XÂY ÐẮP TỔ ẤM | DẠY CON
Cách trò chuyện với con ở tuổi mới lớn
THÁCH THỨC
Khi còn bé, con nói mọi điều với bạn. Ðến tuổi mới lớn, con chẳng nói gì cho bạn biết. Khi bạn cố nói chuyện, con toàn đáp cộc lốc hoặc biến cuộc trò chuyện thành trận khẩu chiến nảy lửa.
Bạn có thể học được cách trò chuyện với con ở tuổi mới lớn. Nhưng trước hết, hãy xem hai yếu tố có lẽ góp phần tạo nên thách thức này.
TẠI SAO?
Tìm kiếm tự do. Nói theo cách bóng bẩy, để trở thành một người lớn có trách nhiệm, con bạn không thể cứ để cha mẹ chở mình mãi được nhưng sẽ phải dần dần tự cầm lái và học cách lèo lái cuộc sống trên con đường đời đầy cam go. Dĩ nhiên, một số thanh thiếu niên muốn được tự do quá mức; mặt khác, một số bậc cha mẹ lại cho con quá ít tự do. Sự giằng co này gây ra những rắc rối đáng kể cho cả cha mẹ lẫn con cái. Thành *, 16 tuổi, than thở: “Ba mẹ cứ kiểm soát đời sống em từng li từng tí. Ðến khi em 18 tuổi mà ba mẹ vẫn không cho em tự do hơn là em đi luôn!”.
Suy nghĩ trừu tượng. Trẻ nhỏ hay nghĩ cách cụ thể, trắng đen rõ ràng, nhưng tuổi mới lớn có thể nhận thấy vùng xám của một vấn đề. Ðây là một khía cạnh quan trọng trong lối suy nghĩ trừu tượng, nó giúp một thiếu niên phát triển óc phán đoán đúng đắn. Hãy xem ví dụ sau: Với trẻ nhỏ, khái niệm về sự công bằng có vẻ đơn giản: “Mẹ bẻ bánh làm đôi, cho con một nửa và anh con một nửa”. Trong trường hợp này, sự công bằng được quy thành một phép toán. Các em tuổi mới lớn thì lại khác, chúng nhận ra rằng khái niệm đó không đơn giản như thế. Suy cho cùng, đối xử công bằng không phải lúc nào cũng là bằng nhau và đối xử bằng nhau không phải lúc nào cũng là công bằng. Lối suy nghĩ trừu tượng cho trẻ biết cách đấu tranh với những vấn đề phức tạp. Mặt trái là gì? Nó cũng khiến trẻ đấu tranh với bạn luôn.
BẠN CÓ THỂ LÀM GÌ?
Khi có thể, hãy tán gẫu. Tận dụng những khoảnh khắc thân mật. Ví dụ, một số cha mẹ thấy là tuổi mới lớn dễ cởi mở hơn khi làm việc nhà hoặc đi xe, đó là lúc các em vai kề vai thay vì mặt đối mặt với cha mẹ.—Nguyên tắc Kinh Thánh: Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:6, 7.
Nói ngắn gọn. Bạn không phải tranh cãi mọi vấn đề cho đến cùng. Thay vì thế, nói rõ quan điểm của bạn... rồi ngưng. Hầu hết những gì bạn nói sẽ được con “nghe” sau đó, là lúc con ở riêng và có thể suy nghĩ những gì bạn đã nói. Hãy cho con cơ hội để làm thế.—Nguyên tắc Kinh Thánh: Châm-ngôn 1:1-4.
Lắng nghe và linh động. Lắng nghe kỹ—không ngắt lời—để bạn có thể nắm được mọi khía cạnh của vấn đề. Khi nói lại với con, hãy phải lẽ. Nếu khư khư theo luật, con bạn sẽ muốn tìm ra kẽ hở. Một sách về tuổi mới lớn (Staying Connected to Your Teenager) cảnh báo: “Ðây là lúc con cái sống cuộc đời hai mặt... Một mặt chúng nói với cha mẹ điều mà họ muốn nghe và mặt khác chúng làm theo ý riêng khi ở ngoài tầm mắt cha mẹ”.—Nguyên tắc Kinh Thánh: Phi-líp 4:5.
Bình tĩnh. Một em trẻ tên Uyên nói: “Khi đã bất đồng thì em nói gì mẹ cũng tức giận. Như vậy chỉ làm em bực rồi cãi lộn với mẹ luôn”. Thay vì phản ứng quá đáng, hãy nói điều gì đó cho thấy là bạn đồng cảm với con. Ví dụ, thay vì nói: “Có gì đâu mà lo!”, hãy nói: “Ba mẹ hiểu là điều này làm con lo lắng đến mức nào”.—Nguyên tắc Kinh Thánh: Châm-ngôn 10:19.
Hướng dẫn đến mức có thể thay vì độc đoán. Kỹ năng suy nghĩ trừu tượng của tuổi mới lớn giống như những cơ bắp cần được phát triển. Vì vậy, khi con đối mặt với chuyện khó xử, đừng “tập luyện” thay cho con. Khi bạn thảo luận vấn đề, hãy cho con cơ hội tự tìm ra giải pháp. Sau khi đưa ra vài lựa chọn, bạn có thể nói: “Ðó là một vài giải pháp. Con hãy suy nghĩ trong một, hai ngày rồi chúng ta có thể bàn với nhau xem con chọn giải pháp nào và tại sao”.—Nguyên tắc Kinh Thánh: Hê-bơ-rơ 5:14.
^ đ. 7 Các tên trong bài đã được thay đổi.