Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Thần khí cùng với lòng chúng ta chứng nhận

Thần khí cùng với lòng chúng ta chứng nhận

“Thần khí cùng với lòng chúng ta chứng nhận rằng chúng ta là con cái Đức Chúa Trời”.RÔ 8:16.

BÀI HÁT: 109, 108

1-3. Những sự kiện nào khiến Lễ Ngũ Tuần là một ngày đặc biệt, và những sự kiện ấy làm ứng nghiệm ra sao về điều Kinh Thánh đã báo trước? (Xem hình nơi đầu bài).

Đó là vào một buổi sáng chủ nhật, lúc khoảng chín giờ. Ngày chủ nhật này rất đặc biệt đối với những người ở Giê-ru-sa-lem. Đó là một ngày lễ, đồng thời cũng là ngày Sa-bát. Của lễ vào mỗi buổi sáng chắc hẳn đã được dâng lên tại đền thờ. Giờ đây, sự hân hoan bao trùm bầu không khí khi thầy tế lễ thượng phẩm chuẩn bị dâng hai ổ bánh có men làm từ lúa đầu mùa để làm của lễ dâng đưa qua đưa lại (Lê 23:15-20). Việc dâng của lễ này đánh dấu sự khởi đầu của mùa gặt lúa mì. Đó là ngày Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN.

2 Trong khi những điều trên diễn ra tại khu vực đền thờ, có một điều quan trọng hơn nhiều sắp xảy ra, không phải ở đền thờ mà tại một căn phòng trên lầu trong thành phố. Khoảng 120 tín đồ đạo Đấng Ki-tô đang nhóm lại cùng nhau và “bền lòng cầu nguyện” (Công 1:13-15). Điều sắp xảy đến cho họ có liên quan mật thiết đến những công việc mà thầy tế lễ thượng phẩm thực hiện vào mỗi dịp Lễ Ngũ Tuần, đồng thời làm ứng nghiệm một lời tiên tri mà Giô-ên đã nói ra trước đó khoảng 800 năm (Giô-ên 2:28-32; Công 2:16-21). Điều sắp xảy ra là gì mà có tầm quan trọng đến thế?

3 Đọc Công vụ 2:2-4. Thần khí của Đức Chúa Trời đã được đổ trên những tín đồ đang nhóm lại tại căn phòng trên lầu ấy (Công 1:8). Họ bắt đầu nói tiên tri, hay làm chứng, về những điều tuyệt diệu mà họ đã thấy và nghe. Trước một đám đông nhóm lại không lâu sau đó, sứ đồ Phi-e-rơ đã giải thích ý nghĩa của điều vừa xảy ra. Rồi ông nói với họ: “Anh em hãy ăn năn, mỗi người hãy chịu phép báp-têm nhân danh Chúa Giê-su Ki-tô để được tha tội, và anh em sẽ nhận được món quà là thần khí”. Tổng cộng khoảng 3.000 người đã tiếp nhận lời mời này vào ngày hôm đó, họ làm báp-têm và nhận được thần khí như đã được hứa.—Công 2:37, 38, 41.

4. (a) Tại sao chúng ta nên quan tâm đến những gì xảy ra vào Lễ Ngũ Tuần? (b) Một sự kiện quan trọng nào khác có thể đã diễn ra cùng ngày đó nhiều năm về trước? (Xem chú thích).

4 Tại sao Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN lại đặc biệt quan trọng với chúng ta? Chắc chắn không phải vì những điều diễn ra tại đền thờ ở Giê-ru-sa-lem mà vì Chúa Giê-su Ki-tô, Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm vĩ đại, đã làm ứng nghiệm những chi tiết có tính cách tiên tri. [1] Vào ngày ấy, thầy tế lễ thượng phẩm dâng cho Đức Giê-hô-va hai ổ bánh có men tại đền thờ. Hai ổ bánh này tượng trưng cho những môn đồ được xức dầu của Chúa Giê-su, những người được chọn từ nhân loại tội lỗi và được gọi là “trái đầu mùa” (Gia 1:18). Đức Chúa Trời đã nhận những người ấy làm con và ngài cho họ cơ hội được lên trời để đồng cai trị với Chúa Giê-su trong Nước Trời (1 Phi 2:9). Nước ấy sẽ mang đến vô vàn ân phước cho toàn thể nhân loại biết vâng lời. Thế nên, dù hy vọng của chúng ta là sống trên trời cùng Chúa Giê-su hay sống mãi mãi trong địa đàng, những sự kiện diễn ra trong ngày hôm đó có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống chúng ta!

