Anh chị thấy mình cần tiến bộ về thiêng liêng không?
“Hãy chuyên tâm trong việc đọc trước hội thánh, cũng như trong việc khuyên bảo và dạy dỗ”.—1 TI 4:13.
BÀI HÁT: 45, 70
1, 2. (a) Ê-sai 60:22 đã thành hiện thực ra sao trong thời kỳ cuối cùng này? (b) Phần trên đất của tổ chức Đức Giê-hô-va hiện đang có những nhu cầu nào?
“Kẻ rất nhỏ trong vòng họ sẽ nên một ngàn, còn kẻ rất hèn-yếu sẽ trở nên một dân mạnh” (Ê-sai 60:22). Những lời mang tính cách tiên tri này đang được ứng nghiệm trong những ngày sau cùng. Trong năm công tác 2015, có tới 8.220.105 người công bố Nước Trời rao giảng trong cánh đồng toàn cầu! Phần cuối của lời tiên tri trên nên tác động đến cá nhân mỗi tín đồ đạo Đấng Ki-tô, vì Cha trên trời của chúng ta nói: “Ta, Đức Giê-hô-va, sẽ nôn-nả làm điều ấy trong kỳ nó!”. Giống như những hành khách trên một chiếc xe đang tăng tốc, chúng ta cảm nhận được công việc đào tạo môn đồ đang ngày càng tấn tới. Mỗi chúng ta phản ứng thế nào trước sự tăng tốc đó? Chúng ta có đang làm mọi điều có thể để công bố về tin mừng Nước Trời không? Nhiều anh chị đã đăng ký làm tiên phong đều đều hoặc tiên phong phụ trợ. Chúng ta cũng vui mừng khi thấy nhiều anh chị hưởng ứng lời kêu gọi đến phụng sự ở nơi có nhu cầu lớn hơn, hoặc tham gia những khía cạnh khác của hoạt động thần quyền.
2 Đồng thời, ngày càng có nhu cầu cần nhiều người phục vụ trong tổ chức của Đức Giê-hô-va. Mỗi năm có khoảng 2.000 hội thánh được thành lập. Giả sử có 5 trưởng lão phục vụ trong mỗi 1 Cô 15:58.
hội thánh mới thì mỗi năm, 10.000 phụ tá sẽ cần hội đủ điều kiện để làm giám thị. Điều này có nghĩa là hàng ngàn anh sẽ cần hội đủ điều kiện để làm phụ tá. Bên cạnh đó, dù là một anh hay một chị, chắc chắn chúng ta đều có nhiều việc để “bận rộn trong công việc Chúa”.—TIẾN BỘ VỀ THIÊNG LIÊNG CÓ NGHĨA GÌ?
3, 4. Tiến bộ về thiêng liêng có nghĩa gì với anh chị?
3 Đọc 1 Ti-mô-thê 3:1. Động từ trong tiếng Hy Lạp được dịch là “vươn tới” có nghĩa là rướn người ra để nắm một thứ gì đó, có lẽ ngoài tầm với thông thường của mình. Khi dùng từ này, sứ đồ Phao-lô nhấn mạnh rằng để tiến bộ về thiêng liêng, một người phải nỗ lực. Hãy hình dung một anh đang nghĩ về tương lai của mình trong hội thánh. Có lẽ anh hiện chưa là phụ tá, nhưng anh nhận ra rằng mình cần vun trồng các phẩm chất thiêng liêng. Trước tiên, anh nỗ lực hội đủ điều kiện để làm phụ tá. Với thời gian, anh hy vọng hội đủ điều kiện để làm giám thị. Trong mỗi trường hợp trên, anh đều cố gắng hội đủ những điều kiện cần thiết để đảm nhận thêm trách nhiệm trong hội thánh.
4 Tương tự thế, các anh chị muốn làm tiên phong, thành viên nhà Bê-tên hoặc tình nguyện viên xây cất Phòng Nước Trời thì nên nỗ lực để đạt được mục tiêu. Hãy xem Lời Đức Chúa Trời khuyến khích tất cả chúng ta ra sao trong việc tiếp tục tiến bộ về thiêng liêng.
