Được thôi thúc bởi “món quà tuyệt vời khôn tả”
“Tạ ơn Đức Chúa Trời vì đã ban món quà tuyệt vời khôn tả”.—2 CÔ 9:15.
BÀI HÁT: 121, 63
1, 2. (a) “Món quà tuyệt vời khôn tả” của Đức Chúa Trời bao gồm điều gì? (b) Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào trong bài này?
Khi Đức Giê-hô-va phái Con một của ngài xuống trái đất, ngài đã ban cho chúng ta món quà cao cả nhất của tình yêu thương! (Giăng 3:16; 1 Giăng 4:9, 10). Sứ đồ Phao-lô gọi đó là “món quà tuyệt vời khôn tả” của Đức Chúa Trời (2 Cô 9:15). Tại sao ông lại dùng cụm từ đó?
2 Phao-lô biết rằng mọi lời hứa tuyệt vời của Đức Chúa Trời sẽ được đảm bảo thực hiện qua sự hy sinh hoàn hảo của Đấng Ki-tô. (Đọc 2 Cô-rinh-tô 1:20). Điều này có nghĩa là “món quà tuyệt vời khôn tả” ấy bao gồm mọi điều tốt lành và tình yêu thương trung tín mà Đức Giê-hô-va thể hiện với chúng ta qua Chúa Giê-su. Quả thật, món quà ấy tuyệt diệu đến mức không lời nào của con người có thể diễn tả trọn vẹn. Việc nhận được một món quà đặc biệt như thế nên tác động thế nào đến chúng ta? Món quà ấy nên thôi thúc chúng ta có những hành động thực tế nào khi chuẩn bị cho Lễ Tưởng Niệm sự hy sinh của Chúa Giê-su vào thứ tư, ngày 23 tháng 3 năm 2016?
MÓN QUÀ ĐẶC BIỆT CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
3, 4. (a) Anh chị cảm thấy thế nào khi có ai đó tặng cho mình một món quà? (b) Một món quà đặc biệt có thể thay đổi đời sống anh chị ra sao?
3 Khi nhận được một món quà, chắc hẳn anh chị tràn đầy những cảm xúc khác nhau. Tuy nhiên, một số món quà có lẽ đặc biệt hoặc ý nghĩa đến mức chúng có thể thay đổi đời sống của một người. Chẳng hạn, hãy hình dung anh chị sắp bị xử tử vì có liên can đến một tội ác. Đột nhiên, một người mà anh chị không quen biết bỗng bước ra khỏi đám đông và tình nguyện chịu hình phạt thay. Người ấy thật sự sẵn lòng chịu chết cho anh chị! Món quà đặc biệt này sẽ tác động thế nào đến anh chị?
4 Việc nhận được một món quà yêu thương bất vị kỷ như thế chắc hẳn sẽ thôi thúc anh chị xem xét lại những hành động của mình và thậm chí còn thôi thúc anh chị thay đổi lối sống. Rất có thể món quà ấy sẽ thúc đẩy anh chị trở nên rộng rãi hơn và yêu thương người khác nhiều hơn, thậm chí tha thứ cho bất cứ ai đã phạm lỗi với mình. Trong phần đời còn lại, anh chị sẽ cảm thấy rất biết ơn người đã sẵn lòng chết cho mình.
5. Tại sao món quà giá chuộc mà Đức Chúa Trời ban là cao cả hơn bất cứ món quà nào khác?
5 Tuy nhiên, những điều mà Đức Giê-hô-va đã ban cho chúng ta qua Đấng Ki-tô còn cao cả hơn rất nhiều so với món quà được miêu tả trong ví dụ trên (1 Phi 3:18). Hãy xem tại sao. Vì tội lỗi di truyền, tất cả chúng ta đều đối mặt với bản án tử hình (Rô 5:12). Nhưng Đức Giê-hô-va đã yêu thương sắp đặt cho Chúa Giê-su xuống trái đất và “nếm trải sự chết vì mọi người” (Hê 2:9). Đức Giê-hô-va không chỉ cứu mạng sống hiện tại của chúng ta nhưng ngài còn đặt một nền tảng để loại bỏ vĩnh viễn nguyên nhân gây ra sự chết (Ê-sai 25:7, 8; 1 Cô 15:22, 26). Tất cả những ai thể hiện đức tin nơi Chúa Giê-su sẽ nhận được sự sống vĩnh cửu trong bình an và hạnh phúc với tư cách là các thần dân trên đất của Nước Đức Chúa Trời, hoặc nếu là người được xức dầu, với tư cách là những người đồng cai trị với Đấng Ki-tô ở trên trời (Rô 6:23; Khải 5:9, 10). Món quà từ Đức Giê-hô-va còn bao gồm những ân phước nào khác?
