Bạn có biết?
Có thể tin rằng vào thời xưa, một người thật sự gieo cỏ dại vào ruộng của người khác không?
Ma-thi-ơ 13:24-26 trích dẫn lời của Chúa Giê-su: “Nước Trời được ví như một người gieo giống tốt trong ruộng mình. Trong lúc mọi người ngủ, kẻ thù của ông đến gieo cỏ dại vào ruộng lúa mì rồi bỏ đi. Khi lúa mọc lên và kết hạt thì cỏ dại cũng lộ ra”. Một số nhà văn đã thắc mắc liệu minh họa này có nên được xem là chuyện có thật không, nhưng các văn bản thời xưa liên quan đến luật pháp La Mã cho thấy đó hẳn là chuyện có thật.
Một từ điển Kinh Thánh nói: “Theo luật pháp La Mã, việc gieo cỏ lồng vực vào ruộng với mục đích trả thù... là một tội. Việc cần có một luật về điều này cho thấy hành động đó không phải là hiếm xảy ra”. Một học giả về pháp luật tên là Alastair Kerr giải thích rằng vào năm 533 CN, hoàng đế La Mã Justinian đã xuất bản Digest, là bản tóm tắt luật pháp La Mã và các đoạn trích dẫn của các luật gia từ thời cổ đại, khoảng năm 100-250 CN. Theo bản này (Digest, 9.2.27.14), luật gia Ulpian có nhắc đến một vụ án do viên quan người La Mã vào thế kỷ thứ hai tên là Celsus đã xét xử. Cỏ dại đã bị gieo vào ruộng của một người, hậu quả là một vụ mùa bị hư hại. Bản Digest có nói đến những giải pháp hợp pháp giúp người chủ sở hữu hoặc người nông dân thuê ruộng nhận được khoản bồi thường cho sự thiệt hại ấy từ thủ phạm.
Hành vi phá hoại ác ý như thế đã xảy ra ở đế quốc La Mã vào thời xưa cho thấy tình huống mà Chúa Giê-su miêu tả là có thật trong đời sống.
Chính quyền La Mã đã ban cho giới lãnh đạo Do Thái ở xứ Giu-đa sự tự do nhiều đến mức nào vào thế kỷ thứ nhất?
Thời đó, xứ Giu-đa nằm dưới sự cai trị của La Mã, được đại diện bởi quan tổng đốc cùng đội quân do ông chỉ huy. Nhiệm vụ chính của ông là thu thuế cho La Mã cũng như gìn giữ hòa bình và trật tự. La Mã quan tâm đến việc ngăn chặn những hoạt động phi pháp và trừng phạt bất cứ người nào gây náo loạn. Ngoài những trường hợp trên, chính quyền La Mã thường để cho các nhà lãnh đạo địa phương quản trị những việc hàng ngày trong tỉnh.
Ngoài chức năng xét xử, Tòa Tối Cao của người Do Thái cũng thực hiện chức năng như hội đồng quản lý đối với các vấn đề pháp lý của người Do Thái. Cũng có các tòa án cấp dưới ở khắp xứ Giu-đa. Chắc hẳn phần lớn các vụ án dân sự và hình sự đều được những tòa án như thế xử lý mà không bị chính quyền La Mã can thiệp. Tuy nhiên, một hạn chế về thẩm quyền của các tòa án Do Thái liên quan đến việc hành hình phạm nhân, một quyền mà chính quyền La Mã thường dành riêng cho họ. Một trường hợp ngoại lệ mà Kinh Thánh kể lại là việc các thành viên của Tòa Tối Cao đã xét xử Ê-tiên và để ông bị ném đá cho đến chết.—Công 6:8-15; 7:54-60.
Vì thế, Tòa Tối Cao của người Do Thái có thẩm quyền trên phạm vi rộng. Tuy nhiên, học giả Emil Schürer cho biết rằng “hạn chế lớn nhất là chính quyền La Mã có thể can thiệp bất cứ lúc nào và giải quyết một cách độc lập, như họ đã làm vậy khi nghi ngờ một hành vi phạm tội về chính trị”. Chẳng hạn, một trường hợp như thế đã xảy ra dưới sự giám sát của viên chỉ huy Cơ-lo-đi-ô Ly-si-a, người đã bắt giam sứ đồ Phao-lô, một công dân La Mã.—Công 23:26-30.