp cao.

Trong lãnh vực thương mại, đi trễ không chỉ bị xem là biểu hiện của một tác phong xấu. Một cuộc nghiên cứu trên 81.000 người xin việc cho thấy: “Việc thất thoát giờ do nhân viên đi trễ và vắng mặt không phép là một trong những nguyên nhân chính gây thất thu ngân sách”. Dĩ nhiên, không chỉ trong lãnh vực thương mại việc đi trễ mới gây ra nhiều vấn đề. Một cuộc thăm dò nơi hiệu trưởng của các trường trung học cho biết “đi trễ là lý do chính và thường xuyên nhất khiến học sinh bị kỷ luật”.

Đấng Tạo Hóa muốn chúng ta ý thức về thời gian. Ngài đặt “hai vì sáng lớn”—mặt trời và mặt trăng—đúng chỗ để giúp chúng ta tính giờ. (Sáng-thế Ký 1:14-16) Ngày nay, các loại đồng hồ cho phép chúng ta tính giờ chính xác đến từng phút, từng giây. Tuy công nghệ kỹ thuật tiến bộ đến mức đó, nhiều người vẫn khó giữ đúng giờ—trong việc làm, việc học và những cuộc hẹn quan trọng khác.

Vấn đề có nhất thiết là do thiếu thời giờ không? Đúng là công việc và gia đình đòi hỏi rất nhiều thời gian. Tuy nhiên, chị Wanda Rosseland, một người mẹ đi làm, nói: “Tôi đã thôi ca cẩm là mình không có đủ thời gian khi nhận ra rằng ai cũng chỉ có 24 giờ một ngày mà thôi. Tôi suy nghĩ và nghiệm ra rằng trong thế giới hiện đại ngày nay không phải chúng ta có ít thời giờ mà vì có quá nhiều chuyện làm chúng ta bị gián đoạn công việc và phân tâm”.

Hãy xem trường hợp của chị Renee, * một người mẹ có năm con và là Nhân Chứng Giê-hô-va. Chị kể: “Khi các con còn nhỏ, sửa soạn cho chúng đi học và đi nhóm là cả một vấn đề. Tuy vậy, tôi không gặp khó khăn trong việc đến đúng giờ. Nhưng giờ đây, khi chúng đã lớn, tôi lại sanh tật đi trễ”. Bạn có tật này không? Nếu có, vẫn có thể thay đổi! Sau đây là một số điều bạn có thể làm.

HÃY NGHĨ ĐẾN HẬU QUẢ. Tật đi trễ có vẻ là chuyện nhỏ. Tuy nhiên hãy xem lời Kinh Thánh: “Con ruồi chết làm cho thúi dầu thơm của thợ hòa-hương; cũng vậy, một chút điên-dại làm nhẹ danh một người khôn-ngoan sang-trọng”. (Truyền-đạo 10:1) Thật vậy, “một chút điên-dại” do thiếu quan tâm đến người khác có thể làm giảm uy tín của bạn đối với thầy cô và cấp trên.

Hồi học cao đẳng, một chị tên Marie để ý thấy một số bạn cùng lớp “rất xem thường giờ giấc”, hay đi trễ. “Nhưng chẳng bao lâu họ phải thay đổi. Vì có hai giáo viên rất chú trọng giờ giấc, nên bất cứ sinh viên nào đi trễ vài phút đều bị xem như là vắng mặt, mà vắng mặt nhiều lần thì bị đánh rớt”.

Tật đi trễ cũng có thể ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ với bạn bè và những người cùng lứa. Anh Joseph, ở tuổi trung niên, kể về một tín đồ Đấng Christ mà anh biết cách đây nhiều năm. Dù được tôn trọng vì có tài dạy dỗ, nhưng người đó có một nhược điểm đáng xấu hổ. “Anh đó luôn luôn trễ, nghĩa là chuyện gì cũng trễ! Nhưng anh ta hình như chẳng quan tâm đến điều đó. Nhiều người đem tật anh ra châm biếm”. Người khác có bắt đầu xem bạn như là một người luôn luôn đi trễ không? Nếu vậy, những đức tính tốt của bạn có thể dễ bị lu mờ.

