Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Cùng làm việc với Đức Chúa Trời​—Một lý do để vui mừng

Cùng làm việc với Đức Chúa Trời​—Một lý do để vui mừng

“Là người cùng làm việc với Đức Chúa Trời, chúng tôi khuyên anh em chớ nhận lòng nhân từ bao la của ngài một cách vô ích”.2 CÔ 6:1.

BÀI HÁT: 75, 74

1. Dù Đức Giê-hô-va là Đấng Tối Cao nhưng ngài đã mời những tạo vật thông minh làm gì?

Đức Giê-hô-va là Đấng Tối Cao, Đấng Tạo Hóa của muôn vật, đấng có sự khôn ngoan và quyền năng tột bậc. Gióp đã hiểu được điều đó. Sau khi Đức Giê-hô-va hỏi ông về các công trình sáng tạo của ngài, Gióp đáp: “Tôi biết rằng Chúa có thể làm được mọi sự, chẳng có ý-chỉ nào Chúa lấy làm khó lắm” (Gióp 42:2). Đức Giê-hô-va có thể thực hiện bất cứ việc gì ngài dự định làm mà không cần sự trợ giúp nào. Nhưng ngay từ đầu, Đức Chúa Trời đã thể hiện tình yêu thương qua việc mời những tạo vật thông minh cùng làm việc với ngài để hoàn thành ý định của ngài.

2. Đức Giê-hô-va đã mời Chúa Giê-su làm công việc quan trọng nào?

2 Đức Giê-hô-va tạo ra Con một của ngài trước tiên. Sau đó, ngài cho phép Con ấy tham gia mọi công cuộc sáng tạo, bao gồm cả tạo vật thần linh và vũ trụ vật chất (Giăng 1:1-3, 18). Sứ đồ Phao-lô đã viết về Chúa Giê-su: “Qua Con ấy mà mọi tạo vật khác được dựng nên ở trên trời và dưới đất, cả tạo vật thấy được lẫn không thấy được, dù là ngôi vua, quyền cai trị, chính phủ hay các bậc cầm quyền. Mọi tạo vật khác đều được dựng nên qua ngài và cho ngài” (Cô 1:15-17). Vì thế, Đức Giê-hô-va ban vinh dự cho Con ngài qua việc cho phép Chúa Giê-su tham gia vào công việc sáng tạo, đồng thời cho những tạo vật thông minh khác biết về vai trò quan trọng của Con ngài.

3. Đức Giê-hô-va đã mời A-đam làm gì và tại sao?

3 Đức Giê-hô-va cũng mời con người cùng làm việc với ngài. Chẳng hạn, ngài cho phép A-đam đặt tên các loài thú vật (Sáng 2:19, 20). Khi A-đam quan sát những sinh vật ấy, học biết về các đặc tính của chúng và quyết định tên gọi nào có lẽ thích hợp cho mỗi con vật, hẳn ông đã vui mừng biết bao! Đức Giê-hô-va có thể tự đặt tên cho các loài thú vì chính ngài đã tạo ra chúng. Nhưng ngài đã thể hiện tình yêu thương với A-đam khi cho phép ông đặt tên các con vật. Đức Chúa Trời cũng ban cho A-đam cơ hội nới rộng địa đàng ra khắp đất (Sáng 1:27, 28). Nhưng đáng buồn thay, cuối cùng A-đam đã quyết định không làm việc cùng Đức Chúa Trời, từ đó gây ra kết cục thê thảm cho chính ông và tất cả con cháu của ông.—Sáng 3:17-19, 23.

4. Những người khác đã cùng làm việc với Đức Chúa Trời để thực hiện ý muốn của ngài như thế nào?

4 Với thời gian, Đức Chúa Trời cũng mời những người khác tham gia vào việc thực hiện ý định của ngài. Nô-ê đóng một chiếc tàu giúp bảo vệ ông cùng gia đình sống sót qua trận Nước Lụt toàn cầu. Môi-se giải cứu dân Y-sơ-ra-ên khỏi xứ Ai Cập. Giô-suê đưa dân ấy vào Đất Hứa. Sa-lô-môn xây cất đền thờ ở Giê-ru-sa-lem. Ma-ri trở thành mẹ của Chúa Giê-su. Tất cả những người ấy và nhiều người trung thành khác đã cùng làm việc với Đức Giê-hô-va để thực hiện ý định của ngài.