QUÁ TRÌNH XỨC DẦU DIỄN RA NHƯ THẾ NÀO?

5. Tại sao chúng ta biết rằng không phải tất cả các tín đồ được xức dầu đều được xức dầu theo cùng một cách giống nhau?

5 Nếu anh chị là một trong những môn đồ ở căn phòng trên lầu tại Giê-ru-sa-lem và có gì như các lưỡi lửa xuất hiện đậu trên đầu mình, anh chị sẽ không bao giờ quên ngày hôm ấy. Anh chị sẽ không hề nghi ngờ rằng mình đã được xức dầu bằng thần khí, đặc biệt nếu anh chị cũng nhận được món quà kỳ diệu là nói thứ tiếng khác (Công 2:6-12). Nhưng có phải tất cả những người được xức dầu bằng thần khí đều được xức dầu theo cùng một cách đặc biệt như nhóm đầu tiên gồm khoảng 120 môn đồ đó không? Không. Phần còn lại trong số những người có mặt tại Giê-ru-sa-lem ngày hôm đó đã được xức dầu lúc họ làm báp-têm (Công 2:38). Không có gì như các lưỡi lửa ở trên đầu họ. Hơn nữa, không phải tất cả các tín đồ được xức dầu đều được xức dầu vào lúc họ làm báp-têm. Những người Sa-ma-ri đã được xức dầu bằng thần khí sau khi họ làm báp-têm một thời gian (Công 8:14-17). Ngược lại, trong một trường hợp đặc biệt, Cọt-nây và những người trong nhà ông đã được xức dầu bằng thần khí ngay cả trước khi họ làm báp-têm.—Công 10:44-48.

6. Tất cả các tín đồ được xức dầu đều nhận được điều gì, và điều này ảnh hưởng đến họ ra sao?

6 Thế nên, không phải mọi tín đồ đều được xức dầu theo cách giống nhau. Một số người có lẽ bất chợt nhận ra họ được gọi trong khi những người khác thì dần dần mới nhận ra. Tuy nhiên, bất kể việc được xức dầu diễn ra như thế nào, mỗi người đều có được điều mà sứ đồ Phao-lô miêu tả: “Khi tin rồi, anh em cũng nhờ ngài mà được đóng dấu bằng thần khí đã hứa, tức dấu bảo đảm về sản nghiệp của chúng ta” (Ê-phê 1:13, 14). Hoạt động đặc biệt của thần khí theo cách này trở nên giống như một vật đảm bảo hay vật làm tin cho họ biết rằng trong tương lai họ sẽ sống mãi trên trời. Một tín đồ được xức dầu có niềm tin chắc từ trong lòng về việc mình được gọi là nhờ dấu bảo đảm mà người ấy đã nhận được.—Đọc 2 Cô-rinh-tô 1:21, 22; 5:5.

7. Mỗi tín đồ được xức dầu phải làm gì để nhận được phần thưởng trên trời?

7 Phải chăng một tín đồ nhận được dấu bảo đảm thì người ấy chắc chắn sẽ được lên trời trong tương lai? Không. Người ấy chắc chắn về việc mình được mời. Nhưng người ấy chỉ nhận được phần thưởng trên trời nếu chứng tỏ trung thành với việc mình được gọi. Phi-e-rơ đã giải thích điều này như sau: “Thế nên, hỡi anh em, hãy nỗ lực hơn nữa để nắm chắc đặc ân được gọi và được chọn; nếu tiếp tục làm những điều ấy, anh em sẽ không bao giờ thất bại. Thật vậy, anh em sẽ nhờ thế mà nhận ân phước lớn lao là được phép vào Nước vĩnh cửu của Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng Cứu Rỗi chúng ta” (2 Phi 1:10, 11). Do đó, mỗi tín đồ được xức dầu phải hết sức nỗ lực để giữ sự trung thành. Nếu không thì việc họ được gọi hay được mời lên trời sẽ không có giá trị gì.—Hê 3:1; Khải 2:10.

LÀM THẾ NÀO MỘT NGƯỜI BIẾT MÌNH ĐƯỢC XỨC DẦU?

8, 9. (a) Tại sao phần lớn mọi người khó hiểu điều gì xảy ra khi một người được xức dầu? (b) Làm thế nào một người biết rằng mình được mời để lên trời?

