Yêu thương—Một đức tính đáng quý
Sứ đồ Phao-lô được soi dẫn để viết về chín đức tính có được nhờ hoạt động của thần khí thánh (Ga 5:22, 23). Ông gộp những đức tính đáng quý này lại với nhau và gọi chung là “bông trái của thần khí”. * Bông trái này là đặc điểm của “nhân cách mới” (Cô 3:10). Như cây ra trái khi được chăm sóc tốt, một người sẽ thể hiện bông trái thần khí khi thần khí thánh dễ dàng hoạt động trong đời sống của người ấy.—Thi 1:1-3.
Khía cạnh đầu tiên của bông trái thần khí mà Phao-lô liệt kê là đức tính đáng quý: yêu thương. Đức tính này quý đến mức nào? Phao-lô nói rằng không có tình yêu thương, thì ông “chẳng là gì” (1 Cô 13:2). Nhưng yêu thương là gì, và làm sao chúng ta có thể vun trồng cũng như thể hiện đức tính này mỗi ngày?
TÌNH YÊU THƯƠNG ĐƯỢC BIỂU LỘ NHƯ THẾ NÀO?
Dù không dễ dùng lời để định nghĩa tình yêu thương, nhưng Kinh Thánh miêu tả cách mà đức tính ấy được biểu lộ. Chẳng hạn, yêu thương thì “kiên nhẫn và nhân từ”. Yêu thương cũng “vui mừng trước sự thật” và “nhẫn nhịn mọi điều, tin mọi điều, hy vọng mọi điều, chịu đựng mọi điều”. Tình yêu thương cũng bao hàm lòng yêu mến sâu đậm, sự quan tâm chân thành và mối quan hệ gắn bó với người khác. Ngược lại, thiếu yêu thương được thấy qua sự ghen tị, kiêu ngạo, cư xử khiếm nhã, ích kỷ, căm giận và không tha thứ. Khác với các tính vô cảm và xấu xa ấy, tình yêu thương mà chúng ta muốn vun trồng thì “không tìm lợi riêng”.—1 Cô 13:4-8.
ĐỨC GIÊ-HÔ-VA VÀ CHÚA GIÊ-SU NÊU GƯƠNG TRONG VIỆC THỂ HIỆN TÌNH YÊU THƯƠNG
“Đức Chúa Trời là tình yêu thương”. Thật vậy, Đức Giê-hô-va là hiện thân của tình yêu thương (1 Giăng 4:8). Mọi công việc và hành động của ngài minh chứng cho tình yêu thương ấy. Hành động cao cả nhất về tình yêu thương ngài dành cho nhân loại là phái Chúa Giê-su xuống để chịu đau khổ và chết cho chúng ta. Sứ đồ Giăng nói: “Trong trường hợp của chúng ta, tình yêu thương của Đức Chúa Trời được tỏ ra qua điều này: Đức Chúa Trời đã sai Con một của ngài xuống thế gian, hầu nhờ Con ấy mà chúng ta có sự sống. Tình yêu thương ấy nằm ở điểm này: Không phải chúng ta yêu thương Đức Chúa Trời, nhưng ngài yêu thương chúng ta và phái Con ngài đến làm vật tế lễ cầu hòa vì tội lỗi chúng ta” (1 Giăng 4:9, 10). Nhờ tình yêu thương của Đức Chúa Trời, chúng ta được tha thứ, hy vọng và được sống.
Chúa Giê-su chứng tỏ tình yêu thương dành cho nhân loại qua việc sẵn sàng làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời. Phao-lô viết: “Đấng Ki-tô nói: ‘Này đây, con đến để làm theo ý muốn ngài’... Bởi ‘ý muốn’ ấy, chúng ta được nên thánh qua lễ vật là thân thể Chúa Giê-su Ki-tô được dâng lên một lần đủ cả” (Hê 10:9, 10). Không người nào có thể biểu lộ tình yêu thương lớn hơn thế. Chúa Giê-su nói: “Không ai có tình yêu thương lớn hơn người sẵn sàng hy sinh mạng sống vì bạn mình” (Giăng 15:13). Con người bất toàn như chúng ta có thể noi theo tình yêu thương mà Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su biểu lộ không? Có! Chúng ta hãy xem cách mình có thể làm thế.
