Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI TRANG BÌA

Kinh Thánh chỉ là một quyển sách hay?

Kinh Thánh chỉ là một quyển sách hay?

Kinh Thánh được hoàn tất cách đây khoảng 2.000 năm. Từ đó đến nay, vô số cuốn sách khác đã ra đời và đi vào quên lãng. Nhưng Kinh Thánh thì không. Hãy xem những trường hợp sau đây.

  • Kinh Thánh vẫn tồn tại trước nhiều cuộc tấn công dữ dội của những người có thế lực. Chẳng hạn, một cuốn sách về Kinh Thánh thời Trung Cổ (An Introduction to the Medieval Bible) cho biết vào thời đó, tại một số nước theo Ki-tô giáo, “việc sở hữu và đọc Kinh Thánh trong ngôn ngữ của dân thường bị xem là dị giáo và không quy phục”. Các học giả dịch Kinh Thánh sang tiếng bản địa hoặc những người cổ vũ việc nghiên cứu Kinh Thánh đã phải mạo hiểm tính mạng. Một số người đã bị giết.

  • Dù có nhiều kẻ thù nhưng Kinh Thánh vẫn là quyển sách được phát hành rộng rãi nhất của mọi thời đại. Khoảng 5 tỉ cuốn trọn bộ hoặc từng phần đã được in trong hơn 2.800 ngôn ngữ. Ngược lại, các sách về triết học, khoa học và những lĩnh vực liên quan thường chỉ có số lượng lưu hành hạn chế và nhanh chóng bị lỗi thời.

  • Nhờ việc dịch Kinh Thánh mà một số ngôn ngữ được bảo tồn và tiếp tục phát triển. Chẳng hạn như bản dịch của Martin Luther đã ảnh hưởng lớn đến tiếng Đức. Còn trong tiếng Anh, ấn bản đầu tiên của bản dịch King James được xem là “cuốn sách tạo tiếng vang lớn nhất từng được xuất bản”.

  • Kinh Thánh “đã ảnh hưởng sâu sắc đến nền văn hóa phương Tây, không những đối với niềm tin và thực hành tín ngưỡng mà còn đối với nghệ thuật, văn học, luật pháp, chính trị và vô số lĩnh vực khác không thể kể hết được”.—Bách khoa từ điển Oxford về các sách trong Kinh Thánh.

Đó chỉ là vài ví dụ cho thấy Kinh Thánh không giống như bao sách khác. Nhưng tại sao sách này lại phổ biến đến thế? Tại sao nhiều người lại mạo hiểm tính mạng vì Kinh Thánh? Có nhiều lý do như: Kinh Thánh cung cấp chuẩn mực đạo đức và những dạy dỗ về tâm linh phản ánh sự khôn ngoan vượt trội. Kinh Thánh giúp chúng ta hiểu được căn nguyên của sự đau khổ và xung đột của con người. Hơn nữa, sách này cũng cho biết về lời hứa là những vấn đề trên sẽ chấm dứt, ngay cả còn tiết lộ điều đó sẽ diễn ra như thế nào.

Kinh Thánh cung cấp sự hiểu biết về đạo đức và tâm linh

Học vấn rất quan trọng. Nhưng một bài xã luận trong tờ báo Ottawa Citizen của Canada cho biết “nền giáo dục... mang đến bằng cấp... không đảm bảo gì về đạo đức”. Theo một nghiên cứu toàn cầu của công ty quan hệ công chúng Edelman, nhiều người trí thức, trong đó có các lãnh đạo doanh nghiệp và chính quyền đã gian lận, lừa đảo và ăn cắp, dẫn đến “giai đoạn khủng hoảng lòng tin”.

Kinh Thánh tập trung vào sự giáo dục về đạo đức và tâm linh. Sách cho chúng ta hiểu rõ “sự công-bình, sự lý-đoán, sự chánh-trực, và các nẻo lành” (Châm-ngôn 2:9). Hãy xem trường hợp của một thanh niên 23 tuổi, tạm gọi là Stephen, bị ở tù tại Ba Lan. Khi còn trong tù, anh bắt đầu tìm hiểu Kinh Thánh và quý trọng những lời khuyên thực tế trong đó. Anh viết: “Đến giờ, tôi mới hiểu ‘hãy hiếu kính cha mẹ ngươi’ nghĩa là thế nào. Tôi cũng biết cách kiềm chế cảm xúc, nhất là những cơn nóng giận”.—Ê-phê-sô 4:31; 6:2.

Một nguyên tắc đã động đến lòng anh Stephen là câu Kinh Thánh Châm-ngôn 19:11: “Hiểu biết làm con người chậm giận, bỏ qua lời xúc phạm khiến con người được tôn vinh” (Các Giờ Kinh Phụng Vụ). Giờ đây, khi gặp hoàn cảnh gay go, anh Stephen cố gắng bình tĩnh phân tích vấn đề và áp dụng các nguyên tắc Kinh Thánh liên quan. Anh cho biết: “Tôi nhận ra rằng Kinh Thánh là cuốn sách hướng dẫn tốt nhất”.

Chị Maria là Nhân Chứng Giê-hô-va. Một phụ nữ có thành kiến đã lăng mạ chị trước mặt nhiều người. Bà đã gây huyên náo khắp khu xóm. Nhưng thay vì trả đũa, chị Maria tiếp tục điềm tĩnh bước đi. Sau này, người phụ nữ ấy cảm thấy hối hận và đi tìm Nhân Chứng. Khoảng một tháng sau, bà đã gặp lại chị Maria. Bà ôm chầm lấy chị và xin lỗi. Hơn nữa, bà nhận ra rằng nhờ tôn giáo chị Maria đang theo mà chị mới mềm mại và tự chủ như thế. Kết quả ra sao? Người phụ nữ từng có thành kiến ấy và năm người trong gia đình bà đã quyết định tìm hiểu Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va.

