Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Điều quý hơn danh vọng

Điều quý hơn danh vọng

Điều quý hơn danh vọng

DO CHARLES SINUTKO KỂ LẠI

Năm 1957, tôi được mời ký một hợp đồng biểu diễn để hát ở Las Vegas, Nevada, Hoa Kỳ, trong suốt 13 tuần với thù lao một ngàn Mỹ kim mỗi tuần. Nếu các buổi biểu diễn thành công, tôi sẽ tiếp tục hợp đồng thêm 50 tuần nữa, nghĩa là sẽ có thêm 50.000 Mỹ kim—một số tiền kếch xù vào thời đó. Hãy để tôi giải thích nguyên nhân nào dẫn đến lời đề nghị béo bở này và điều gì khiến quyết định nhận hay từ chối hợp đồng lại khó đến thế.

CHA tôi là người Ukraine, sinh năm 1910 ở Đông Âu. Năm 1913, bà nội dẫn cha tôi sang Hoa Kỳ để đoàn tụ với ông nội. Cha tôi kết hôn năm 1935, và một năm sau tôi ra đời ở Ambridge, Pennsylvania. Lúc đó, hai người anh của cha tôi đã trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va.

Khi tôi và ba em trai còn bé, gia đình chúng tôi sống gần New Castle, Pennsylvania, và mẹ tôi học Kinh Thánh với Nhân Chứng trong một thời gian ngắn. Lúc bấy giờ, cha mẹ tôi chưa là Nhân Chứng, nhưng cha nghĩ rằng hai anh mình có quyền tin những gì họ muốn. Dù dạy chúng tôi có tinh thần yêu nước, nhưng cha luôn bênh vực quyền tự do tín ngưỡng của người khác.

Nghiệp ca hát

Vì thấy tôi có giọng ca thiên phú, nên cha mẹ đã làm tất cả những gì có thể để phát huy năng khiếu của tôi. Khi tôi lên sáu hay bảy, cha để tôi đứng trên quầy phục vụ của một hộp đêm để tôi hát và chơi đàn ghi-ta. Tôi hát bài “Mother” (Người mẹ). Những chữ cái đầu của mỗi lời bài hát ráp lại thành từ “mother”. Mỗi lời của ca khúc đều ca ngợi những đức tính đáng quý của người mẹ đầy yêu thương. Bài hát được khép lại bằng âm giai cao vút gây xúc động lòng người. Những người đàn ông ngồi ở quầy, thường là quá chén, đã bật khóc và bỏ tiền vào nón của cha tôi.

Vào năm 1945, lần đầu tiên tôi được hát nhạc đồng quê cho chương trình của đài phát thanh WKST ở New Castle. Sau đó, tôi tham gia nhiều thể loại nhạc khác và hát cả những bài trong chương trình Hit Parade (Những ca khúc được yêu thích nhất) phát sóng hàng tuần, gồm mười ca khúc được bình chọn là hay nhất trong tuần. Tôi xuất hiện lần đầu tiên trên truyền hình vào năm 1950, trong chương trình của Paul Whiteman. Bài “Rhapsody in Blue” do George Gershwin sáng tác và được nhạc trưởng Paul Whiteman soạn lại, đến nay vẫn nổi tiếng. Không lâu sau đó, cha tôi bán căn nhà ở Pennsylvania, và chúng tôi dọn đến Los Angeles, California, với hy vọng nới rộng sự nghiệp của tôi.

Nhờ sự kiên trì của cha, chẳng lâu sau tôi được biểu diễn hàng tuần trong chương trình phát thanh ở Pasadena và mỗi tuần nửa tiếng trên chương trình truyền hình ở Hollywood. Tôi đã thu âm tại phòng thu Capitol Records với hàng trăm thành viên trong dàn nhạc của Ted Dale, và tôi cũng được hát trên đài phát thanh CBS. Năm 1955, tôi mang một bản nhạc kịch đến Lake Tahoe thuộc miền bắc California. Lúc đó, quan niệm của tôi về điều ưu tiên trong đời sống đã thay đổi hẳn.

