Sức mạnh của lời chào
“Xin chào!”
Hẳn anh chị thường chào người khác như thế, có lẽ đôi khi kèm theo cái bắt tay hoặc cái ôm. Phong tục và cách chào hỏi ở mỗi nơi mỗi khác, nhưng về cơ bản lời chào là giống nhau. Thực tế, việc không chào hỏi hoặc không đáp lại lời chào có thể cho thấy một người thiếu tình yêu thương hoặc cư xử khiếm nhã.
Nhưng không phải ai cũng có thói quen chào người khác. Một số người do dự chào vì cảm thấy ngượng hoặc tự ti. Số khác thì thấy khó chào những người có chủng tộc, văn hóa hoặc địa vị xã hội khác mình. Tuy nhiên, ngay cả lời chào đơn giản cũng mang lại nhiều lợi ích.
Hãy tự hỏi: “Việc chào hỏi mang lại lợi ích nào? Lời Đức Chúa Trời dạy mình thế nào về việc chào hỏi?”.
TIẾP ĐÓN “MỌI LOẠI NGƯỜI”
Khi sứ đồ Phi-e-rơ chào đón người ngoại đầu tiên là Cọt-nây vào hội thánh đạo Đấng Ki-tô, ông nói: “Đức Chúa Trời không hề thiên vị” (Công 10:34). Về sau, Phi-e-rơ cho biết Đức Chúa Trời “muốn mọi người đều ăn năn” (2 Phi 3:9). Thoạt nghe, có lẽ chúng ta liên tưởng đến những người đang tìm hiểu chân lý. Nhưng Phi-e-rơ cũng khuyến giục tín đồ đạo Đấng Ki-tô: “Hãy tôn trọng mọi loại người, yêu thương cả đoàn thể anh em” (1 Phi 2:17). Vậy chẳng phải chúng ta nên chào người khác dù họ có chủng tộc, văn hóa hay địa vị xã hội khác mình hay sao? Nếu làm thế, chúng ta cho thấy họ đáng được tôn trọng và yêu thương.
Sứ đồ Phao-lô khuyến giục các tín đồ trong hội thánh: “Hãy tiếp đón nhau, như Đấng Ki-tô đã tiếp đón anh em” (Rô 15:7). Phao-lô đề cập cụ thể đến những người đã “tiếp sức” cho ông. Ngày nay, anh em chúng ta cần được tiếp sức hơn bao giờ hết vì chúng ta đối mặt với cuộc tấn công ngày càng dữ dội của Sa-tan.—Cô 4:11, chú thích; Khải 12:12, 17.
Kinh Thánh ghi lại một số trường hợp cho thấy lời chào không chỉ có tác dụng tiếp đón người khác.
TRẤN AN, KHÍCH LỆ VÀ YÊU THƯƠNG
Trước khi sự sống của Chúa Giê-su được chuyển vào bụng Ma-ri, Đức Giê-hô-va phái một thiên sứ đến báo cho cô biết điều này. Khi gặp cô, thiên sứ nói: “Chào cô, người được ơn lớn, Đức Giê-hô-va ở cùng cô”. Ma-ri “vô cùng bối rối”, không biết tại sao thiên sứ nói chuyện với mình. Thấy vậy, thiên sứ nói: “Hỡi Ma-ri, đừng sợ, vì cô được ơn trước mặt Đức Chúa Trời”. Thiên sứ giải thích rằng Đức Chúa Trời muốn cô sinh ra Đấng Mê-si. Ma-ri không còn bối rối nữa và đáp: “Này, tôi đây là kẻ tớ gái của Đức Giê-hô-va! Nguyện điều ấy xảy đến cho tôi như lời người nói”.—Lu 1:26-38.
Quả là đặc ân khi được truyền thông điệp của Đức Chúa Trời nhưng thiên sứ không cho rằng không đáng để bắt chuyện với con người bất toàn. Thiên sứ đã bắt đầu với một lời chào. Bài học là gì? Chúng ta nên chủ động chào và khích lệ người khác. Chỉ với vài lời, chúng ta có thể giúp người khác tin chắc họ thuộc về dân Đức Giê-hô-va.
