Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Hãy can đảm... mà bắt tay vào việc”

“Hãy can đảm... mà bắt tay vào việc”

“Hãy can đảm và mạnh mẽ mà bắt tay vào việc. Đừng sợ hãi hay kinh khiếp, vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời... ở cùng con”.—1 SỬ 28:20.

BÀI HÁT: 60, 29

1, 2. (a) Sa-lô-môn nhận được nhiệm vụ quan trọng nào? (b) Tại sao Đa-vít tỏ ra lo lắng về Sa-lô-môn?

Sa-lô-môn được truyền dặn là giám sát một trong những dự án xây cất quan trọng nhất mọi thời đại, đó là đền thờ ở Giê-ru-sa-lem. Công trình “phải vô cùng nguy nga, để danh tiếng và vẻ đẹp của nhà ấy [sẽ] được mọi xứ biết đến”. Quan trọng hơn, đền thờ đó sẽ là “nhà của Giê-hô-va Đức Chúa Trời”. Đức Giê-hô-va chỉ định là Sa-lô-môn sẽ giám sát dự án này.—1 Sử 22:1, 5, 9-11.

2 Vua Đa-vít tin cậy nơi sự trợ giúp của Đức Chúa Trời, nhưng Sa-lô-môn “còn trẻ và thiếu kinh nghiệm”. Liệu Sa-lô-môn sẽ có sự can đảm để đảm trách nhiệm vụ xây cất đền thờ không? Liệu sự non trẻ và thiếu kinh nghiệm của ông sẽ gây trở ngại không? Để thành công, Sa-lô-môn cần can đảm mà bắt tay vào việc.

3. Qua gương của cha mình, Sa-lô-môn học được gì về sự can đảm?

3 Hẳn Sa-lô-môn học được nhiều điều về sự can đảm từ chính cha của mình. Khi còn trẻ, Đa-vít đã chiến đấu với những thú hoang đến bắt cừu của cha mình (1 Sa 17:34, 35). Ông vô cùng can đảm khi đối đầu với tên khổng lồ dày dạn trên chiến trường. Thật vậy, với sự trợ giúp của Đức Chúa Trời và bằng một hòn đá nhẵn bóng, Đa-vít đã đánh bại Gô-li-át.—1 Sa 17:45, 49, 50.

4. Tại sao Sa-lô-môn cần can đảm?

4 Sau này, Đa-vít khuyến giục Sa-lô-môn trở nên can đảm và xây đền thờ là điều rất thích hợp. (Đọc 1 Sử ký 28:20). Nếu không tỏ ra can đảm thì sự sợ hãi có thể làm Sa-lô-môn tê liệt, và không bắt tay vào việc còn tệ hơn sự thất bại.

5. Tại sao chúng ta cần can đảm?

5 Như Sa-lô-môn, chúng ta cần sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va để can đảm và hoàn thành công việc. Để đạt được điều đó, chúng ta có thể suy ngẫm về một số gương can đảm trong quá khứ. Cũng hãy nghĩ xem làm thế nào mình có thể tỏ ra can đảm và chu toàn nhiệm vụ.

NHỮNG GƯƠNG CAN ĐẢM

6. Lòng can đảm của Giô-sép tạo ấn tượng nào nơi anh chị?

6 Hãy xem xét lòng can đảm mà Giô-sép thể hiện khi vợ của Phô-ti-pha cám dỗ ông phạm tội gian dâm. Hẳn ông biết mình có thể chịu hậu quả khôn lường nếu từ chối bà. Nhưng thay vì khuất phục, ông tỏ ra can đảm và hành động dứt khoát.—Sáng 39:10, 12.

7. Hãy miêu tả lòng can đảm mà Ra-háp thể hiện. (Xem hình nơi đầu bài).

7 Một gương can đảm khác là Ra-háp. Khi những người do thám Y-sơ-ra-ên đến nhà Ra-háp ở Giê-ri-cô, bà đã có thể đầu hàng trước sự sợ hãi và bảo họ đi khỏi đó. Nhưng với niềm tin nơi Đức Giê-hô-va, bà can đảm giấu hai người ấy và giúp họ rời khỏi một cách an toàn (Giô-suê 2:4, 5, 9, 12-16). Ra-háp nhìn nhận Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời thật, và bà tin rằng bằng cách nào đó ngài sẽ ban xứ này cho dân Y-sơ-ra-ên. Bà không để nỗi sợ loài người, kể cả vua của Giê-ri-cô và người của vua, khiến mình bị tê liệt. Thay vì thế, bà hành động theo cách mà cuối cùng cứu được mạng sống của mình và gia đình.—Giô-suê 6:22, 23.

