Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Nước của tôi không thuộc về thế gian này”

“Nước của tôi không thuộc về thế gian này”

Sở dĩ tôi được sinh ra và đến thế gian là để làm chứng cho chân lý”.—GIĂNG 18:37.

BÀI HÁT: 15, 74

1, 2. (a) Thế gian ngày càng chia rẽ như thế nào? (b) Chúng ta sẽ trả lời những câu hỏi nào trong bài này?

Một chị ở miền nam châu Âu nhớ lại: “Hồi nhỏ, tôi chỉ toàn chứng kiến sự bất công. Vì thế, tôi thấy khó chấp nhận hệ thống chính trị của nước tôi, và từng ủng hộ điều mà nhiều người cho đó là tư tưởng cực đoan. Trong nhiều năm, tôi là bạn gái của một kẻ khủng bố”. Một anh ở miền nam châu Phi cho biết tại sao trước đây anh hung bạo: “Tôi từng cho là bộ tộc mình nổi trội hơn mọi bộ tộc khác và gia nhập một đảng chính trị. Chúng tôi được huấn luyện để giết kẻ thù bằng giáo, ngay cả người cùng bộ tộc nhưng ủng hộ đảng khác”. Một chị hiện đang sống ở Trung Âu thừa nhận: “Trước kia, tôi là người thành kiến. Tôi ghét tất cả những ai có quốc tịch và tôn giáo khác với mình”.

2 Trong thế giới ngày nay, người ta ngày càng có thái độ như ba anh chị trên từng có. Phong trào bạo động càng leo thang, các cuộc đấu tranh chính trị càng gia tăng và tại nhiều nước, người nước ngoài bị thù ghét nhiều hơn. Như Kinh Thánh báo trước, người ta nói chung đều “cố chấp” trong những ngày sau cùng (2 Ti 3:1, 3). Trong thế gian ngày càng chia rẽ, điều gì giúp tín đồ đạo Đấng Ki-tô giữ sự hợp nhất? Chúng ta có thể học nhiều điều khi xem xét gương của Chúa Giê-su vì thời ngài sống cũng có nhiều bất ổn về chính trị. Hãy xem ba câu hỏi chính: Tại sao Chúa Giê-su từ chối tham gia các đảng phái chính trị? Bằng cách nào ngài dạy các tôi tớ Đức Chúa Trời tránh dính líu đến vấn đề chính trị? Làm thế nào ngài cho thấy chúng ta không bao giờ nên dùng bạo lực?

QUAN ĐIỂM CỦA CHÚA GIÊ-SU VỀ PHONG TRÀO CHÍNH TRỊ

3, 4. (a) Vào thời Chúa Giê-su, dân Do Thái có những mong đợi nào về chính trị? (b) Những quan điểm này ảnh hưởng ra sao đến môn đồ Chúa Giê-su?

3 Nhiều người Do Thái nghe Chúa Giê-su giảng mong được độc lập khỏi La Mã. Nhóm ái quốc cực đoan đã dấy lên tinh thần đó trong dân chúng. Nhiều người trong nhóm này đã theo Giu-đa người Ga-li-lê. Ông ta mạo nhận mình là đấng mê-si và khiến nhiều người lầm lạc. Sử gia Do Thái là Josephus nói rằng Giu-đa “đã kích động người dân nổi loạn, mắng nhiếc họ là hèn nhát nếu đồng ý nộp thuế cho người La Mã”. Người La Mã đã xử tử Giu-đa (Công 5:37). Một số người thuộc nhóm ái quốc cực đoan thậm chí còn dùng bạo lực để đạt được mục tiêu.

4 Đa số người Do Thái trông đợi một Đấng Mê-si lãnh đạo về chính trị. Họ mong khi Đấng Mê-si đến, ngài sẽ mang lại vinh quang cho đất nước và giải phóng họ khỏi ách đô hộ của La Mã (Lu 2:38; 3:15). Nhiều người tin rằng Đấng Mê-si sẽ thành lập một nước trên đất tại Y-sơ-ra-ên. Khi đó, hàng triệu người Do Thái bị tản mác khắp nơi sẽ trở về quê hương. Ngay cả Giăng Báp-tít cũng từng hỏi Chúa Giê-su: “Ngài có phải là Đấng Sẽ Đến, hay chúng tôi phải đợi một đấng khác nữa?” (Mat 11:2, 3). Có lẽ Giăng muốn biết phải chăng đấng khác sẽ đến để thực hiện mọi nguyện vọng của dân Do Thái. Trên đường đi Em-ma-út, hai môn đồ gặp Chúa Giê-su sau khi ngài sống lại. Họ cũng có những hy vọng không thành về Đấng Mê-si. (Đọc Lu-ca 24:21). Không lâu sau, các sứ đồ hỏi Chúa Giê-su: “Thưa Chúa, nay có phải là lúc ngài khôi phục vương quốc Y-sơ-ra-ên không?”.—Công 1:6.

