Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Được gọi ra khỏi bóng tối

Được gọi ra khỏi bóng tối

“[Đức Giê-hô-va] đã gọi anh em ra khỏi bóng tối mà đến với ánh sáng diệu kỳ của ngài”.—1 PHI 2:9.

BÀI HÁT: 116, 102

1. Hãy miêu tả những sự kiện xảy ra vào lúc thành Giê-ru-sa-lem bị hủy diệt.

Vào năm 607 TCN, một đạo quân hùng hậu của người Ba-by-lôn do vua Nê-bu-cát-nết-sa II chỉ huy đã xâm chiếm thành Giê-ru-sa-lem. Kinh Thánh tường thuật về cuộc tàn sát đẫm máu sau đó: “[Nê-bu-cát-nết-sa] dùng gươm giết những trai-trẻ của chúng tại đền thánh họ; người chẳng thương-xót đến, hoặc trai-trẻ, nữ đồng-trinh, già-cả, hay là kẻ đầu bạc... Chúng đốt đền Đức Chúa Trời, đánh đổ vách-thành Giê-ru-sa-lem, lấy lửa đốt các cung-điện, và phá-hủy các khí-dụng tốt-đẹp của nó”.—2 Sử 36:17, 19.

2. Đức Giê-hô-va đã đưa ra lời cảnh báo nào về sự hủy diệt sắp đến của thành Giê-ru-sa-lem, và điều gì sẽ xảy ra cho người Do Thái?

2 Lẽ ra cư dân ở Giê-ru-sa-lem không nên ngạc nhiên về sự hủy diệt của thành ấy. Trong nhiều năm, các nhà tiên tri của Đức Chúa Trời đã cảnh báo người Do Thái rằng nếu tiếp tục lờ đi Luật pháp của ngài, họ sẽ bị phó vào tay người Ba-by-lôn. Nhiều người Do Thái sẽ chết dưới lưỡi gươm, còn ai thoát chết rất có thể sẽ phải sống cuộc đời còn lại trong cảnh lưu đày tại Ba-by-lôn (Giê 15:2). Những người bị lưu đày tại đó có cuộc sống như thế nào? Có điều gì tương tự với sự giam cầm của Ba-by-lôn đã xảy ra cho các tín đồ đạo Đấng Ki-tô không? Nếu có thì đó là khi nào?

CUỘC SỐNG LƯU ĐÀY

3. Cuộc sống lưu đày tại Ba-by-lôn khác biệt thế nào với tình cảnh nô lệ mà dân Y-sơ-ra-ên trải qua ở Ai Cập?

3 Những điều mà các nhà tiên tri cảnh báo đã xảy ra. Qua Giê-rê-mi, Đức Giê-hô-va khuyên những người sẽ bị lưu đày rằng họ nên chấp nhận hoàn cảnh mới và thích nghi. Ngài nói: “Hãy xây nhà [tại Ba-by-lôn] và ở; hãy trồng vườn và ăn trái. Hãy tìm sự bình-an cho thành mà ta đã khiến các ngươi bị đày đến làm phu-tù, hãy vì nó cầu-nguyện Đức Giê-hô-va; vì sự bình-an các ngươi nhờ sự bình-an của nó” (Giê 29:5, 7). Những người vâng theo ý muốn của Đức Chúa Trời gần như đã có một đời sống bình thường ở Ba-by-lôn. Chính quyền Ba-by-lôn đã cho họ quản trị các vấn đề riêng ở một mức độ nào đó. Những người bị lưu đày thậm chí có thể tự do đi lại trong đất nước. Ba-by-lôn là một trung tâm buôn bán và thương mại trong thế giới cổ xưa, và các tài liệu được khai quật cho thấy nhiều người Do Thái đã học nghệ thuật mua bán tại đó, trong khi một số người khác trở thành những nghệ nhân giỏi. Một số người Do Thái thậm chí đã trở nên khá giả. Cuộc sống lưu đày ở Ba-by-lôn hoàn toàn khác biệt với tình cảnh nô lệ mà dân Y-sơ-ra-ên trải qua ở Ai Cập nhiều thế kỷ trước đó.—Đọc Xuất Ê-díp-tô Ký 2:23-25.

