Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Hãy ngợi khen Gia!”—Tại sao?

“Hãy ngợi khen Gia!”—Tại sao?

“Hãy ngợi khen Gia!... Thật vui thỏa và thích đáng khi ngợi khen ngài!”—THI 147:1.

BÀI HÁT: 104, 152

1-3. (a) Có thể bài Thi thiên 147 được viết khi nào? (b) Chúng ta có thể học được gì khi xem xét bài Thi thiên 147?

Khi một người hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao hoặc thể hiện một đức tính nổi bật của tín đồ đạo Đấng Ki-tô, người ấy xứng đáng được khen. Nếu con người còn được như thế, thì chúng ta càng có lý do để ngợi khen Giê-hô-va Đức Chúa Trời nhiều hơn biết bao! Chúng ta có thể ngợi khen ngài vì quyền năng vô song, kỳ công sáng tạo hoặc cách ngài đối xử nồng ấm với nhân loại qua việc cung cấp sự hy sinh làm giá chuộc của Con ngài.

2 Người viết bài Thi thiên 147 được thúc đẩy để ngợi khen Đức Giê-hô-va. Ông cũng khuyến khích người khác cùng mình ngợi khen ngài.—Đọc Thi thiên 147:1, 7, 12.

3 Chúng ta không biết người viết bài Thi thiên này là ai, nhưng dường như ông sống vào thời mà Đức Giê-hô-va cho dân Y-sơ-ra-ên bị lưu đày ở Ba-by-lôn trở về Giê-ru-sa-lem (Thi 147:2). Việc dân Đức Giê-hô-va trở về quê hương, là nơi thờ phượng thật, hẳn đã thúc đẩy người viết Thi thiên ngợi khen ngài. Nhưng ông còn có những lý do khác để làm thế. Đó là gì? Anh chị có lý do nào để hô lớn “Hãy ngợi khen Gia!” trong đời sống mình không?—Thi 147:1.

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA CHỮA LÀNH NGƯỜI CÓ TẤM LÒNG TAN VỠ

4. Khi vua Si-ru giải phóng dân Y-sơ-ra-ên lưu đày, hẳn họ cảm thấy thế nào, và tại sao?

4 Hãy hình dung dân Y-sơ-ra-ên lưu đày hẳn cảm thấy thế nào khi ở Ba-by-lôn. Những người bắt họ đã chế nhạo: “Hát cho chúng ta một bài về Si-ôn đi!”. Lúc này Giê-ru-sa-lem, lý do quan trọng nhất để họ vui mừng trong Đức Giê-hô-va, đã bị hoang vu (Thi 137:1-3, 6). Dân Do Thái không muốn hát. Lòng họ tan vỡ và cần được an ủi. Tuy nhiên, đúng như lời tiên tri của Đức Chúa Trời, vua của Ba Tư là Si-ru đã giải phóng họ. Ông chinh phục Ba-by-lôn và truyền rằng: ‘Đức Giê-hô-va đã chỉ định ta xây cho ngài một nhà tại Giê-ru-sa-lem. Trong vòng các ngươi, bất cứ ai thuộc về dân ngài thì nguyện Giê-hô-va Đức Chúa Trời ở cùng người ấy; hãy để người ấy đi lên đó’ (2 Sử 36:23). Điều này hẳn đã an ủi những người Y-sơ-ra-ên đang ở Ba-by-lôn!

5. Người viết Thi thiên nói gì về quyền năng chữa lành của Đức Giê-hô-va?

5 Đức Giê-hô-va không những an ủi cả dân Y-sơ-ra-ên mà còn an ủi mỗi cá nhân. Ngài cũng làm thế vào thời nay. Người viết Thi thiên nói về Đức Chúa Trời: “Ngài chữa lành người có tấm lòng tan vỡ, băng bó lại vết thương của họ” (Thi 147:3). Thật vậy, Đức Giê-hô-va chăm sóc những ai đang gặp vấn đề, dù về thể chất hay cảm xúc. Ngày nay, Đức Giê-hô-va mong muốn an ủi và xoa dịu nỗi đau về cảm xúc của chúng ta (Thi 34:18; Ê-sai 57:15). Ngài ban sự khôn ngoan và sức lực để chúng ta có thể đương đầu với bất cứ khó khăn nào gặp phải.—Gia 1:5.

6. Chúng ta nhận được lợi ích nào từ việc người viết Thi thiên chuyển đề tài trong Thi thiên 147:4? (Xem hình nơi đầu bài).