Phao-lô biết nhiều người trong hội thánh khắp Tiểu Á và châu Âu. Trong những lá thư của ông có Rô-ma chương 16. Phao-lô gửi lời chào đến nhiều anh em. Ông đề cập đến Phê-bê, “một chị của chúng ta” và khuyến khích anh em “tiếp đón chị ấy trong Chúa theo cách xứng đáng với các người thánh và giúp đỡ bất cứ điều gì chị cần”. Phao-lô chào Bê-rít-sin và A-qui-la, là hai người mà “không chỉ [ông] mà tất cả các hội thánh trong các nước cũng cám ơn họ”. Ông chào một số người mà hầu như chúng ta không biết, chẳng hạn như “Ê-bê-nết yêu quý của [ông]”, “Try-phe-nơ và Try-phô-sơ, là những phụ nữ chăm chỉ trong Chúa”. Thật vậy, Phao-lô sẵn lòng chào anh em đồng đạo.—Rô 16:1-16.
nhiều lời chào cụ thể. Chúng ta có thể thấy điều này nơiHãy hình dung họ vui mừng thế nào khi được nhớ đến. Hẳn tình yêu thương của họ dành cho Phao-lô và những anh em khác ngày càng sâu đậm hơn! Những lời chào yêu thương ấy chắc chắn khích lệ các tín đồ khác và giúp họ đứng vững trong đức tin. Thật vậy, lời chào biểu lộ lòng quan tâm chân thành và chứa đựng lời khen sẽ củng cố tình bạn và sự hợp nhất trong vòng các tôi tớ trung thành của Đức Chúa Trời.
Khi Phao-lô đến cảng ở Bu-tê-ô-li để tới Rô-ma, anh em địa phương đã xuống gặp ông. Thấy họ từ đằng xa, Phao-lô “tạ ơn Đức Chúa Trời và được vững lòng” (Công 28:13-15). Đôi khi, lời chào có thể chỉ là nụ cười hoặc cái vẫy tay. Nhưng điều đó cũng có thể giúp một người đang buồn nản lên tinh thần.
ĐIỂM CHUNG
Môn đồ Gia-cơ thấy cần đưa ra lời khuyên mạnh mẽ vì một số tín đồ đã trở nên bất trung khi kết bạn với thế gian (Gia 4:4). Nhưng hãy xem cách Gia-cơ mở đầu lá thư:
“Gia-cơ, là đầy tớ của Đức Chúa Trời và Chúa Giê-su Ki-tô, gửi cho 12 chi phái sống rải rác khắp nơi: Chào anh em!” (Gia 1:1). Chắc hẳn những người đọc lá thư này dễ chấp nhận lời khuyên hơn vì lời chào của Gia-cơ cho thấy họ có vị thế trước mặt Đức Chúa Trời giống như ông. Quả thật, lời chào đơn giản có thể mở ra những cuộc thảo luận, thậm chí là về vấn đề hệ trọng.
Một lời chào hữu hiệu dù ngắn nhưng nên chân thành và phản ánh tình yêu thương thật, ngay cả khi lời chào của mình dường như không được để ý (Mat 22:39). Lần nọ, một chị ở Ai-len đến Phòng Nước Trời lúc buổi nhóm họp sắp bắt đầu. Khi chị đang vội, một anh quay sang, cười và nói: “Chào chị!”. Chị ấy không đáp lại và chỉ ngồi vào chỗ.
Vài tuần sau, chị đến gặp anh ấy và nói rằng có một thời gian gia đình chị phải đối phó với nhiều vấn đề căng thẳng. Chị cho biết: “Tối hôm đó, tôi cảm thấy rất buồn và định không đi nhóm họp. Tôi không nhớ nhiều về buổi nhóm hôm đó, nhưng có nhớ là anh đã chào tôi. Tôi thấy mình được tiếp đón. Cám ơn anh”.
Anh không ngờ là lời chào đơn giản của mình đã có tác động rất lớn. Anh cho biết: “Khi chị ấy nói rằng lời chào của tôi có ý nghĩa với chị, tôi thấy rất vui vì mình đã cố gắng làm thế”.
Sa-lô-môn viết: “Hãy rải bánh con trên mặt nước, bởi sau nhiều ngày con sẽ tìm lại được” (Truyền 11:1). Khi ý thức giá trị của việc chào hỏi, nhất là với anh em đồng đạo, người khác sẽ nhận được lợi ích và chính chúng ta cũng vậy. Đừng xem nhẹ sức mạnh của lời chào.