6. (a) Anh chị mong đợi những ân phước nào mà món quà của Đức Giê-hô-va sẽ mang lại? (b) Món quà của Đức Chúa Trời sẽ thôi thúc chúng ta làm ba điều nào?
6 Món quà của Đức Giê-hô-va bao gồm việc chữa lành mọi bệnh tật của chúng ta, biến trái đất thành địa đàng và làm sống lại những người đã chết (Ê-sai 33:24; 35:5, 6; Giăng 5:28, 29). Chắc chắn, chúng ta yêu thương Đức Giê-hô-va và Con yêu dấu của ngài vì hai đấng ấy đã ban cho chúng ta “món quà tuyệt vời khôn tả”. Tuy nhiên, một câu hỏi được đặt ra là: Tình yêu thương của Đức Chúa Trời sẽ thôi thúc chúng ta làm gì? Hãy xem xét làm thế nào tình yêu thương của Đức Chúa Trời thôi thúc chúng ta (1) theo sát dấu chân của Đấng Ki-tô Giê-su, (2) thể hiện tình yêu thương với anh em đồng đạo và (3) tha thứ người khác từ đáy lòng.
“TÌNH YÊU THƯƠNG CỦA ĐẤNG KI-TÔ THÔI THÚC CHÚNG TÔI”
7, 8. Chúng ta nên cảm thấy thế nào về tình yêu thương của Đấng Ki-tô, và tình yêu thương ấy nên thúc đẩy chúng ta làm gì?
7 Trước hết, chúng ta cần được thôi thúc để sống cho Đấng Ki-tô Giê-su. Sứ đồ Phao-lô nói: “Tình yêu thương của Đấng Ki-tô thôi thúc chúng tôi”. (Đọc 2 Cô-rinh-tô 5:14, 15). Phao-lô nhận ra rằng nếu chúng ta chấp nhận tình yêu thương cao cả của Đấng Ki-tô thì điều ấy sẽ thôi thúc chúng ta sống cho ngài. Khi hiểu rõ về những điều Đức Giê-hô-va đã làm cho chúng ta và khi tình yêu thương của ngài thôi thúc lòng mình thì chúng ta sẽ mong muốn sống hết mình cho Đấng Ki-tô Giê-su. Chúng ta thể hiện mong muốn đó bằng cách nào?
1 Phi 2:21; 1 Giăng 2:6). Qua việc vâng lời, chúng ta chứng tỏ tình yêu thương với Đức Chúa Trời và Đấng Ki-tô. Chúa Giê-su nói: “Ai tiếp nhận và giữ các điều răn của tôi là yêu thương tôi. Ai yêu thương tôi sẽ được Cha tôi yêu thương lại, tôi sẽ yêu thương người và tỏ cho người biết rõ về tôi”.—Giăng 14:21; 1 Giăng 5:3.
8 Những ai yêu mến Đức Giê-hô-va được thôi thúc để noi gương Đấng Ki-tô, bước đi như ngài và theo sát dấu chân ngài (9. Chúng ta có những áp lực nào?
9 Trong mùa Lễ Tưởng Niệm, chúng ta nên suy ngẫm về lối sống của mình. Hãy tự hỏi: “Mình đang làm tốt việc theo sát dấu chân của Đấng Ki-tô Giê-su trong những khía cạnh nào? Mình có thể làm tốt hơn trong những khía cạnh nào khác?”. Việc tự xét bản thân như thế là điều rất quan trọng vì chúng ta đang không ngừng bị áp lực sống theo đường lối của thế gian này (Rô 12:2). Nếu không cẩn thận, chúng ta có thể trở thành những tín đồ của các triết gia thế gian hay thậm chí là của những người nổi tiếng và những người hùng thể thao (Cô 2:8; 1 Giăng 2:15-17). Làm thế nào chúng ta có thể kháng cự những áp lực ấy?