HÃY NỖ LỰC ĐỂ TIẾN BỘ HƠN VỀ THIÊNG LIÊNG
5. Những người trẻ có thể dùng sức lực của mình ra sao trong các công việc Nước Trời?
5 Những người trẻ có sức lực cần thiết để làm được nhiều việc khi phụng sự Đức Giê-hô-va. (Đọc Châm-ngôn 20:29). Một số người trẻ phụng sự tại nhà Bê-tên góp phần trong công việc in ấn, đóng sách Kinh Thánh và các ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh. Nhiều anh chị trẻ tham gia công việc xây cất và bảo trì Phòng Nước Trời. Khi các thảm họa thiên nhiên xảy ra, những người trẻ kết hợp với các Nhân Chứng nhiều kinh nghiệm để thực hiện công tác cứu trợ. Ngoài ra, nhiều tiên phong trẻ giúp mang tin mừng đến với những cộng đồng nói tiếng nước ngoài và thổ ngữ.
6-8. (a) Một anh trẻ đã thay đổi cái nhìn ra sao về việc phụng sự Đức Chúa Trời, và kết quả là gì? (b) Bằng cách nào chúng ta có thể “nếm thử xem Đức Giê-hô-va tốt-lành dường bao”?
6 Hẳn là anh chị hiểu rõ tầm quan trọng của việc hết lòng phụng sự Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, có thể anh chị có cảm xúc như cảm xúc trước đây của anh Aaron. Dù lớn lên trong gia đình Nhân Chứng, anh thừa nhận: “Tôi thấy các buổi nhóm họp và thánh chức rao giảng thật tẻ nhạt”. Anh muốn vui mừng trong việc phụng sự Đức Chúa Trời nhưng lại băn khoăn tại sao mình không có niềm vui. Anh đã làm gì?
7 Anh Aaron đã tạo lập một thói quen về thiêng liêng bao gồm việc đọc Kinh Thánh, chuẩn bị cho các buổi nhóm họp và tham gia bình luận. Đặc biệt là anh bắt đầu cầu nguyện thường xuyên. Khi tình yêu thương của mình dành cho Đức Giê-hô-va lớn lên, anh bắt đầu tiến bộ tốt về thiêng liêng. Kể từ đó, anh Aaron đã vui thích làm tiên phong, kết hợp với các anh chị khác trong công tác cứu trợ, và rao giảng ở một nước khác. Anh Aaron hiện đang phụng sự tại nhà Bê-tên và là một trưởng lão. Anh cảm thấy thế nào về đường lối mà mình lựa chọn? Anh nói: “Tôi đã ‘nếm thử xem Đức Giê-hô-va tốt-lành dường bao’. Vì được ngài ban phước, tôi cảm thấy biết ơn ngài và được thôi thúc để làm nhiều hơn trong việc phụng sự ngài, và điều này mang lại nhiều ân phước hơn nữa”.
8 Người viết Thi-thiên hát: “Người nào tìm-cầu Đức Giê-hô-va sẽ chẳng thiếu của tốt gì”. (Đọc Thi-thiên 34:8-10). Quả thật, Đức Giê-hô-va không bao giờ làm những ai sốt sắng phụng sự ngài phải thất vọng. Chính chúng ta “nếm thử xem Đức Giê-hô-va tốt-lành dường bao” khi làm mọi điều có thể trong việc phụng sự ngài. Ngoài ra, khi hết lòng thờ phượng Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ hạnh phúc hơn bao giờ hết.
HÃY KIÊN TRÌ VÀ ĐỪNG TRỞ NÊN MỎI MỆT
9, 10. Tại sao việc kiên nhẫn “chờ-đợi” là điều quan trọng?