5. Chúng ta có thể tham gia vào công việc nào, và Đức Giê-hô-va có nhất thiết phải cho chúng ta tham gia vào công việc đó không? (Xem hình nơi đầu bài).

5 Ngày nay, Đức Giê-hô-va mời chúng ta hết lòng ủng hộ Nước của Đấng Mê-si. Có nhiều hình thức phụng sự Đức Chúa Trời. Một số hình thức có lẽ không phải mọi tín đồ đều tham gia được, nhưng tất cả chúng ta đều có thể tham gia công việc rao giảng tin mừng về Nước Trời. Dĩ nhiên, Đức Giê-hô-va không nhất thiết phải cho chúng ta tham gia vào công việc này vì ngài có thể chọn cách nói trực tiếp từ trên trời với con người dưới trái đất. Chúa Giê-su nói rằng Đức Giê-hô-va thậm chí còn có thể khiến cho đá kêu lên để nói về Vua Mê-si (Lu 19:37-40). Nhưng Đức Giê-hô-va cho phép chúng ta trở thành “bạn cùng làm việc” với ngài (1 Cô 3:9). Sứ đồ Phao-lô viết: “Là người cùng làm việc với Đức Chúa Trời, chúng tôi khuyên anh em chớ nhận lòng nhân từ bao la của ngài một cách vô ích” (2 Cô 6:1). Cùng làm việc với Đức Chúa Trời là một vinh dự lớn, mang lại cho chúng ta rất nhiều niềm vui. Tại sao có thể nói như thế? Hãy cùng xem xét một số lý do.

LÀM VIỆC VỚI ĐỨC CHÚA TRỜI KHIẾN CHÚNG TA HẠNH PHÚC

6. Con đầu lòng của Đức Chúa Trời miêu tả ra sao về cảm xúc của ngài khi được làm việc bên cạnh Cha?

6 Các tôi tớ của Đức Giê-hô-va luôn nhận được nhiều niềm vui khi cùng làm việc với ngài. Trước khi xuống trái đất, Con đầu lòng của Đức Chúa Trời nói rằng: “Trong buổi Đức Giê-hô-va khởi cuộc tạo-hóa, về thời thái-cổ, trước khi chưa dựng nên muôn vật thì Ngài đã có ta... Ta ở bên Ngài làm thợ cái, hằng ngày ta là sự khoái-lạc Ngài, và thường thường vui-vẻ trước mặt Ngài” (Châm 8:22, 30). Chúa Giê-su vui mừng cùng làm việc bên cạnh Cha. Ngài vui vẻ về những việc ngài đã hoàn tất cũng như việc biết rằng ngài được Đức Giê-hô-va yêu thương. Còn chúng ta thì sao?

Còn công việc nào thỏa nguyện hơn việc dạy cho người khác biết sự thật? (Xem đoạn 7)

7. Tại sao công việc rao giảng mang lại niềm vui cho chúng ta?

7 Chúa Giê-su nói rằng việc cho và nhận đều mang lại hạnh phúc (Công 20:35). Việc nhận được sự thật đã mang lại niềm vui cho chúng ta và việc chia sẻ cho người khác biết sự thật cũng vậy. Khi chia sẻ sự thật trong Kinh Thánh, chúng ta chứng kiến những người đói khát về thiêng liêng có được niềm vui khi họ bắt đầu hiểu biết cũng như quý trọng Đức Chúa Trời và những sự thật quý báu trong Lời ngài. Chúng ta cảm động khi chứng kiến họ có những thay đổi không chỉ trong suy nghĩ mà cả trong lối sống. Chúng ta nhận ra rằng công việc chia sẻ tin mừng là điều vô cùng quan trọng. Công việc này mở ra cơ hội được sống vĩnh cửu cho những người hòa thuận lại với Đức Chúa Trời (2 Cô 5:20). Còn điều gì vui mừng và thỏa nguyện hơn công việc rao giảng giúp người khác có một lối sống sẽ mang lại sự sống vĩnh cửu?

