Noi theo lòng trắc ẩn của Đức Giê-hô-va
“Giê-hô-va, Giê-hô-va, Đức Chúa Trời thương xót và trắc ẩn”.—XUẤT 34:6.
1. Đức Giê-hô-va tỏ về ngài cho Môi-se qua cách đặc biệt nào, và tại sao điều này đáng chú ý?
Vào một dịp, Đức Chúa Trời tỏ về ngài cho Môi-se bằng cách tuyên bố danh và các đức tính của ngài. Những đức tính đầu tiên ngài liệt kê là lòng thương xót và trắc ẩn. (Đọc Xuất Ai Cập 34:5-7). Đức Giê-hô-va đã có thể nhấn mạnh quyền năng hoặc sự khôn ngoan của ngài. Nhưng với Môi-se, người đang muốn biết ngài sẽ trợ giúp ông hay không, Đức Giê-hô-va nhấn mạnh các đức tính cho thấy ngài sẵn sàng giúp đỡ các tôi tớ (Xuất 33:13). Chẳng phải anh chị thấy ấm lòng khi Đức Chúa Trời đề cập đến các đức tính đáng quý ấy trước bất cứ đức tính nào khác sao? Bài này sẽ tập trung vào lòng trắc ẩn, là sự thấu cảm trước đau khổ và khó khăn của người khác, cùng với ước muốn xoa dịu nỗi đau ấy.
2, 3. (a) Điều gì cho thấy lòng trắc ẩn là bản chất tự nhiên của con người? (b) Tại sao chúng ta nên quan tâm đến điều Kinh Thánh nói về lòng trắc ẩn?
2 Con người được tạo ra theo hình ảnh của Đức Chúa Trời. Vì Đức Giê-hô-va là đấng giàu lòng trắc ẩn, nên việc quan tâm đến lợi ích của người khác là bản chất tự nhiên của con người. Ngay cả những người không biết Đức Chúa Trời cũng tỏ lòng trắc ẩn Sáng 1:27). Lòng trắc ẩn được thấy rõ trong nhiều lời tường thuật của Kinh Thánh. Hãy nhớ lại lời tường thuật về hai kỹ nữ cãi nhau trước mặt Sa-lô-môn xem ai là mẹ thật của một đứa bé. Khi Sa-lô-môn thử lòng họ bằng cách ra lệnh cho chặt đứa bé làm hai, lòng trắc ẩn của người mẹ thật trỗi dậy. Lòng trắc ẩn ấy thúc đẩy cô hành động, cho dù phải trả một giá là trao đứa bé cho người phụ nữ kia (1 Vua 3:23-27). Hoặc hãy nhớ lại con gái của Pha-ra-ôn, người đã cứu sống em bé Môi-se. Dù nhận ra em bé mà cô tìm thấy là một đứa trẻ Hê-bơ-rơ và không được để cho sống, nhưng cô “động lòng trắc ẩn” và quyết định nuôi nấng đứa trẻ như chính con mình.—Xuất 2:5, 6.
(3 Tại sao chúng ta nên quan tâm đến đề tài về lòng trắc ẩn? Vì Kinh Thánh khuyến giục chúng ta bắt chước Đức Giê-hô-va (Ê-phê 5:1). Tuy nhiên, dù con người được tạo ra với lòng trắc ẩn, nhưng sự bất toàn di truyền từ A-đam khiến chúng ta có khuynh hướng ích kỷ. Đôi khi chúng ta thấy khó quyết định là mình sẽ giúp người khác hay chỉ nghĩ đến bản thân. Đối với một số người, điều này luôn là sự giằng co, hay khó hành động thăng bằng. Điều gì có thể giúp anh chị vun trồng và luôn thể hiện lòng quan tâm đến người khác? Thứ nhất, hãy dành thời gian xem xét cách Đức Giê-hô-va và những người khác tỏ lòng trắc ẩn. Thứ hai, hãy xem cách anh chị có thể noi gương Đức Chúa Trời và tại sao điều đó mang lại lợi ích.