5. (a) Tại sao người Ga-li-lê muốn Chúa Giê-su trở thành vua của họ? (b) Chúa Giê-su điều chỉnh quan điểm của họ như thế nào?

5 Hẳn những mong đợi về Đấng Mê-si đã khiến người Ga-li-lê muốn Chúa Giê-su trở thành vua của họ. Có lẽ họ nghĩ rằng Chúa Giê-su sẽ là nhà lãnh đạo lý tưởng vì họ thấy ngài diễn thuyết xuất sắc, có khả năng chữa lành bệnh và cung cấp đồ ăn cho người đói. Sau khi cung cấp thức ăn cho khoảng 5.000 người nam, Chúa Giê-su “biết họ sắp đến để bắt ép ngài làm vua nên ngài lại lánh lên núi một mình” (Giăng 6:10-15). Ngày hôm sau ở bên kia biển Ga-li-lê, sự hăng hái của dân chúng có lẽ đã giảm đi phần nào. Lúc đó Chúa Giê-su giải thích cho đoàn dân về công việc của ngài. Ngài đến để mang lại lợi ích về thiêng liêng, chứ không phải vật chất. Ngài nói với họ: “Hãy làm việc, không phải vì thức ăn hay bị thối rữa, nhưng vì thức ăn tồn tại mãi và mang lại sự sống vĩnh cửu”.—Giăng 6:25-27.

6. Làm thế nào Chúa Giê-su cho thấy rõ ngài không tìm kiếm quyền lực chính trị trên đất? (Xem hình nơi đầu bài).

6 Không lâu trước khi chết, Chúa Giê-su nhận thấy một số môn đồ trông đợi ngài thành lập một nước trên đất tại Giê-ru-sa-lem. Ngài điều chỉnh quan điểm đó bằng cách đưa ra minh họa về mi-na. Trong minh họa, “nhà quý tộc” là Chúa Giê-su sẽ phải đi xa một thời gian dài (Lu 19:11-13, 15). Chúa Giê-su cũng nói rõ với quan tổng đốc La Mã là Bôn-xơ Phi-lát rằng ngài giữ trung lập về chính trị. Ông hỏi Chúa Giê-su: “Ngươi có phải là Vua Dân Do Thái không?” (Giăng 18:33). Có lẽ Phi-lát sợ rằng Chúa Giê-su sẽ gây náo động về chính trị. Nhưng ngài đáp: “Nước của tôi không thuộc về thế gian này” (Giăng 18:36). Chúa Giê-su không can dự vào chính trị vì Nước của ngài sẽ được thành lập ở trên trời. Ngài nói với Phi-lát rằng công việc của ngài trên đất là “làm chứng cho chân lý”.—Đọc Giăng 18:37.

Anh chị chú tâm vào những vấn đề của thế gian hay vào Nước Trời? (Xem đoạn 7)

7. Tại sao không dễ để tránh ủng hộ phong trào chính trị, ngay cả từ trong lòng?

7 Nếu hiểu rõ về sứ mạng của mình giống như Chúa Giê-su, chúng ta sẽ tránh ủng hộ phong trào chính trị, ngay cả từ trong lòng. Có lẽ điều này không dễ. Một giám thị lưu động cho biết: “Người trong khu vực ngày càng cực đoan. Tinh thần dân tộc chiếm ưu thế, và nhiều người nghĩ sự tự do sẽ giúp cải thiện đời sống. Đáng mừng là anh em chúng ta giữ sự hợp nhất bằng cách chú tâm vào việc rao truyền Nước Trời. Họ hướng đến Đức Chúa Trời, là đấng có thể giải quyết sự bất công và các vấn đề khác”.

CHÚA GIÊ-SU GIỮ TRUNG LẬP VỀ CHÍNH TRỊ

8. Người Do Thái vào thế kỷ thứ nhất phải mang gánh nặng nào?

8 Sự bất công thường châm ngòi cho vấn đề chính trị. Nộp thuế là một vấn đề nổi cộm vào thời Chúa Giê-su. Cuộc nổi loạn của Giu-đa người Ga-li-lê bùng phát là do một lần có lệnh điều tra dân số để đảm bảo dân phải nộp thuế cho La Mã. Dân nằm dưới quyền của La Mã, trong đó có những người nghe Chúa Giê-su, phải đóng nhiều loại thuế như thuế hàng hóa, đất đai và nhà cửa. Những người thu thuế thì tham nhũng nên càng chất thêm gánh nặng cho dân. Họ có thể mua quyền thu thuế tại một cuộc đấu giá công khai, rồi sau đó lợi dụng chức vụ ấy để trục lợi. Xa-ki-ơ, trưởng đội thu thuế ở Giê-ri-cô, trở nên rất giàu có nhờ tống tiền người khác.—Lu 19:2, 8.