8. Lòng can đảm của Chúa Giê-su ảnh hưởng đến các sứ đồ ra sao?

8 Các sứ đồ trung thành của Chúa Giê-su nêu gương tốt về lòng can đảm. Họ đã thấy lòng can đảm mà ngài thể hiện (Mat 8:28-32; Giăng 2:13-17; 18:3-5). Gương của ngài giúp họ vun trồng lòng can đảm. Khi bị người Sa-đu-sê chống đối, các sứ đồ không ngừng dạy dỗ nhân danh Chúa Giê-su.—Công 5:17, 18, 27-29.

9. Làm thế nào 2 Ti-mô-thê 1:7 giúp chúng ta biết nguồn đích thực của lòng can đảm?

9 Giô-sép, Ra-háp, Chúa Giê-su và các sứ đồ đã thể hiện một nghị lực thúc đẩy họ làm những việc tốt lành. Họ can đảm không phải vì quá tự tin, nhưng vì họ nương cậy Đức Giê-hô-va. Chúng ta cũng đối mặt với những hoàn cảnh đòi hỏi sự can đảm. Thay vì nương cậy bản thân, chúng ta phải nương cậy Đức Giê-hô-va. (Đọc 2 Ti-mô-thê 1:7). Hãy xem xét hai lĩnh vực trong đời sống mà chúng ta cần can đảm: trong gia đình và trong hội thánh.

NHỮNG HOÀN CẢNH ĐÒI HỎI SỰ CAN ĐẢM

10. Tại sao các tín đồ trẻ cần can đảm?

10 Các tín đồ trẻ đối mặt với nhiều hoàn cảnh mà họ cần tỏ ra can đảm để phụng sự Đức Giê-hô-va. Họ có thể học và làm theo gương của Sa-lô-môn khi ông can đảm đưa ra những quyết định khôn ngoan để hoàn tất việc xây đền thờ. Dù các tín đồ trẻ có thể và nên nhận sự hướng dẫn từ cha mẹ, nhưng có những điều quan trọng mà họ cần tự quyết định (Châm 27:11). Để đưa ra những quyết định khôn ngoan về việc có mối giao tiếp tốt, giải trí lành mạnh, giữ trong sạch về đạo đức và báp-têm, họ cần phải can đảm. Tại sao? Vì họ đang đi ngược lại ý của Sa-tan, là kẻ thách thức Đức Chúa Trời.

11, 12. (a) Môi-se nêu gương tốt nào về sự can đảm? (b) Bằng cách nào người trẻ có thể noi gương Môi-se?

11 Một điều quan trọng mà người trẻ phải quyết định liên quan đến mục tiêu của họ. Ở một số nơi, người trẻ bị áp lực đặt mục tiêu để tập trung vào việc học lên cao và tìm công việc có lương hậu hĩnh. Ở một số nơi khác, tình hình kinh tế khó khăn có thể khiến người trẻ cảm thấy phải tập trung vào việc chu cấp vật chất cho gia đình. Nếu anh chị ở một trong hai hoàn cảnh đó, hãy xem xét gương của Môi-se. Được con gái của Pha-ra-ôn nuôi dưỡng, Môi-se có thể đặt những mục tiêu để trở nên nổi trội hoặc giàu có. Hẳn gia đình, các thầy dạy và cố vấn của Môi-se ở Ai Cập đã gây áp lực để ông phải làm thế! Thay vì chiều theo áp lực ấy, Môi-se đã can đảm đứng về phía sự thờ phượng thanh sạch. Khi từ bỏ sự giàu có của Ai Cập, Môi-se tin cậy Đức Giê-hô-va (Hê 11:24-26). Vì thế, Đức Giê-hô-va đã ban phước cho ông và chắc chắn sẽ ban phước nhiều hơn cho ông trong tương lai.

12 Tương tự, Đức Giê-hô-va sẽ ban phước cho người trẻ nào can đảm cũng như nỗ lực đặt những mục tiêu thiêng liêng và quyền lợi Nước Trời lên hàng đầu trong đời sống. Ngài sẽ giúp họ chu cấp nhu cầu thiết yếu cho gia đình. Vào thế kỷ thứ nhất, người trẻ Ti-mô-thê đã tập trung vào các mục tiêu thiêng liêng, và bạn cũng có thể làm thế. *Đọc Phi-líp 2:19-22.