9 Khi anh chị nỗ lực hướng tới mục tiêu của mình, hãy kiên nhẫn “chờ-đợi” (Mi 7:7). Đức Giê-hô-va luôn hỗ trợ những tôi tớ trung thành, dù ngài có thể để họ chờ đợi các đặc ân hoặc chờ đợi hoàn cảnh thay đổi thuận lợi hơn. Ngài hứa ban cho Áp-ra-ham một con trai, nhưng người tộc trưởng ấy đã phải thể hiện đức tin và có lòng kiên nhẫn (Hê 6:12-15). Dù nhiều năm chờ đợi sự ra đời của người con ấy nhưng Áp-ra-ham không nản lòng, và Đức Giê-hô-va đã không làm ông thất vọng.—Sáng 15:3, 4; 21:5.
10 Chờ đợi không phải là điều dễ (Châm 13:12). Nếu cứ nghĩ mãi về những điều khiến mình thất vọng, chúng ta có thể rất nản lòng. Thay vì thế, điều khôn ngoan là dùng thời gian mà mình có để vun trồng những phẩm chất cần thiết hầu có thể chăm lo các trách nhiệm thần quyền. Hãy xem xét ba cách để làm thế.
11. Chúng ta có thể nỗ lực vun trồng những phẩm chất thiêng liêng nào, và tại sao những phẩm chất này quan trọng?
11 Vun trồng các phẩm chất thiêng liêng. Qua việc đọc và suy ngẫm Lời Đức Chúa Trời, chúng ta có thể phát huy khả năng nhận thức, sự khôn ngoan, thông sáng, tri thức và óc suy xét. Những phẩm chất này là điều thiết yếu đối với những ai dẫn đầu trong sự thờ phượng thật (Châm 1:1-4; Tít 1:7-9). Bên cạnh đó, khi đọc các ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh, chúng ta có thể nhận ra quan điểm của Đức Chúa Trời về nhiều vấn đề. Mỗi ngày, chúng ta phải đối mặt với những vấn đề liên quan đến sự giải trí, cách ăn mặc và ngoại diện, việc quản lý tiền bạc và hòa thuận với người khác. Nhờ áp dụng những điều mình học được từ Kinh Thánh, chúng ta có thể đưa ra những quyết định làm vui lòng Đức Giê-hô-va.
12. Bằng cách nào các thành viên trong hội thánh có thể chứng tỏ rằng họ là người đáng tin cậy?
12 Hãy chứng tỏ rằng anh chị là người đáng tin cậy. Dù là một anh hay một chị, chúng ta cần nỗ lực hết sức để chu toàn bất cứ trách nhiệm thần quyền nào mà mình được giao. Là quan tổng trấn, Nê-hê-mi phải sắp xếp những người đảm nhận các trách nhiệm trong vòng dân Đức Chúa Trời. Ông bổ nhiệm những ai? Đó là những người kính sợ Đức Chúa Trời, đáng tin cậy và trung tín (Nê 7:2; 13:12, 13). Ngày nay cũng vậy, “điều đòi hỏi nơi người quản gia là phải trung thành” (1 Cô 4:2). Những việc làm tốt lành sẽ được người khác để ý đến.—Đọc 1 Ti-mô-thê 5:25.
13. Anh chị có thể noi gương Giô-sép ra sao nếu bị người khác đối xử bất công?
13 Hãy để Đức Giê-hô-va tinh luyện anh chị. Anh chị có thể làm gì nếu bị người khác đối xử bất công? Anh chị có thể nhanh chóng giải quyết vấn đề. Nhưng nếu cứ bênh vực bản thân và khăng khăng rằng mình đúng, anh chị có thể làm vấn đề nghiêm trọng hơn. Dù bị các anh của mình đối xử tệ, nhưng Giô-sép đã không nuôi lòng oán giận. Sau này, Giô-sép bị vu cáo và phải ngồi tù một cách bất công. Tuy nhiên, ông đã để Đức Giê-hô-va hướng dẫn trong những lúc khó khăn. Kết quả là gì? “Lời của Đức Giê-hô-va rèn-thử người” (Thi 105:19). Khi những thử thách đó kết thúc, Giô-sép đã hội đủ điều kiện để nhận một nhiệm vụ đặc biệt (Sáng 41:37-44; 45:4-8). Khi đối mặt với những vấn đề khó khăn, hãy cầu xin sự khôn ngoan, hãy nói năng và hành động một cách mềm mại, đồng thời tìm kiếm sức mạnh đến từ Đức Giê-hô-va. Ngài sẽ giúp anh chị.—Đọc 1 Phi-e-rơ 5:10.
