Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Học từ những tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va

Học từ những tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va

“Điều mà Đức Giê-hô-va đòi ngươi há chẳng phải là làm sự công-bình, ưa sự nhân-từ [“thành tín”, NW] và bước đi cách khiêm-nhường với Đức Chúa Trời ngươi sao?”.—MI 6:8.

BÀI HÁT: 63, 43

1, 2. Đa-vít đã cho thấy rằng ông trung thành với Đức Chúa Trời ra sao? (Xem hình nơi đầu bài).

Trong lúc nửa đêm, Đa-vít và A-bi-sai lặng lẽ đi qua 3.000 binh lính đang ngủ. Vào giữa trại quân, hai người thấy vua Sau-lơ ngủ say. Ông đã đi đến đồng vắng xứ Giu-đa để tìm giết Đa-vít. A-bi-sai nói khẽ: “Cho phép tôi lấy giáo đâm [Sau-lơ] chỉ một cái mà cặm người xuống đất; chẳng cần phải đâm lại”. Đa-vít đáp lại rằng: “Đừng giết người; ai có thế tra tay trên kẻ chịu xức dầu của Đức Giê-hô-va mà không bị phạt?... Nguyện Đức Giê-hô-va giữ, chớ cho tôi tra tay vào kẻ chịu xức dầu của Ngài!”. Lời đáp của Đa-vít thật đáng ngạc nhiên!—1 Sa 26:8-12.

2 Đa-vít hiểu được lòng trung thành với Đức Chúa Trời bao hàm điều gì. Ông không có ý làm hại Sau-lơ. Tại sao? Bởi vì Sau-lơ là vị vua được Đức Chúa Trời xức dầu để cai trị nước Y-sơ-ra-ên. Các tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va tôn trọng những người được ngài bổ nhiệm. Đúng vậy, Đức Giê-hô-va đòi hỏi mọi người thuộc dân ngài phải “ưa sự nhân-từ [“thành tín”, NW]”.—Đọc Mi-chê 6:8.

3. A-bi-sai đã trung thành với Đa-vít như thế nào?

3 A-bi-sai đã thể hiện lòng tôn kính với Đa-vít. Hãy xem một ví dụ: Để cố che đậy việc ngoại tình với Bát-Sê-ba, Đa-vít đã sai người anh em ruột của A-bi-sai là Giô-áp sắp đặt để U-ri, chồng của Bát-Sê-ba, bị giết trong chiến trận (2 Sa 11:2-4, 14, 15; 1 Sử 2:16). Có lẽ A-bi-sai biết ít nhiều về chuyện đó nhưng ông tiếp tục tôn kính Đa-vít với tư cách là vị vua được Đức Chúa Trời bổ nhiệm. Hơn nữa, A-bi-sai không bao giờ cố dùng quyền lực của mình với vai trò một tướng lĩnh trong quân đội để chiếm đoạt ngôi vua Y-sơ-ra-ên. Thay vì thế, ông đã bảo vệ Đa-vít khỏi những kẻ phản nghịch và các kẻ thù khác.—2 Sa 10:10; 20:6; 21:15-17.

4. (a) Đa-vít nêu gương mẫu ra sao về lòng trung thành đối với Đức Chúa Trời? (b) Chúng ta sẽ xem xét những gương nào khác?