8 Phần lớn tôi tớ của Đức Chúa Trời ngày nay có lẽ thấy khó để hiểu quá trình xức dầu này. Đúng vậy, vì đó không phải là điều mà họ trải qua. Ý định ban đầu của Đức Chúa Trời là cho nhân loại sống mãi mãi trên đất, chứ không phải trên trời (Sáng 1:28; Thi 37:29). Nhưng Đức Giê-hô-va đã lựa chọn một số người lên trời để cai trị với tư cách là vua và thầy tế lễ. Đây là một trường hợp ngoại lệ và là sắp đặt đặc biệt. Việc được gọi lên trời dẫn đến một sự thay đổi sâu sắc về lối suy nghĩ, quan điểm và hy vọng của một người khi người ấy được xức dầu.—Đọc Ê-phê-sô 1:18.

9 Nhưng làm thế nào một người biết rằng mình được gọi lên trời, tức nhận được dấu bảo đảm đặc biệt đó? Câu trả lời được thấy rõ trong những lời Phao-lô viết cho các anh em được xức dầu ở Rô-ma, là những người “được gọi làm người thánh”. Ông nói với họ: “Thần khí của ngài không khiến anh em trở thành nô lệ và gây sợ hãi, nhưng giúp anh em được nhận làm con và khiến chúng ta gọi: “A-ba, Cha ơi!”. Thần khí cùng với lòng chúng ta chứng nhận rằng chúng ta là con cái Đức Chúa Trời” (Rô 1:7; 8:15, 16). Nói đơn giản, qua thần khí, Đức Chúa Trời cho người ấy biết rõ rằng người ấy đã được mời để trở thành người thừa kế tương lai trong sắp đặt về Nước Trời.—1 Tê 2:12.

10. 1 Giăng 2:27 có ý gì khi nói rằng một tín đồ được xức dầu không cần người nào khác dạy dỗ mình?

10 Những người nhận được lời mời đặc biệt này từ Đức Chúa Trời không cần bất cứ nguồn nào khác chứng nhận. Họ không cần ai khác xác thực về việc họ đã được xức dầu. Đức Giê-hô-va khiến lòng và trí họ tin chắc về việc mình được gọi. Sứ đồ Giăng nói với những tín đồ được xức dầu: “Anh em được chọn bởi Đấng Thánh và hết thảy anh em đều có sự hiểu biết”. Ông nói thêm: “Về phần anh em, vì đã được Đức Chúa Trời chọn bằng thần khí và thần khí ấy vẫn ở trong anh em, nên anh em không cần bất cứ người nào dạy dỗ; nhưng anh em sẽ được dạy mọi điều qua việc được chọn, việc ấy là chân thật và không dối trá. Như đã được dạy qua việc ấy, anh em hãy tiếp tục hợp nhất với ngài” (1 Giăng 2:20, 27). Những tín đồ được xức dầu cần sự chỉ dẫn về thiêng liêng như mọi người khác. Nhưng họ không cần bất cứ người nào xác nhận việc họ được xức dầu. Lực mạnh mẽ nhất trong vũ trụ là thần khí đã giúp họ tin chắc về điều đó!

CẢM NGHIỆM SỰ “SINH LẠI”

11, 12. Một tín đồ được xức dầu có thể băn khoăn về điều gì, nhưng người ấy không bao giờ nghi ngờ điều gì?

11 Khi thần khí truyền cho các tín đồ được xức dầu niềm tin chắc đó, họ sẽ trải qua những sự thay đổi to lớn. Quá trình diễn ra bên trong ấy được Chúa Giê-su miêu tả bằng từ “sinh lại”; từ này trong nguyên ngữ cũng có thể được dịch là “sinh ra từ trời” [2] (Giăng 3:3, 5, Bản dịch Phạm Xuân). Ngài giải thích thêm: “Đừng ngạc nhiên vì tôi đã nói với anh: Các anh phải được sinh lại. Gió muốn thổi đâu thì thổi, anh nghe tiếng của nó nhưng không biết nó từ đâu đến và sẽ đi đâu. Ai được sinh bởi thần khí cũng giống như vậy” (Giăng 3:7, 8). Rõ ràng, không thể hoàn toàn giải thích việc được gọi lên trời cho một người chưa từng trải qua điều đó.

