Họ tình nguyện đến Myanmar
“Mùa gặt thì trúng nhưng thợ gặt thì ít. Vì vậy, hãy nài xin Chủ mùa gặt sai thợ gặt đến thu hoạch vụ mùa” (Lu 10:2). Những lời này của Chúa Giê-su cách đây khoảng 2.000 năm đúng với tình hình ở Myanmar hiện nay. Tại sao có thể nói thế? Ở Myanmar, chỉ có khoảng 4.200 anh chị công bố đang rao truyền tin mừng cho 55 triệu người.
Tuy nhiên, “Chủ mùa gặt” là Đức Giê-hô-va đã động đến lòng của hàng trăm anh chị từ nhiều quốc gia. Họ chuyển đến nước này ở Đông Nam Á để hỗ trợ công việc gặt hái thiêng liêng. Điều gì thôi thúc họ rời quê hương để đến Myanmar? Họ được giúp thế nào để chuyển đến đây? Họ nhận được những ân phước nào? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu.
“HÃY ĐẾN, CHÚNG TÔI CẦN THÊM TIÊN PHONG!”
Vài năm trước, một tiên phong ở Nhật Bản là anh Kazuhiro bị lên cơn động kinh và bất tỉnh nên được đưa đến bệnh viện. Bác sĩ nói rằng anh không được lái xe trong vòng hai năm. Anh Kazuhiro bị sốc. Anh thầm nghĩ: “Làm sao mình có thể tiếp tục công việc yêu thích là làm tiên phong?”. Anh tha thiết cầu xin Đức Giê-hô-va giúp để có thể tiếp tục thánh chức tiên phong.
Anh Kazuhiro kể lại: “Một tháng sau, bạn của tôi đang phụng sự ở Myanmar nghe về tình hình của tôi. Anh gọi điện và nói: ‘Ở Myanmar có phương tiện phổ biến là xe buýt. Nếu đến đây, anh có thể tiếp tục làm tiên phong dù không có xe hơi!’. Tôi hỏi bác sĩ xem tôi có thể đến Myanmar trong tình trạng sức khỏe hiện tại không. Tôi rất ngạc nhiên khi bác sĩ nói: ‘Có một bác sĩ Myanmar chuyên về não đang ở Nhật Bản. Tôi sẽ giới thiệu cho anh. Nếu anh bị động kinh trở lại, ông ấy có thể chăm sóc anh’. Tôi thấy đây là cách Đức Giê-hô-va đáp lời cầu nguyện của mình”.
Anh Kazuhiro lập tức gửi thư cho văn phòng chi nhánh Myanmar và bày tỏ nguyện vọng là vợ chồng anh muốn đến đó để làm tiên phong. Chỉ năm ngày sau, chi nhánh phúc đáp: “Hãy đến, chúng tôi cần thêm tiên phong!”. Anh Kazuhiro và vợ là chị Mari bán xe hơi, nhận được visa và mua vé máy bay. Hiện nay, họ vui mừng phụng sự trong nhóm ngôn ngữ ký hiệu ở Mandalay. Anh Kazuhiro cho biết: “Qua trải nghiệm này, đức tin của chúng tôi nơi lời Đức Chúa Trời hứa ở Thi thiên 37:5 được củng cố: ‘Hãy phó thác đường mình cho Đức Giê-hô-va; hãy nương cậy nơi ngài, rồi ngài sẽ ra tay’”.
ĐỨC GIÊ-HÔ-VA MỞ ĐƯỜNG
Năm 2014, Nhân Chứng Giê-hô-va ở Myanmar có đặc ân tổ chức hội nghị đặc biệt. Nhiều đại biểu từ các nước đến dự sự kiện này, trong đó có chị Monique, 34 tuổi từ Hoa Kỳ. Chị cho biết: “Sau khi dự hội nghị về, tôi cầu nguyện với Đức Giê-hô-va, xin ngài giúp mình biết cần làm gì kế tiếp trong đời sống. Tôi và cha mẹ thảo luận về những mục tiêu thiêng liêng của tôi. Cả nhà đều nghĩ rằng tôi nên trở lại Myanmar, nhưng tôi cần thời gian và cầu nguyện nhiều trước khi quyết định”.
Chị Monique cho biết lý do: “Chúa Giê-su khuyên các môn đồ ‘tính phí tổn’, nên tôi suy nghĩ: ‘Mình có khả năng để chuyển đến đó không? Mình có thể chăm lo cho nhu cầu vật chất của mình ở đó mà không cần phải đi làm nhiều hơn không?’”. Chị thừa nhận: “Tôi nhanh chóng nhận ra mình không có đủ tiền để chuyển đến một nước bên kia địa cầu”. Vậy làm thế nào chị có thể chuyển tới Myanmar?—Lu 14:28.
Chị nói tiếp: “Ngày nọ, người chủ muốn gặp tôi. Tôi hơi lo vì nghĩ mình sắp bị đuổi. Nhưng người chủ đã khen tôi về việc siêng năng làm việc. Rồi bà cho biết tôi được thưởng một số tiền, đúng với số tiền tôi cần để thoát khỏi cảnh nợ nần!”.