8. Một số người đã nói gì về niềm vui khi cùng làm việc với Đức Giê-hô-va?

8 Chúng ta không chỉ thấy hạnh phúc khi người khác hưởng ứng thông điệp mà mình rao giảng, chúng ta cũng vui mừng khi biết mình đang làm vui lòng Đức Giê-hô-va và biết ngài quý trọng những nỗ lực của chúng ta trong việc phụng sự ngài. (Đọc 1 Cô-rinh-tô 15:58). Anh Marco sống ở Ý chia sẻ: “Tôi có niềm vui vô giá khi biết rằng mình đang dâng điều tốt nhất cho Đức Giê-hô-va, chứ không phải cho người nào đó sẽ sớm lãng quên những gì tôi đã làm”. Tương tự thế, một nhân chứng cũng phụng sự ở Ý là anh Franco nói: “Qua Lời của ngài và những sự cung cấp về thiêng liêng, mỗi ngày Đức Giê-hô-va nhắc chúng ta nhớ rằng ngài yêu thương chúng ta và mọi điều chúng ta làm cho ngài đều quan trọng, ngay cả khi chúng ta cảm thấy những nỗ lực của mình chẳng đáng là bao. Điều này giải thích tại sao cùng làm việc với Đức Chúa Trời làm cho tôi hạnh phúc và giúp đời sống tôi có ý nghĩa”.

CÙNG LÀM VIỆC VỚI ĐỨC CHÚA TRỜI GIÚP CHÚNG TA ĐẾN GẦN HƠN VỚI NGÀI VÀ NGƯỜI KHÁC

9. Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su có được mối quan hệ như thế nào và tại sao?

9 Khi cùng làm việc với những người mà mình yêu thương, chúng ta càng hiểu biết tính cách và phẩm chất của họ cũng như càng đến gần với họ. Chúng ta không chỉ biết về những điều họ muốn làm mà cả cách họ sẽ thực hiện. Chúa Giê-su đã cùng làm việc với Đức Giê-hô-va có lẽ hàng tỉ năm. Hai đấng ấy đã vun đắp lòng yêu mến cùng tình yêu thương vững mạnh và không lay chuyển dành cho nhau. Để cho thấy mối quan hệ mật thiết ấy, Chúa Giê-su nói: “Tôi với Cha là một” (Giăng 10:30). Hai đấng ấy đã vui hưởng sự hợp nhất trọn vẹn và luôn cùng nhau làm việc trong sự hòa hợp.

10. Tại sao công việc rao giảng giúp chúng ta đến gần hơn với Đức Chúa Trời và người khác?

10 Trong lời cầu nguyện, Chúa Giê-su xin Đức Giê-hô-va che chở cho các môn đồ. Lý do là gì? Chúa Giê-su cầu xin: “Để họ trở nên một như chúng ta vậy” (Giăng 17:11). Khi làm theo những tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời và tham gia vào công việc rao giảng, chúng ta sẽ càng hiểu những đức tính đáng chuộng của ngài. Chúng ta hiểu được tại sao việc tin cậy ngài và làm theo những chỉ dẫn của ngài là điều khôn ngoan. Khi chúng ta đến gần Đức Chúa Trời thì ngài đến gần chúng ta. (Đọc Gia-cơ 4:8). Chúng ta cũng đến gần các anh chị em thiêng liêng vì chúng ta có những thử thách và niềm vui tương tự cũng như vì có những mục tiêu chung. Đúng vậy, chúng ta cùng làm việc, cùng vui vẻ và cùng chịu đựng. Chị Octavia sống ở Anh Quốc nói: “Làm việc chung với Đức Giê-hô-va đã giúp tôi đến gần hơn với người khác vì hiện nay tình bạn của tôi dựa vào mục tiêu và hướng đi chung”. Chắc chắn, chúng ta có cùng cảm nghĩ như thế. Khi thấy những nỗ lực của anh em trong việc làm đẹp lòng Đức Giê-hô-va, chúng ta càng đến gần họ hơn.