6 Sau đó, người viết Thi thiên hướng lên trời, rồi nói với chúng ta rằng Đức Giê-hô-va “đếm số các vì tinh tú” và “gọi tên riêng hết các vì ấy” (Thi 147:4). Tại sao ông chuyển đề tài và đề cập đến các thiên thể? Hãy xem điều này: Người viết Thi thiên có thể thấy các ngôi sao bằng mắt thường, nhưng ông không biết thật sự có bao nhiêu ngôi sao. Qua nhiều năm, số các ngôi sao mà chúng ta có thể thấy đã gia tăng đáng kinh ngạc. Một số người nghĩ rằng chỉ riêng dải thiên hà Milky Way đã có hàng tỉ ngôi sao. Và có hàng ngàn tỉ thiên hà trong vũ trụ! Chúng ta không thể đếm hết các ngôi sao, nhưng Đấng Tạo Hóa đặt tên riêng cho tất cả. Điều này có nghĩa là đối với Đức Giê-hô-va mỗi ngôi sao đều có điểm khác biệt (1 Cô 15:41). Còn về con người trên đất thì sao? Đức Chúa Trời biết vị trí của mỗi ngôi sao vào bất kỳ thời điểm nào, thì ngài cũng biết rõ mỗi cá nhân anh chị dù anh chị đang ở đâu, có cảm xúc nào và cần gì!

7, 8. (a) Đức Giê-hô-va hiểu điều gì về chúng ta? (b) Hãy nêu ví dụ về cách Đức Giê-hô-va thể hiện lòng trắc ẩn khi giúp con người bất toàn.

7 Đức Giê-hô-va không chỉ quan tâm đến anh chị mà ngài còn có quyền năng và lòng thấu cảm cần thiết để giúp anh chị khi gặp vấn đề trong cuộc sống. (Đọc Thi thiên 147:5). Anh chị có thể cảm thấy hoàn cảnh của mình quá khó khăn và nặng gánh. Đức Chúa Trời hiểu giới hạn của anh chị và ‘luôn nhớ rằng anh chị chỉ là bụi đất’ (Thi 103:14). Là người bất toàn, chúng ta tái đi tái lại một lỗi lầm. Chúng ta hối hận vì lỡ lời, vì khuynh hướng xác thịt bộc phát bất cứ lúc nào hoặc vì khuynh hướng đố kỵ với những gì người khác có. Dù Đức Giê-hô-va không bao giờ phạm lỗi, nhưng sự hiểu biết của ngài về chúng ta là vô hạn và không ai dò thấu!—Ê-sai 40:28.

8 Có thể anh chị đã cảm nghiệm cánh tay quyền năng của Đức Giê-hô-va giúp mình vượt qua một số thử thách (Ê-sai 41:10, 13). Chẳng hạn, chị Kyoko, một tiên phong đã rất nản lòng sau khi chuyển đến nhiệm sở mới. Đức Giê-hô-va cho thấy ngài hiểu vấn đề của chị ra sao? Trong hội thánh mới, có nhiều anh chị hiểu cảm xúc của chị. Chị cảm thấy như Đức Giê-hô-va đang nói với mình: “Cha yêu thương con, không chỉ vì con là tiên phong, nhưng vì con là con gái ta và đã dâng mình cho ta. Cha muốn con vui hưởng đời sống của một Nhân Chứng”. Trong trường hợp của anh chị, Đấng Toàn Năng đã chứng tỏ “sự hiểu biết của ngài vô hạn vô biên” như thế nào?

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA CUNG CẤP NHỮNG ĐIỀU CHÚNG TA CẦN

9, 10. Điều quan trọng nhất mà Đức Giê-hô-va giúp chúng ta là gì? Hãy nêu ví dụ.

9 Đôi khi, điều anh chị cần là vật chất. Chẳng hạn, anh chị có thể lo lắng mình sẽ không đủ đồ ăn. Tuy nhiên, chính Đức Giê-hô-va là đấng tạo ra chu kỳ tự nhiên cần thiết để trồng trọt hầu có thức ăn, ngay cả cho đàn quạ con kêu lên đòi ăn. (Đọc Thi thiên 147:8, 9). Nếu Đức Giê-hô-va luôn chăm sóc cho những con quạ, thì anh chị có thể tin cậy ngài cũng sẽ cung cấp nhu cầu vật chất cần thiết cho mình.—Thi 37:25.