HÃY TIẾN BỘ TRONG THÁNH CHỨC
14, 15. (a) Tại sao chúng ta phải “luôn để ý” đến cách rao giảng của mình? (b) Anh chị có thể thích nghi ra sao với những hoàn cảnh thay đổi? (Xem hình nơi đầu bài và khung “ Anh chị có sẵn sàng thử một phương pháp khác?”).
14 Phao-lô khuyến giục Ti-mô-thê: “Hãy chuyên tâm trong việc đọc trước hội thánh, cũng như trong việc khuyên bảo và dạy dỗ... Hãy luôn để ý chính mình con cùng những điều con dạy dỗ” (1 Ti 4:13, 16). Ti-mô-thê đã là một người công bố nhiều kinh nghiệm. Dù vậy, chỉ khi Ti-mô-thê “luôn để ý” đến những điều mình dạy dỗ thì thánh chức của ông mới hữu hiệu. Ông không thể cho rằng người ta sẽ luôn hưởng ứng cách tiếp cận thông thường của mình. Để tiếp tục động đến lòng họ, ông phải điều chỉnh các phương pháp dạy dỗ theo nhu cầu của họ. Là những người công bố Nước Trời, chúng ta cũng cần làm thế.
15 Khi đi rao giảng từng nhà, chúng ta thường thấy người ta không có ở nhà. Trong vài khu vực, chúng ta không thể vào được một số tòa nhà hoặc những khu dân cư có người bảo vệ. Nếu đó là trường hợp trong khu vực của mình, anh chị có thể thử những cách khác để rao giảng tin mừng không?
16. Việc làm chứng nơi công cộng có thể tỏ ra hữu hiệu như thế nào?
16 Làm chứng nơi công cộng là một phương pháp rất tốt để chia sẻ tin mừng. Nhiều Nhân Chứng đang tham gia hữu hiệu vào hình thức làm chứng này và có sự thỏa nguyện. Họ dành thời gian để nói chuyện với người ta tại bến xe buýt và ga xe lửa, tại khu chợ và công viên cũng như tại những nơi công cộng khác. Với sự suy xét, một Nhân Chứng có thể bắt đầu nói chuyện với một người qua việc bình luận về tin tức, hỏi thăm về công việc hoặc khen con cái của người ấy. Khi cuộc nói chuyện diễn ra suôn
sẻ, người công bố có thể đề cập đến một điểm từ Kinh Thánh và mời người ấy nói lên cảm nghĩ. Thường thì người ấy sẽ muốn thảo luận thêm về Kinh Thánh.17, 18. (a) Làm thế nào anh chị có thể trở nên tự tin hơn trong việc làm chứng nơi công cộng? (b) Đa-vít có tinh thần tích cực như thế nào, và việc noi theo tinh thần ấy sẽ giúp gì cho chúng ta trong thánh chức?
17 Nếu anh chị thấy làm chứng nơi công cộng là một điều khó, đừng bỏ cuộc. Hãy xem trường hợp của một tiên phong ở thành phố New York là anh Eddie. Anh từng ngại nói chuyện với người ta tại nơi công cộng. Nhưng với thời gian, anh đã tự tin hơn. Điều gì đã giúp anh? Anh nói: “Trong buổi thờ phượng của gia đình, vợ chồng tôi nghiên cứu để tìm cách đáp lại những sự phản đối cũng như quan điểm mà người ta bày tỏ. Chúng tôi cũng xin lời gợi ý từ các Nhân Chứng khác”. Giờ đây, anh Eddie rất thích làm chứng nơi công cộng.
