XÂY ĐẮP TỔ ẤM | HÔN NHÂN
Làm sao bỏ đi sự oán giận?
THÁCH THỨC
Bạn không thể quên những điều tồi tệ mà người hôn phối đã đối xử với mình. Những lời nói cay nghiệt và hành động vô tâm của người ấy đã in sâu trong trí bạn. Cảm xúc trìu mến một thời giờ đây được thay bằng sự oán giận. Với bạn, dường như không còn cách nào khác ngoài việc phải chịu đựng cuộc hôn nhân không có tình yêu. Bạn cũng oán giận người hôn phối vì điều đó.
Hãy biết rằng sự việc có thể được cải thiện. Nhưng trước tiên hãy xem xét vài điều về sự oán giận.
BẠN NÊN BIẾT GÌ?
Sự oán giận có thể hủy hoại hôn nhân. Tại sao? Vì nó làm xói mòn những đức tính làm nền tảng cho hôn nhân, trong đó có yêu thương, tin cậy và chung thủy. Vì vậy, theo một nghĩa nào đó, sự oán giận không phải là hậu quả của một vấn đề trong hôn nhân mà chính là một vấn đề của hôn nhân. Thật hợp lý khi Kinh Thánh khuyên: “Hãy từ bỏ mọi sự cay đắng hiểm độc”.—Ê-phê-sô 4:31.
Nếu nuôi lòng oán giận, bạn tự làm mình tổn thương. Nuôi lòng oán giận khác nào bạn tự tát mình rồi mong người kia đau giùm. Ông Mark Sichel viết như sau trong cuốn Healing From Family Rifts (Hồi phục sau khi gia đình bị rạn nứt): “Thành viên gia đình mà bạn đang oán giận có thể vẫn cảm thấy bình thường, sống vui vẻ và có lẽ chẳng hề hấn gì vì vấn đề đó”. Tóm lại là gì? Ông Sichel cho biết: “Lòng oán giận khiến bạn bị tổn thương nhiều hơn so với người mà bạn oán giận”.
Nuôi lòng oán giận khác nào bạn tự tát mình rồi mong người kia đau giùm
Oán giận là một sự lựa chọn. Một số người có lẽ không tin điều này. Họ nói: “Người hôn phối khiến tôi phải oán giận”. Nhưng khi suy nghĩ như vậy, họ tập trung quá nhiều vào điều nằm ngoài tầm kiểm soát: Hành động của người khác. Kinh Thánh đưa ra một quan điểm trái ngược: “Mỗi người hãy tra xét hành động của chính mình” (Ga-la-ti 6:4). Chúng ta không thể kiểm soát những gì người khác nói hoặc làm nhưng có thể kiểm soát phản ứng của mình trước điều đó. Oán giận không phải là sự lựa chọn duy nhất.
BẠN CÓ THỂ LÀM GÌ?
Hãy chịu trách nhiệm về sự oán giận của mình. Đành rằng đổ lỗi cho người hôn phối thì dễ, nhưng hãy nhớ: Oán giận là một sự lựa chọn và tha thứ cũng là một sự lựa chọn. Bạn có thể chọn làm theo lời Kinh Thánh khuyên: “Chớ để mặt trời lặn mà vẫn còn giận” (Ê-phê-sô 4:26). Tinh thần sẵn sàng tha thứ sẽ giúp bạn có thái độ tích cực hơn khi đứng trước các vấn đề của hôn nhân.—Nguyên tắc Kinh Thánh: Cô-lô-se 3:13.
Thành thật xem xét bản thân. Kinh Thánh thừa nhận rằng có một số người “hay giận” và “căm-gan” (Châm-ngôn 29:22). Bạn có phải là người như thế không? Hãy tự hỏi: “Mình có khuynh hướng hay cay đắng không? Mình dễ cảm thấy bị xúc phạm đến mức nào? Mình có hay khiến chuyện bé xé ra to không?”. Kinh Thánh nói: “Cứ nhắc lại lỗi lầm phân rẽ bạn bè” (Châm-ngôn 17:9, Bản Dịch Mới; Truyền-đạo 7:9). Điều này cũng có thể xảy ra trong hôn nhân. Thế nên, nếu có khuynh hướng hay oán giận, hãy tự hỏi: “Mình có thể kiên nhẫn hơn với bạn đời không?”.—Nguyên tắc Kinh Thánh: 1 Phi-e-rơ 4:8.
Hãy xác định điều thật sự quan trọng. Kinh Thánh nói: “Có kỳ nín-lặng, có kỳ nói ra” (Truyền-đạo 3:7). Không cần phải nói ra mỗi lần mình bị xúc phạm, đôi khi bạn chỉ cần “suy-gẫm trong lòng, và làm thinh” (Thi-thiên 4:4). Khi bạn thật sự cần nói chuyện với người kia về nỗi bức xúc, hãy đợi cho qua cơn giận. Một người vợ tên Beatriz nói: “Khi cảm thấy bị tổn thương, tôi ráng bình tĩnh trước đã. Sau đó, đôi khi tôi nhận ra lỗi lầm của người kia không đến nỗi nghiêm trọng và cảm thấy dễ nói chuyện một cách tôn trọng”.—Nguyên tắc Kinh Thánh: Châm-ngôn 19:11.
Hiểu “tha thứ” có nghĩa gì. Trong Kinh Thánh, đôi khi từ “tha thứ” được dịch từ chữ nguyên thủy ám chỉ việc buông điều gì đó ra. Thế nên, tha thứ không có nghĩa là bạn phải xem nhẹ lỗi lầm hoặc làm ra vẻ như nó chưa từng xảy ra. Có thể chỉ đơn giản là bạn “buông nó ra”, hay bỏ nó đi, vì hiểu rằng nếu mình oán giận thì sức khỏe và hôn nhân của mình bị tổn hại nhiều hơn so với tổn hại mà lỗi lầm của người kia gây ra.