Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

NGƯỢC DÒNG THỜI GIAN

Aristotle

Aristotle

Cách đây hơn 2.300 năm, ông Aristotle đã có những đóng góp lớn lao về khoa học và triết học. Các công trình của ông thu hút nhiều người trong một thời gian dài, được nghiên cứu và dịch ra rộng rãi. Nhà sử học James MacLachlan cho biết: “Quan điểm của Aristotle về tự nhiên có ảnh hưởng lớn trên suy nghĩ của châu Âu trong gần 2.000 năm”. Thậm chí, một số quan điểm của Aristotle cũng ảnh hưởng đến các giáo lý của Công giáo, Tin Lành và cả Hồi giáo.

Quan tâm rất nhiều lĩnh vực

Aristotle viết về chính trị, đạo đức, luận lý, luật, nghệ thuật, ngôn ngữ, tâm lý, thi văn, thiên văn, thú vui, tu từ, từ tính, siêu hình học, sinh vật, sự chuyển động và cả linh hồn, là điều mà ông cho rằng không bất tử. Tuy nhiên, ông nổi tiếng chủ yếu là nhờ công trình về sinh học và luận lý học.

Các học giả Hy Lạp cổ xưa giải thích thế giới tự nhiên dựa vào khả năng quan sát, suy diễn và lý luận của họ. Từ những điều họ xem là sự thật hiển nhiên, các học giả này tin rằng nếu lý luận chặt chẽ dựa trên các sự thật ấy, họ sẽ đi đến kết luận đúng.

Theo triết lý đó, họ đã đưa ra nhiều kết luận hợp lý. Một trong số đó là vũ trụ về cơ bản thì có trật tự. Tuy nhiên, một vấn đề lớn là khả năng quan sát của họ có giới hạn. Thế nên, nhiều học giả xuất sắc, trong đó có Aristotle, đã hiểu sai. Chẳng hạn, họ tin rằng các hành tinh và ngôi sao chuyển động quanh trái đất. Thời ấy, điều này được xem là một sự thật hiển nhiên. Cuốn The Closing of the Western Mind cho biết: “Dường như cả lý luận lẫn kinh nghiệm quan sát của họ đều ủng hộ niềm tin của người Hy Lạp—trái đất là trung tâm của vũ trụ”.

Quan điểm sai này sẽ không gây vấn đề nghiêm trọng nếu chỉ dừng lại ở lĩnh vực khoa học. Nhưng nó không dừng lại ở đó.

Công giáo tiếp nhận triết lý của Aristotle

Vào thời Trung Cổ, châu Âu là vùng đất của đạo Đấng Ki-tô. Một số tín điều của Aristotle đã được liệt kê vào hàng sự thật được công nhận. Các nhà thần học Công giáo La Mã, đáng chú ý nhất là Thomas Aquinas (khoảng 1224-1274), đã pha trộn các triết lý của Aristotle với tín ngưỡng của họ. Vì thế, ý niệm của Aristotle về việc trái đất đứng yên và nằm ở trung tâm vũ trụ đã trở thành một tín điều của Công giáo. Tín điều ấy cũng được các nhà lãnh đạo của Tin Lành tiếp nhận, trong đó có Calvin và Luther. Họ nói rằng tín điều này bắt nguồn từ Kinh Thánh.—Xem khung “ Họ đã suy diễn Kinh Thánh quá nhiều”.

Một số tín điều của Aristotle đã được liệt kê vào hàng sự thật được công nhận

Nhà văn Charles Freeman nói: “Một số khía cạnh trong ý niệm [tín điều của Aristotle] và Công giáo gần như giống hệt”. Vì thế, người ta nói Aquinas đã “làm báp-têm” cho Aristotle để Aristotle có đức tin của Công giáo. Tuy nhiên, ông Freeman cho biết trên thực tế, “Aquinas đã cải đạo sang chủ nghĩa Aristotle”. Và có thể nói giáo hội cũng đã làm thế. Hậu quả là nhà thiên văn học và toán học người Ý tên Galileo, người mạnh dạn đưa ra bằng chứng dựa vào sự quan sát để chứng minh trái đất quay quanh mặt trời, đã phải đứng trước Tòa án Dị giáo và bị buộc phải thừa nhận mình sai. * Trớ trêu thay, Aristotle là người công nhận rằng sự hiểu biết về khoa học ngày càng tiến bộ và cũng cần được xem xét để cải tiến cho đúng. Phải chi giáo hội cũng có quan điểm như thế!

^ đ. 11 Để biết thêm thông tin, xem bài “Galileo” trong Tỉnh Thức! tháng 6 năm 2015.