10. Trong mùa Lễ Tưởng Niệm năm nay, chúng ta có thể tự hỏi những câu hỏi nào, và câu trả lời cho những câu hỏi ấy có thể thúc đẩy chúng ta làm gì? (Xem hình nơi đầu bài).
10 Chúng ta có thể dành thời gian trong mùa Lễ Tưởng Niệm để xem lại tủ quần áo, các bộ sưu tập phim ảnh và âm nhạc, có lẽ ngay cả những tài liệu được lưu trữ trong máy tính, điện thoại thông minh và máy tính bảng của chúng ta. Khi xem lại tủ quần áo của mình, anh chị hãy tự hỏi: “Nếu mình sắp đến một nơi mà Chúa Giê-su có mặt, mình sẽ cảm thấy xấu hổ với ngài khi mặc loại quần áo này không? Nếu mình mặc loại quần áo đó, mọi người có thấy rõ mình là môn đồ của Đấng Ki-tô Giê-su không?”. (Đọc 1 Ti-mô-thê 2:9, 10). Chúng ta có thể tự hỏi những câu tương tự về phim ảnh và âm nhạc mà mình lựa chọn: “Liệu Chúa Giê-su sẽ thích xem bộ phim này hoặc nghe loại nhạc này không? Nếu ngài mượn điện thoại hoặc máy tính bảng của mình thì liệu mình có xấu hổ với những gì mà ngài thấy trong đó không?”. Khi anh chị xem xét nội dung của một trò chơi điện tử, hãy tự hỏi: “Mình có thấy khó giải thích cho Chúa Giê-su biết tại sao mình thích chơi trò chơi này không?”. Tình yêu thương với Đức Giê-hô-va nên thôi thúc chúng ta từ bỏ bất cứ điều gì không thích hợp với môn đồ của Đấng Ki-tô, bất kể giá trị của nó thế nào (Công 19:19, 20). Khi dâng mình, chúng ta đã hứa nguyện là sẽ không sống cho bản thân nữa mà sống cho Đấng Ki-tô. Do đó, chúng ta không nên bám lấy bất cứ điều gì mà có thể ngăn cản mình theo sát dấu chân Đấng Ki-tô.—Mat 5:29, 30; Phi-líp 4:8.
11. (a) Tình yêu thương với Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su thôi thúc chúng ta ra sao trong công việc rao giảng? (b) Tình yêu thương có thể thúc đẩy chúng ta giúp đỡ các anh chị em trong hội thánh như thế nào?
11 Tình yêu thương với Chúa Giê-su cũng thúc đẩy chúng ta hết lòng trong việc rao giảng và đào tạo môn đồ (Mat 28:19, 20; Lu 4:43). Trong mùa Lễ Tưởng Niệm, chúng ta sẽ có cơ hội để phụng sự với tư cách tiên phong phụ trợ qua việc dành 30 hoặc 50 giờ cho thánh chức. Anh chị có thể sắp xếp công việc hàng ngày để làm thế không? Một anh góa vợ và đã 84 tuổi không nghĩ rằng anh có thể làm tiên phong phụ trợ vì tuổi cao và sức khỏe kém. Dù vậy, các tiên phong ở địa phương đã cùng nhau giúp anh ấy. Họ giúp anh trong việc đi lại và cẩn thận lựa chọn khu vực mà anh có thể tham gia thánh chức để anh hoàn thành được mục tiêu rao giảng 30 giờ. Anh chị có thể chủ động giúp đỡ ai đó trong hội thánh để anh hoặc chị ấy có thể được hưởng niềm vui làm tiên phong phụ trợ trong mùa Lễ Tưởng Niệm không? Dĩ nhiên, không phải tất cả chúng ta đều có thể làm tiên phong phụ trợ. Dù vậy, chúng ta có thể tận dụng bất cứ thời gian và năng lực nào mình có để dâng thêm lễ vật là lời ngợi khen cho Đức Giê-hô-va. Khi làm điều đó, chúng ta cho thấy rằng giống như Phao-lô, chúng ta được thôi thúc bởi tình yêu thương của Đấng Ki-tô. Tình yêu thương của Đức Chúa Trời sẽ thúc đẩy chúng ta làm điều gì khác?