“HÃY TIẾP TỤC BƯỚC ĐI TRONG TÌNH YÊU THƯƠNG”
Phao-lô khuyên chúng ta: “Là con cái yêu dấu của Đức Chúa Trời, anh em hãy bắt chước ngài. Hãy tiếp tục bước đi trong tình yêu thương, như Đấng Ki-tô cũng đã yêu thương chúng ta” (Ê-phê 5:1, 2). Chúng ta “tiếp tục bước đi trong tình yêu thương” khi thể hiện đức tính này trong mọi khía cạnh của đời sống. Chúng ta làm thế qua hành động, chứ không chỉ lời nói. Giăng viết: “Hỡi các con bé nhỏ, chúng ta phải yêu thương bằng hành động và lòng chân thật, chứ không bằng lời nói hoặc miệng lưỡi” (1 Giăng 3:18). Chẳng hạn, tình yêu thương với Đức Chúa Trời và người lân cận thúc đẩy chúng ta chia sẻ ‘tin mừng về Nước Trời’ (Mat 24:14; Lu 10:27). Chúng ta cũng bước đi trong tình yêu thương khi kiên nhẫn, nhân từ và tha thứ. Vì thế, Kinh Thánh khuyên: “Đức Giê-hô-va đã rộng lòng tha thứ anh em thể nào, anh em cũng phải làm như vậy”.—Cô 3:13.
Tuy nhiên, không nên nhầm lẫn tình yêu thương chân thật với tình yêu thương dựa trên cảm xúc. Chẳng hạn, cha mẹ thiên về cảm xúc có thể chiều theo mọi điều con muốn để con nín khóc. Nhưng bậc cha mẹ thật sự yêu thương sẽ cứng rắn với con khi cần. Tương tự, Đức Chúa Trời là tình yêu thương, nhưng “người nào Đức Giê-hô-va yêu thương thì ngài sửa dạy” (Hê 12:6). Nếu bước đi trong tình yêu thương, chúng ta cũng đưa ra sự sửa dạy khi cần (Châm 3:11, 12). Dĩ nhiên, chúng ta phải nhớ rằng mình cũng là người tội lỗi và thường có những hành động thiếu yêu thương. Vì thế, ai trong chúng ta cũng có những điều cần cải thiện trong việc thể hiện tình yêu thương. Chúng ta có thể làm thế ra sao? Hãy xem ba cách.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ VUN TRỒNG TÌNH YÊU THƯƠNG?
Thứ nhất, hãy cầu xin Đức Chúa Trời ban thần khí, là lực sinh ra tình yêu thương. Chúa Giê-su nói rằng Đức Giê-hô-va “ban thần khí thánh cho những người cầu xin ngài!” (Lu 11:13). Nếu cầu xin thần khí thánh và cố gắng để “luôn bước theo thần khí”, các hành động của chúng ta sẽ càng trở nên yêu thương hơn (Ga 5:16). Chẳng hạn, nếu là trưởng lão trong hội thánh, các anh có thể cầu xin Đức Chúa Trời ban thần khí thánh để giúp mình cho lời khuyên dựa trên Kinh Thánh một cách yêu thương. Hoặc nếu là bậc cha mẹ, anh chị có thể cầu xin Đức Chúa Trời ban thần khí giúp mình sửa dạy con cái một cách yêu thương, mà không giận dữ.
Thứ hai, hãy suy ngẫm cách Chúa Giê-su biểu lộ tình yêu thương ngay cả khi bị nhục mạ (1 Phi 2:21, 23). Khi bị xúc phạm hoặc gặp sự bất công, chúng ta cần nghĩ về gương của Đấng Ki-tô. Những lúc như thế, hãy tự hỏi: “Chúa Giê-su sẽ làm gì?”. Một chị tên Leigh thấy rằng việc xem xét câu hỏi này đã giúp chị suy nghĩ trước khi hành động. Chị kể: “Vào dịp nọ, một đồng nghiệp gửi e-mail cho những người khác tại sở làm với lời tiêu cực về tôi và công việc của tôi. Nó khiến tôi rất đau lòng. Nhưng sau đó, tôi tự hỏi: ‘Làm sao mình có thể noi gương Chúa Giê-su trong cách cư xử với người này?’. Sau khi suy ngẫm điều Chúa Giê-su sẽ làm, tôi quyết định bỏ qua và không để ý đến vấn đề ấy. Sau này, tôi biết rằng đồng nghiệp đó phải đương đầu với vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và bị căng thẳng nhiều. Tôi kết luận rằng điều cô ấy viết thật sự không có ý xấu. Suy ngẫm về gương của Chúa Giê-su trong việc thể hiện tình yêu thương ngay cả khi bị nhục mạ đã giúp tôi thể hiện tình yêu thương tương tự với đồng nghiệp”. Thật vậy, nếu noi gương Chúa Giê-su, chúng ta sẽ luôn hành động với tình yêu thương.