Anh chị có quyết tâm can đảm trong mọi khía cạnh của đời sống không? (Xem đoạn 13-17)

13. Làm thế nào sự can đảm đã giúp một chị trẻ đạt được mục tiêu?

13 Một chị ở Alabama, Hoa Kỳ, đã phải vun trồng sự can đảm để đặt mục tiêu thiêng liêng. Chị viết: “Khi lớn lên, tôi rất nhút nhát. Nói chuyện với anh chị ở Phòng Nước Trời đã khó với tôi, huống chi là việc rao giảng từng nhà cho người lạ”. Với sự trợ giúp của cha mẹ và các anh chị trong hội thánh, chị trẻ này đã đạt được mục tiêu là trở thành tiên phong đều đều. Chị nói: “Thế gian Sa-tan cho rằng việc học lên cao, tìm kiếm danh vọng, tiền tài và có nhiều của cải vật chất là những mục tiêu tốt. Thường thì những mục tiêu ấy là điều không thể đạt được, nhưng chỉ gây ra sự căng thẳng và đau khổ. Còn việc phụng sự Đức Giê-hô-va mang lại cho tôi niềm hạnh phúc và thỏa nguyện nhất”.

14. Các bậc cha mẹ đạo Đấng Ki-tô cần can đảm trong một số hoàn cảnh nào?

14 Các bậc cha mẹ đạo Đấng Ki-tô cũng cần sự can đảm. Chẳng hạn, có thể người chủ thường yêu cầu anh chị làm việc ngoài giờ vào buổi tối và cuối tuần, là thời gian anh chị dành cho Buổi thờ phượng của gia đình, thánh chức và các buổi nhóm họp. Anh chị cần phải can đảm để từ chối những yêu cầu thường xuyên ấy và nêu gương tốt cho con. Hoặc có lẽ vài bậc cha mẹ trong hội thánh cho phép con họ làm những điều mà anh chị không muốn con mình làm. Các bậc cha mẹ ấy có thể hỏi tại sao con của anh chị không tham gia những hoạt động ấy. Anh chị sẽ can đảm và tế nhị giải thích lý do mình quyết định như vậy không?

15. Thi thiên 37:25Hê-bơ-rơ 13:5 có thể giúp các bậc cha mẹ như thế nào?

15 Chúng ta cho thấy mình can đảm khi giúp con đặt ra và vươn tới những mục tiêu thiêng liêng. Chẳng hạn, một số bậc cha mẹ có thể ngần ngại khuyến khích con theo đuổi sự nghiệp tiên phong, phụng sự ở nơi có nhu cầu lớn hơn, làm việc ở Bê-tên hay tham gia các dự án xây cất thần quyền. Cha mẹ ấy có thể lo sợ rằng con sẽ không thể chăm sóc họ khi họ lớn tuổi. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ khôn ngoan thì tỏ ra can đảm và đặt đức tin nơi các lời hứa của Đức Giê-hô-va. (Đọc Thi thiên 37:25; Hê-bơ-rơ 13:5). Vậy, một cách khác anh chị có thể tỏ ra can đảm và nương cậy Đức Giê-hô-va là giúp con mình cũng làm thế.—1 Sa 1:27, 28; 2 Ti 3:14, 15.

16. Một số bậc cha mẹ đã giúp con đặt các mục tiêu thiêng liêng ra sao, và điều này mang lại lợi ích nào?

16 Một cặp vợ chồng ở Hoa Kỳ đã giúp con đặt các mục tiêu thiêng liêng. Người chồng giải thích: “Trước khi con cái biết đi và biết nói, chúng tôi chia sẻ với con niềm vui của công việc tiên phong và phục vụ hội thánh. Bây giờ, đây chính là mục tiêu của chúng. Việc có và vươn tới các mục tiêu thiêng liêng giúp con chúng tôi đối phó với các áp lực từ thế gian Sa-tan và tập trung vào Đức Giê-hô-va”. Một anh có hai con viết: “Nhiều bậc cha mẹ dồn công sức và tiền của để giúp con vươn tới những mục tiêu trong các lĩnh vực như thể thao, giải trí và học vấn. Nhưng hợp lý hơn nhiều là chúng ta dồn công sức và tiền của để giúp con vươn tới những mục tiêu sẽ giúp chúng giữ vị thế tốt trước mắt Đức Giê-hô-va. Chúng tôi vô cùng thỏa nguyện không chỉ vì thấy con cái đạt được các mục tiêu thiêng liêng, mà còn được đồng hành với chúng”. Anh chị có thể tin chắc rằng Đức Chúa Trời sẽ ban phước cho những bậc cha mẹ giúp con đặt ra và vươn tới những mục tiêu thiêng liêng.

CAN ĐẢM TRONG HỘI THÁNH

17. Những ai cần phải can đảm trong hội thánh?

17 Chúng ta cũng cần tỏ ra can đảm trong hội thánh. Chẳng hạn, trưởng lão cần can đảm khi lo liệu các vấn đề tư pháp hoặc giúp những anh chị đang đối mặt với vấn đề khẩn cấp về y khoa đe dọa tính mạng. Một số trưởng lão thăm các nhà tù để chăm lo nhu cầu tâm linh cho tù nhân. Còn các chị độc thân thì sao? Hiện nay có nhiều cơ hội cho họ mở rộng thánh chức qua công việc tiên phong, chuyển đến nơi có nhu cầu lớn hơn, giúp Ban Thiết kế và Xây dựng địa phương và điền đơn tham dự Trường dành cho người rao truyền Nước Trời. Thậm chí một số chị có thể tham dự Trường Ga-la-át.