Chúa Giê-su nói sự khôn ngoan được chứng minh bằng kết quả của nó (Lu-ca 7:35). Như vậy, các nguyên tắc Kinh Thánh đã được chứng minh là rất hữu hiệu! Nguyên tắc Kinh Thánh giúp vun trồng những phẩm chất tốt nhất của chúng ta. Các nguyên tắc ấy “giúp người chưa từng trải nên khôn ngoan”, “khiến lòng phấn khởi” và “làm mắt sáng ngời” khi được hiểu biết rõ ràng về đạo đức và tâm linh.—Thi-thiên 19:7, 8, NW.

Kinh Thánh giải thích về sự đau khổ và xung đột của con người

Trong quá trình nghiên cứu một bệnh dịch nào đó, các nhân viên điều tra cố gắng tìm căn nguyên gây ra bệnh. Sự đau khổ và chia rẽ của con người cũng giống như “bệnh dịch”. Một lần nữa, Kinh Thánh giúp ích rất nhiều khi ghi lại thời kỳ ban đầu của lịch sử, lúc vấn đề bắt đầu nảy sinh.

Sách Sáng-thế Ký trong Kinh Thánh cho biết khi cặp vợ chồng đầu tiên phản nghịch Đức Chúa Trời thì nhân loại bắt đầu gặp khốn đốn. Cặp vợ chồng đó tự ý đặt ra tiêu chuẩn riêng mà lẽ ra chỉ có Đấng Tạo Hóa mới có quyền làm thế (Sáng-thế Ký 3:1-7). Đáng buồn thay kể từ lúc đó, nhân loại nói chung đã có cùng lối suy nghĩ độc lập. Hậu quả là gì? Lịch sử nhân loại đầy xung đột, áp bức, chia rẽ về đạo đức và tâm linh, chứ không có tự do và hạnh phúc (Truyền-đạo 8:9). Kinh Thánh nói rất đúng: “Người ta đi, chẳng có quyền dẫn-đưa bước của mình” (Giê-rê-mi 10:23). Điều đáng mừng là sẽ không còn cảnh con người tự định đoạt tiêu chuẩn đạo đức và gây ra những thảm họa nữa.

Kinh Thánh mang đến hy vọng

Đức Chúa Trời hết mực yêu thương những người tôn trọng uy quyền và tiêu chuẩn của ngài. Chính vì vậy, Kinh Thánh đảm bảo với chúng ta rằng ngài sẽ không dung túng mãi sự xấu xa và những đau khổ do nó gây ra. Kẻ ác “sẽ ăn bông-trái của đường-lối mình” (Châm-ngôn 1:30, 31). Ngược lại, “người hiền-từ sẽ nhận được đất làm cơ-nghiệp, và được khoái-lạc về bình-yên dư-dật”.—Thi-thiên 37:11.

“[Đức Chúa Trời] muốn mọi loại người được cứu và hiểu biết chính xác về sự thật”.—1 Ti-mô-thê 2:3, 4

Qua Nước của ngài, Đức Chúa Trời sẽ hoàn thành ý định biến trái đất thành nơi yên bình (Lu-ca 4:43). Nước Đức Chúa Trời là một chính phủ toàn cầu, qua đó Đức Chúa Trời sẽ thực thi quyền tối thượng chính đáng của ngài trên nhân loại. Chúa Giê-su cho biết Nước Trời liên quan đến trái đất khi ngài nói trong lời cầu nguyện mẫu: “Xin Nước Cha được đến, ý Cha được thực hiện... ở dưới đất”.—Ma-thi-ơ 6:10.

Thật vậy, thần dân Nước của Đức Chúa Trời sẽ làm theo ý muốn ngài, thừa nhận Đấng Tạo Hóa xứng đáng làm Đấng Cai Trị chứ không phải bất kỳ người phàm nào. Sẽ không còn cảnh tham nhũng, tham lam, bất bình đẳng về kinh tế, phân biệt chủng tộc và chiến tranh nữa. Có thể nói là sẽ chỉ còn một nước, một chính phủ duy nhất, và chỉ có một chuẩn mực đạo đức và tâm linh mà thôi.—Khải huyền 11:15.

Để có mặt trong thế giới mới đó, chúng ta cần nền giáo dục. Câu Kinh Thánh 1 Ti-mô-thê 2:3, 4 nói: “[Đức Chúa Trời] muốn mọi loại người được cứu và hiểu biết chính xác về sự thật”. Sự thật đó bao gồm những dạy dỗ của Kinh Thánh về điều có thể gọi là hiến pháp, tức những điều luật và nguyên tắc của Nước Đức Chúa Trời. Một ví dụ là Bài giảng trên núi của Chúa Giê-su (Ma-thi-ơ, chương 5-7). Khi đọc ba chương này, bạn hãy cố gắng hình dung đời sống sẽ thế nào khi mọi người đều áp dụng những lời khuyên khôn ngoan của Chúa Giê-su.

Vậy chúng ta có nên ngạc nhiên khi biết Kinh Thánh là quyển sách được phân phát rộng rãi nhất thế giới không? Chắc chắn là không! Những dạy dỗ trong sách này là bằng chứng cho thấy Kinh Thánh được Đức Chúa Trời hướng dẫn để viết ra. Việc sách được lưu hành rộng rãi cho thấy rõ Đức Chúa Trời mong muốn mọi người thuộc mọi ngôn ngữ và chủng tộc đều biết đến ngài và hưởng được những ân phước mà Nước Trời sẽ mang lại.—Công vụ 10:34, 35.