BÀI HỌC 1
‘Hãy đi đào tạo môn đồ’
CÂU KINH THÁNH CHO NĂM 2020: ‘Hãy đi đào tạo môn đồ, làm phép báp-têm cho họ’.—MAT 28:19.
BÀI HÁT 79 Xin Cha giúp chiên vững vàng
GIỚI THIỆU *
1, 2. Thiên sứ nói gì với những phụ nữ tại mộ của Chúa Giê-su, và Chúa Giê-su trực tiếp đưa ra chỉ thị nào cho họ?
Đó là lúc rạng đông, ngày 16 Ni-san, năm 33 CN. Một nhóm phụ nữ kính sợ Đức Chúa Trời tiến về phía ngôi mộ với lòng nặng trĩu; thi thể của Chúa Giê-su được đặt ở đó hơn 36 tiếng trước. Khi đến nơi, họ định xức hương liệu và dầu thơm cho thi thể ngài, nhưng họ vô cùng kinh ngạc khi thấy ngôi mộ trống rỗng! Một thiên sứ nói với họ là Chúa Giê-su đã được sống lại và hãy đi báo cho các môn đồ rằng: ‘Ngài sẽ đến Ga-li-lê trước. Các anh sẽ gặp ngài ở đó’.—Mat 28:1-7; Lu 23:56; 24:10.
2 Sau khi những phụ nữ rời khỏi mộ, Chúa Giê-su trực tiếp đến gặp và cho họ chỉ thị: “Hãy đi báo tin cho anh em tôi để họ đến Ga-li-lê và gặp tôi ở đó” (Mat 28:10). Hẳn Chúa Giê-su có một số mệnh lệnh rất quan trọng dành cho các môn đồ, vì buổi họp này là điều đầu tiên ngài sắp đặt sau khi được sống lại!
MỆNH LỆNH CỦA CHÚA GIÊ-SU DÀNH CHO AI?
3, 4. Tại sao có thể nói rằng mệnh lệnh nơi Ma-thi-ơ 28:19, 20 không chỉ dành cho các sứ đồ? (Xem hình nơi trang bìa).
3 Đọc Ma-thi-ơ 28:16-20. Tại buổi họp mà Chúa Giê-su sắp đặt, ngài nhắc đến một công việc quan trọng mà các môn đồ sẽ thực hiện trong suốt thế kỷ thứ nhất, và đó cũng là công việc mà chúng ta đang thi hành ngày nay. Chúa Giê-su nói: “Hãy đi đào tạo người từ muôn dân trở thành môn đồ tôi,... và dạy họ giữ mọi điều mà tôi đã truyền cho anh em”.
4 Chúa Giê-su muốn tất cả môn đồ của ngài thi hành công việc rao giảng. Ngài không chỉ ban mệnh lệnh này cho 11 sứ đồ trung thành. Tại sao chúng ta có thể 1 Cô 15:6). Ngài hiện ra ở đâu?
khẳng định như thế? Hãy nhớ lại thiên sứ bảo các phụ nữ đi báo cho môn đồ của ngài: “Các anh sẽ gặp ngài ở [Ga-li-lê]”. Tuy nhiên, có phải chỉ các sứ đồ có mặt trên núi Ga-li-lê khi Chúa Giê-su đưa ra mệnh lệnh đào tạo môn đồ không? Không. Hẳn các phụ nữ trung thành cũng có mặt trong dịp đó. Nhưng không chỉ thế thôi. Sứ đồ Phao-lô cho biết rằng Chúa Giê-su “hiện ra với hơn 500 anh em cùng một lúc” (5. Tại sao có thể nói câu 1 Cô-rinh-tô 15:6 đang đề cập đến buổi họp trên núi Ga-li-lê, được nói trong Ma-thi-ơ chương 28?