ĐỨC GIÊ-HÔ-VA NÊU GƯƠNG HOÀN HẢO VỀ VIỆC TỎ LÒNG TRẮC ẨN
4. (a) Tại sao Đức Giê-hô-va sai các thiên sứ đến Sô-đôm? (b) Lời tường thuật về Lót và các con gái của ông dạy chúng ta điều gì?
4 Có nhiều trường hợp hẳn liên hệ đến lòng trắc ẩn của Đức Giê-hô-va. Hãy nghĩ đến điều Đức Chúa Trời đã làm cho Lót. Người công chính ấy “rất sầu não” trước hành vi trâng tráo của cư dân thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ. Thật vậy, Đức Chúa Trời quyết định rằng những kẻ đồi bại ấy đáng chết (2 Phi 2:7, 8). Ngài sai các thiên sứ đến giải cứu Lót. Họ thúc giục ông và gia đình chạy trốn khỏi các thành đã bị kết án ấy. “Lót cứ chần chừ, nhưng vì Đức Giê-hô-va động lòng trắc ẩn nên [các thiên sứ] nắm tay ông, vợ ông cùng hai con gái mà dẫn ra khỏi thành” (Sáng 19:16). Chẳng phải trường hợp này cho thấy Đức Giê-hô-va thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn mà các tôi tớ trung thành đôi khi phải chịu sao?—Ê-sai 63:7-9; Gia 5:11; 2 Phi 2:9.
5. Lời Đức Chúa Trời, chẳng hạn 1 Giăng 3:17, giúp chúng ta tập tỏ lòng trắc ẩn như thế nào?
5 Đức Giê-hô-va không chỉ tỏ lòng trắc ẩn mà còn dạy dân ngài rằng họ cần thể hiện đức tính ấy. Hãy xem điều luật được ban cho dân Y-sơ-ra-ên về việc lấy quần áo của một người để làm tin. (Đọc Xuất Ai Cập 22:26, 27). Một chủ nợ cứng lòng có thể muốn lấy quần áo của người nợ mình, khiến người ấy không có quần áo che thân khi ngủ. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va dạy dân ngài tránh thái độ và hành động vô cảm ấy. Dân ngài phải tỏ lòng trắc ẩn. Lẽ nào nguyên tắc trong điều luật ấy không thôi thúc chúng ta hành động? Chẳng phải chúng ta sẽ không để mặc anh em chịu khổ, nếu có điều gì đó mình có thể làm hầu xoa dịu nỗi đau của người ấy sao?—Cô 3:12; Gia 2:15, 16; đọc 1 Giăng 3:17.
6. Chúng ta học được gì từ nỗ lực không ngừng của Đức Giê-hô-va nhằm sửa đổi dân Y-sơ-ra-ên tội lỗi?
6 Đức Giê-hô-va động lòng trắc ẩn với dân Y-sơ-ra-ên ngay cả khi họ phạm tội. Kinh Thánh cho biết: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời của tổ phụ họ tiếp tục cảnh báo họ qua các sứ giả ngài. Ngài cảnh báo họ hết lần này đến lần khác vì động lòng trắc ẩn với dân ngài và nơi ngài ngự” 2 Sử 36:15). Chẳng lẽ chúng ta không động lòng trắc ẩn như thế với những người có thể sẽ ăn năn tội lỗi và nhận được ân huệ của Đức Chúa Trời sao? Đức Giê-hô-va không muốn bất cứ ai bị hủy diệt trong ngày phán xét sắp đến của ngài (2 Phi 3:9). Vì thế, cho tới khi ngài ra tay hủy diệt kẻ ác, chúng ta hãy tiếp tục công bố thông điệp cảnh báo đầy trắc ẩn của ngài.
(7, 8. Tại sao một gia đình tin rằng Đức Giê-hô-va đã tỏ lòng trắc ẩn với họ?