Thứ ba, hãy vun trồng tinh thần yêu thương bất vị kỷ, là dấu hiệu nhận diện môn đồ chân chính của Đấng Ki-tô (Giăng 13:34, 35). Về điều này, Kinh Thánh khuyến giục chúng ta vun trồng cùng “tinh thần” mà Chúa Giê-su có. Khi rời khỏi trời, “ngài từ bỏ tất cả” vì chúng ta, thậm chí chết cho chúng ta (Phi-líp 2:5-8). Khi noi theo tình yêu thương bất vị kỷ của Chúa Giê-su, thì tư tưởng và cảm xúc của chúng ta trở nên giống với ngài hơn, và chúng ta sẽ được thúc đẩy để đặt quyền lợi của người khác lên trên quyền lợi của mình. Việc vun trồng tình yêu thương mang lại những lợi ích nào khác?
LỢI ÍCH CỦA VIỆC THỂ HIỆN TÌNH YÊU THƯƠNG
Khi thể hiện tình yêu thương, chúng ta nhận được nhiều lợi ích. Hãy xem hai ví dụ:
-
TÌNH ANH EM QUỐC TẾ: Vì tình yêu thương giữa các tín đồ, chúng ta biết rằng dù mình đến thăm bất cứ hội thánh nào trên khắp đất, các anh em cũng sẽ nồng nhiệt chào đón mình. Thật là một ân phước khi được “cả đoàn thể anh em trên thế giới” yêu thương! (1 Phi 5:9). Ngoài vòng dân của Đức Chúa Trời, chúng ta có thể tìm thấy tình yêu thương như thế ở nơi nào khác không?
-
SỰ HÒA THUẬN: Khi “chịu đựng nhau bằng tình yêu thương”, chúng ta hưởng được “mối liên kết của sự hòa thuận” (Ê-phê 4:2, 3). Chúng ta trực tiếp cảm nghiệm sự hòa thuận này tại các buổi nhóm họp và các kỳ hội nghị. Chẳng phải anh chị đồng ý rằng tinh thần hòa thuận như thế là điều rất đặc biệt trong thế gian chia rẽ ngày nay sao? (Thi 119:165; Ê-sai 54:13). Khi cố gắng hòa thuận với người khác, chúng ta bày tỏ tình yêu thương sâu đậm với họ, là điều làm hài lòng Cha trên trời.—Thi 133:1-3; Mat 5:9.
“TÌNH YÊU THƯƠNG LÀM VỮNG MẠNH”
Phao-lô viết: “Tình yêu thương làm vững mạnh” (1 Cô 8:1). Tình yêu thương thực hiện điều này ra sao? Trong chương 13 của lá thư thứ nhất mà Phao-lô gửi cho anh em ở Cô-rinh-tô, từng được gọi là “Bài thơ thánh về tình yêu thương”, sứ đồ này giải thích cách tình yêu thương làm vững mạnh. Vì tình yêu thương mưu cầu lợi ích cho người khác (1 Cô 10:24; 13:5). Hơn nữa, vì tình yêu thương thì ân cần, quan tâm, kiên nhẫn và nhân từ nên giúp các gia đình có tình cảm gần gũi với nhau và giúp hội thánh hợp nhất.—Cô 3:14.
Tình yêu thương mà mỗi chúng ta dành cho Đức Chúa Trời là tình yêu thương có giá trị và giúp củng cố nhất. Tình yêu thương như thế hợp nhất người từ mọi gốc gác, chủng tộc và ngôn ngữ với nhau để trở thành đoàn thể anh em hạnh phúc, cùng “kề vai sát cánh” phụng sự Đức Giê-hô-va (Xô 3:9). Chúng ta hãy quyết tâm thể hiện đức tính đáng quý này của bông trái thần khí thánh của Đức Chúa Trời mỗi ngày.
^ đ. 2 Đây là bài đầu tiên trong loạt chín bài sẽ xem xét từng đức tính, hay khía cạnh, của bông trái thần khí.