5 Chúng ta có những lý do chính đáng để tin rằng nơi 1 Cô-rinh-tô 15:6, Phao-lô đang đề cập đến buổi họp trên núi Ga-li-lê, được nói trong Ma-thi-ơ chương 28. Đó là những lý do nào? Thứ nhất, đa số môn đồ của Chúa Giê-su là người Ga-li-lê. Vì thế, núi Ga-li-lê là nơi thích hợp để nhóm lại cùng với một đám đông người, thay vì nhà riêng của một người tại Giê-ru-sa-lem. Thứ hai, sau khi được sống lại, Chúa Giê-su đã gặp 11 sứ đồ tại nhà riêng ở Giê-ru-sa-lem. Nếu Chúa Giê-su muốn ban mệnh lệnh rao giảng và đào tạo môn đồ cho riêng các sứ đồ, hẳn ngài đã làm thế ở Giê-ru-sa-lem, thay vì bảo họ và người khác đến gặp ngài tại Ga-li-lê.—Lu 24:33, 36.
6. Làm thế nào Ma-thi-ơ 28:20 cho thấy mệnh lệnh đào tạo môn đồ áp dụng cho ngày nay, và điều gì cho thấy môn đồ Chúa Giê-su đang vâng theo mệnh lệnh này?
6 Hãy lưu ý đến lý do quan trọng thứ ba. Mệnh lệnh đào tạo môn đồ mà Chúa Giê-su giao không chỉ dành cho các tín đồ vào thế kỷ thứ nhất. Tại sao chúng ta biết? Chúa Giê-su kết thúc mệnh lệnh của ngài bằng những lời sau: “Tôi sẽ luôn ở cùng anh em cho đến khi thế gian này kết thúc” (Mat 28:20). Đúng như Chúa Giê-su nói, ngày nay công việc đào tạo môn đồ đang phát triển mạnh mẽ. Hãy nghĩ đến điều này! Mỗi năm, có gần 300.000 người báp-têm trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va và môn đồ của Chúa Giê-su!
7. Giờ đây chúng ta sẽ thảo luận điều gì, và tại sao?
7 Nhiều người học hỏi Kinh Thánh tiến bộ đến bước báp-têm. Tuy nhiên, một số người học Kinh Thánh đều đặn lại lưỡng lự trước quyết định trở thành môn đồ. Họ thích những buổi học, nhưng không tiến bộ. Nếu đang điều khiển một cuộc học hỏi Kinh Thánh, chắc chắn anh chị muốn giúp học viên áp dụng những gì học được và trở thành môn đồ của Đấng Ki-tô. Bài này sẽ thảo luận cách để động đến lòng học viên và giúp người ấy tiến bộ về thiêng liêng. Tại sao chúng ta cần thảo luận đề tài này? Vì một lúc nào đó, có lẽ chúng ta phải quyết định có nên tiếp tục học hỏi với một người hay không.
CỐ GẮNG ĐỘNG ĐẾN LÒNG HỌC VIÊN
8. Tại sao việc động đến lòng học viên có thể là thử thách?
8 Đức Giê-hô-va muốn một người phụng sự ngài vì yêu thương ngài. Thế nên, mục tiêu của chúng ta là giúp học viên hiểu rằng Đức Giê-hô-va quan tâm sâu xa đến cá nhân họ và ngài yêu thương họ rất nhiều. Chúng ta muốn giúp họ xem Đức Giê-hô-va như ‘cha của trẻ mồ côi và là đấng che chở góa phụ’ (Thi 68:5). Khi học viên bắt đầu biết ơn tình yêu thương mà Đức Giê-hô-va dành cho họ, rất có thể lòng họ sẽ được thúc đẩy để yêu thương ngài. Một số học viên có thể thấy khó để xem Đức Giê-hô-va như người Cha yêu thương vì họ không được chính cha ruột quan tâm và yêu thương (2 Ti 3:1, 3). Vì thế, khi điều khiển một cuộc học hỏi, hãy nhấn mạnh những phẩm chất tuyệt vời của Đức Giê-hô-va. Hãy giúp học viên hiểu rằng Đức Chúa Trời muốn họ nhận được sự sống vĩnh cửu, và ngài sẵn sàng giúp họ đạt được món quà đó. Chúng ta có thể làm điều gì khác?
9, 10. Chúng ta nên dùng những ấn phẩm nào khi điều khiển học hỏi Kinh Thánh, và tại sao?