4. Ngoài dân Y-sơ-ra-ên phản nghịch, những ai khác cũng bị ảnh hưởng bởi sự giam cầm của Ba-by-lôn, và họ gặp những hạn chế nào trong việc thờ phượng Đức Chúa Trời theo cách mà ngài chấp nhận?

4 Dù nhu cầu về vật chất của những người Do Thái bị lưu đày được đáp ứng, nhưng nói sao về nhu cầu thiêng liêng của họ? Đền thờ của Đức Giê-hô-va và bàn thờ dâng vật tế lễ đã bị phá hủy. Các thầy tế lễ không còn thực thi chức vụ một cách có trật tự. Trong số những người bị lưu đày có các tôi tớ trung thành của Đức Chúa Trời. Họ không làm gì đáng trừng phạt, nhưng vẫn phải chịu khổ chung với những người đồng hương khác. Dù vậy, họ đã làm những điều có thể để vâng giữ Luật pháp của Đức Chúa Trời. Chẳng hạn, tại Ba-by-lôn, Đa-ni-ên và ba người bạn của ông là Sa-đơ-rắc, Mê-sác và A-bết-Nê-gô đã kiêng những thức ăn mà người Do Thái không được phép ăn. Ngoài ra, chúng ta biết rằng Đa-ni-ên đã giữ mối liên lạc thường xuyên với Đức Chúa Trời qua lời cầu nguyện (Đa 1:8; 6:10). Tuy nhiên, dưới sự quản lý của một nước ngoại giáo, một người Do Thái kính sợ Đức Chúa Trời không thể làm mọi điều mà Luật pháp đòi hỏi.

5. Đức Giê-hô-va ban cho dân ngài hy vọng nào, và tại sao lời hứa này đáng chú ý?

5 Liệu dân Y-sơ-ra-ên có thể thờ phượng Đức Chúa Trời theo cách mà ngài hoàn toàn chấp nhận như trước đây không? Vào thời điểm đó, dường như điều này sẽ không xảy ra. Ba-by-lôn không bao giờ phóng thích phu tù. Tuy nhiên, chính sách này không thể ngăn cản ý định của Đức Giê-hô-va. Ngài hứa rằng dân của ngài sẽ được giải thoát, và điều đó đã xảy ra. Lời hứa của Đức Chúa Trời luôn thành hiện thực.—Ê-sai 55:11.

CÓ MỘT ĐIỀU TƯƠNG TỰ XẢY RA TRONG THỜI HIỆN ĐẠI KHÔNG?

6, 7. Tại sao việc làm sáng tỏ sự hiểu biết của chúng ta về sự giam cầm của Ba-by-lôn trong thời hiện đại là điều thích hợp?

6 Các tín đồ đạo Đấng Ki-tô có trải qua điều gì tương tự như sự giam cầm của Ba-by-lôn không? Trong nhiều năm, tạp chí Tháp Canh cho rằng các tôi tớ của Đức Chúa Trời trong thời hiện đại đã ở dưới sự giam cầm của Ba-by-lôn vào năm 1918, và họ được giải thoát khỏi Ba-by-lôn vào năm 1919. Tuy nhiên, dựa trên những lý do mà chúng ta sẽ thảo luận trong bài này và bài tới, việc xem xét lại đề tài ấy là điều cần thiết.

7 Hãy nghĩ về điều này: Ba-by-lôn Lớn là đế quốc tôn giáo sai lầm. Do đó, nếu dân của Đức Chúa Trời ở dưới sự giam cầm của Ba-by-lôn vào năm 1918 thì họ phải trở thành nô lệ theo cách nào đó cho tôn giáo sai lầm vào thời điểm ấy. Tuy nhiên, các bằng chứng cho thấy rằng trong những thập niên trước Thế Chiến I, các tôi tớ được xức dầu thật ra đang thoát khỏi Ba-by-lôn Lớn, chứ không phải trở thành nô lệ cho đế quốc tôn giáo sai lầm ấy. Đúng là các tín đồ được xức dầu đã bị bắt bớ trong Thế Chiến I, nhưng hoạn nạn mà họ trải qua chủ yếu đến từ các bậc cầm quyền, chứ không phải đến từ Ba-by-lôn Lớn. Thế nên, dường như dân của Đức Giê-hô-va không bắt đầu ở dưới sự giam cầm của Ba-by-lôn Lớn vào năm 1918.