4 Việc từ chối làm hại vua Sau-lơ cho thấy Đa-vít là một tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va. Khi còn trẻ, Đa-vít đã được thôi thúc để đối đầu với người Phi-li-tin khổng lồ là Gô-li-át, kẻ dám trâng tráo “sỉ-nhục đạo-binh của Đức Chúa Trời hằng sống”! (1 Sa 17:23, 26, 48-51). Khi đã trở thành vua, Đa-vít phạm những tội trọng bao gồm tội ngoại tình và giết người. Nhưng ông đã chấp nhận sự khiển trách của nhà tiên tri Na-than và ăn năn (2 Sa 12:1-5, 13). Khi về già, Đa-vít tiếp tục thể hiện lòng trung thành với Đức Chúa Trời. Chẳng hạn, ông đã đóng góp một cách rộng rãi cho công việc xây cất đền của Đức Giê-hô-va (1 Sử 29:1-5). Đúng là Đa-vít đã phạm những lỗi lầm nghiêm trọng nhưng ông trung thành với Đức Chúa Trời (Thi 51:4, 10; 86:2). Khi chúng ta xem xét các lời tường thuật khác về Đa-vít và những người sống cùng thời với ông, hãy tìm lời giải đáp cho hai câu hỏi sau: Lòng trung thành với ai nên được đặt ưu tiên? Việc trung thành đòi hỏi chúng ta phải thể hiện những đức tính nào?

LÒNG TRUNG THÀNH VỚI AI NÊN ĐƯỢC ĐẶT ƯU TIÊN?

5. Chúng ta học được gì từ sai lầm của A-bi-sai?

5 Khi lẻn vào trại của Sau-lơ, A-bi-sai đã không đặt lòng trung thành theo đúng thứ tự. Vì trung thành với Đa-vít, A-bi-sai nóng lòng muốn giết vua Sau-lơ nhưng Đa-vít đã ngăn cản. Đa-vít nhận biết rằng tra tay trên “kẻ chịu xức dầu của Đức Giê-hô-va” là sai trái (1 Sa 26:8-11). Qua trường hợp này, chúng ta rút ra một bài học quan trọng: Dù không có gì sai nếu chúng ta có lòng trung thành với một số người, nhưng khi xác định xem mình phải ưu tiên cho việc trung thành với ai, chúng ta cần áp dụng các nguyên tắc Kinh Thánh.

6. Dù việc trung thành với gia đình và bạn bè là điều tự nhiên, nhưng tại sao chúng ta phải cẩn thận về điều đó?

6 Sự trung thành bắt nguồn từ trong lòng nhưng lòng người là dối trá (Giê 17:9). Do đó, một người trung thành với Đức Chúa Trời có thể dễ dàng có cảm xúc gắn bó trung thành với một người bạn thân hoặc người bà con, ngay cả khi người đó đang làm điều sai trái. Đặc biệt khi một người thân thiết với chúng ta từ bỏ sự thật, chúng ta phải nhớ rằng Đức Giê-hô-va luôn xứng đáng là đấng mà mình phải trung thành trên hết.—Đọc Ma-thi-ơ 22:37.

7. Một chị đã giữ lòng trung thành với Đức Chúa Trời ra sao khi ở trong một tình huống khó khăn?

7 Lòng trung thành của chúng ta với Đức Giê-hô-va có thể bị thử thách khi một người thân của chúng ta bị khai trừ. Chẳng hạn, một chị tên là Anne [1] đã nhận được cuộc gọi từ người mẹ bị khai trừ. Bà muốn đến thăm chị vì bà cảm thấy đau lòng khi bị cô lập với gia đình. Chị Anne rất khổ tâm trước lời nài xin của bà và hứa sẽ viết thư trả lời. Trước khi viết thư, chị xem lại các nguyên tắc Kinh Thánh (1 Cô 5:11; 2 Giăng 9-11). Trong lá thư, chị Anne tử tế nhắc mẹ rằng đã tự tách biệt bản thân khỏi gia đình qua việc làm điều sai trái và có thái độ không ăn năn. Chị viết: “Cách duy nhất mẹ có thể giải tỏa nỗi đau là trở về với Đức Giê-hô-va”.—Gia 4:8.

8. Những đức tính nào sẽ giúp chúng ta trung thành với Đức Chúa Trời?

8 Lòng trung thành của những người sống cùng thời với Đa-vít nêu bật ba đức tính có thể giúp chúng ta chứng tỏ lòng trung thành với Đức Chúa Trời. Đó là sự khiêm nhường, tử tế và can đảm. Hãy lần lượt xem xét những đức tính này.