Phát huy điều ưu tiên mới

Trong thời gian ấy, bác John—anh của cha tôi, cũng từ Pennsylvania đến California—đã cho tôi cuốn “Let God Be True” (“Xưng Đức Chúa Trời là thật”). * * Tôi mang sách ấy theo đến Lake Tahoe. Sau màn cuối, thường kết thúc sau nửa đêm, tôi bắt đầu đọc sách này để thư giãn trước khi ngủ. Tôi vô cùng thích thú khi tìm ra lời giải đáp qua Kinh Thánh về những vấn đề tôi đã thắc mắc từ lâu.

Không lâu sau, tôi quanh quẩn tại hộp đêm sau giờ làm việc và nói chuyện với các bạn diễn, thường kéo dài đến rạng sáng. Chúng tôi bàn về những đề tài như đời sống sau khi chết, tại sao Đức Chúa Trời cho phép có sự gian ác, và nhân loại sẽ tự tiêu diệt mình và trái đất hay không. Vài tháng sau đó, vào ngày 9-7-1955, tôi làm báp têm, biểu trưng sự dâng mình để phụng sự Giê-hô-va Đức Chúa Trời tại đại hội địa hạt của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Wrigley Field, Los Angeles.

Chưa đầy sáu tháng sau, sáng ngày Lễ Giáng Sinh năm 1955, anh Henry Russell, một Nhân Chứng, rủ tôi đến viếng thăm Jack McCoy là người trong ngành kinh doanh giải trí. Anh Henry chính là người quản lý dàn nhạc của đài NBC. Khi chúng tôi đến, vợ chồng Jack cùng ba người con đều ngồi nghe chúng tôi nói, dù lúc đó họ vừa mới mở những gói quà Giáng Sinh. Không lâu sau, anh và cả gia đình trở thành Nhân Chứng.

Khoảng thời gian này, tôi giúp mẹ hiểu Kinh Thánh, và bà chấp nhận lẽ thật. Bà trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va và làm tiên phong, tức người truyền giáo trọn thời gian. Sau đó, ba em trai tôi cũng báp têm và tham gia thánh chức tiên phong một thời gian. Vào tháng 9 năm 1956, tôi bắt đầu làm tiên phong lúc 20 tuổi.

Những quyết định về việc làm

Trong thời gian này, George Murphy, thân với trợ lý của tôi, tỏ ý muốn đẩy mạnh sự nghiệp của tôi. Ông đã đóng nhiều phim trong thập niên 1930 và 1940. Tháng 12 năm 1956, nhờ vào mối quan hệ của ông Murphy, tôi xuất hiện trong chương trình của Jackie Gleason trên đài truyền hình CBS, Thành Phố New York. Vì chương trình này có khoảng 20 triệu người xem, nên đây là một bước ngoặc lớn trong sự nghiệp của tôi. Khi ở New York, lần đầu tiên tôi đến thăm trụ sở trung ương quốc tế của Nhân Chứng Giê-hô-va ở Brooklyn.

Sau khi xuất hiện trong chương trình của ông Gleason, tôi ký một hợp đồng bảy năm với hãng phim MGM. Tôi được phân vai trong một bộ phim cao bồi nhiều tập trên truyền hình. Nhưng sau một thời gian, lương tâm tôi bắt đầu bị giày vò vì phải đóng vai một kẻ đánh bạc có tài bắn súng cừ khôi—những vai làm cho lối sống vô luân và hành vi không phù hợp với đạo Đấng Christ trở nên thi vị và lãng mạn. Thế nên tôi hủy hợp đồng. Những người trong ngành kinh doanh giải trí cho rằng tôi mất trí.