7 Có nhiều kinh nghiệm cho thấy hành động trắc ẩn của Đức Chúa Trời. Hãy xem điều xảy ra với gia đình một em trai 12 tuổi, tạm gọi là Milan. Trong thời gian có xung đột sắc tộc vào đầu thập niên 1990, Milan, em trai, cha mẹ em cùng một số Nhân Chứng khác đi từ Bosnia đến Serbia bằng xe buýt. Họ đang trên đường đi dự một hội nghị, là dịp mà cha mẹ của Milan có dự định báp-têm. Nhưng tại biên giới, quân lính kéo gia đình em ra khỏi xe vì thuộc sắc tộc khác; còn những anh em khác thì họ cho phép đi tiếp. Sau khi giữ gia đình em trong hai ngày, viên sĩ quan liên lạc với cấp trên qua bộ đàm để hỏi nên làm gì với họ. Viên sĩ quan đứng ngay trước mặt gia đình em nên mọi người đều nghe thấy lời đáp lại: “Cứ mang họ ra xử bắn!”.
8 Khi viên sĩ quan đang nói với lính của ông, có hai người lạ mặt tiến đến chỗ gia đình Milan và nói khẽ rằng họ là Nhân Chứng. Họ đã nghe những người khác trên xe buýt kể về tình thế cam go này. Hai Nhân Chứng ấy bảo hai anh em Milan lên xe của họ để qua biên giới vì trẻ em không bị kiểm tra giấy tờ. Rồi hai người ấy bảo cha mẹ Milan đi bộ vòng ra phía sau trạm lính gác và gặp họ ở phía bên kia biên giới. Milan không biết nên khóc hay cười trước đề nghị này. Cha mẹ em hỏi: “Các anh nghĩ là họ sẽ để chúng tôi đi sao?”. Tuy nhiên, khi họ đi khỏi đó thì dường như những người lính nhìn mà không thấy họ. Cha mẹ và con cái được đoàn tụ ở bên kia biên giới. Họ đi tiếp đến thành phố diễn ra hội nghị và tin chắc rằng Đức Giê-hô-va đã đáp lại lời kêu cầu giúp đỡ rất khẩn thiết của họ. Chúng ta biết trong Kinh Thánh, cũng có những trường hợp Đức Giê-hô-va không can thiệp để bảo vệ các tôi tớ (Công 7:58-60). Tuy nhiên, Milan chia sẻ cảm nhận của mình: “Em thấy dường như các thiên sứ bịt mắt những người lính và Đức Giê-hô-va giải cứu gia đình em”.—Thi 97:10.
9. Chúa Giê-su phản ứng thế nào trước tình trạng của đoàn dân đi theo ngài? (Xem hình nơi đầu bài).
9 Chúng ta có thể học được bài học từ Chúa Giê-su. Ngài động lòng trắc ẩn với đoàn dân ngài gặp, vì “họ bị hà hiếp và bỏ rơi như chiên không có người chăn”. Ngài phản ứng thế nào trước tình trạng đáng thương của họ? “Ngài bắt đầu dạy họ nhiều điều”. (Mat 9:36; đọc Mác 6:34). Thái độ của Chúa Giê-su trái ngược với thái độ của người Pha-ri-si, những người không muốn giúp đỡ dân thường (Mat 12:9-14; 23:4; Giăng 7:49). Chẳng phải anh chị cũng có ước muốn như Chúa Giê-su là được giúp những người đói khát về thiêng liêng sao?
10, 11. Lòng trắc ẩn có phải luôn thích hợp? Hãy giải thích.