10 Điều quan trọng nhất là Đức Giê-hô-va nuôi dưỡng chúng ta về thiêng liêng. Ngài ban “sự bình an của Đức Chúa Trời, là điều vượt quá mọi sự hiểu biết” (Phi-líp 4:6, 7). Chẳng hạn, hãy xem trường hợp của anh Mutsuo và vợ anh. Họ đã cảm nghiệm sự nâng đỡ của Đức Giê-hô-va sau trận sóng thần ở Nhật Bản năm 2011. Khi trèo lên mái nhà, họ mới thoát khỏi trận sóng thần. Nhưng vào ngày đó, họ gần như mất hết tài sản. Họ phải qua đêm trong một căn phòng lạnh lẽo và tối tăm ở tầng hai tại ngôi nhà tả tơi của mình. Khi trời sáng, họ tìm kiếm sự khích lệ về thiêng liêng, nhưng chỉ tìm được cuốn sách Niên giám của Nhân Chứng Giê-hô-va năm 2006 (Anh ngữ). Ngay tức khắc, hàng tựa “Trận sóng thần lớn nhất trong lịch sử” đập vào mắt anh Mutsuo. Bài này nói về một trận động đất ở Sumatra năm 2004 gây ra trận sóng thần có sức tàn phá lớn nhất trong lịch sử. Anh Mutsuo và vợ đã khóc khi đọc những kinh nghiệm trong đó. Họ cảm thấy Đức Chúa Trời chăm sóc mình một cách yêu thương và nồng ấm khi cung cấp sự khích lệ về thiêng liêng đúng lúc mình cần. Đức Giê-hô-va cũng yêu thương cung cấp vật chất cho họ. Qua anh em thiêng liêng, họ nhận được đồ cứu trợ. Nhưng điều củng cố họ nhất là những cuộc viếng thăm hội thánh từ các anh đại diện của tổ chức Đức Chúa Trời. Anh Mutsuo nói: “Tôi cảm thấy Đức Giê-hô-va ở ngay bên cạnh và chăm sóc cho mỗi chúng ta. Thật là an ủi!”. Đức Chúa Trời nuôi dưỡng chúng ta về thiêng liêng trước, rồi làm thỏa mãn nhu cầu vật chất sau.

NHẬN LỢI ÍCH TỪ QUYỀN NĂNG GIẢI CỨU CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

11. Nếu muốn nhận lợi ích từ quyền năng giải cứu của Đức Chúa Trời, chúng ta cần làm gì?

11 Đức Giê-hô-va luôn sẵn sàng giúp sức và ‘đỡ người khiêm hòa dậy’ (Thi 147:6a). Nhưng làm sao chúng ta nhận lợi ích từ việc ngài sẵn sàng hành động vì lợi ích của chúng ta? Chúng ta phải có mối quan hệ tốt với ngài. Để đạt được điều đó, chúng ta cần vun trồng sự khiêm hòa (Xô 2:3). Người khiêm hòa thì chờ đợi Đức Chúa Trời sửa đổi bất cứ điều sai trái và thiệt hại nào mà người ấy phải chịu. Đức Giê-hô-va mỉm cười hài lòng khi nhìn những người như thế.

12, 13. (a) Để nhận được lợi ích từ sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời, chúng ta nên tránh điều gì? (b) Đức Giê-hô-va hài lòng về những người nào?

12 Trái lại, Đức Chúa Trời ‘ném kẻ ác xuống đất’ (Thi 147:6b). Những lời này thật mạnh mẽ! Để nhận được lợi ích từ tình yêu thương thành tín của Đức Giê-hô-va và tránh cơn thịnh nộ của ngài, chúng ta phải ghét điều ngài ghét (Thi 97:10). Chẳng hạn, chúng ta phải ghét sự gian dâm. Điều này có nghĩa là chúng ta phải tránh xa bất cứ điều gì có thể khiến mình làm những việc sai trái như thế, kể cả tài liệu khiêu dâm (Thi 119:37; Mat 5:28). Đây có thể là cuộc chiến cam go, nhưng để có được ân phước của Đức Giê-hô-va thì nỗ lực hết mình của chúng ta rất đáng công.

13 Trong cuộc chiến này, chúng ta cần nương cậy Đức Giê-hô-va, chứ không dựa vào chính mình. Ngài có hài lòng khi chúng ta cố tự cứu mạng mình bằng “sức mạnh của ngựa”, tức tìm sự trợ giúp của con người không? Không. Chúng ta cũng không nương cậy “chân khỏe của người”, tức hành động như thể mình hoặc người khác có thể đem lại sự giải cứu (Thi 147:10). Thay vì thế, chúng ta phải đến gần Đức Giê-hô-va, nài xin ngài giúp đỡ. Không như các cố vấn loài người, ngài không bao giờ mệt mỏi trong việc lắng nghe lời khẩn cầu của chúng ta, cho dù nhiều lần chúng ta xin sự giúp đỡ của ngài. “Đức Giê-hô-va vui lòng về người biết kính sợ ngài, về người trông chờ lòng yêu thương thành tín ngài” (Thi 147:11). Chúng ta có thể tin cậy rằng vì tình yêu thương thành tín, ngài sẽ ở cùng và giúp chúng ta chế ngự ước muốn sai trái.