Việc này dẫn đến lời đề nghị béo bở là biểu diễn tại Las Vegas, như đã đề cập ở đầu bài. Nếu ký hợp đồng, tôi phải bắt đầu biểu diễn trong tuần lễ anh giám thị lưu động đến viếng thăm hội thánh. Nếu không nhận việc làm ngay, tôi sẽ mất tất cả. Lương tâm tôi giằng co vì cha kỳ vọng tôi kiếm được thật nhiều tiền! Tôi cảm thấy cha xứng đáng được đền bù về tất cả những gì ông đã làm để đẩy mạnh sự nghiệp của tôi.

Vì thế, tôi nói chuyện với anh Carl Park, giám thị chủ tọa của hội thánh và cũng là nhạc công chơi vĩ cầm từng tham gia dàn nhạc của đài phát thanh WBBR ở New York vào thập niên 1920. Tôi giải thích rằng nếu ký hợp đồng này thì tôi có thể làm tiên phong suốt đời mà không cần phải lo lắng về tài chính. Anh ấy nói: “Tôi không thể quyết định thay anh, nhưng có thể giúp anh thấy rõ vấn đề”. Anh hỏi tôi: “Nếu tuần này sứ đồ Phao-lô đến thăm hội thánh mình, anh có bỏ đi để làm việc khác không? Trong trường hợp này, anh nghĩ Chúa Giê-su sẽ khuyên anh làm gì?”

Theo tôi như vậy là quá rõ ràng. Khi cho cha biết tôi quyết định không ký hợp đồng biểu diễn ở Las Vegas, cha nói là tôi đã hủy hoại đời sống của ông. Đêm đó, ông đợi tôi về nhà và trên tay cầm khẩu súng ngắn. Ông định sẽ giết tôi nhưng dường như do quá chén nên ông đã ngủ quên. Sau đó ông tìm cách tự tử bằng cách hít khói xe trong nhà xe. Tôi gọi cấp cứu và họ đã cứu được ông.

Biết tính khí nóng nảy của cha, nhiều người trong hội thánh sợ ông, ngoại trừ anh Roy Dowell, giám thị vòng quanh. Khi anh Roy đến gặp cha, ông cho anh biết rằng khi tôi ra đời, khả năng sống sót của tôi rất thấp. Cha có hứa với Chúa là nếu tôi qua được cơn nguy kịch, ông sẽ dâng tôi cho Ngài. Anh Roy hỏi cha tôi có bao giờ nghĩ rằng giờ đây Chúa đang muốn ông thực hiện lời hứa hay không. Điều này làm cha tôi sửng sốt. Anh Roy hỏi tiếp: “Nếu Chúa xem việc phụng sự trọn thời gian là tốt cho Con Ngài, lẽ nào điều đó lại không tốt cho con ông ?” Khi nghe vậy, dường như sau đó cha chấp nhận sự chọn lựa của tôi.

Vào tháng Giêng năm 1957, Shirley Large và một chị cùng làm tiên phong, từ Canada đến thăm vài người bạn. Khi tham gia thánh chức từ nhà này sang nhà kia cùng với hai chị này, tôi và Shirley bắt đầu quen biết nhau. Không lâu sau, Shirley theo tôi đến Hollywood Bowl, một rạp hát ngoài trời, nơi tôi biểu diễn với nữ ca sĩ Pearl Bailey.

Làm theo điều đã quyết định

Tháng 9 năm 1957, tôi được bổ nhiệm làm tiên phong đặc biệt ở bang Iowa. Khi biết tôi nhận nhiệm sở này, cha tôi khóc nức nở. Ông không thể hiểu quan điểm mới của tôi về những gì có giá trị thật sự. Tôi lái xe đến Hollywood và hủy tất cả các hợp đồng. Tôi có hợp đồng với ông Fred Waring, một nhạc trưởng và chỉ huy dàn hợp xướng nổi tiếng. Ông cảnh báo rằng tôi sẽ không bao giờ được hát lại nếu không thực hiện hợp đồng. Tôi giải thích rằng tôi bỏ nghiệp ca hát để nới rộng thánh chức phụng sự Giê-hô-va Đức Chúa Trời.