CHÚNG TA CÓ BỔN PHẬN PHẢI YÊU THƯƠNG NHAU
12. Tình yêu thương của Đức Chúa Trời thôi thúc chúng ta làm gì?
12 Thứ hai, tình yêu thương của Đức Chúa Trời sẽ thôi thúc chúng ta thể hiện tình yêu thương với anh em đồng đạo. Sứ đồ Giăng đã nhận biết điều này. Ông viết: “Hỡi anh em yêu dấu, vì Đức Chúa Trời đã yêu thương chúng ta như thế, chúng ta cũng có bổn phận phải yêu thương nhau” (1 Giăng 4:7-11). Đúng vậy, nếu thật sự chấp nhận tình yêu thương của Đức Chúa Trời, chúng ta cần nhận ra bổn phận của mình là phải yêu thương anh em (1 Giăng 3:16). Làm thế nào chúng ta có thể biểu lộ tình yêu thương của mình theo những cách thực tế?
13. Chúa Giê-su nêu gương nào trong việc yêu thương người khác?
13 Hãy xem gương của Chúa Giê-su. Trong thời gian làm thánh chức trên đất, ngài đặc biệt quan tâm và giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Ngài chữa lành cho những người bị khiếm khuyết về thể chất như người què, người mù, người điếc và người câm (Mat 11:4, 5). Chúa Giê-su thích dạy dỗ những người đói khát về thiêng liêng, những người bị giới lãnh đạo Do Thái giáo xem là ‘dân thật đáng rủa’ (Giăng 7:49). Ngài yêu thương những người có hoàn cảnh khó khăn như thế và làm việc siêng năng để phục vụ họ.—Mat 20:28.
14. Anh chị có thể làm gì để thể hiện tình yêu thương với các anh em đồng đạo?
14 Mùa Lễ Tưởng Niệm cho chúng ta cơ hội để noi gương Chúa Giê-su qua việc dành thời gian nghĩ về những anh chị em trong hội thánh. Khi làm thế, chắc hẳn anh chị sẽ thấy một số anh chị em có thể nhận được lợi ích từ tình yêu thương của mình. Có lẽ trong hội thánh có những anh chị cao tuổi cần được giúp đỡ. Anh chị có thể đến thăm những anh em yêu dấu đó không? Anh chị có thể mang cho họ đồ ăn, giúp họ làm việc nhà, đề nghị chở họ đi nhóm họp hoặc mời họ tham gia thánh chức không? (Đọc Lu-ca 14:12-14). Hãy để tình yêu thương của Đức Chúa Trời thôi thúc chúng ta chủ động thể hiện tình yêu thương với anh em.
BIỂU LỘ LÒNG THƯƠNG XÓT VỚI CÁC ANH CHỊ EM
15. Chúng ta phải nhận ra điều gì?
15 Thứ ba, tình yêu thương của Đức Giê-hô-va phải thôi thúc chúng ta tha thứ cho các
anh chị em đồng đạo. Là con cháu của A-đam, mỗi chúng ta đều bị di truyền tội lỗi và cả hình phạt của nó là sự chết. Không một ai trong chúng ta có thể nói: “Tôi không cần giá chuộc”. Ngay cả những tôi tớ trung thành nhất của Đức Chúa Trời cũng hoàn toàn lệ thuộc vào lòng nhân từ bao la của ngài qua Đấng Ki-tô. Mỗi chúng ta phải nhận ra rằng mình đã được tha một món nợ khổng lồ. Tại sao điều này quan trọng? Câu trả lời được tìm thấy trong một dụ ngôn của Chúa Giê-su.16, 17. (a) Chúng ta nên học điều gì từ minh họa của Chúa Giê-su về vị vua và các đầy tớ? (b) Sau khi suy ngẫm về minh họa của Chúa Giê-su, anh chị quyết tâm làm gì?