11. Tại sao trong thế giới mới, chúng ta sẽ đến gần hơn với Đức Chúa Trời và anh chị em của chúng ta?

11 Hiện giờ, tình yêu thương mà chúng ta dành cho Đức Chúa Trời và người đồng loại có thể mạnh mẽ. Nhưng trong thế giới mới công chính, tình yêu thương ấy thậm chí sẽ còn mạnh mẽ hơn. Hãy nghĩ về những công việc trong tương lai. Chúng ta sẽ cần chào đón những người được sống lại và dạy dỗ họ về đường lối của Đức Giê-hô-va. Trái đất sẽ cần được biến đổi để trở thành địa đàng. Đây là những nhiệm vụ đòi hỏi nhiều công sức, nhưng sẽ thật vui mừng biết bao khi được vai sánh vai làm việc và đạt đến sự hoàn toàn dưới sự trị vì của Nước Đấng Mê-si! Những người thuộc gia đình nhân loại sẽ ngày càng đến gần nhau hơn cũng như đến gần hơn với Đức Chúa Trời, đấng chắc chắn sẽ “làm cho thỏa nguyện mọi loài sống”.—Thi 145:16.

CÙNG LÀM VIỆC VỚI ĐỨC CHÚA TRỜI LÀ MỘT SỰ BẢO VỆ

12. Công việc rao giảng bảo vệ chúng ta như thế nào?

12 Chúng ta cần bảo vệ tình trạng thiêng liêng của mình. Vì đang sống trong thế gian bị Sa-tan Kẻ Quỷ Quyệt kiểm soát, và vì là những người bất toàn nên chúng ta rất dễ bắt đầu suy nghĩ và hành động theo thế gian. Tinh thần thế gian có thể ví như một dòng nước đang đẩy chúng ta theo hướng mà mình không hề muốn đến. Để tránh bị cuốn theo dòng chảy, chúng ta phải hết sức cố gắng để bơi ngược dòng. Tương tự thế, chúng ta phải nỗ lực để không bị cuốn theo tinh thần của thế gian Sa-tan. Khi rao giảng cho người khác, chúng ta tập trung vào những điều thiêng liêng quan trọng và mang lại lợi ích, chứ không phải là những tư tưởng sẽ gây xói mòn đức tin của chúng ta (Phi-líp 4:8). Việc rao giảng giúp cho đức tin của chúng ta được củng cố, nhắc chúng ta nhớ lại lời hứa của Đức Chúa Trời và những tiêu chuẩn yêu thương của ngài, đồng thời cũng giúp giữ cho bộ khí giới thiêng liêng của chúng ta được nguyên vẹn.—Đọc Ê-phê-sô 6:14-17.

13. Một anh Nhân Chứng ở Úc cảm thấy thế nào về công việc rao giảng?

13 Nếu luôn bận rộn trong công việc rao giảng và những hoạt động thiêng liêng khác, chúng ta sẽ không có thời gian để lo lắng thái quá về những vấn đề riêng và điều đó sẽ giúp bảo vệ chúng ta. Anh Joel sống ở Úc chia sẻ: “Công việc rao giảng giúp tôi không mất đi cái nhìn thực tế. Công việc ấy nhắc tôi nhớ đến những thử thách mà người ta đang phải đối mặt và những lợi ích mà tôi nhận được nhờ áp dụng các nguyên tắc Kinh Thánh vào đời sống. Việc rao giảng giúp tôi giữ được tinh thần khiêm nhường cũng như cho tôi cơ hội để đặt lòng tin cậy nơi Đức Giê-hô-va và các anh chị em”.

14. Tại sao sự kiên trì của chúng ta trong công việc rao giảng cho thấy thần khí của Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta?

14 Công việc rao giảng cũng giúp chúng ta càng tin chắc rằng thần khí của Đức Chúa Trời ở cùng mình. Hãy xem điều này: Giả sử, anh chị được mời làm công việc phân phối bánh mì giàu dinh dưỡng cho những người trong khu vực của mình. Anh chị sẽ không được trả công và cũng không được hoàn lại số tiền mình đã bỏ ra. Chưa hết, anh chị sớm nhận ra rằng phần lớn người dân không muốn nhận bánh mì và một số người thậm chí còn ghét anh chị về công việc phân phát đó. Anh chị sẽ tiếp tục làm một công việc như thế trong bao lâu? Cảm thấy nản lòng vì phản ứng tiêu cực của người ta, anh chị hẳn sẽ không có nghị lực để tiếp tục làm việc đó lâu dài. Nhưng nhiều anh chị trong chúng ta đã kiên trì làm thánh chức từ năm này qua năm khác dù phải tự trang trải mọi chi phí cũng như bất chấp sự miệt thị và nhạo báng của những người thiếu lòng biết ơn. Chẳng phải điều này là bằng chứng cho thấy thần khí của Đức Chúa Trời tác động trên chúng ta sao?