SỰ GIAM CẦM CỦA BA-BY-LÔN XẢY RA KHI NÀO?

8. Hãy giải thích làm thế nào đạo Đấng Ki-tô chân chính đã trở nên bại hoại. (Xem hình nơi đầu bài).

8 Vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, hàng ngàn người Do Thái và người nhập đạo Do Thái đã được xức dầu bằng thần khí. Những tín đồ mới này trở thành “dòng giống được lựa chọn, lớp thầy tế lễ làm vua, một dân tộc thánh và dân thuộc riêng về Đức Chúa Trời”. (Đọc 1 Phi-e-rơ 2:9, 10). Trong khi còn sống, các sứ đồ đã cẩn thận coi sóc các hội thánh của dân Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, những người “giảng dạy những điều sai lệch để lôi kéo môn đồ theo họ” đã nổi lên, đặc biệt là sau khi các sứ đồ qua đời (Công 20:30; 2 Tê 2:6-8). Nhiều người trong số đó có trách nhiệm trong hội thánh. Họ phục vụ với tư cách là giám thị, và sau này là “giám mục”. Một hàng giáo phẩm được hình thành, dù Chúa Giê-su đã nói với các môn đồ rằng “tất cả [họ] đều là anh em” (Mat 23:8). Vì yêu thích triết lý của Aristotle và Plato nên những người có vị thế nổi bật đã đưa ra những ý tưởng tôn giáo sai lầm. Các ý tưởng đó đã dần dần thay thế những sự dạy dỗ thanh sạch của Lời Đức Chúa Trời.

9. Ki-tô giáo bội đạo được Nhà nước La Mã ủng hộ như thế nào, và kết quả là gì?

9 Vào năm 313 CN, Ki-tô giáo bội đạo đã được hoàng đế La Mã ngoại giáo là Constantine công nhận về mặt pháp lý. Kể từ đó, Giáo hội và Nhà nước bắt đầu kết hợp chặt chẽ với nhau. Chẳng hạn, sau Công đồng Nicaea thì Constantine, người có mặt tại buổi họp đó, đã ra lệnh bắt một linh mục là Arius đi lưu đày vì không chịu công nhận Chúa Giê-su là Đức Chúa Trời. Sau này, dưới thời của hoàng đế Theodosius I (379-395 CN), hình thức ô uế của đạo Đấng Ki-tô, được biết đến là Giáo hội Công giáo, đã trở thành tôn giáo chính thức của Đế quốc La Mã. Các sử gia nói rằng La Mã ngoại giáo đã được “Ki-tô hóa” vào thế kỷ thứ tư. Sự thật là đến thời điểm đó, đạo Đấng Ki-tô bội đạo đã hòa nhập với các tổ chức tôn giáo ngoại giáo của Đế quốc La Mã, và trở thành thành viên của Ba-by-lôn Lớn. Dù vậy, một nhóm nhỏ các tín đồ được xức dầu, những người giống như lúa mì, đã nỗ lực hết sức để thờ phượng Đức Chúa Trời. Nhưng tiếng nói của họ bị lấn át. (Đọc Ma-thi-ơ 13:24, 25, 37-39). Họ đã thật sự ở dưới sự giam cầm của Ba-by-lôn!

10. Dựa trên cơ sở nào những người có lòng thành có thể nêu nghi vấn về các sự dạy dỗ của giáo hội trong vài thế kỷ đầu công nguyên?