9 Dùng sách “Kinh Thánh dạy chúng ta điều gì?” và sách “Hãy luôn ở trong tình yêu thương của Đức Chúa Trời”. Những ấn phẩm này đặc biệt được biên soạn để giúp động đến lòng học viên. Chẳng hạn, chương 1 của sách Kinh Thánh dạy gì? giải đáp những câu hỏi: “Đức Chúa Trời là đấng quan tâm hay là đấng nhẫn tâm? Đức Chúa Trời cảm thấy thế nào khi con người đau khổ? Bạn có thể làm bạn với Đức Giê-hô-va không?”. Còn sách Luôn ở trong tình yêu thương thì sao? Ấn phẩm này sẽ giúp học viên hiểu rằng áp dụng các nguyên tắc Kinh Thánh có thể giúp họ cải thiện đời sống và đến gần hơn với Đức Giê-hô-va. Ngay cả khi anh chị đã học những sách này với người khác, hãy chuẩn bị kỹ cho mỗi cuộc thảo luận và nhớ đến nhu cầu của từng học viên.
10 Nhưng nói sao nếu học viên quan tâm đến một chủ đề trong ấn phẩm không có trong Hộp dụng cụ dạy dỗ? Anh chị có thể khuyến khích người ấy tự đọc ấn phẩm đó, và tiếp tục cuộc học hỏi bằng một trong những ấn phẩm được đề cập ở trên.
11. Khi nào chúng ta nên bắt đầu và kết thúc buổi thảo luận bằng lời cầu nguyện, và làm thế nào chúng ta có thể đề cập đến vấn đề này?
11 Bắt đầu buổi thảo luận bằng lời cầu nguyện. Nói chung thì điều tốt nhất là nên bắt đầu và kết thúc buổi thảo luận bằng lời cầu nguyện sớm nhất có thể, thường là một vài tuần sau khi một người bắt đầu học hỏi đều đặn. Cần giúp học viên nhận ra rằng chúng ta chỉ có thể hiểu Lời Đức Chúa Trời khi có sự trợ giúp của thần khí. Một số người điều khiển đề cập đến việc cầu nguyện bằng cách đọc câu Gia-cơ 1:5: “Nếu ai trong anh em thiếu sự khôn ngoan thì hãy tiếp tục cầu xin Đức Chúa Trời”. Rồi hỏi học viên: “Chúng ta cần làm gì để được Đức Chúa Trời ban sự khôn ngoan?”. Rất có thể học viên sẽ đồng ý rằng chúng ta nên cầu nguyện với ngài.
12. Anh chị có thể dùng Thi thiên 139:2-4 như thế nào để giúp học viên cải thiện chất lượng lời cầu nguyện?
12 Giúp học viên biết cách cầu nguyện. Hãy đảm bảo với học viên rằng Đức Giê-hô-va muốn nghe những lời cầu nguyện chân thành của họ. Giúp học viên biết là trong lời cầu nguyện riêng, họ có thể trút đổ lòng mình với Đức Giê-hô-va, giãi bày những cảm xúc mà có lẽ họ thấy khó chia sẻ với người khác. Suy cho cùng, Đức Giê-hô-va hiểu thấu tư tưởng thầm kín nhất của chúng ta. (Đọc Thi thiên 139:2-4). Chúng ta cũng có thể khuyến khích học viên cầu xin Đức Chúa Trời giúp đỡ để thay đổi lối suy nghĩ sai trái và bỏ những thói quen xấu. Giả sử một người học Kinh Thánh được một thời gian nhưng vẫn yêu thích ngày lễ ngoại giáo nào đó. Người ấy biết điều đó là sai, nhưng sự thật là họ vẫn thích vài khía cạnh của ngày lễ. Hãy khuyến khích người ấy bày tỏ mọi cảm xúc với Đức Giê-hô-va và nài xin ngài giúp để chỉ yêu mến những gì Đức Giê-hô-va yêu mến.—Thi 97:10.
13. (a) Tại sao chúng ta nên mời học viên tham dự nhóm họp càng sớm càng tốt? (b) Làm thế nào chúng ta giúp học viên cảm thấy thoải mái hơn khi đến Phòng Nước Trời?