TRUNG THÀNH VỚI ĐỨC CHÚA TRỜI ĐÒI HỎI SỰ KHIÊM NHƯỜNG

9. Tại sao Áp-ne cố gắng giết Đa-vít?

9 Khi Đa-vít cầm thủ cấp của Gô-li-át trong tay và nói chuyện với vua Sau-lơ, có ít nhất hai người đang chứng kiến. Một là Giô-na-than, con trai của Sau-lơ, người đã lập một giao ước về tình bạn với Đa-vít. Người kia là quan tổng binh Áp-ne (1 Sa 17:57–18:3). Sau này, Áp-ne đã ủng hộ những nỗ lực của Sau-lơ trong việc giết Đa-vít. Đa-vít viết: “Người hung-bạo tìm hại mạng-sống tôi” (Thi 54:3; 1 Sa 26:1-5). Tại sao phản ứng của Giô-na-than với Đa-vít rất khác biệt so với phản ứng của Áp-ne? Giống như Giô-na-than, Áp-ne biết rằng Đức Chúa Trời đã chọn Đa-vít làm vua của nước Y-sơ-ra-ên. Sau khi Sau-lơ chết, Áp-ne có thể biểu lộ sự khiêm nhường và chứng tỏ lòng trung thành với Đức Chúa Trời bằng cách ủng hộ Đa-vít thay vì Ích-bô-sết, con trai của Sau-lơ. Về sau, khi Áp-ne ăn nằm với vợ lẽ của vua Sau-lơ, có lẽ ông đang kiếm ngôi vua cho chính mình.—2 Sa 2:8-10; 3:6-11.

10. Tại sao Áp-sa-lôm không trung thành với Đức Chúa Trời?

10 Việc không có sự khiêm nhường đã ngăn cản Áp-sa-lôm trung thành với Đức Chúa Trời. “Áp-sa-lôm sắm xe và ngựa với năm mươi quân chạy trước mặt mình”! (2 Sa 15:1). Ông cũng đánh cắp lòng trung thành của dân sự. Giống như Áp-ne, Áp-sa-lôm tìm cách giết Đa-vít dù biết rằng Đức Giê-hô-va đã bổ nhiệm Đa-vít làm vua Y-sơ-ra-ên.—2 Sa 15:13, 14; 17:1-4.

11. Chúng ta có thể rút ra bài học nào từ những lời tường thuật của Kinh Thánh về Áp-ne, Áp-sa-lôm và Ba-rúc?

11 Trường hợp của Áp-ne và Áp-sa-lôm cho thấy rõ sự tham vọng quá mức có thể dễ dàng khiến một người trở nên bất trung với Đức Chúa Trời. Chắc chắn, không một tôi tớ trung thành nào của Đức Giê-hô-va muốn theo đuổi đường lối ích kỷ và xấu xa như thế. Tuy nhiên, ước muốn trở nên giàu có hoặc đạt được một sự nghiệp danh tiếng trong thế gian này cũng có thể gây ảnh hưởng tai hại về thiêng liêng đối với một tín đồ. Qua cách nào đó không rõ, thư ký của nhà tiên tri Giê-rê-mi là Ba-rúc đã tạm thời mất đi sự tập trung. Đây là thông điệp của Đức Giê-hô-va cho Ba-rúc: “Nầy, vật ta đã dựng thì ta phá đi, vật ta đã trồng thì ta nhổ đi, sự đó khắp trong cả đất. Còn ngươi, ngươi còn tìm việc lớn cho mình hay sao? Chớ có tìm-kiếm” (Giê 45:4, 5). Ba-rúc đã chấp nhận sự sửa trị. Thật khôn ngoan nếu để ý những lời Đức Chúa Trời nói với Ba-rúc khi chúng ta đang chờ đợi sự kết liễu của thế gian gian ác này!