Chị Monique đã phụng sự ở Myanmar từ tháng 12 năm 2014. Chị cảm thấy thế nào về thánh chức khi phụng sự ở nơi có nhu cầu lớn hơn? Chị chia sẻ: “Tôi rất vui khi ở đây. Tôi có ba học hỏi Kinh Thánh. Một học viên đã 67 tuổi. Bác lúc nào cũng chào đón tôi bằng nụ cười và cái ôm thật chặt. Bác đã rơi lệ khi biết danh Đức Chúa Trời là Giê-hô-va. Bác nói: ‘Lần đầu tiên trong đời bác nghe Đức Chúa Trời có danh là Giê-hô-va. Cháu chỉ bằng một nửa tuổi đời của bác nhưng đã dạy bác điều quan trọng nhất’. Lúc đó tôi cũng khóc. Phụng sự ở nơi có nhu cầu lớn hơn mang lại cho tôi nhiều thỏa nguyện”. Mới đây, chị Monique có đặc ân tham dự Trường dành cho người rao truyền Nước Trời.
Điều khác đã thúc đẩy một số anh chị đến Myanmar là sách Niên giám của Nhân Chứng Giê-hô-va năm 2013 (Anh ngữ) nói về nước này. Một chị khoảng 30 tuổi tên là Li sống ở Đông Nam Á. Chị có công việc trọn thời gian, nhưng nhờ đọc sách Niên giám, chị nghĩ đến việc phụng sự ở Myanmar. Chị kể lại: “Năm 2014, khi tham dự hội nghị đặc biệt ở Yangon, tôi gặp một cặp vợ chồng phục vụ ở nơi có nhu cầu lớn hơn là cánh đồng tiếng Hoa ở Myanmar. Vì nói tiếng Hoa nên tôi quyết định chuyển đến đây để giúp. Tôi đi chung với chị Monique, và chúng tôi đến Mandalay. Đức Giê-hô-va ban phước qua việc giúp chúng tôi có công việc dạy học bán thời gian tại cùng một trường, và tìm được căn hộ gần đó. Dù thời tiết nóng và có một số điều bất tiện nhưng tôi rất thích thánh chức ở đây. Người dân Myanmar sống đơn giản nhưng lịch sự và sẵn sàng dành thời gian để nghe tin mừng. Thật hào hứng khi nhìn thấy cách Đức Giê-hô-va đang đẩy mạnh công việc. Tôi tin chắc ngài muốn tôi ở đây, tại Mandalay”.
ĐỨC GIÊ-HÔ-VA NGHE LỜI CẦU NGUYỆN
Nhiều anh chị phụng sự ở nơi có nhu cầu lớn hơn đã cảm nghiệm sức mạnh của lời cầu nguyện. Chẳng hạn, anh Jumpei và chị Nao, khoảng 30 tuổi, phụng sự trong hội thánh ngôn ngữ ký hiệu tại Nhật Bản. Tại sao họ chuyển đến Myanmar? Anh Jumpei kể lại: “Vợ chồng tôi luôn đặt mục tiêu là phụng sự ở một nước có nhu cầu lớn hơn. Một anh trong hội thánh ngôn ngữ ký
hiệu của chúng tôi ở Nhật Bản đã chuyển đến Myanmar. Với số tiền dành dụm ít ỏi, chúng tôi cũng chuyển đi vào tháng 5 năm 2010. Các anh chị ở Myanmar đã nồng nhiệt chào đón chúng tôi!”. Anh cảm thấy thế nào về cánh đồng ngôn ngữ ký hiệu ở đây? Anh nói: “Có nhiều người khiếm thính chú ý. Họ kinh ngạc khi chúng tôi cho xem video ngôn ngữ ký hiệu. Chúng tôi rất vui vì đã quyết định phụng sự Đức Giê-hô-va ở đây!”.Anh Jumpei và chị Nao đối phó thế nào với vấn đề tài chính? Anh cho biết: “Sau ba năm, chúng tôi đã tiêu gần hết tiền dành dụm và không đủ để trả tiền nhà năm sau. Vợ chồng tôi đã tha thiết cầu nguyện. Thật bất ngờ, chúng tôi nhận được lá thư của chi nhánh mời làm tiên phong đặc biệt tạm thời! Chúng tôi tin cậy Đức Giê-hô-va, và cảm nghiệm rằng ngài đã không bỏ chúng tôi. Ngài chăm sóc chúng tôi trong mọi khía cạnh”. Mới đây, anh Jumpei và chị Nao cũng tham dự Trường dành cho người rao truyền Nước Trời.
