Quan sát thế giới
Quan sát thế giới
Ở nước Cộng hòa Georgia, đông nam châu Âu, “con số ly dị tăng gần gấp đôi trong mười năm vừa qua”. Đa số những người ly dị đều dưới 20 tuổi.—FINANCIAL, GEORGIA.
Một hiệp hội bảo vệ người trẻ cho biết ở Ai Len, 17% các em tuổi từ 11 đến 16 “cho người lạ trên Internet biết rõ họ tên”. Ngoài ra, 10% trong số các em này cũng cho biết địa chỉ email, số điện thoại di động và ảnh của mình”.—THE IRISH SOCIETY FOR THE PREVENTION OF CRUELTY TO CHILDREN.
Chỉ khoảng 4% những vụ cháy rừng trên thế giới là do nguyên nhân tự nhiên. Trong các trường hợp khác, con người vô tình hay cố ý gây ra ngọn lửa.—PRESSEPORTA, ĐỨC.
“Gần 10% người Mỹ [ở tuổi 12 hoặc hơn] thú nhận rằng họ thường xuyên dùng ma túy, kể cả cần sa, côcain, hê-rô-in, chất gây ảo giác, hít keo hoặc lạm dụng thuốc để tìm cảm giác lạ”.—USA TODAY, HOA KỲ.
Tính tự chủ giúp có đời sống ổn định
Tạp chí Time cho biết: “Theo một cuộc nghiên cứu, nếu một người thiếu tự chủ lúc còn trẻ thì đó có thể là dấu hiệu báo trước tình trạng sức khỏe kém, khả năng tài chính ít ổn định và có tiền án trước khi đến tuổi trưởng thành”. Hơn 1.000 người đã được khảo sát từ lúc sinh ra cho đến 32 tuổi. Đến tuổi trưởng thành, “những người [lúc còn nhỏ] có tính rất hấp tấp, dễ bực bội, khó chịu khi muốn được đáp ứng ngay hoặc phải chờ đến lượt của mình” thì so với người khác, họ bị sức khỏe kém, thu nhập thấp, là cha hoặc mẹ đơn thân hoặc là tội phạm nhiều khoảng gấp ba lần. Nhưng, tạp chí ấy nói thêm: “Sự tự chủ có thể học. Nếu nhà trường và gia đình sớm dạy về tính tự chủ thì những người trẻ có thể có sức khỏe tốt hơn và đời sống ổn định hơn khi trưởng thành”.
Bác tài cẩu thả học được bài học
Chính quyền ở Ấn Độ đang thử phương cách mới để đối phó với những bác tài vi phạm luật giao thông nghiêm trọng. Đó là họ phải làm công việc của cảnh sát giao thông. Mục tiêu là giúp các bác tài ấy hiểu sự khó khăn của cảnh sát khi cố giải quyết những vấn đề mà họ đã gây ra. Giờ đây, thay vì chỉ ra hiệu dừng xe và ghi giấy phạt, cảnh sát ở Gurgaon, tây bắc Ấn Độ, còn buộc họ làm cộng tác viên điều khiển giao thông ít nhất là nửa giờ. Một số bác tài này thừa nhận rằng bài học ấy đã thay đổi thái độ của họ. Bà Bharti Arora, nhân viên cảnh sát cấp cao tại địa phương, cho biết: “Mỗi ngày ở Gurgaon, chúng tôi ký một ngàn giấy phạt về việc vi phạm luật giao thông, nên chúng tôi có thể có thêm 1.000 ‘cảnh sát’ mỗi ngày”.