18. Làm thế nào các chị lớn tuổi cho thấy sự can đảm?

18 Các chị lớn tuổi là ân phước đối với hội thánh. Chúng ta quý mến các chị yêu dấu ấy biết bao! Một số chị có lẽ không thể làm nhiều như trước đây trong việc phụng sự Đức Chúa Trời, nhưng họ vẫn có thể can đảm mà bắt tay vào việc. (Đọc Tít 2:3-5). Chẳng hạn, một chị lớn tuổi cần can đảm nếu được nhờ nói chuyện với một chị trẻ hơn về cách ăn mặc khiêm tốn. Thay vì trách mắng chị kia về cách chọn trang phục, chị lớn tuổi có thể khuyến khích chị ấy xem xét việc mình chọn trang phục ảnh hưởng thế nào đến người khác (1 Ti 2:9, 10). Cách biểu lộ tình yêu thương đầy lòng quan tâm ấy có thể có tác động tích cực.

19. (a) Bằng cách nào các anh đã báp-têm có thể can đảm? (b) Làm thế nào Phi-líp 2:13 và 4:13 có thể giúp các anh vun trồng lòng can đảm?

19 Các anh đã báp-têm cũng cần can đảm mà bắt tay vào việc. Những anh can đảm sẵn sàng nhận thêm trách nhiệm là ân phước đối với hội thánh (1 Ti 3:1). Tuy nhiên, một số anh có thể ngần ngại vươn tới đặc ân. Có lẽ một anh từng phạm lỗi lầm trong quá khứ, và giờ đây cảm thấy mình không xứng đáng làm phụ tá hay trưởng lão. Hoặc có thể một anh cảm thấy không đủ khả năng để thi hành nhiệm vụ nào đó. Nếu anh đang cảm thấy như thế, Đức Giê-hô-va có thể giúp anh vun trồng lòng can đảm. (Đọc Phi-líp 2:13; 4:13). Hãy nhớ rằng đã có lần Môi-se cảm thấy không đủ khả năng để nhận nhiệm vụ (Xuất 3:11). Thế nhưng, Đức Giê-hô-va đã giúp Môi-se và với thời gian, ông vun trồng được lòng can đảm để thi hành sứ mạng. Một anh đã báp-têm có thể vun trồng lòng can đảm tương tự, bằng cách tìm kiếm sự trợ giúp của Đức Chúa Trời qua lời cầu nguyện tha thiết và việc đọc Kinh Thánh hằng ngày. Suy ngẫm các lời tường thuật về gương can đảm cũng sẽ giúp anh. Anh có thể khiêm nhường xin các trưởng lão huấn luyện mình, và sẵn sàng giúp đỡ trong bất cứ việc gì cần thiết. Chúng tôi khuyến khích tất cả các anh đã báp-têm hãy can đảm và làm việc siêng năng để giúp hội thánh!

‘ĐỨC GIÊ-HÔ-VA Ở CÙNG CON’

20, 21. (a) Đa-vít đảm bảo với Sa-lô-môn điều gì? (b) Chúng ta có thể tin chắc điều gì?

20 Vua Đa-vít nhắc Sa-lô-môn nhớ rằng Đức Giê-hô-va sẽ ở cùng Sa-lô-môn cho đến khi việc xây đền thờ hoàn tất (1 Sử 28:20). Nhờ khắc ghi những lời ấy của cha vào lòng và trí, Sa-lô-môn không để cho sự non trẻ và thiếu kinh nghiệm của mình gây cản trở. Ông tỏ ra vô cùng can đảm, bắt tay vào việc, và với sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va, ông hoàn tất việc xây đền thờ nguy nga trong bảy năm rưỡi.

21 Như Đức Giê-hô-va đã giúp Sa-lô-môn, ngài có thể giúp chúng ta can đảm và thi hành trách nhiệm, cả trong gia đình lẫn hội thánh (Ê-sai 41:10, 13). Khi tỏ ra can đảm trong việc thờ phượng Đức Giê-hô-va, chúng ta có thể tin chắc rằng ngài sẽ ban phước cho mình bây giờ và trong tương lai. Vì thế, “hãy can đảm... mà bắt tay vào việc”.

^ đ. 12 Để đặt mục tiêu thiêng liêng, bạn có thể tìm thấy một số bước thực tế trong bài “Dùng mục tiêu thiêng liêng để tôn vinh Đấng Tạo Hóa” trong Tháp Canh ngày 15-7-2004.