12. Hãy cho thấy tại sao khi ích kỷ, chúng ta không thể trung thành với Đức Chúa Trời.

12 Một anh ở Mexico là Daniel đã phải lựa chọn giữa việc trung thành với Đức Chúa Trời và việc tìm kiếm lợi ích cá nhân ích kỷ. Anh muốn kết hôn với một cô gái không cùng đức tin. Anh Daniel kể: “Tôi tiếp tục viết thư cho cô ấy ngay cả sau khi đã bắt đầu làm tiên phong. Nhưng cuối cùng, tôi đã khiêm nhường và nói với một trưởng lão có kinh nghiệm rằng tôi bị rối bời trước việc chọn trung thành với ai. Anh đã giúp tôi hiểu rằng để trung thành với Đức Chúa Trời, tôi cần phải dừng việc viết thư cho cô ấy. Sau khi cầu nguyện và khóc rất nhiều, tôi đã làm thế. Không lâu sau, tôi đã có nhiều niềm vui hơn trong thánh chức”. Về sau, anh Daniel kết hôn với một chị Nhân Chứng và hiện anh đang phụng sự với tư cách là giám thị vòng quanh.

LÒNG TRUNG THÀNH VỚI ĐỨC CHÚA TRỜI GIÚP CHÚNG TA TỬ TẾ

Nếu biết một anh em đồng đạo có hành vi sai trái nghiêm trọng, anh chị sẽ nói chuyện với người ấy và có hành động thích hợp để người ấy nhận được sự trợ giúp từ các trưởng lão không? (Xem đoạn 14)

13. Na-than đã giữ trung thành với cả Đức Chúa Trời và Đa-vít ra sao khi Đa-vít phạm tội?

13 Đôi khi lòng trung thành với Đức Chúa Trời có thể ảnh hưởng đến lòng trung thành của chúng ta với người khác. Nhà tiên tri Na-than vẫn tiếp tục trung thành với Đa-vít trong khi giữ trung thành với Đức Chúa Trời. Na-than được biết Đa-vít đã phạm tội ngoại tình với Bát-Sê-ba và sắp đặt để chồng của bà bị chết nơi chiến trường. Khi Đức Giê-hô-va phái Na-than đến quở trách Đa-vít, nhà tiên tri ấy đã vâng lời và hành động can đảm dù ông trung thành với Đa-vít. Na-than khiển trách Đa-vít với sự khôn ngoan và tử tế. Để giúp Đa-vít thấy được những tội mà ông đã phạm nghiêm trọng như thế nào, Na-than sử dụng minh họa cho thấy sự bất công của một người giàu khi cướp đi con cừu của một người nghèo. Khi Đa-vít thể hiện sự phẫn nộ về điều mà người giàu đã làm thì Na-than nói với ông: “Vua là người đó!”. Đa-vít đã hiểu ra vấn đề!—2 Sa 12:1-7, 13.

14. Làm thế nào anh chị có thể vừa trung thành với Đức Chúa Trời, vừa trung thành với người bạn hoặc người nhà của mình?

14 Sự tử tế có thể giúp anh chị đối phó với thử thách về lòng trung thành. Chẳng hạn, có thể anh chị biết chắc rằng một anh em đồng đạo nào đó đã có hành vi sai trái nghiêm trọng. Có lẽ anh chị muốn trung thành với người ấy, đặc biệt nếu người ấy là bạn thân hoặc là người nhà của mình. Nhưng nếu che đậy hành vi sai trái của người ấy, anh chị sẽ bất trung với Đức Chúa Trời. Dĩ nhiên, lòng trung thành của anh chị đối với Đức Giê-hô-va cần được đặt lên trên hết. Vì thế, hãy tử tế nhưng kiên định giống như Na-than. Hãy khuyến giục người ấy tìm sự giúp đỡ của các trưởng lão. Nếu sau một khoảng thời gian hợp lý mà người ấy không làm thế, lòng trung thành với Đức Chúa Trời nên thúc đẩy anh chị báo cáo vấn đề cho các trưởng lão. Qua việc làm thế, anh chị đang trung thành với Đức Giê-hô-va và tử tế với người bạn hoặc người nhà của mình, vì các trưởng lão sẽ cố gắng sửa đổi một người như thế bằng sự mềm mại.—Đọc Lê-vi Ký 5:1; Ga-la-ti 6:1.

