Những ân phước quý báu hơn tiền bạc
Những ân phước quý báu hơn tiền bạc
Anh Jon, sống ở Hoa Kỳ, từng là một người rất thành đạt. Khi mới ở độ tuổi thanh niên, anh đã đi khắp thế giới và kiếm được nhiều tiền. Vợ chồng anh có một căn nhà sang trọng và cuộc sống thoải mái. Đối với nhiều người, vợ chồng anh rất có phước.
Hãy xem một trường hợp khác. Trong số hơn 5.000 người nộp đơn để được đào tạo tại một ngân hàng nổi tiếng ở châu Âu, chỉ có 80 người được chọn, và trong đó có anh Kostas *. Chỉ trong vòng vài năm, anh được thăng chức liên tục, và cuối cùng một ngân hàng khác mời anh về làm trưởng phòng. Từ lúc anh làm công việc ấy đến khi anh ra thành lập công ty riêng, số tiền anh kiếm được mỗi năm nhiều hơn số tiền mà phần lớn người ta làm cả đời. Anh cảm thấy mình có phước.
Tuy nhiên, cả hai người này đều tin chắc rằng có những điều còn quý báu hơn tiền bạc. Thế nên, hiện nay anh Jon đang tình nguyện giúp người khác tìm hiểu Kinh Thánh và biết về Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Anh tâm sự: “Chính bản thân tôi đã thấy và cảm nghiệm sự giàu có vật
chất không mang lại hạnh phúc thật. Muốn giàu có và duy trì mức sống ấy, một người phải tranh đấu liên tục, thế nên không còn thời gian dành cho việc khác. Ngược lại, sống theo tiêu chuẩn của Kinh Thánh mang lại rất nhiều ân phước, chẳng hạn có hôn nhân hạnh phúc hơn, tâm trí bình an và lương tâm thanh thản”.Anh Kostas cũng đồng ý: “Ý muốn của Đức Chúa Trời không phải là chúng ta có đời sống xa hoa. Tôi tin chắc rằng một khi đã được đáp ứng nhu cầu hằng ngày, chúng ta có trách nhiệm dùng những điều Đức Chúa Trời cho thêm để thực hiện những mục đích đẹp ý Ngài”. Gần đây, anh Kostas và gia đình đã bắt đầu học một ngoại ngữ để giúp nhiều người hơn biết về Kinh Thánh. Anh cho biết: “Chúng tôi cảm nghiệm rằng cho thì có phước hơn là nhận”.—Công-vụ 20:35.
Thật vậy, anh Jon và anh Kostas đều nhận thấy rằng ân phước Đức Chúa Trời ban cho quý giá hơn sự giàu có vật chất. Ông Daniel Gilbert, giáo sư của đại học Harvard, ghi nhận rằng các chuyên gia về sức khỏe tinh thần “đã dành ra hàng chục năm để nghiên cứu về mối quan hệ giữa sự giàu có và hạnh phúc. Nói chung, họ đều đi đến kết luận là vật chất chỉ làm con người hạnh phúc hơn khi nó giúp người ta thoát khỏi cảnh nghèo túng và bước sang tầng lớp trung lưu”. Ông nói thêm: “Sau đó, nó không giúp người ta hạnh phúc nhiều hơn nữa”.
Một bài học cay đắng
Một chuyên gia nhận xét: “Một khi người ta đã thoát khỏi cảnh nghèo, thật đáng ngạc nhiên là dù mức thu nhập có tăng lên nhưng người ta không cảm thấy hạnh phúc hơn”. Trước đó, vào đầu thế kỷ 20, một phóng viên đã có cùng cảm nhận khi phỏng vấn ông Andrew Carnegie, là người tiên phong trong ngành công nghiệp thép và một trong những người giàu nhất thế giới. Ông Carnegie cho biết: “Đừng ao ước được như tôi. Tài sản giúp được gì cho tôi? Nay tôi đã
60 tuổi và ăn uống không ngon miệng. Tôi sẵn sàng đánh đổi tất cả để có lại tuổi thanh xuân và sức khỏe”.Phóng viên cho biết thêm: “Sau đó, ông Carnegie bỗng nhiên quay mặt đi. Với giọng cay đắng và ẩn chứa một cảm xúc khó miêu tả, ông thì thầm: “Tôi sẵn sàng bán tất cả để đổi lấy một đời người””. Ông J. Paul Getty, một triệu phú và là ông trùm về dầu khí, cũng đồng tình: “Tiền bạc không nhất thiết gắn liền với hạnh phúc. Có lẽ nó gắn liền với bất hạnh thì đúng hơn”.