14. Lòng tin chắc nào đã củng cố người viết Thi thiên?

14 Đức Giê-hô-va cho chúng ta cơ sở để tin chắc rằng ngài sẽ giúp dân ngài khi họ cần. Khi nghĩ đến sự khôi phục của Giê-ru-sa-lem, người viết Thi thiên hát về Đức Giê-hô-va: “Ngài khiến thanh cài của cổng thành ngươi vững chắc, ban phước cho con cái ở giữa ngươi. Ngài ban bình an khắp bờ cõi ngươi” (Thi 147:13, 14). Người viết Thi thiên an lòng dường bao khi biết rằng Đức Chúa Trời sẽ làm cổng thành vững chắc để bảo vệ những người thờ phượng ngài!

Lời Đức Chúa Trời giúp ích thế nào khi chúng ta cảm thấy choáng ngợp trước các thử thách? (Xem đoạn 15-17)

15-17. (a) Đôi khi, chúng ta có thể cảm thấy thế nào về những thử thách mình gặp, nhưng Đức Giê-hô-va dùng Lời ngài để giúp chúng ta ra sao? (b) Hãy nêu ví dụ về việc ‘lời Đức Chúa Trời nhanh chóng chạy đi’.

15 Có thể anh chị phải đối mặt với những khó khăn khiến mình lo lắng. Đức Giê-hô-va có thể ban cho anh chị sự khôn ngoan để đối phó. Người viết Thi thiên nói về Đức Chúa Trời rằng “ngài gửi lệnh xuống trái đất; lời ngài nhanh chóng chạy đi”. Rồi khi nói Đức Giê-hô-va ‘sai tuyết phủ, rải sương giá xuống và ném hạt mưa đá’, người viết Thi thiên hỏi: “Có ai chịu nổi cơn giá lạnh ngài?”. Ông nói thêm rằng Đức Giê-hô-va “ban lời mình, chúng liền tan đi” (Thi 147:15-18). Đức Chúa Trời khôn ngoan tột bậc và quyền năng vô song, đấng kiểm soát mưa đá và tuyết, có thể giúp anh chị vượt qua bất cứ trở ngại nào mình đối mặt.

16 Ngày nay, Đức Giê-hô-va hướng dẫn chúng ta qua Lời ngài, là Kinh Thánh. “Lời ngài nhanh chóng chạy đi”, tức ngài sẵn sàng ban cho chúng ta sự hướng dẫn về thiêng liêng khi cần. Hãy nghĩ về lợi ích anh chị nhận được khi đọc Kinh Thánh, xem xét các ấn phẩm của “đầy tớ trung tín và khôn ngoan”, xem Kênh truyền thông JW, truy cập trang web jw.org, nói chuyện với trưởng lão và kết hợp với anh em đồng đạo (Mat 24:45). Chẳng phải anh chị thấy Đức Giê-hô-va nhanh chóng cung cấp sự hướng dẫn sao?

17 Chị Simone đã cảm nghiệm quyền lực của Lời Đức Chúa Trời. Chị rất tự ti và nghĩ rằng Đức Chúa Trời không hài lòng về mình. Tuy nhiên, trong thời gian nản lòng, chị kiên trì cầu nguyện và xin Đức Giê-hô-va giúp đỡ. Chị cũng tiếp tục bận rộn trong việc học hỏi cá nhân. Chị nói: “Trong mọi hoàn cảnh, tôi đều cảm nhận được sức mạnh và sự hướng dẫn của Đức Giê-hô-va”. Điều này đã giúp chị cố gắng hết sức để giữ thái độ tích cực.

18. Tại sao anh chị cảm thấy mình được Đức Chúa Trời ban phước, và anh chị có những lý do nào để hô lớn “Hãy ngợi khen Gia!”?

18 Người viết Thi thiên biết dân Đức Chúa Trời thời xưa được ban phước ra sao. Họ là dân duy nhất nhận được “lời” cũng như “điều lệ và phán quyết” của ngài. (Đọc Thi thiên 147:19, 20). Ngày nay, chúng ta có phước vì là nhóm người duy nhất trên đất được mang danh Đức Chúa Trời. Khi biết Đức Giê-hô-va và được Lời ngài tác động trên đời sống, chúng ta có mối quan hệ quý báu với ngài. Như người viết bài Thi thiên 147, chẳng phải anh chị có nhiều lý do để hô lớn “Hãy ngợi khen Gia!” và khuyến khích người khác cũng làm thế hay sao?