TRUNG THÀNH VỚI ĐỨC CHÚA TRỜI ĐÒI HỎI SỰ CAN ĐẢM

15, 16. Tại sao Hu-sai cần phải can đảm để trung thành với Đức Chúa Trời?

15 Một người đàn ông tên là Hu-sai đã phải can đảm để trung thành với Đức Chúa Trời. Hu-sai là người bạn trung thành của vua Đa-vít. Tuy nhiên, lòng trung thành của ông bị thử thách khi con trai của Đa-vít là Áp-sa-lôm chiếm được lòng của nhiều người cũng như tìm cách chiếm Giê-ru-sa-lem và ngôi vua (2 Sa 15:13; 16:15). Đa-vít đã trốn khỏi thành nhưng Hu-sai sẽ làm gì? Liệu ông sẽ quay sang trung thành với Áp-sa-lôm, hay sẽ đi theo vị vua già cả đang trốn chạy để bảo toàn mạng sống? Quyết tâm trung thành với vị vua được Đức Chúa Trời bổ nhiệm, Hu-sai đã đến gặp Đa-vít trên núi Ô-li-ve.—2 Sa 15:30, 32.

16 Đa-vít bảo Hu-sai quay lại Giê-ru-sa-lem để giả bộ là bạn của Áp-sa-lôm và làm bại mưu A-hi-tô-phe. Liều mạng sống mình, Hu-sai chứng tỏ lòng trung thành với Đức Giê-hô-va và can đảm làm theo những gì Đa-vít yêu cầu. Đúng như lời cầu nguyện của Đa-vít, mưu của Hu-sai đã làm bại mưu của A-hi-tô-phe.—2 Sa 15:31; 17:14.

17. Tại sao chúng ta cần có sự can đảm để trung thành?

17 Chúng ta cần can đảm để trung thành với Đức Giê-hô-va. Nhiều người trong chúng ta đã can đảm đứng vững trước áp lực từ các thành viên trong gia đình, đồng nghiệp hoặc nhà cầm quyền để chứng tỏ lòng trung thành với Đức Chúa Trời. Chẳng hạn, từ thuở nhỏ, anh Taro ở Nhật Bản đã làm mọi điều có thể để khiến cha mẹ vui lòng. Anh vâng lời và trung thành với cha mẹ không chỉ vì đó là nghĩa vụ mà còn vì anh yêu thương họ. Thế nên, khi cha mẹ chống đối việc anh kết hợp với Nhân Chứng Giê-hô-va, anh cảm thấy rất khó để nói với họ rằng anh đã quyết định tham dự các buổi nhóm họp của Nhân Chứng. Anh Taro chia sẻ: “Cha mẹ tức giận đến mức họ cấm tôi về thăm nhà trong nhiều năm. Tôi cầu nguyện xin sự can đảm để giữ vững quyết định của mình. Giờ đây, thái độ của cha mẹ đã dịu đi và tôi có thể đến thăm họ thường xuyên”.—Đọc Châm-ngôn 29:25.

18. Anh chị được lợi ích ra sao từ bài này?

18 Giống như Đa-vít, Giô-na-than, Na-than và Hu-sai, mong sao chúng ta cảm nghiệm được sự thỏa nguyện sâu xa khi chứng tỏ lòng trung thành với Đức Giê-hô-va. Mặt khác, chúng ta hãy ghi nhớ bài học từ sự bất trung của Áp-ne và Áp-sa-lôm. Chắc chắn chúng ta muốn gắn bó với Đức Giê-hô-va như Đa-vít đã làm. Là những người bất toàn, chúng ta không thể tránh khỏi việc phạm lỗi. Tuy nhiên, chúng ta có thể chứng tỏ rằng sự trung thành với Đức Giê-hô-va chiếm vị trí quan trọng nhất trong lòng chúng ta.

^ [1] (đoạn 7) Một số tên đã được thay đổi.