10 Điều đó không có nghĩa là nên tỏ lòng trắc ẩn trong mọi trường hợp. Lòng trắc ẩn của Đức Chúa Trời là thích hợp trong các trường hợp của Kinh Thánh được đề cập ở trên. Nhưng vua Sau-lơ đã bất tuân khi thể hiện điều mà có lẽ ông nghĩ là lòng thương xót, hay trắc ẩn. Ông tha mạng cho A-gác, một kẻ thù của dân Đức Chúa Trời, và cũng tha cho những con vật tốt nhất trong bầy. Hậu quả là Đức Giê-hô-va đã từ bỏ Sau-lơ và không cho ông làm vua Y-sơ-ra-ên nữa (1 Sa 15:3, 9, 15, chú thích). Dĩ nhiên, Đức Giê-hô-va là Đấng Phán Xét công bằng. Ngài có thể đọc được lòng người ta và biết khi nào không nên tỏ lòng trắc ẩn (Ai 2:17; Ê-xê 5:11). Sắp đến thời điểm ngài sẽ thi hành phán xét trên tất cả những ai không chịu vâng lời ngài (2 Tê 1:6-10). Đó không phải là lúc để ngài tỏ lòng trắc ẩn với những người mà ngài đã xét là gian ác. Thay vì thế, việc xử tử họ sẽ là biểu hiện thích hợp về lòng trắc ẩn của ngài với những người công chính mà ngài sẽ giải cứu.
11 Rõ ràng, việc phán xét ai sẽ bị xử tử hay được giải cứu không phải là trách nhiệm của chúng ta. Thay vì thế, chúng ta cần làm mọi điều có thể ngay bây giờ để giúp người ta. Vậy, làm thế nào chúng ta có thể tỏ lòng trắc ẩn thích hợp với người khác qua những cách thực tế? Hãy xem một số đề nghị.
VUN TRỒNG VÀ THỂ HIỆN LÒNG TRẮC ẨN THÍCH HỢP
12. Bằng cách nào anh chị có thể tỏ lòng trắc ẩn với người khác?
12 Giúp đỡ người khác trong đời sống hằng ngày. Tỏ lòng trắc ẩn với người lân cận và anh em đồng đạo là đòi hỏi cơ bản đối với những người cố gắng noi gương Chúa Giê-su (Giăng 13:34, 35; 1 Phi 3:8). Một nghĩa của lòng trắc ẩn là “cùng chịu khổ”. Một người tỏ lòng trắc ẩn được thúc đẩy để xoa dịu nỗi đau của người khác, có lẽ giúp họ vượt qua khó khăn. Hãy tìm cơ hội để làm thế! Chẳng hạn, anh chị có thể giúp ai đó bằng cách tự nguyện làm một việc cần thiết, có lẽ đi làm việc vặt cho người ấy không?—Mat 7:12.
13. Những phẩm chất nào của dân Đức Chúa Trời được thấy rõ sau khi thảm họa xảy ra?
13 Tham gia công tác cứu trợ. Sự đau khổ của những người gặp thảm họa thúc đẩy nhiều người tỏ lòng trắc ẩn. Dân Đức Giê-hô-va có tiếng là những người thường đến giúp đỡ trong những lúc cần thiết như vậy (1 Phi 2:17). Một chị ở Nhật Bản sống trong vùng bị thiệt hại nặng nề bởi trận động đất và sóng thần vào năm 2011. Chị nói rằng chị cảm thấy “rất khích lệ và an ủi” trước nỗ lực của nhiều anh chị tình nguyện đến từ các nơi khác trong nước và nước ngoài để giúp sửa chữa nhà cửa và Phòng Nước Trời bị tàn phá. Chị viết: “Trải nghiệm này giúp tôi nhận ra rằng Đức Giê-hô-va quan tâm đến tôi tớ ngài, và anh em Nhân Chứng quan tâm lẫn nhau. Nhiều anh chị trên khắp thế giới cầu nguyện cho chúng tôi”.