12 Những người được xức dầu có thể băn khoăn: “Tại sao mình được chọn? Tại sao lại là mình mà không phải một ai khác?”. Thậm chí, họ có thể băn khoăn không biết mình có xứng đáng không. Nhưng họ không nghi ngờ về việc mình đã được gọi. Lòng họ ngập tràn niềm vui và sự cảm kích. Họ cảm thấy giống như Phi-e-rơ khi ông nói dưới sự soi dẫn: “Chúc tạ Đức Chúa Trời, Cha của Chúa Giê-su Ki-tô chúng ta, vì theo lòng thương xót lớn lao của ngài, ngài làm cho chúng ta được sinh lại để nhận niềm hy vọng chắc chắn qua sự sống lại của Chúa Giê-su Ki-tô, để nhận sản nghiệp không mục nát, không ô uế và không suy tàn. Sản nghiệp ấy dành sẵn trên trời cho anh em” (1 Phi 1:3, 4). Khi các tín đồ được xức dầu đọc những lời này, họ hoàn toàn chắc chắn rằng Cha trên trời của họ đang nói với chính họ.

13. Lối suy nghĩ của một người thay đổi thế nào khi người ấy được xức dầu bằng thần khí, và điều gì dẫn đến thay đổi đó?

13 Trước khi được thần khí của Đức Chúa Trời chứng nhận, những tín đồ này đã nuôi dưỡng hy vọng sống trên đất. Họ trông mong đến thời kỳ Đức Giê-hô-va sẽ tẩy sạch trái đất và họ muốn là một phần của tương lai tuyệt vời ấy. Có lẽ họ thậm chí còn hình dung về việc họ chào đón những người thân yêu của mình sống lại. Họ trông mong được sống trong những ngôi nhà mình xây và ăn trái của những cây mình trồng (Ê-sai 65:21-23). Tại sao suy nghĩ của họ thay đổi? Không phải họ đã trở nên bất mãn với hy vọng đó. Họ không thay đổi suy nghĩ vì cảm giác căng thẳng hay xáo trộn. Họ không từ bỏ trái đất này như thể họ đột nhiên cảm thấy việc sống mãi mãi trên đất là một điều mệt mỏi hay tẻ nhạt. Họ cũng không chỉ đơn thuần muốn khám phá những điều mới ở trên trời. Thay vì thế, họ đã thay đổi do được thần khí Đức Chúa Trời tác động. Thần khí không chỉ gọi hay mời họ mà còn thay đổi lối suy nghĩ và hy vọng của họ.

14. Những người được xức dầu cảm thấy thế nào về đời sống của họ trên đất?

14 Vậy, chúng ta có nên kết luận rằng những tín đồ được xức dầu muốn chết không? Phao-lô được soi dẫn để trả lời: “Thật thế, ở trong lều này, chúng ta than thở, mang vác gánh nặng; không phải vì chúng ta muốn cởi nó ra mà vì muốn mặc cái khác vào, hầu cho sự sống vĩnh cửu có thể nuốt mất cái hay bị chết” (2 Cô 5:4). Không phải là họ mất đi sự hứng thú với cuộc sống này hay muốn nó sớm chấm dứt. Trái lại, họ háo hức dùng mỗi ngày của đời sống trên đất để phụng sự Đức Giê-hô-va cùng với bạn bè và người thân. Tuy nhiên, dù đang làm bất cứ điều gì, họ không thể ngưng nhớ về hy vọng tuyệt diệu mà họ có cho tương lai.—1 Cô 15:53; 2 Phi 1:4; 1 Giăng 3:2, 3; Khải 20:6.

ANH CHỊ ĐÃ ĐƯỢC GỌI?

