Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI TRANG BÌA

Tại sao Chúa Giê-su phải chịu khổ và chết?

Tại sao Chúa Giê-su phải chịu khổ và chết?

“Bởi một người [A-đam] mà tội lỗi vào thế gian và bởi tội lỗi mà có sự chết”.—Rô-ma 5:12

Bạn sẽ nói gì nếu có người hỏi: “Bạn có muốn sống mãi mãi không?”. Đa số người ta có lẽ nói là muốn nhưng cảm thấy thật viển vông. Họ cho rằng cái chết là lẽ thường tình của cuộc sống, sống trên đời này thì ai cũng phải chết thôi.

Nhưng giả sử câu hỏi này được đảo ngược lại và có người hỏi: “Bạn có sẵn sàng để chết chưa?”. Phần lớn mọi người sẽ trả lời là chưa. Điều này có nghĩa gì? Khao khát được sống là điều tự nhiên và bình thường, dù chúng ta phải gặp nhiều khó khăn gian khổ. Kinh Thánh cho thấy Đức Chúa Trời tạo ra con người với lòng mong muốn được sống. Kinh Thánh nói: “Ngài khiến cho sự đời đời ở nơi lòng loài người”.—Truyền-đạo 3:11.

Tuy nhiên, thực tế là không ai sống mãi mãi cả. Chuyện gì đã xảy ra? Đức Chúa Trời có làm gì để khắc phục vấn đề này chưa? Kinh Thánh đưa ra lời giải đáp đầy an ủi và có liên quan chặt chẽ đến lý do Chúa Giê-su phải chịu khổ và chết.

CHUYỆN GÌ ĐÃ XẢY RA?

Trong Kinh Thánh, ba chương đầu tiên của sách Sáng-thế Ký cho chúng ta biết Đức Chúa Trời đặt trước mặt cặp vợ chồng đầu tiên là A-đam và Ê-va triển vọng được sống mãi mãi. Ngài cho biết họ phải làm gì để đạt được điều đó. Lời tường thuật cũng kể về việc họ không vâng lời Đức Chúa Trời và mất đi triển vọng ấy. Câu chuyện này được kể lại rất đơn giản đến nỗi một số người nhanh chóng bác bỏ và xem đây là chuyện dân gian. Tuy nhiên, có đầy đủ bằng chứng cho thấy sách Sáng-thế Ký, cũng như Phúc âm, là một quyển sách xác thực mang tính lịch sử. *

Việc A-đam không vâng lời Đức Chúa Trời dẫn đến hậu quả gì? Kinh Thánh cho biết: “Bởi một người [A-đam] mà tội lỗi vào thế gian và bởi tội lỗi mà có sự chết, nên sự chết trải trên mọi người, vì hết thảy đều có tội” (Rô-ma 5:12). A-đam đã phạm tội khi cãi lời Đức Chúa Trời. Vì thế ông mất đi triển vọng được sống mãi mãi và cuối cùng phải chết. Là con cháu của A-đam, chúng ta bị di truyền tình trạng tội lỗi của ông. Hậu quả là chúng ta bị bệnh, già và chết. Lời giải thích này phù hợp với những khám phá khoa học ngày nay về sự di truyền. Nhưng Đức Chúa Trời có làm gì để khắc phục vấn đề này chưa?

ĐỨC CHÚA TRỜI ĐÃ LÀM GÌ?

Đức Chúa Trời đã sắp đặt để chuộc lại điều A-đam đánh mất và khiến con cháu ông không được hưởng, đó là triển vọng sống mãi mãi. Vậy Đức Chúa Trời đã thực hiện điều ấy như thế nào?

Câu Kinh Thánh Rô-ma 6:23 cho biết: “Tiền công mà tội lỗi trả là sự chết”. Điều này có nghĩa rằng cái chết là hậu quả của tội lỗi. A-đam đã phạm tội nên ông chết. Tương tự thế, chúng ta phạm tội nên phải chết. Nhưng chúng ta sinh ra trong tình trạng tội lỗi này dù không phải do lỗi của mình. Vì vậy, Đức Chúa Trời yêu thương đã phái con của ngài là Chúa Giê-su xuống thế gian để nhận ‘tiền công của tội lỗi’ cho chúng ta. Việc đó diễn ra như thế nào?

Cái chết của Chúa Giê-su mở ra triển vọng để nhân loại hưởng đời sống hạnh phúc vĩnh cửu

Vì một người hoàn hảo là A-đam cãi lời Đức Chúa Trời dẫn đến việc chúng ta phải gánh tội lỗi và cái chết, nên cần có một người hoàn hảo biết vâng lời cho đến chết để giải thoát chúng ta khỏi gánh nặng đó. Kinh Thánh giải thích: “Bởi sự không vâng lời của một người mà nhiều người trở thành kẻ có tội, cũng thế, bởi sự vâng lời của một người mà nhiều người sẽ trở nên công chính” (Rô-ma 5:19). Chúa Giê-su chính là “một người” đó. Ngài đã rời khỏi trời, trở thành con người hoàn hảo * và chết thay cho chúng ta. Kết quả là chúng ta có thể hưởng được vị thế công chính trước mắt Đức Chúa Trời và có triển vọng sống mãi mãi.