14. Làm thế nào anh chị có thể giúp đỡ người đau bệnh và người lớn tuổi?
14 Giúp đỡ người đau bệnh và người lớn tuổi. Khi thấy người khác chịu đau khổ do tội lỗi di truyền từ A-đam gây ra, chúng ta được thúc đẩy để tỏ lòng trắc ẩn. Chúng ta mong được thấy bệnh tật và tuổi già chấm dứt. Vì thế, chúng ta cầu xin cho Nước Đức Chúa Trời đến. Trong khi chờ đợi, chúng ta làm mọi điều có thể để giúp đỡ những ai có nhu cầu. Hãy xem xét những gì mà một tác giả viết về người mẹ lớn tuổi của mình, người mắc bệnh Alzheimer. Một ngày, mẹ ông đại tiện mà không kiểm soát được. Khi bà cố làm sạch vết bẩn thì có tiếng chuông cửa. Những người khách chính là hai Nhân Chứng thường đến thăm mẹ ông. Các chị hỏi xem họ có thể giúp gì. Bà đáp: “Thật ngại nhưng xin hãy giúp tôi”. Hai chị Nhân Chứng giúp làm sạch cho bà và lau chùi dọn dẹp. Rồi họ pha trà cho bà và ở lại nói chuyện với bà. Con trai bà vô cùng cảm kích. Ông viết: “Các Nhân Chứng ấy thật đáng khen. Họ làm đúng như điều họ dạy”. Lòng trắc ẩn đối với người đau bệnh và người lớn tuổi có thúc đẩy anh chị làm mọi điều có thể để xoa dịu nỗi đau của họ không?—Phi-líp 2:3, 4.
15. Qua công việc rao giảng, chúng ta giúp người khác như thế nào?
15 Giúp người khác về thiêng liêng. Khi thấy người khác gặp vấn đề và lo lắng, chúng ta muốn giúp họ về thiêng liêng. Cách tốt nhất chúng ta có thể làm là dạy họ về Đức Chúa Trời và những điều Nước của ngài sẽ làm cho nhân loại. Một cách khác là giúp họ thấy rằng sống theo các tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời là điều khôn ngoan (Ê-sai 48:17, 18). Anh chị có thể gia tăng thánh chức, một công việc thật sự tôn vinh Đức Giê-hô-va và thể hiện lòng trắc ẩn với người khác không?—1 Ti 2:3, 4.
CHÍNH ANH CHỊ NHẬN ĐƯỢC LỢI ÍCH KHI TỎ LÒNG TRẮC ẨN!
16. Người tỏ lòng trắc ẩn nhận được lợi ích nào?
16 Các chuyên gia về sức khỏe tâm thần nói rằng thói quen tỏ lòng trắc ẩn giúp cải thiện sức khỏe và các mối quan hệ. Khi xoa dịu nỗi đau của người khác, chúng ta sẽ hạnh phúc và lạc quan hơn, bớt cô đơn và ít nghĩ tiêu cực hơn. Thật vậy, việc tỏ lòng trắc ẩn mang lại lợi ích cho chúng ta (Ê-phê 4:31, 32). Khi tình yêu thương thúc đẩy mình giúp đỡ người khác, chúng ta sẽ được ban thưởng là có lương tâm tốt, biết rằng mình đang hành động phù hợp với các nguyên tắc của Đức Chúa Trời. Tinh thần giúp đỡ như thế giúp một người trở thành cha mẹ, bạn đời và người bạn tốt hơn. Rất có thể những ai mau mắn tỏ lòng trắc ẩn cũng sẽ nhận được sự trợ giúp khi cần.—Đọc Ma-thi-ơ 5:7; Lu-ca 6:38.
17. Tại sao anh chị muốn vun trồng và tỏ lòng trắc ẩn?
17 Chúng ta không nên xem việc nhận được lợi ích khi tỏ lòng trắc ẩn là lý do chính để vun trồng đức tính này. Lý do chính nên là ước muốn noi gương và tôn vinh Nguồn của tình yêu thương và lòng trắc ẩn là Giê-hô-va Đức Chúa Trời (Châm 14:31). Ngài nêu gương hoàn hảo cho chúng ta. Vậy mong sao chúng ta làm mọi điều có thể để noi gương ngài, vun đắp tình cảm nồng ấm trong vòng anh em và mối quan hệ tốt với người xung quanh bằng cách tỏ lòng trắc ẩn.—Ga 6:10; 1 Giăng 4:16.