10 Dù vậy, trong vài thế kỷ đầu công nguyên, nhiều người có thể đọc Kinh Thánh trong tiếng Hy Lạp hoặc La-tinh. Nhờ đó, họ có thể so sánh sự dạy dỗ của Lời Đức Chúa Trời với các giáo lý của giáo hội. Dựa vào những điều mình đọc trong Kinh Thánh, một số người đã bác bỏ các tín điều không dựa trên Kinh Thánh của giáo hội. Nhưng việc công khai bày tỏ những quan điểm như thế là điều nguy hiểm, thậm chí có thể đe dọa đến tính mạng.

11. Kinh Thánh đã nằm dưới sự kiểm soát của hàng giáo phẩm như thế nào?

11 Với thời gian, tiếng Hy Lạp và La-tinh không còn được nhiều người sử dụng, và giáo hội đã ngăn cản những ai nỗ lực dịch Lời Đức Chúa Trời sang các ngôn ngữ thông dụng. Kết quả là chỉ hàng giáo phẩm và một số người trí thức khác mới có thể tự đọc Kinh Thánh, dù không phải tất cả những người thuộc hàng giáo phẩm đều đọc và viết thành thạo. Bất cứ ai phản đối sự dạy dỗ của giáo hội đều bị trừng phạt nặng nề. Các tín đồ trung thành được xức dầu đã phải họp mặt một cách kín đáo theo các nhóm, nếu họ có thể họp mặt với nhau. Giống như tình trạng lưu đày tại Ba-by-lôn trước đây, “lớp thầy tế lễ làm vua” được xức dầu đã không thể hoạt động một cách có trật tự. Ba-by-lôn Lớn đã nắm chặt người ta như gọng kìm!

ÁNH SÁNG BẮT ĐẦU XUẤT HIỆN

12, 13. Hai yếu tố nào góp phần làm suy giảm sự kìm kẹp của Ba-by-lôn Lớn đối với người dân? Hãy giải thích.

12 Liệu có bao giờ các tín đồ thật sẽ được tự do công khai thờ phượng Đức Chúa Trời theo cách mà ngài chấp nhận không? Có! Những tia sáng về thiêng liêng đã bắt đầu xuyên qua màn tăm tối nhờ hai yếu tố quan trọng. Thứ nhất là việc phát minh ra máy in sử dụng kỹ thuật xếp chữ vào giữa thế kỷ 15. Trước khi máy in ra đời ở thế giới phương tây, Kinh Thánh đã được sao chép bằng tay một cách công phu. Những bản Kinh Thánh chép tay rất hiếm có và đắt đỏ. Người ta nói rằng một người sao chép giỏi phải mất tới mười tháng để hoàn tất việc chép tay chỉ một bản Kinh Thánh! Ngoài ra, vật liệu mà những người sao chép dùng là giấy da rất tốn kém. Ngược lại, nhờ sử dụng máy in và giấy in, là giải pháp thiết thực hơn, một người in ấn thành thạo có thể sản xuất 1.300 trang giấy mỗi ngày!

Những phát minh trong ngành in ấn cùng với các dịch giả Kinh Thánh can đảm đã góp phần làm suy giảm sự kìm kẹp của Ba-by-lôn (Xem đoạn 12, 13)

13 Yếu tố đáng chú ý thứ hai là việc một số người vào đầu thế kỷ 16 đã can đảm dịch Lời Đức Chúa Trời sang các ngôn ngữ thông dụng. Nhiều dịch giả đã liều mạng để thực hiện việc này. Giáo hội cảm thấy choáng váng. Dưới cái nhìn của những người đứng đầu giáo hội, Kinh Thánh trong tay một người nam hoặc người nữ kính sợ Đức Chúa Trời có thể trở thành vũ khí nguy hiểm, và đó là điều khiến họ sợ hãi! Khi có thể tiếp cận với Kinh Thánh, người ta đã đọc sách ấy và đặt những câu hỏi như: “Chỗ nào trong Lời Đức Chúa Trời nói về nơi luyện tội, về lễ cầu hồn cho người chết, về giáo hoàng và hồng y giáo chủ?”. Theo quan điểm của giáo hội, đây quả là một sự xúc phạm. Làm sao dân thường dám chất vấn những người đứng đầu giáo hội! Giáo hội đã phản công. Những người nam và nữ bác bỏ các dạy dỗ của giáo hội đã bị kết tội là theo dị giáo; một số sự dạy dỗ ấy dựa trên triết lý ngoại giáo của Aristotle và Plato, những người sống trước thời Chúa Giê-su. Giáo hội kết án tử hình và Nhà nước thực thi bản án. Mục tiêu của việc này là khiến người ta không dám đọc Kinh Thánh và chất vấn giáo hội. Nhìn chung, kế hoạch đó đã tỏ ra hữu hiệu. Dù vậy, một vài cá nhân can đảm đã không để Ba-by-lôn Lớn khiến mình nhụt chí. Họ đã nếm thử Lời Đức Chúa Trời, và muốn nhiều hơn thế nữa! Hoàn cảnh bấy giờ mở đường cho sự giải thoát khỏi tôn giáo sai lầm trong tương lai.

