Bạn có biết?
Cha của Giô-sép là ai?
Giô-sép, người thợ mộc thành Na-xa-rét, là cha nuôi của Chúa Giê-su. Nhưng cha của Giô-sép là ai? Gia phả của Chúa Giê-su nơi Phúc âm của Ma-thi-ơ nêu tên một người là Gia-cốp, còn Lu-ca thì nói rằng Giô-sép là “con Hê-li”. Tại sao lại có vẻ mâu thuẫn như thế?—Lu-ca 3:23; Ma-thi-ơ 1:16.
Lời tường thuật của Ma-thi-ơ dùng một từ Hy Lạp cho thấy rõ Gia-cốp là cha ruột của Giô-sép: “Gia-cốp sinh Giô-sép”. Như vậy Ma-thi-ơ đang lần theo gia phả của Giô-sép theo huyết thống, thuộc dòng dõi hoàng tộc vua Đa-vít. Qua dòng dõi này, quyền thừa kế ngôi vua theo luật pháp được truyền lại cho con nuôi của Giô-sép là Chúa Giê-su.
Mặt khác, lời tường thuật của Lu-ca ghi: “Giô-sép con Hê-li”. Cách dùng từ “con” ở đây cũng có thể được hiểu là “con rể”. Một trường hợp tương tự là ở Lu-ca 3:27, Sa-la-thi-ên có cha ruột là Giê-cô-nia nhưng lại ghi là “con Nê-ri” (1 Sử-ký 3:17; Ma-thi-ơ 1:12). Hẳn Sa-la-thi-ên đã cưới con gái của Nê-ri và trở thành con rể ông. Tương tự, Giô-sép là “con” của Hê-li vì đã cưới con gái ông là Ma-ri. Điều này có nghĩa là Lu-ca lần theo dòng dõi “theo xác-thịt”, tức theo huyết thống của Chúa Giê-su qua người mẹ ruột là Ma-ri (Rô-ma 1:3, Liên hiệp Thánh kinh hội). Như vậy Kinh Thánh cho chúng ta hai gia phả khác nhau của Chúa Giê-su và cả hai đều hữu ích.
Vào thời Kinh Thánh có những loại vải và thuốc nhuộm nào?
Như lông dê và lạc đà, lông cừu cũng được sử dụng rộng rãi để dệt vải ở Trung Đông thời xưa. Loại vải phổ biến nhất là vải len, và Kinh Thánh thường nhắc đến cừu, việc hớt lông và quần áo len (1 Sa-mu-ên 25:2; 2 Các Vua 3:4; Gióp 31:20). Cây lanh dùng để sản xuất vải lanh được trồng ở Ai Cập và Y-sơ-ra-ên (Sáng-thế Ký 41:42; Giô-suê 2:6). Người Y-sơ-ra-ên vào thời Kinh Thánh có lẽ không trồng cô-tông, nhưng Kinh Thánh có nhắc đến loại sợi này ở Ba Tư (Ê-xơ-tê 1:6). Lụa là loại vải sang trọng đắt tiền, dường như chỉ được nhập bởi các nhà buôn từ Đông Phương.—Khải huyền 18:11, 12.
Một sách nói về thế giới thời Chúa Giê-su (Jesus and His World) cho biết: “Lông cừu có nhiều màu sắc đa dạng, từ màu trắng sáng đến màu nâu sẫm với nhiều tông màu khác nhau”. Ngoài ra, vải len cũng thường được nhuộm. Một loại thuốc nhuộm màu tím đắt tiền được lấy từ một số loài động vật thân mềm. Các loại thực vật, rễ cây, lá cây và côn trùng cũng được dùng để làm thuốc nhuộm với các màu như đỏ, vàng, xanh và đen.