HÃY QUAN TÂM ĐẾN NGƯỜI KHÁC. Đi trễ là bất lịch sự và làm người khác bị phân tâm. Điều đó cũng có thể khiến người khác nghĩ bạn tự cao. Giải thích tại sao nhiều nhân viên cấp cao thường đi họp trễ, một doanh nhân thừa nhận: “Phần lớn chẳng qua là do tự kiêu”. Trái lại, tín đồ Đấng Christ xem người khác tôn trọng hơn họ. (Phi-líp 2:3) Họ cũng áp dụng Luật Vàng, đối xử với người khác theo cách họ muốn được đối xử. (Ma-thi-ơ 7:12) Chẳng lẽ bạn không bực mình sao khi phải chờ người khác? Thế thì đừng bắt người khác phải chờ mình.

TẬP SẮP XẾP GIỜ GIẤC. Bạn có tính hay trì hoãn và ‘đợi cho nước tới chân mới nhảy’ không? Bạn có cố làm quá nhiều việc trong một thời gian ngắn không? Nguyên tắc nơi Truyền-đạo 3:1 có thể giúp ích cho bạn: “Phàm sự gì có thì-tiết”. “Có thì-tiết”, hay thời gian biểu rõ ràng, cho mọi việc sẽ giúp bạn thực hiện công việc cách trình tự.

Trước hết, hãy liệt kê tất cả những việc cần làm. Kế đến, làm theo nguyên tắc nơi Phi-líp 1:10, NW: “Nhận rõ những điều quan trọng hơn”. Vâng, hãy đặt thứ tự ưu tiên. Việc nào tuyệt đối phải làm? Việc nào có thể làm sau cũng được? Và cuối cùng, hãy định ra thời điểm bắt đầu và thời lượng cần thiết để thực hiện từng công việc. Hãy thực tế và tránh sắp xếp quá nhiều việc trong một thời hạn quá ngắn.

Chị Dorothy rất biết ơn cha mẹ vì đã dạy cho chị có thói quen đúng giờ. Chị kể: “Nếu chúng tôi có buổi nhóm họp lúc 7:30 tối, thì mẹ bắt đầu chuẩn bị cho chúng tôi từ một tiếng 45 phút trước. Chúng tôi phải dành thời gian ăn tối, rửa chén, thay quần áo và lái xe đến phòng họp. Đúng giờ trở thành một thói quen bình thường trong đời sống chúng tôi”. Đôi khi cũng cần phòng hờ những chuyện bất ngờ xảy ra. Dorothy kể tiếp: “Gần đây trên đường đi đón vài người đi nhóm họp, tôi bị xẹp bánh xe. Sau khi ngừng lại thay bánh khác, tôi vẫn đến đón họ đúng giờ. Tôi luôn đi sớm để đề phòng xe cộ trục trặc hoặc kẹt xe”.

XIN LỜI KHUYÊN CỦA NGƯỜI KHÁC. Nơi Châm-ngôn 27:17, Kinh Thánh nói: “Sắt mài nhọn sắt. Cũng vậy người bổ-dưỡng diện-mạo bạn-hữu mình”. Phù hợp với nguyên tắc này, hãy nói chuyện với những người biết giữ đúng giờ có cùng hoàn cảnh như bạn. Họ thường có thể cho một số lời khuyên rất hữu ích.

Chị Renee, được nói đến ở trên, quyết tâm thay đổi tật đi trễ của chị. Chị nói: “Gần đây tôi nhất quyết sửa đổi. Tuy không dễ nhưng tôi đã có một số tiến bộ”. Bạn cũng vậy. Với suy nghĩ đúng đắn và nỗ lực, bạn cũng có thể tập đúng giờ!

[Chú thích]

^ đ. 6 Một số tên đã được thay đổi.

[Các hình nơi trang 24]

Tật đi trễ thể hiện sự thiếu quan tâm đến người khác và có thể để lại ấn tượng xấu với cấp trên

[Hình nơi trang 25]

Biết cách sắp xếp công việc có thể giúp bạn tránh lãng phí thì giờ