Sau khi tử tế nghe tôi giải thích khá lâu, ông Waring làm tôi ngạc nhiên khi nhẹ nhàng nói: “Tôi lấy làm tiếc khi nghe cậu từ bỏ sự nghiệp đầy triển vọng này, nhưng vì suốt đời làm việc trong giới âm nhạc, tôi nhận ra rằng có những thứ còn ý nghĩa hơn cả âm nhạc. Cầu Chúa ban phước cho công việc của cậu”. Tôi vẫn còn nhớ, trên đường về nhà, mắt tôi rướm lệ vì vui mừng biết rằng từ nay tôi có thể phụng sự Đức Giê-hô-va suốt đời.

“Đức tin anh ở đâu?”

Cùng với Joe Triff, tôi bắt đầu phục vụ ở Strawberry Point, bang Iowa, một thị trấn với 1.200 dân. Shirley đến thăm tôi, và chúng tôi tính chuyện hôn nhân. Cả hai chúng tôi đều không có quỹ tiết kiệm vì tất cả tiền tôi làm được đều nằm trong tay cha tôi. Tôi giải thích: “Anh muốn kết hôn với em, nhưng chúng ta sinh sống bằng cách nào? Tất cả những gì anh có là 40 đô la, tiền trợ cấp mỗi tháng cho tiên phong đặc biệt”. Với thái độ điềm tĩnh và thẳng thắn như mọi khi, cô ấy nói: “Đức tin anh ở đâu, anh Charles? Chúa Giê-su đã nói nếu chúng ta tìm kiếm Nước Trời và sự công bình của Đức Giê-hô-va, Ngài sẽ cho chúng ta mọi điều mình cần”. (Ma-thi-ơ 6:33) Như vậy, mọi việc đã ổn thỏa. Chúng tôi kết hôn vào ngày 16 -11-1957.

Tôi giúp một chủ nông trại ở ngoại ô Strawberry Point học Kinh Thánh. Ông có một căn nhà gỗ khoảng 3,6 mét vuông trong khu rừng của ông, không điện nước, không nhà vệ sinh, nhưng nếu muốn, chúng tôi có thể ở đó miễn phí. Đó là một nơi đơn sơ nhưng chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi làm thánh chức suốt ngày, nên chỉ cần một nơi để ngả lưng.

Tôi lấy nước từ một con suối gần đấy; chúng tôi dùng gỗ để sưởi ấm và đọc sách bằng đèn dầu; Shirley dùng bếp dầu để nấu ăn, và chúng tôi dùng một chậu giặt cũ để tắm rửa. Vào ban đêm, chúng tôi nghe tiếng sói hú và cảm thấy may mắn khi sống bên nhau và cùng phụng sự Đức Giê-hô-va ở nơi có nhu cầu lớn. Anh Bill Malenfant và vợ anh là Sandra, hiện đang phụng sự tại trụ sở trung ương ở Brooklyn, lúc đó là tiên phong đặc biệt ở Decorah, bang Iowa, cách chúng tôi khoảng 100 kilômét. Thỉnh thoảng, họ đến cùng rao giảng với chúng tôi một ngày. Với thời gian, một hội thánh gồm 25 người được thành lập tại Strawberry Point.

Trong công tác lưu động

Vào tháng 5 năm 1960, tôi được bổ nhiệm làm giám thị vòng quanh, một công tác lưu động. Vòng quanh đầu tiên của chúng tôi là ở North Carolina gồm những thành phố như Raleigh, Greensboro và Durham, cùng một số thị trấn nhỏ khác. Vì được ở nhà anh em, có điện và ngay cả phòng vệ sinh trong nhà, điều kiện sống của chúng tôi được cải thiện. Tuy nhiên, tại một số nơi, chúng tôi không yên tâm lắm khi nghe chủ nhà cảnh báo rằng có thể gặp rắn hổ mang và rắn chuông trên đường đi đến phòng vệ sinh bên ngoài nhà!