13 Mời học viên tham dự nhóm họp càng sớm càng tốt. Những gì học viên nghe và thấy tại các buổi nhóm họp có thể động đến lòng người ấy và giúp họ tiến bộ. Hãy mở video Điều gì diễn ra tại Phòng Nước Trời? và mời học viên cùng đi nhóm họp. Đề nghị đến đón người ấy nếu có thể. Điều hữu ích là mời nhiều người công bố khác nhau tham dự cuộc học hỏi. Như thế, học viên sẽ quen biết những anh chị khác trong hội thánh và có lẽ cảm thấy thoải mái hơn khi tham dự nhóm họp.
GIÚP HỌC VIÊN TIẾN BỘ VỀ THIÊNG LIÊNG
14. Điều gì thúc đẩy học viên tiến bộ về thiêng liêng?
14 Mục tiêu của chúng ta là giúp học viên tiến bộ về thiêng liêng (Ê-phê 4:13). Có lẽ một người đồng ý học hỏi Kinh Thánh chủ yếu là vì thấy việc học hỏi mang lại lợi ích cho cá nhân họ. Nhưng khi tình yêu thương dành cho Đức Giê-hô-va lớn mạnh, rất có thể người ấy sẽ bắt đầu nghĩ đến cách để giúp đỡ người khác, gồm cả những thành viên trong hội thánh (Mat 22:37-39). Khi thích hợp, đừng ngần ngại cho học viên biết chúng ta có đặc ân ủng hộ quyền lợi Nước Trời qua việc đóng góp tình nguyện.
15. Làm thế nào chúng ta có thể giúp học viên biết cách giải quyết khi có vấn đề nảy sinh?
15 Giúp học viên biết cách giải quyết khi có vấn đề nảy sinh. Chẳng hạn, học viên của anh chị là một người công bố chưa báp-têm nói rằng người ấy bị người khác trong hội thánh làm tổn thương. Thay vì đứng về một phía, hãy giải thích Kinh Thánh đưa ra những lựa chọn nào trong trường hợp này. Người ấy có thể chọn tha thứ hoặc nếu không thể bỏ qua thì nên nói chuyện với người kia một cách tử tế và yêu thương, với mục tiêu “được lại anh em mình”. (So sánh Ma-thi-ơ 18:15). Hãy giúp học viên chuẩn bị những điều nên nói. Giúp họ biết cách dùng ứng dụng JW Library®, Cẩm nang tra cứu của Nhân Chứng Giê-hô-va và trang web jw.org® để tra cứu những cách thực tế nhằm giải quyết vấn đề. Càng nhận được nhiều sự huấn luyện trước khi tiến đến bước báp-têm, người ấy sẽ càng có mối quan hệ tốt với anh em trong hội thánh sau khi báp-têm.
16. Có những lợi ích nào khi mời anh chị công bố khác cùng tham dự cuộc học hỏi?
16 Mời anh chị khác trong hội thánh, và giám thị vòng quanh khi anh đến thăm, tham dự cuộc học hỏi. Tại sao? Ngoài những lý do được đề cập ở trên, những người công bố khác có thể giúp học viên trong những khía cạnh mà anh chị không thể. Chẳng hạn, một học viên đang cố gắng bỏ thuốc lá nhưng nhiều lần thất bại. Hãy mời một Nhân Chứng từng có trải nghiệm tương tự nhưng đã từ bỏ được thói xấu ấy đến tham dự cuộc học hỏi. Người ấy có thể đưa ra lời khuyên thực tế mà học viên cần. Nếu cảm thấy ngại điều khiển cuộc học hỏi khi có mặt một anh dày dạn kinh nghiệm, hãy nhờ anh ấy điều khiển giúp. Khi mời người khác cùng tham dự, học viên có thể nhận được lợi ích từ kinh nghiệm của họ. Hãy nhớ rằng mục tiêu của chúng ta là giúp học viên tiến bộ về thiêng liêng.
MÌNH CÓ NÊN NGƯNG CUỘC HỌC HỎI NÀY KHÔNG?
17, 18. Anh chị nên xem xét điều gì trước khi quyết định có nên ngưng một cuộc học hỏi hay không?
17 Nếu học viên không tiến bộ đều đặn, anh chị cần tự hỏi: “Mình có nên ngưng cuộc học hỏi này không?”. Trước khi đưa ra quyết định, anh chị nên xem xét khả năng của học viên. Một số người cần nhiều thời gian hơn để tiến bộ so với người khác. Hãy tự hỏi: “Học viên của mình có đang tiến bộ trong khả năng của người ấy không? Người ấy có bắt đầu áp dụng những gì họ học không?” (Mat 28:20). Dù một học viên có lẽ tiến bộ chậm nhưng phải có sự tiến bộ đều đặn.
