Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

 QUAN ĐIỂM KINH THÁNH | SUY NGẪM

Suy ngẫm

Suy ngẫm

Suy ngẫm là gì?

[Tôi] sẽ ngẫm-nghĩ về mọi công-tác Chúa, suy-gẫm những việc làm của Ngài”.—Thi-thiên 77:12.

ĐIỀU NGƯỜI TA NÓI:

Có nhiều hình thức suy ngẫm khác nhau, trong đó một số bắt nguồn từ những tôn giáo Đông phương cổ xưa và thường được gọi là tĩnh tâm hay thiền. Một nhà văn viết về đề tài này như sau: “Tâm trí phải trống rỗng để thấy rõ ràng”. Lời của ông phản ánh quan điểm là việc giữ tâm trí trống rỗng trong khi tập trung vào một số từ hoặc hình ảnh nào đó giúp thanh tịnh tâm hồn, có đầu óc thông suốt và được soi sáng về tâm linh.

ĐIỀU KINH THÁNH NÓI:

Kinh Thánh đề cao giá trị của việc suy ngẫm (1 Ti-mô-thê 4:15). Tuy nhiên, Kinh Thánh không khuyến khích việc suy ngẫm theo hình thức làm trống rỗng tâm trí hoặc nhẩm đi nhẩm lại một từ hoặc câu, đôi khi được gọi là thần chú. Thay vì vậy, Kinh Thánh khuyến khích chúng ta suy nghĩ một cách có mục đích về những điều bổ ích, như các đức tính, tiêu chuẩn và sự sáng tạo của Đức Chúa Trời. Một người trung thành phụng sự Đức Chúa Trời đã cầu nguyện: “[Tôi] tưởng đến mọi việc Chúa đã làm, và suy-gẫm công-việc của tay Chúa” (Thi-thiên 143:5). Ông cũng nói: “Khi trên giường tôi nhớ đến Chúa, bèn suy-gẫm về Chúa trọn các canh đêm”.—Thi-thiên 63:6.

 Suy ngẫm mang lại lợi ích nào cho bạn?

“Lòng người công-bình suy-nghĩ lời phải đáp”.—Châm-ngôn 15:28.

ĐIỀU KINH THÁNH NÓI:

Suy ngẫm về những điều bổ ích giúp chúng ta cải thiện nhân cách, chế ngự cảm xúc và củng cố nghị lực làm điều đúng—tất cả những điều này giúp chúng ta khôn ngoan hơn trong cách nói năng và cư xử (Châm-ngôn 16:23). Cách suy ngẫm như thế cũng góp phần giúp chúng ta có một đời sống hạnh phúc và thỏa nguyện. Về người thường xuyên suy ngẫm đến Đức Chúa Trời, Thi-thiên 1:3 miêu tả: “Người ấy sẽ như cây trồng gần dòng nước, sanh bông-trái theo thì-tiết, lá nó cũng chẳng tàn-héo; mọi sự người làm đều sẽ thạnh-vượng”.

Việc suy ngẫm còn giúp chúng ta gia tăng hiểu biết và cải thiện trí nhớ. Ví dụ, khi nghiên cứu một khía cạnh trong sự sáng tạo hoặc một đề tài Kinh Thánh, chúng ta học được nhiều điều thú vị. Nhưng khi suy ngẫm những điều ấy, chúng ta thấy được mối liên kết giữa chúng với nhau và với những điều đã học trước đây. Khi ấy, như thợ mộc làm cho nguyên liệu thô trở nên một kiến trúc đẹp đẽ, việc suy ngẫm giúp chúng ta “lắp ráp” các sự hiểu biết thành một cấu trúc ăn khớp.

Tại sao cần kiểm soát việc suy ngẫm?

“Lòng người ta là dối-trá hơn mọi vật, và rất là xấu-xa: ai có thể biết được?”.—Giê-rê-mi 17:9.

ĐIỀU KINH THÁNH NÓI:

“Từ lòng sinh ra những ý nghĩ xấu xa, hành vi gian dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, hành động gian ác, dối trá, trâng tráo, con mắt đố kỵ,... và ngông cuồng” (Mác 7:21, 22). Thật thế, giống như lửa, việc suy ngẫm phải được kiểm soát! Nếu không, những suy nghĩ sai trái có thể làm gia tăng các ham muốn tai hại đến mức vượt ra khỏi tầm kiểm soát và dẫn đến những hành vi tội lỗi.—Gia-cơ 1:14, 15.

Vì vậy, Kinh Thánh khuyến khích chúng ta suy ngẫm về ‘những điều chân thật, trang nghiêm, công chính, trong sạch, đáng yêu quý, có tiếng tốt, đạo đức và đáng khen ngợi’ (Phi-líp 4:8, 9). Khi gieo những điều lành mạnh như thế vào tâm trí, chúng ta sẽ gặt được kết quả là những đức tính tốt đẹp, cách nói năng tử tế và mối quan hệ nồng ấm với người khác.—Cô-lô-se 4:6.