CÙNG LÀM VIỆC VỚI ĐỨC CHÚA TRỜI CHO THẤY TÌNH YÊU THƯƠNG DÀNH CHO NGÀI VÀ NGƯỜI KHÁC

15. Công việc rao giảng tin mừng liên quan ra sao đến ý định của Đức Chúa Trời dành cho nhân loại?

15 Hãy suy nghĩ công việc rao giảng tin mừng liên quan ra sao đến ý định yêu thương của Đức Giê-hô-va dành cho nhân loại. Ngài có ý định là con người sẽ được sống trên đất mà không bao giờ phải chết. Dù A-đam phạm tội nhưng Đức Giê-hô-va không hề thay đổi ý định của ngài (Ê-sai 55:11). Thay vì thế, ngài sắp đặt cho nhân loại được giải thoát khỏi án phạt là tội lỗi và sự chết. Phù hợp với mục tiêu đó, Chúa Giê-su xuống trái đất và hy sinh mạng sống cho những người biết vâng lời. Tuy nhiên, để có thể vâng lời Đức Chúa Trời, người ta phải hiểu biết về những điều ngài đòi hỏi. Vì thế, Chúa Giê-su cũng dạy họ về những điều Đức Chúa Trời đòi hỏi và chỉ thị cho các môn đồ làm thế. Khi giúp người khác hòa thuận lại với Đức Chúa Trời, chúng ta tham gia trực tiếp vào sự sắp đặt yêu thương của ngài là giải cứu nhân loại khỏi tội lỗi và sự chết.

16. Công việc rao giảng của chúng ta liên quan thế nào đến những điều răn lớn nhất của Đức Chúa Trời?

16 Việc giúp những người khác đi trên con đường dẫn đến sự sống vĩnh cửu cho thấy tình yêu thương của chúng ta đối với người đồng loại và với Đức Giê-hô-va, đấng “muốn mọi loại người được cứu và hiểu biết chính xác về sự thật” (1 Ti 2:4). Khi một người Pha-ri-si hỏi Chúa Giê-su điều răn nào của Đức Chúa Trời là quan trọng nhất, ngài đáp: “‘Ngươi phải yêu thương Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi hết lòng, hết mình và hết tâm trí’. Đây là điều răn đầu tiên và quan trọng nhất. Điều răn thứ hai cũng tương tự như vậy: ‘Ngươi phải yêu người lân cận như chính mình’” (Mat 22:37-39). Bằng cách tham gia công việc rao giảng, chúng ta cho thấy mình vâng theo những điều răn này.—Đọc Công vụ 10:42.

17. Anh chị cảm thấy thế nào về vinh dự được rao giảng tin mừng?

17 Chúng ta được ân phước biết bao! Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta một công việc mang lại niềm vui, giúp chúng ta đến gần hơn với ngài và người khác cũng như bảo vệ chúng ta về thiêng liêng. Công việc ấy cũng cho chúng ta cơ hội thể hiện tình yêu thương với Đức Chúa Trời và người đồng loại. Đức Giê-hô-va có hàng triệu tôi tớ ở khắp nơi trên thế giới và mỗi người đều có hoàn cảnh rất khác nhau. Nhưng dù trẻ hay già, giàu hay nghèo, khỏe hay yếu, chúng ta đang nỗ lực để chia sẻ niềm tin của mình với người khác. Hẳn là chúng ta sẽ đồng tình với lời nhận xét của một chị sống ở Pháp tên là Chantel. Chị nói: “Đấng quyền năng nhất vũ trụ, Đấng Tạo Hóa của muôn vật và cũng là Đức Chúa Trời hạnh phúc, nói với tôi rằng: ‘Hãy đi! Nói! Nói cho ta, hãy nói từ trong lòng. Ta sẽ ban cho con sức mạnh của ta, Lời của ta là Kinh Thánh, sự trợ giúp từ trời, những người bạn đồng hành trên đất, sự huấn luyện thường xuyên và lời chỉ dẫn cụ thể vào thời điểm thích hợp’. Quả là một đặc ân to lớn khi được thực thi những điều Đức Giê-hô-va đòi hỏi và được cùng làm việc với Đức Chúa Trời của chúng ta!”.