14. (a) Hoàn cảnh nào góp phần vào sự hiểu biết chính xác hơn về sự thật Kinh Thánh vào cuối thế kỷ 19? (b) Hãy miêu tả hành trình của anh Russell trong việc tìm kiếm sự thật.

14 Nhiều người khao khát sự thật Kinh Thánh đã trốn chạy đến những nước mà giáo hội có ít ảnh hưởng hơn. Họ muốn đọc, học và thảo luận với nhau mà không bị gò ép về tư tưởng. Tại một trong những nước như thế là Hoa Kỳ, anh Charles Taze Russell và một vài cộng sự đã bắt đầu học Kinh Thánh một cách có hệ thống vào cuối thế kỷ 19. Mới đầu mục tiêu của anh Russell là xác định xem trong số các tôn giáo thịnh hành, tôn giáo nào đang dạy sự thật. Anh đã cẩn thận so sánh sự dạy dỗ của nhiều tôn giáo khác nhau, thậm chí cả các tôn giáo không thuộc khối đạo Ki-tô, với những điều Kinh Thánh nói. Anh sớm nhận ra rằng không tôn giáo nào trong số đó hoàn toàn theo sát Lời Đức Chúa Trời. Có lần, anh Russell gặp mặt một số người thuộc hàng giáo phẩm ở địa phương. Anh hy vọng rằng họ sẽ chấp nhận những sự thật mà anh và các cộng sự đã khám phá từ Kinh Thánh, rồi dạy lại cho các thành viên trong hội thánh của họ. Nhưng những người thuộc hàng giáo phẩm ấy đã không quan tâm. Các Học viên Kinh Thánh sẽ phải đối mặt với thực tế: Họ không thể kết giao với những người cứ nhất định bám lấy tôn giáo sai lầm.—Đọc 2 Cô-rinh-tô 6:14.

15. (a) Khi nào các tín đồ đạo Đấng Ki-tô bắt đầu nằm dưới ách của Ba-by-lôn Lớn? (b) Những câu hỏi nào sẽ được giải đáp trong bài tới?

15 Đến đây, chúng ta thấy rằng các tín đồ thật đã ở dưới sự giam cầm của Ba-by-lôn không lâu sau khi sứ đồ cuối cùng qua đời. Tuy nhiên, một số câu hỏi được nêu lên: “Có bằng chứng nào khác cho thấy trong các thập niên trước năm 1914, những người được xức dầu đang thoát khỏi Ba-by-lôn Lớn? Phải chăng Đức Giê-hô-va không hài lòng với các tôi tớ ngài vì hoạt động rao giảng của họ đã chậm lại trong Thế Chiến I? Có phải một số anh em trong giai đoạn đó đã thỏa hiệp về lập trường trung lập và vì thế khiến Đức Giê-hô-va buồn lòng? Cuối cùng, nếu các tín đồ đạo Đấng Ki-tô bắt đầu bị tôn giáo sai lầm giam cầm từ thế kỷ thứ hai CN trở đi, thì khi nào họ đã được tự do?”. Đó là những câu hỏi thú vị mà bài tới sẽ giải đáp.