16 Chúa Giê-su kể về một vị vua đã tha cho người đầy tớ của ông một món nợ khổng lồ là 10.000 ta-lâng, hay 60.000.000 đơ-na-ri-on. Nhưng người đầy tớ đã được tha một món nợ lớn như thế lại không chịu tha món nợ nhỏ hơn rất nhiều là 100 đơ-na-ri-on cho người bạn cùng làm đầy tớ. Vị vua ấy giận dữ khi biết được sự nhẫn tâm của người đầy tớ mà ông đã thương xót tha nợ cho. Vua nói: “Tên đầy tớ gian ác kia, ta đã xóa nợ cho ngươi khi ngươi van xin ta. Lẽ ra ngươi cũng phải thương xót bạn mình như ta đã thương xót ngươi chứ?” (Mat 18:23-35, cước chú). Đúng vậy, lòng thương xót lớn lao của vị vua lẽ ra phải thôi thúc đầy tớ ấy tha nợ cho bạn mình. Tương tự, tình yêu thương và lòng thương xót của Đức Giê-hô-va nên thôi thúc chúng ta làm gì?
17 Mùa Lễ Tưởng Niệm cho chúng ta cơ hội để xét xem mình có đang nuôi lòng oán giận với bất cứ anh chị em nào không. Nếu có thì đây là thời điểm thật thích hợp để noi gương Đức Giê-hô-va, đấng “sẵn tha-thứ cho” (Nê 9:17; Thi 86:5). Nếu biết ơn điều Đức Giê-hô-va đã làm khi ngài xóa món nợ khổng lồ cho chính chúng ta, chúng ta sẽ muốn tha thứ cho người khác từ đáy lòng. Quả thật, chúng ta không thể nhận được tình yêu thương và sự tha thứ của Đức Chúa Trời trừ khi chúng ta yêu thương và tha thứ người khác (Mat 6:14, 15). Đúng là việc tha thứ sẽ không làm thay đổi quá khứ nhưng chắc chắn sẽ thay đổi tương lai của chúng ta theo hướng tốt hơn.
18. Làm thế nào tình yêu thương của Đức Chúa Trời đã giúp một chị chịu đựng sự bất toàn của một chị khác?
18 Đối với nhiều người trong chúng ta, việc hằng ngày “chịu đựng” anh chị em đồng đạo có thể là một thử thách. (Đọc Cô-lô-se 3:13, 14; Ê-phê-sô 4:32). Chẳng hạn, một chị độc thân trong hội thánh tên là Lily đã tình nguyện giúp đỡ một chị góa chồng là Carol. [1] Chị Lily chở chị Carol đi lại, giúp chị ấy đi chợ và thể hiện lòng tử tế qua nhiều cách thiết thực khác. Bất kể mọi điều mà chị Lily đã làm, chị Carol vẫn không ngừng chỉ trích và đôi lúc khó chiều. Tuy nhiên, chị Lily đã tập trung vào những đức tính tốt của chị Carol và tiếp tục giúp đỡ chị ấy vài năm cho đến khi chị Carol bị bệnh nặng và qua đời. Dù việc giúp đỡ chị Carol là điều khó cho chị Lily, nhưng chị chia sẻ: “Tôi vẫn mong gặp chị Carol khi chị sống lại. Tôi muốn biết chị ấy sẽ như thế nào khi trở nên hoàn hảo”. Đúng vậy, tình yêu thương của Đức Chúa Trời có thể thôi thúc chúng ta chịu đựng các anh chị em và mong đợi thời kỳ mà sự bất toàn của con người sẽ vĩnh viễn không còn nữa.
19. “Món quà tuyệt vời khôn tả” của Đức Chúa Trời sẽ thôi thúc anh chị làm gì?
19 Quả thật, chúng ta đã nhận được một “món quà tuyệt vời khôn tả” từ Đức Giê-hô-va. Mong sao chúng ta sẽ không bao giờ xem thường món quà quý giá này. Mùa Lễ Tưởng Niệm là dịp tuyệt vời để chúng ta suy ngẫm với lòng biết ơn về tất cả những điều mà Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su đã làm cho mình. Mong sao tình yêu thương của hai đấng ấy thôi thúc chúng ta theo sát dấu chân của Chúa Giê-su, chủ động thể hiện tình yêu thương với anh em đồng đạo và tha thứ cho anh em từ đáy lòng.
^ [1] (đoạn 18) Một số tên trong bài đã được đổi.