Hẳn bạn đồng ý với lời cầu xin của một người viết Kinh Thánh: “Chớ cho tôi nghèo-khổ, hoặc sự giàu-sang; hãy nuôi tôi đủ vật-thực cần-dùng, e khi no đủ, tôi từ-chối Chúa, mà rằng: Đức Giê-hô-va là ai? Và lại kẻo e tôi bị nghèo-khổ, ăn trộm-cắp, và làm ô danh của Đức Chúa Trời tôi chăng”.—Châm-ngôn 30:8, 9.
Vua Sa-lô-môn của nước Y-sơ-ra-ên xưa từng nói: “Ta trở nên cao-trọng hơn hết thảy những người ở trước ta tại Giê-ru-sa-lem”. Nhưng ông nhận xét thêm: “Mọi điều đó là sự hư-không và theo luồng gió thổi”. Vua cũng cho biết: “Phước-lành của Đức Giê-hô-va làm cho giàu-có; Ngài chẳng thêm sự đau lòng gì lẫn vào”.—Truyền-đạo 2:9-11; 5:12, 13; Châm-ngôn 10:22.
Con đường mang lại ân phước lâu dài
Rõ ràng, chỉ sau khi thỏa mãn được nhu cầu tâm linh thì chúng ta mới tìm được hạnh phúc chân chính và lâu dài. Nếu đặt việc thờ phượng Đức Chúa Trời lên hàng đầu, đời sống chúng ta sẽ trở nên phong phú và ý nghĩa hơn.
Thật tốt thay là trong tương lai chúng ta sẽ không phải lo lắng về tiền bạc! Kinh Thánh đảm bảo rằng ngành thương mại tham lam và bóc lột sẽ bị loại trừ vĩnh viễn (1 Giăng 2:15-17). Sau đó, Đức Chúa Trời sẽ mang lại một thế giới mới, nơi mà mọi người sẽ sống theo những nguyên tắc đạo đức cao cả của Ngài. Trái đất sẽ trở thành một địa đàng như ý định ban đầu của Đức Chúa Trời, khi Ngài cho cặp vợ chồng đầu tiên sống trong một khu vườn xinh đẹp. Thật là một ân phước khi được nhìn thấy cả trái đất toàn những người hạnh phúc, sống trong hòa bình và yêu thương!—Ê-sai 2:2-4; 2 Phi-e-rơ 3:13; 1 Giăng 4:8-11.
Đời sống lúc ấy không còn buồn tẻ và vô vị nữa. Khi Đức Chúa Trời thực hiện ý định ban đầu là cho nhân loại sống đời đời trong địa đàng, chúng ta sẽ được thỏa nguyện cả về tâm linh lẫn vật chất. Lúc ấy, mọi người sẽ sống sung túc dưới mái ấm gia đình và có công việc đầy ý nghĩa. Cảnh nghèo khổ đã lùi sâu vào quá khứ.—Thi-thiên 72:16; Ê-sai 65:21-23; Mi-chê 4:4.
Những người chân thành đặt lòng tin nơi Đức Giê-hô-va, Tác Giả của Kinh Thánh, sẽ không thất vọng (Rô-ma 10:11-13). Thế nên, điều khôn ngoan là ngay từ bây giờ nên cố gắng sống sao để được Đức Chúa Trời ban phước. Những ân phước đó thật quý báu hơn tiền bạc!—1 Ti-mô-thê 6:6-10.
[Chú thích]
^ đ. 3 Tên đã đổi.
[Câu nổi bật nơi trang 8]
Nếu đặt việc thờ phượng Đức Chúa Trời lên hàng đầu, đời sống chúng ta sẽ ý nghĩa hơn
[Hình nơi trang 8]
Muốn hạnh phúc, phải biết làm chủ đồng tiền