18 Khi anh chị có thêm kỹ năng và tự tin hơn trong việc rao giảng tin mừng, sự tiến bộ về thiêng liêng của anh chị sẽ được thấy rõ. (Đọc 1 Ti-mô-thê 4:15). Hơn nữa, chắc chắn anh chị sẽ ca tụng Cha trên trời của chúng ta, giống như Đa-vít đã làm. Ông hát: “Tôi sẽ chúc-tụng Đức Giê-hô-va luôn, sự khen-ngợi Ngài hằng ở nơi miệng tôi. Linh-hồn tôi sẽ khoe mình về Đức Giê-hô-va, những người hiền-từ sẽ nghe, và vui-mừng” (Thi 34:1, 2). Rất có thể nhờ thánh chức của anh chị mà những người hiền từ, hay nhu mì, sẽ vui mừng kết hợp với anh chị trong sự thờ phượng thật.
TÔN VINH ĐỨC CHÚA TRỜI QUA VIỆC TIẾN BỘ VỀ THIÊNG LIÊNG
19. Tại sao một tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va có thể vui mừng dù ở trong những hoàn cảnh bị hạn chế?
19 Đa-vít cũng hát: “Hỡi Đức Giê-hô-va, các công việc Ngài sẽ ngợi-khen Ngài; những người thánh Ngài cũng sẽ chúc-tụng Ngài. Họ sẽ nói về sự vinh-hiển nước Chúa, thuật lại quyền-năng của Chúa. Đặng tỏ ra cho con loài người biết việc quyền-năng của Chúa, và sự vinh-hiển oai-nghi của nước Ngài” (Thi 145:10-12). Chắc chắn những lời này phản ánh cảm xúc của tất cả các Nhân Chứng trung thành của Đức Giê-hô-va. Nhưng nói sao nếu bệnh tật hoặc tuổi tác cao khiến thánh chức của anh chị phần nào bị giới hạn? Hãy luôn nhớ rằng khi chia sẻ tin mừng với những người chăm sóc sức khỏe cho mình và với những người khác, thánh chức của anh chị sẽ mang lại sự vinh hiển cho Đức Chúa Trời vĩ đại của chúng ta. Nếu đang bị cầm tù vì đức tin, chắc hẳn anh chị sẽ nói về sự thật khi hoàn cảnh cho phép, và điều này làm vui lòng Đức Giê-hô-va (Châm 27:11). Ngài cũng vui lòng khi anh chị tiếp tục giữ nề nếp thiêng liêng dù sống trong gia đình chia rẽ về tôn giáo (1 Phi 3:1-4). Ngay cả khi ở trong những hoàn cảnh khó khăn, anh chị vẫn có thể ngợi khen Đức Giê-hô-va và tiến bộ về thiêng liêng.
20, 21. Qua việc tiến bộ về thiêng liêng, anh chị có thể giúp ích cho người khác như thế nào?
20 Chắc chắn anh chị sẽ được Đức Giê-hô-va ban phước nếu tiếp tục tiến bộ về thiêng liêng. Có lẽ qua việc thực hiện một số sự điều chỉnh trong thời khóa biểu hoặc trong lối sống, anh chị có thể tham gia nhiều hơn vào việc chia sẻ sự thật quý báu của Đức Chúa Trời với những ai đang cần đến hy vọng. Hơn nữa, sự tiến bộ về thiêng liêng và lối sống hy sinh của anh chị có thể mang lại những lợi ích vô giá cho anh em đồng đạo. Ngoài ra, vì siêng năng trong hội thánh, anh chị sẽ nhận được phần thưởng là sự quý mến, trân trọng và hỗ trợ từ những người yêu mến Đức Giê-hô-va.
21 Dù đã phụng sự Đức Giê-hô-va nhiều năm hay mới chỉ một vài tháng, tất cả chúng ta đều có thể tiến bộ trong việc thờ phượng ngài. Nhưng làm thế nào các tín đồ thành thục có thể giúp những người mới để họ tiến bộ hơn về thiêng liêng? Chúng ta sẽ thảo luận đề tài này trong bài tới.