Đầu năm 1963, chúng tôi chuyển đến vòng quanh ở Florida, nơi tôi đã suýt chết vì căn bệnh viêm ngoại tâm mạc. Tôi không thể sống sót nếu không có anh Bob và chị Ginny Mackey ở Tampa. * Anh chị này đã đưa tôi đến bác sĩ của họ và thậm chí trả mọi chi phí cho tôi.

Sử dụng khả năng được đào tạo

Mùa hè năm 1963, tôi được mời đến phụ giúp trong việc tổ chức một đại hội lớn của Nhân Chứng Giê-hô-va ở New York. Ông Larry King mời anh Milton Henschel—đại diện của Nhân Chứng Giê-hô-va—phát biểu trong chương trình của ông trên đài phát thanh, và tôi được đi theo. Cho đến nay, ông Larry King vẫn nổi tiếng với chương trình phỏng vấn của mình trên truyền hình. Ông tỏ thái độ rất tôn trọng, và sau chương trình, ông dành khoảng một tiếng đặt nhiều câu hỏi về công việc của Nhân Chứng.

Cũng vào mùa hè đó, anh Harold King, một giáo sĩ vừa được trả tự do từ trại giam ở Trung Quốc, được mời đến trụ sở trung ương của Nhân Chứng. Vào một buổi tối, anh chia sẻ kinh nghiệm với khoảng 700 người trong cử tọa, và cho biết cách đức tin anh được củng cố sau hơn bốn năm bị biệt giam. Trong tù, anh đã viết những bài hát liên quan đến Kinh Thánh và thánh chức.

Vào buổi tối đáng nhớ đó, chị Audrey Knorr, anh Karl Klein, và anh Fred Franz, một Nhân Chứng lâu năm có giọng ca bổng được đào tạo, cùng với tôi hát bài “Từ nhà này sang nhà kia”, bài hát sau này được in trong sách hát của Nhân Chứng Giê-hô-va. Theo yêu cầu của anh Nathan Knorr, người lãnh đạo công việc của Nhân Chứng vào thời đó, tôi đã hát bài này trong Đại Hội “Tin mừng đời đời” được tổ chức vào tuần sau đó ở sân vận động Yankee Stadium.

Những kinh nghiệm trong công tác lưu động

Tôi có hai kinh nghiệm đáng nhớ khi phục vụ ở Chicago, bang Illinois. Kinh nghiệm thứ nhất là tại hội nghị vòng quanh, khi Shirley gặp lại chị Vera Stewart, người đã làm chứng cho Shirley và mẹ ở Canada vào giữa thập niên 1940. Lúc đó mới 11 tuổi, Shirley đã hưởng ứng khi nghe về lời hứa của Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh, và hỏi chị Vera: “Cô nghĩ con có thể được vào thế giới mới đó không?” Chị Vera trả lời: “Sao lại không, hả Shirley ?” Cả hai vẫn nhớ như in những lời đó. Từ lần đầu tiên gặp chị Vera, Shirley đã biết mình sẽ phụng sự Đức Giê-hô-va.

Kinh nghiệm thứ hai là lúc một Nhân Chứng hỏi tôi còn nhớ về bao khoai tây nặng khoảng 25 ký mà tôi thấy ngoài cửa vào mùa đông 1958 hay không. Dĩ nhiên, tôi nhớ. Vợ chồng tôi thấy nó vào một buổi tối sau khi khó khăn tìm được đường về nhà trong cơn bão tuyết! Dù không biết bao khoai tây này từ đâu đến, nhưng chúng tôi nghĩ đó là do Đức Giê-hô-va ban cho. Trong suốt năm ngày, chúng tôi không đi đâu được vì tuyết quá dày, nhưng chúng tôi có thể thưởng thức món bánh khoai tây, khoai tây nướng, khoai tây chiên, khoai tây nghiền và súp khoai tây! Ngoài ra không có gì khác để ăn. Anh Nhân Chứng đó không biết chúng tôi là ai và sống ở đâu, nhưng anh nghe nói có vài tiên phong gần đó đang gặp khó khăn. Anh cho biết có gì đó thúc đẩy anh tìm nơi ở của cặp vợ chồng tiên phong trẻ này. Ở nông thôn, ai cũng biết nhau, do đó anh nhanh chóng tìm ra nơi ở của chúng tôi và mang bao khoai tây tới đó dưới trời tuyết.