TẠI SAO CHÚA GIÊ-SU PHẢI CHỊU KHỔ VÀ CHẾT?

Nhưng tại sao Chúa Giê-su cần phải chết để có được điều này? Chẳng lẽ Đức Chúa Trời Toàn Năng không thể ban hành một chỉ thị rằng con cháu A-đam được sống mãi mãi sao? Chắc chắn ngài có đủ thẩm quyền để làm thế. Nhưng vậy chẳng khác gì Đức Chúa Trời gạt bỏ điều luật mà ngài đã công bố rằng tiền công của tội lỗi là sự chết. Điều luật này là nền tảng của công lý thật và hết sức quan trọng, không phải muốn bỏ thì bỏ, muốn thay đổi thì thay đổi.—Thi-thiên 37:28.

Trong trường hợp này, nếu Đức Chúa Trời bỏ qua việc thi hành công lý thì có lẽ người ta sẽ nghĩ rằng trong các vấn đề khác ngài cũng thế. Chẳng hạn, liệu ngài sẽ phán xét công bằng không khi quyết định trong vòng con cháu của A-đam, ai đủ tiêu chuẩn để sống mãi mãi? Ngài có đáng tin cậy trong việc giữ lời hứa không? Nhờ Đức Chúa Trời thực thi công lý trong việc cứu rỗi, nên chúng ta tin chắc ngài sẽ luôn làm điều đúng.

Qua sự hy sinh của Chúa Giê-su, Đức Chúa Trời đã mở đường dẫn đến sự sống vĩnh cửu trong địa đàng. Hãy lưu ý những lời của Chúa Giê-su được ghi nơi Giăng 3:16: “Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến độ đã ban Con một của ngài cho họ, để ai thể hiện đức tin nơi Con ấy sẽ không bị hủy diệt mà được sống đời đời”. Cái chết của Chúa Giê-su không chỉ là biểu hiện cho công lý vững chắc của Đức Chúa Trời. Quan trọng hơn nữa, điều đó còn cho thấy tình yêu thương cao cả của ngài dành cho nhân loại.

Tuy nhiên, tại sao Chúa Giê-su phải chịu khổ và chết trong nỗi đau tột cùng như sách Phúc âm mô tả? Sa-tan cho rằng con người sẽ không giữ lòng trung thành với Đức Chúa Trời nếu gặp thử thách. Vì vậy, khi trải qua thử thách tột độ nhưng vẫn giữ lòng trung thành, Chúa Giê-su phủ nhận lời cáo buộc đó một lần và mãi mãi (Gióp 2:4, 5). Lời cáo buộc ấy có vẻ đúng sau khi Sa-tan dụ dỗ được một người hoàn hảo là A-đam phạm tội. Nhưng Chúa Giê-su cũng hoàn hảo như A-đam mà vẫn vâng lời dù phải chịu đau đớn tột cùng (1 Cô-rinh-tô 15:45). Vì thế, Chúa Giê-su chứng minh rằng A-đam cũng có thể vâng lời Đức Chúa Trời nếu ông muốn. Khi chịu đựng thử thách, Chúa Giê-su đã để lại cho chúng ta một tấm gương (1 Phi-e-rơ 2:21). Để thưởng cho sự vâng lời trọn vẹn của Con ngài, Đức Chúa Trời đã ban cho Chúa Giê-su sự sống bất tử trên trời.

BẠN CÓ THỂ NHẬN LỢI ÍCH NHƯ THẾ NÀO?

Cái chết của Chúa Giê-su thật sự đã xảy ra. Sự sống vĩnh cửu đang mở ra trước mắt chúng ta. Bạn có muốn sống mãi mãi không? Chúa Giê-su cho thấy điều chúng ta cần làm: “Để có được sự sống vĩnh cửu, họ cần phải tìm hiểu về Cha, là Đức Chúa Trời có thật và duy nhất, cùng đấng mà Cha đã phái đến là Giê-su Ki-tô”.—Giăng 17:3.

Nhà xuất bản tạp chí này mời bạn tìm hiểu thêm về Đức Chúa Trời là Đức Giê-hô-va và con ngài là Chúa Giê-su. Nhân Chứng Giê-hô-va nơi bạn sống rất vui được giúp đỡ bạn. Bạn cũng có thể nhận được những thông tin bổ ích khi truy cập trang web của chúng tôi là www.dan124.com/vi.

^ đ. 8 Để biết thêm về tính xác thực của sách Sáng-thế Ký, xem Tháp Canh ngày 1-9-2009, trang 12, 13.

^ đ. 13 Đức Chúa Trời chuyển sự sống của Con ngài từ trời vào bụng bà Ma-ri, khiến bà thụ thai. Thần khí của Đức Chúa Trời bảo vệ Chúa Giê-su không bị ảnh hưởng bởi tình trạng bất toàn của Ma-ri.—Lu-ca 1:31, 35.