9, 10. (a) Kẻ thù tìm cách gài bẫy Chúa Giê-su về vấn đề chính trị như thế nào? (b) Chúng ta học được gì qua cách đáp lại của Chúa Giê-su? (Xem hình nơi đầu bài).

9 Kẻ thù của Chúa Giê-su tìm cách gài bẫy ngài về vấn đề nộp thuế. Họ hỏi Chúa Giê-su về loại thuế thân, là thuế một đơ-na-ri-on mà mọi người dưới quyền La Mã phải đóng. (Đọc Ma-thi-ơ 22:16-18). Dân Do Thái kịch liệt phản đối thuế này vì nó cho thấy họ nằm dưới sự đô hộ của La Mã. “Những người theo đảng Hê-rốt” nêu lên vấn đề này và mong rằng nếu Chúa Giê-su phản đối thì ngài sẽ bị buộc tội nổi loạn. Còn nếu Chúa Giê-su nói rằng cần nộp thuế đó thì ngài có thể sẽ mất sự ủng hộ của những người theo ngài.

10 Chúa Giê-su cẩn thận để giữ trung lập trong vấn đề nộp thuế. Ngài nói: “Những gì của Sê-sa hãy trả cho Sê-sa, còn những gì của Đức Chúa Trời hãy trả cho Đức Chúa Trời” (Mat 22:21). Dĩ nhiên, Chúa Giê-su biết những người thu thuế thường tham nhũng. Nhưng ngài không muốn mất tập trung vào điều quan trọng hơn nhiều. Đó là Nước Đức Chúa Trời, giải pháp thật sự cho các vấn đề. Qua đó, ngài nêu gương cho tất cả các môn đồ. Họ không nên dính líu đến chính trị, dù lý do có vẻ chính đáng thế nào đi nữa. Tín đồ đạo Đấng Ki-tô tìm kiếm Nước Đức Chúa Trời và sự công chính của ngài, thay vì có ý kiến hoặc lên tiếng phản đối sự bất công.—Mat 6:33.

11. Cách tốt nhất để thỏa mãn ước muốn có sự công bằng là gì?

11 Nhiều Nhân Chứng Giê-hô-va đã thành công trong việc từ bỏ quan điểm mạnh mẽ về chính trị trước đây. Một chị ở Anh nói: “Sau khi học ngành xã hội học, tôi bắt đầu có quan điểm cực đoan. Tôi muốn đấu tranh cho quyền của người da đen vì chúng tôi đã chịu rất nhiều bất công. Dù giành phần thắng trong những cuộc tranh luận nhưng tôi vẫn cảm thấy thất vọng. Tôi đã không hiểu rằng nguyên nhân của sự phân biệt chủng tộc phải được loại bỏ khỏi lòng con người. Khi tìm hiểu Kinh Thánh, tôi nhận ra mình phải bắt đầu từ chính lòng của mình. Một chị da trắng đã kiên nhẫn giúp tôi thực hiện điều đó. Hiện tôi đang làm tiên phong đều đều trong một hội thánh ngôn ngữ ký hiệu, và tôi đang học cách để giúp mọi loại người”.

“HÃY TRA GƯƠM VÀO VỎ”

12. Chúa Giê-su bảo các môn đồ tránh loại “men” nào?

12 Vào thời Chúa Giê-su, tôn giáo thường dính líu đến chính trị. Sách Đời sống ở Pa-lét-tin trong thời Đấng Ki-tô (Daily Life in Palestine at the Time of Christ) cho biết rằng các giáo phái của người Do Thái nói chung giống với đảng phái chính trị. Vì thế, Chúa Giê-su cảnh báo các môn đồ: “Anh em hãy cẩn thận, coi chừng men của người Pha-ri-si và men của Hê-rốt” (Mác 8:15). Khi đề cập đến từ “Hê-rốt”, rất có thể Chúa Giê-su muốn nói tới những người theo đảng Hê-rốt. Một nhóm khác là người Pha-ri-si ủng hộ việc người Do Thái được độc lập khỏi La Mã. Trong lời tường thuật của Ma-thi-ơ, Chúa Giê-su cũng cảnh báo các môn đồ về người Sa-đu-sê. Người Sa-đu-sê muốn La Mã tiếp tục cai trị vì họ có chỗ đứng trong chính quyền La Mã. Chúa Giê-su cảnh báo các môn đồ về “men”, hay những sự dạy dỗ, của ba nhóm người ấy (Mat 16:6, 12). Điều đáng chú ý là cuộc nói chuyện này diễn ra không lâu sau khi dân chúng muốn tôn Chúa Giê-su lên làm vua.