ĐỨC GIÊ-HÔ-VA DẤY LÊN NHIỀU NGƯỜI
Điều gì thôi thúc anh Simone 43 tuổi, người Ý, và vợ là chị Anna 37 tuổi, người New Zealand, chuyển đến Myanmar? Chị Anna cho biết: “Đó là sách Niên giám năm 2013!”. Anh Simone nói: “Quả là đặc ân được ở Myanmar. Đời sống ở đây đơn giản, và tôi có thể dành nhiều thời gian hơn cho công việc của Đức Giê-hô-va. Cảm nghiệm sự chăm sóc của Đức Giê-hô-va khi phụng sự ở nơi có nhu cầu lớn hơn là điều thật đặc biệt” (Thi 121:5). Chị Anna chia sẻ: “Tôi cảm thấy hạnh phúc hơn bao giờ hết. Chúng tôi sống đơn giản. Tôi có nhiều thời gian hơn với chồng, và vợ chồng tôi càng gần gũi với nhau. Chúng tôi cũng có thêm những người bạn quý giá. Người dân ở đây không thành kiến với Nhân Chứng, và rất nhiều người chú ý!”. Bằng chứng nào cho thấy điều đó?
Chị Anna kể lại: “Ngày nọ, tôi rao giảng cho một sinh viên ở chợ và hẹn gặp lại. Lần thứ hai, em ấy đi cùng một người bạn. Lần thứ ba, em ấy dẫn thêm vài bạn đến. Rồi lần sau, em ấy dẫn thêm nhiều người nữa. Hiện giờ tôi đang học Kinh Thánh với năm người trong số ấy”. Anh Simone cho biết: “Người dân ở đây thân thiện và hiếu kỳ. Có nhiều người chú ý. Chúng tôi không lo xuể cho tất cả những người chú ý”.
Tuy nhiên, các anh chị đã thực hiện những bước thực tế nào để chuyển đến Myanmar? Chị Mizuho từ Nhật Bản kể lại: “Chồng tôi là Sachio và tôi luôn muốn phụng sự ở một nước có nhu cầu lớn hơn. Nhưng ở đâu? Sau khi đọc sách Niên giám năm 2013 về Myanmar, chúng tôi rất cảm động về các kinh nghiệm ấm lòng và bắt đầu nghĩ đến việc phụng sự ở nước này”. Anh Sachio cho biết thêm: “Chúng tôi quyết định đi du lịch một tuần ở Yangon, thành phố chính của Myanmar, để ‘do
thám xứ’. Chuyến đi thu thập thông tin ấy đã giúp chúng tôi tin rằng mình nên chuyển đến đây”.ANH CHỊ CÓ THỂ HƯỞNG ỨNG LỜI KÊU GỌI KHÔNG?
Anh Rodney và vợ là chị Jane, khoảng 50 tuổi, từ Úc, cùng con trai Jordan và con gái Danica đã phụng sự ở Myanmar, nơi có nhu cầu lớn hơn, từ năm 2010. Anh Rodney cho biết: “Chúng tôi rất cảm động khi thấy người dân ở đây khao khát về tâm linh. Tôi chân thành khuyến khích các gia đình hãy thử phụng sự ở một nơi như Myanmar”. Tại sao? Anh giải thích: “Gia đình chúng tôi nhận được phần thưởng vô giá về thiêng liêng! Nhiều người trẻ lo về điện thoại, xe cộ, công việc v.v. nhưng các con chúng tôi thì bận rộn học từ vựng để tham gia thánh chức. Các cháu tập lý luận với những người không quen thuộc với Kinh Thánh và tập bình luận trong buổi nhóm bằng ngôn ngữ địa phương. Các cháu cũng bận rộn với nhiều hoạt động thiêng liêng khác”.
Anh Oliver 37 tuổi, từ Hoa Kỳ, cho biết lý do anh khuyến khích tham gia khía cạnh phụng sự này: “Ra khỏi môi trường thoải mái và quen thuộc để phụng sự Đức Giê-hô-va mang lại nhiều lợi ích. Khi chuyển đến nơi khác, tôi càng tin cậy Đức Giê-hô-va dù ở trong hoàn cảnh nào. Tôi phụng sự với những anh chị mà mình chưa từng quen biết. Nhưng chúng tôi hợp nhất nhờ có cùng đức tin. Chỉ Nước Trời mới làm được điều này!”. Hiện nay, anh Oliver và vợ là chị Anna tiếp tục sốt sắng phục vụ trong cánh đồng tiếng Hoa.
Chị Trazel 52 tuổi, từ Úc, đã phụng sự ở Myanmar từ năm 2004. Chị nói: “Nếu hoàn cảnh cho phép, anh chị hãy đến phụng sự ở nơi có nhu cầu lớn hơn. Tôi cảm nghiệm rằng nếu mình có ước muốn phụng sự và cố gắng nỗ lực, Đức Giê-hô-va sẽ ban phước. Tôi chưa bao giờ hình dung đời sống mình sẽ như thế này. Đây là đời sống thỏa nguyện và nhiều ân phước nhất”.
Mong rằng những lời nhận xét chân thành của các anh chị đang phụng sự ở Myanmar sẽ khuyến khích mỗi chúng ta suy nghĩ đến việc giúp đỡ người có lòng thành ở khu vực chưa được rao giảng. Thật vậy, những anh chị phụng sự ở đây đang kêu gọi: “Xin qua Myanmar giúp chúng tôi!”.