15. Những điều nào không chứng tỏ rằng một người đã được xức dầu bằng thần khí?

15 Có lẽ anh chị băn khoăn phải chăng mình đã nhận được lời mời tuyệt diệu này. Nếu anh chị nghĩ rằng mình có thể đã được mời, hãy suy ngẫm về một số câu hỏi quan trọng: Anh chị có cảm thấy rằng mình đặc biệt sốt sắng trong thánh chức không? Anh chị có phải là một người ham thích học Lời Đức Chúa Trời và nghiên cứu về “những điều sâu nhiệm của Đức Chúa Trời” không? (1 Cô 2:10). Anh chị có thấy Đức Giê-hô-va đặc biệt ban phước cho thánh chức của mình không? Anh chị có mong ước mãnh liệt là làm theo ý muốn của Đức Giê-hô-va không? Anh chị có yêu thương người khác sâu xa và cảm thấy mình có một trọng trách là giúp họ về thiêng liêng không? Anh chị có thấy bằng chứng là Đức Giê-hô-va đã giúp đỡ mình theo nhiều cách cụ thể trong đời sống không? Nếu anh chị trả lời rõ ràng là “có” cho những câu hỏi này thì điều đó có nghĩa là anh chị đã được gọi lên trời không? Không, điều đó không có nghĩa như vậy. Tại sao? Bởi vì đó không phải là những cảm xúc riêng biệt mà chỉ những người được gọi lên trời mới có. Qua thần khí, Đức Giê-hô-va có thể ban sức lực giống nhau cho bất cứ tôi tớ nào của ngài, dù họ có hy vọng sống trên trời hay trên đất. Thực ra, nếu anh chị băn khoăn liệu mình đã được gọi lên trời hay chưa thì tự điều đó đã cho thấy anh chị chưa được gọi. Những người được Đức Giê-hô-va gọi sẽ không băn khoăn liệu họ đã được mời hay chưa! Họ biết chắc!

16. Tại sao chúng ta biết rằng không phải tất cả những người nhận được thần khí của Đức Chúa Trời đều được mời để lên trời?

16 Trong cả Kinh Thánh, chúng ta thấy nhiều ví dụ về những người có đức tin được thôi thúc mạnh mẽ nhờ thần khí. Dù vậy, họ không có hy vọng sống trên trời. Giăng Báp-tít là một người trong số đó. Chúa Giê-su khen ngợi ông nhưng ngài nói rằng ông sẽ không trở thành một thành viên của Nước Trời (Mat 11:10, 11). Đa-vít cũng được thúc đẩy nhờ thần khí (1 Sa 16:13). Thần khí giúp ông hiểu những điều sâu nhiệm về Đức Giê-hô-va và thậm chí ông đã được soi dẫn để viết một số phần trong Kinh Thánh (Mác 12:36). Dù vậy, vào Lễ Ngũ Tuần, Phi-e-rơ đã nói rằng Đa-vít “không lên trời” (Công 2:34). Thần khí hoạt động rất mạnh mẽ trên những người như thế nhưng không chứng nhận rằng họ đã được chọn để sống trên trời. Điều này không có nghĩa là họ không xứng đáng hay không đủ điều kiện về khía cạnh nào đó, mà chỉ đơn giản là Đức Giê-hô-va sẽ làm họ sống lại để sống trong địa đàng.—Giăng 5:28, 29; Công 24:15.

17, 18. (a) Phần lớn các tôi tớ của Đức Chúa Trời ngày nay mong đợi phần thưởng nào? (b) Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào trong bài tới?

17 Phần lớn các tôi tớ của Đức Chúa Trời ngày nay không được gọi lên trời. Họ có cùng hy vọng với Đa-vít, Giăng Báp-tít cũng như những người nam và nữ trung thành vào thời xưa. Giống như Áp-ra-ham, họ trông mong được ở dưới sự cai trị của Nước Trời (Hê 11:10). Trong thời kỳ cuối cùng này, chỉ có một số người được xức dầu còn sót lại trên đất (Khải 12:17). Điều này có nghĩa là phần lớn những người thuộc 144.000 người được chọn đã chết một cách trung thành.

18 Vậy, những người có hy vọng sống trên đất nên có quan điểm nào về bất cứ ai cho là họ có hy vọng sống trên trời? Nếu một người trong hội thánh của anh chị bắt đầu dùng các món biểu tượng tại Bữa Ăn Tối của Chúa, anh chị nên phản ứng ra sao? Anh chị có nên lo lắng nếu có bất cứ sự gia tăng nào về số người cho rằng họ được gọi lên trời? Những câu hỏi này sẽ được giải đáp trong bài tới.

^ [1] (đoạn 4) Lễ Ngũ Tuần rất có thể được cử hành vào một thời điểm trong năm tương ứng với thời điểm mà Luật pháp được ban tại núi Si-na-i (Xuất 19:1). Thế nên, có lẽ Môi-se đã đưa dân Y-sơ-ra-ên vào giao ước Luật pháp trong cùng ngày mà Chúa Giê-su đưa một dân tộc mới, tức dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng, vào giao ước mới.

^ [2] (đoạn 11) Để biết thêm việc sinh lại có nghĩa gì, xem Tháp Canh ngày 1-4-2009, trg 3-11.