Hài lòng về quyết định của mình

Năm 1993, sau 33 năm làm công tác lưu động, sức khỏe tôi yếu đi đến mức tôi phải ngưng làm việc này. Cho đến nay, tôi và Shirley vẫn thuộc diện tiên phong đặc biệt dành cho những người có sức khỏe kém. Dù rất tiếc vì không còn đủ sức làm công tác lưu động, nhưng tôi cảm thấy vui khi đã dành năng lực tuổi trẻ để phụng sự trọn thời gian.

Ba em trai của tôi có những lựa chọn khác. Mỗi người đã theo đuổi sự giàu sang về vật chất và hiện nay không ai còn phụng sự Đức Giê-hô-va. Cha tôi thì đã báp têm vào năm 1958. Cha mẹ tôi đã giúp nhiều người biết Đức Giê-hô-va, dâng mình cho Ngài và làm báp têm. Cả hai đều mất vào năm 1999. Cuối cùng, việc tôi quyết định từ bỏ danh vọng và sự giàu sang dường như đã mang đến sự sống cho cha tôi, cũng như cho những người mà cha mẹ tôi giúp hiểu biết lẽ thật. Tôi thường tự hỏi: ‘Nếu tôi không dứt khoát ngay từ lúc đầu, liệu tôi còn tiếp tục phụng sự Đức Giê-hô-va hay không?’

Khoảng năm năm sau khi ngưng công tác vòng quanh, sức khỏe tôi được cải thiện và tôi có thể nới rộng thánh chức. Nay tôi phục vụ với tư cách là giám thị chủ tọa của hội thánh Desert Hot Springs, California. Tôi cũng có đặc ân làm giám thị vòng quanh dự khuyết, tham gia trong ủy ban đặc biệt, và đôi khi làm giảng viên của Trường Huấn Luyện Tiên Phong.

Cho đến nay Shirley vẫn là người thân yêu nhất của tôi và cũng là người mà tôi thích gần gũi nhất. Chúng tôi thường có những cuộc trò chuyện mang tính thiêng liêng và khích lệ, cả hai chúng tôi đều hứng khởi khi thảo luận về lẽ thật trong Kinh Thánh. Với lòng biết ơn, tôi vẫn nhớ lời của Shirley hỏi tôi với giọng điềm tĩnh cách nay hơn 47 năm: “Đức tin anh ở đâu, anh Charles?” Nếu những cặp vợ chồng tín đồ trẻ chỉ hỏi nhau câu này, thì tôi không biết có bao nhiêu cặp cũng có được niềm vui và ân phước như chúng tôi đã có trong thánh chức trọn thời gian.

[Chú thích]

^ đ. 11 Anh John Sinutko là một Nhân Chứng trung thành của Đức Giê-hô-va cho đến khi anh qua đời vào năm 1996, ở tuổi 92.

^ đ. 11 Do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản nhưng nay không còn ấn hành.

^ đ. 32 Trong Tỉnh Thức! (Anh ngữ) ngày 22-2-1975, trang 12-16, anh Bob Mackey kể lại cuộc chống chọi với căn bệnh bại liệt của mình.

[Hình nơi trang 20]

Bác John năm 1935, năm bác làm báp têm

[Hình nơi trang 22]

Căn nhà gỗ của chúng tôi

[Hình nơi trang 23]

Ảnh của cha mẹ tôi vào năm 1975, họ trung thành cho đến khi qua đời

[Hình nơi trang 23]

Với Shirley hiện nay