18 Nói sao nếu học viên đã học trong một thời gian nhưng không có dấu hiệu cho thấy họ quý trọng những gì học được? Hãy hình dung: Học viên của anh chị đã học xong sách Kinh Thánh dạy gì? và bắt đầu học sách Luôn ở trong tình yêu thương, nhưng không tham dự một buổi nhóm họp nào, ngay cả Lễ Tưởng Niệm! Người ấy cũng thường xuyên hủy các cuộc học hỏi vì những lý do nhỏ nhặt. Trong trường hợp đó, anh chị nên nói chuyện thẳng thắn với học viên.19. Anh chị có thể nói gì với một người có vẻ không quý trọng cuộc học hỏi, và anh chị cần suy xét điều gì?
19 Anh chị có thể bắt đầu cuộc nói chuyện bằng cách hỏi học viên: “Anh/Chị nghĩ thử thách lớn nhất ngăn cản mình trở thành Nhân Chứng là gì?”. Có thể học viên trả lời: “Tôi thích học Kinh Thánh nhưng tôi sẽ không bao giờ trở thành Nhân Chứng!”. Nếu người ấy có thái độ như thế sau khi đã học một thời gian, hẳn chúng ta muốn suy nghĩ có nên tiếp tục học với người đó hay không. Tuy nhiên, có lẽ đây là lần đầu tiên học viên cho anh chị biết điều khiến họ lưỡng lự. Chẳng hạn, người ấy cảm thấy mình không thể đi rao giảng từng nhà. Khi biết cảm xúc của học viên, anh chị có thể giúp người ấy tốt hơn.
20. Làm thế nào Công vụ 13:48 giúp chúng ta quyết định có nên tiếp tục cuộc học hỏi hay không?
20 Đáng buồn là một số học viên giống như dân Y-sơ-ra-ên vào thời Ê-xê-chi-ên. Đức Giê-hô-va nói với Ê-xê-chi-ên về họ như sau: “Kìa! Đối với chúng, con giống như một bản tình ca lãng mạn, được hát bằng giọng hay và đệm đàn điệu nghệ. Chúng nghe lời con nói nhưng chẳng một ai làm theo” (Ê-xê 33:32). Có lẽ chúng ta thấy khó để nói với học viên rằng mình sẽ ngưng học hỏi với họ. Tuy nhiên, “không còn nhiều thời gian nữa” (1 Cô 7:29). Thay vì dành nhiều thời gian cho một cuộc học hỏi không tiến bộ, chúng ta cần tìm những người cho thấy họ “có lòng ngay thẳng để hưởng sự sống vĩnh cửu”.—Đọc Công vụ 13:48.
21. Câu Kinh Thánh cho năm 2020 là gì, và tại sao câu này rất thích hợp?
21 Câu Kinh Thánh cho năm 2020 sẽ giúp chúng ta tập trung vào việc cải thiện kỹ năng đào tạo môn đồ. Câu Kinh Thánh này nằm trong số những lời Chúa Giê-su nói tại buổi họp quan trọng trên núi Ga-li-lê, đó là: ‘Hãy đi đào tạo môn đồ, làm phép báp-têm cho họ’.—Mat 28:19.
BÀI HÁT 70 Tìm kiếm những người xứng đáng
^ đ. 5 Câu Kinh Thánh cho năm 2020 khuyến khích chúng ta ‘đào tạo môn đồ’. Mệnh lệnh này áp dụng cho mọi tôi tớ của Đức Giê-hô-va. Làm thế nào chúng ta có thể động đến lòng học viên để giúp họ trở thành môn đồ của Đấng Ki-tô? Bài này sẽ thảo luận cách để giúp học viên đến gần hơn với Đức Giê-hô-va. Chúng ta cũng sẽ xem làm thế nào để xác định mình có nên tiếp tục học hỏi với một người hay không.
^ đ. 18 Xin xem video Ngưng học với học viên không tiến bộ trên Kênh truyền thông JW®.