13, 14. (a) Trường hợp nào cho thấy việc tôn giáo dính líu đến chính trị thường dẫn đến bạo lực và bất công? (b) Tại sao không nên dùng bạo lực để loại trừ sự bất công? (Xem hình nơi đầu bài).

13 Khi tôn giáo dính líu đến chính trị thì thường dẫn đến bạo lực. Chúa Giê-su dạy các môn đồ phải giữ trung lập trong những trường hợp đó. Đây là một lý do khiến các trưởng tế và người Pha-ri-si lập mưu giết Chúa Giê-su. Họ xem ngài là đối thủ về chính trị và tôn giáo, là người đe dọa vị thế của họ. Họ nói: “Nếu cứ để ông ta như thế thì tất cả sẽ đặt đức tin nơi ông ta, rồi người La Mã sẽ đến chiếm đền thờ và luôn cả nước chúng ta” (Giăng 11:48). Thế nên, thầy tế lễ thượng phẩm Cai-pha dẫn đầu trong việc bàn mưu giết Chúa Giê-su.—Giăng 11:49-53; 18:14.

14 Cai-pha sai quân lính đi bắt Chúa Giê-su trong đêm. Chúa Giê-su biết âm mưu hèn hạ đó nên vào bữa ăn tối cuối cùng với các sứ đồ, ngài bảo họ mang theo gươm. Chỉ hai thanh gươm là đủ để dạy họ một bài học quan trọng (Lu 22:36-38). Sau đó, Phi-e-rơ đã dùng gươm để tấn công một người trong đám đông đến bắt Thầy mình. Hẳn ông rất tức giận khi thấy Chúa Giê-su bị bắt trong đêm một cách bất công (Giăng 18:10). Nhưng Chúa Giê-su nói với Phi-e-rơ: “Hãy tra gươm vào vỏ, vì ai dùng gươm sẽ chết vì gươm” (Mat 26:52, 53). Bài học quan trọng này phù hợp với điều Chúa Giê-su cầu nguyện vào đêm hôm ấy, đó là các môn đồ không thuộc về thế gian. (Đọc Giăng 17:16). Chỉ Đức Chúa Trời mới có quyền loại trừ sự bất công.

15, 16. (a) Lời Đức Chúa Trời giúp các tín đồ như thế nào để tránh những cuộc xung đột? (b) Khi nhìn xuống thế gian, Đức Giê-hô-va thấy tình trạng trái ngược nào?

15 Chị ở miền nam châu Âu được đề cập đầu bài đã rút ra bài học tương tự. Chị cho biết: “Đúng là bạo lực không mang lại công bằng. Tôi thấy những người dùng bạo lực thường phải trả giá bằng mạng sống. Nhiều người thì trở nên cay đắng. Thật vui khi biết Kinh Thánh dạy rằng chỉ Đức Chúa Trời mới có thể mang lại công bằng thật sự trên đất. Và đây là thông điệp tôi rao giảng trong 25 năm qua”. Anh ở miền nam châu Phi đã thay giáo bằng “gươm thần khí”, là Lời Đức Chúa Trời. Anh rao giảng thông điệp bình an cho người khác, dù họ đến từ bộ tộc nào (Ê-phê 6:17). Sau khi trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va, chị ở Trung Âu kết hôn với một anh thuộc dân tộc mà chị từng ghét. Ba anh chị này đã thay đổi vì muốn giống Đấng Ki-tô.

16 Những thay đổi đó thật quan trọng biết bao! Kinh Thánh ví nhân loại giống như biển cuộn sóng, không thể lặng yên (Ê-sai 17:12; 57:20, 21; Khải 13:1). Trong khi các vấn đề chính trị kích động người ta, gây ra chia rẽ và những cuộc bạo động phi nghĩa, chúng ta vẫn duy trì được bình an và hợp nhất. Nhìn xuống thế gian đầy dẫy sự chia rẽ, hẳn Đức Giê-hô-va ấm lòng biết bao khi thấy sự hợp nhất trong vòng dân ngài!—Đọc Xô-phô-ni 3:17.

17. (a) Chúng ta có thể đẩy mạnh sự hợp nhất của tín đồ đạo Đấng Ki-tô qua ba cách nào? (b) Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài sau?

17 Bài này cho thấy chúng ta có thể đẩy mạnh sự hợp nhất của tín đồ đạo Đấng Ki-tô qua ba cách: (1) tin cậy rằng Nước Trời sẽ giải quyết mọi bất công, (2) từ chối tham gia các vấn đề chính trị, và (3) không dính líu đến bạo lực. Nhưng một điều khác có thể đe dọa sự hợp nhất của chúng ta là thành kiến. Bài sau sẽ xem xét cách chúng ta có thể đương đầu thành công trước thử thách này, giống như những tín đồ vào thế kỷ thứ nhất.