Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI TRANG BÌA

Phải chăng không còn sự sửa phạt con?

Phải chăng không còn sự sửa phạt con?

Trong những thập niên gần đây, đời sống gia đình ở các nước phương Tây đã thay đổi đáng kể. Có thời cha mẹ nắm quyền, con cái phải phục tùng. Nhưng giờ đây trong vài gia đình, dường như ngược lại: Con cái nắm quyền, cha mẹ phải phục tùng. Chẳng hạn, hãy xem các bối cảnh dựa trên những tình huống phổ biến sau đây.

  • Khi người mẹ đang mua sắm ở cửa hàng, cậu con trai bốn tuổi với tay lấy một món đồ chơi. Mẹ bé cố can ngăn: “Con có đủ đồ chơi rồi, phải không?”. Nhưng khi nhận ra là mình không nên hỏi câu này thì đã quá trễ, đứa con mè nheo: “Nhưng con muốn cái này!”. Sợ con lại giở trò “làm trận làm thượng” nên bà mẹ đã nhượng bộ.

  • Một bé gái năm tuổi ngắt lời cha khi ông đang nói chuyện với người lớn. Bé la lên: “Chán quá! Về nhà đi!”. Đang nói nửa chừng, người cha phải ngừng lại, cúi xuống dỗ dành con và nhỏ nhẹ nói: “Chút xíu nữa nha, được không bé cưng?”.

  • Một lần nữa, cậu bé James 12 tuổi bị khiển trách vì đã hỗn hào với giáo viên. Cha của cậu giận lên, không phải giận con mà là giận giáo viên đó. Người cha nói với James: “Bà ấy lúc nào cũng có ác cảm với con, cha sẽ báo cho ban giám hiệu biết mới được”.

Dù các bối cảnh trên đều là giả tưởng nhưng rất có thể xảy ra. Chúng phản ánh một vấn đề thực tế trong gia đình có ông bố bà mẹ dung túng việc con cái cư xử vô lễ, chiều theo đòi hỏi của con và “cứu” con thoát khỏi hậu quả do chúng gây ra. Cuốn sách nói về hội chứng nhân cách yêu mình thái quá (The Narcissism Epidemic) viết: “Ngày càng thấy cha mẹ muốn trao quyền cho con. Cách đây không lâu, trẻ con biết ai là người chủ, không phải là nó”.

Dĩ nhiên, nhiều bậc phụ huynh đã cố gắng dạy con theo chuẩn mực đạo đức đúng đắn, không những qua gương mẫu mà còn sửa phạt cách yêu thương nhưng nghiêm khắc khi cần. Tuy nhiên, như cuốn sách trên cho biết, khi cha mẹ nỗ lực làm thế thì họ “đang đi ngược với trào lưu văn hóa ngày nay”.

Làm sao lại xảy ra tình trạng tồi tệ như thế? Phải chăng không còn sự sửa phạt con?

Uy quyền của cha mẹ giảm dần

Một số người cho rằng uy quyền của cha mẹ bắt đầu giảm dần vào thập niên 1960, khi những người được gọi là chuyên gia khuyến khích các bậc phụ huynh dễ dãi hơn với con cái. Họ nói: “Hãy là bạn, chứ không phải là người có quyền. Tán dương tốt hơn sửa trị. Thay vì sửa sai thì hãy ‘nắm bắt’ những việc làm tốt của con”. Lẽ ra phải giữ thăng bằng giữa việc tán dương và sửa trị, thì dường như các chuyên gia ngụ ý rằng việc khiển trách sẽ làm tổn thương cảm xúc mong manh của con cái và khiến chúng oán giận cha mẹ về sau.

Không lâu sau, các chuyên gia cũng đề cao tính tự trọng như là bí quyết bất ngờ được khám phá dành cho các bậc cha mẹ, đó là: Hãy làm con hài lòng về bản thân. Dĩ nhiên, việc vun đắp lòng tự tin nơi con trẻ là điều quan trọng. Nhưng trào lưu tự trọng đã đưa mọi thứ đi quá xa. Những chuyên gia nói với các bậc phụ huynh: “Tránh dùng những từ tiêu cực như ‘không’ và ‘xấu’. Hãy tiếp tục bảo với con bạn là chúng rất đặc biệt và có thể làm bất cứ điều gì chúng muốn”. Điều này chẳng khác gì nghĩ rằng tạo cho chúng cảm giác hài lòng về bản thân thì tốt hơn là làm người tốt.

Một số người cho rằng trào lưu tự trọng chỉ làm cho con trẻ cảm thấy mình đáng được hưởng mọi thứ

Cuối cùng, một số người cho rằng trào lưu tự trọng chỉ làm cho con trẻ cảm thấy mình đáng được hưởng mọi thứ, như thể cả thế giới mắc nợ chúng. Cuốn sách nói về thế hệ cái tôi (Generation Me) cho biết điều này khiến nhiều người trẻ “không được trang bị cho những tình huống bị chỉ trích không tránh được và những thất bại, đó mới là đời sống”. Một người cha được đề cập trong sách ấy cho biết: “Không có trào lưu tự trọng trong công việc ngoài đời... Tại sở làm, nếu bạn nộp báo cáo không hay thì cấp trên sẽ không khen: ‘Tôi thích màu của tờ giấy mà anh chọn’. Cách trang bị con như thế chỉ gây nhiều tai hại mà thôi”.

Thay đổi ý niệm

Qua nhiều thập niên, cách dạy dỗ của cha mẹ thường phản ánh những ý niệm luôn thay đổi của con người. Nhà sư phạm Ronald G. Morrish cho biết: “Việc sửa phạt không ngừng thay đổi. Nó phản ánh những thay đổi trong xã hội của chúng ta”. * Các bậc cha mẹ dễ rơi vào tình trạng như Kinh Thánh nói là họ “chao đảo như bị sóng đánh và bị mọi sự dạy dỗ đưa đi đây đó như gió thổi”.—Ê-phê-sô 4:14.

Rõ ràng, trào lưu sửa phạt con cái dễ dãi như hiện nay đã mang lại hậu quả. Không những nó làm uy quyền của cha mẹ giảm dần, mà còn khiến trẻ con không có sự hướng dẫn cần thiết để lựa chọn đúng và bước vào đời với lòng tự tin thật sự.

Có cách nào tốt hơn không?

^ đ. 15 Chúng tôi viết nghiêng; từ sách Secrets of Discipline: 12 Keys for Raising Responsible Children.