Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Giữ bình an nội tâm bất kể hoàn cảnh thay đổi

Giữ bình an nội tâm bất kể hoàn cảnh thay đổi

‘Con xoa dịu, vỗ về tâm hồn mình’.—THI 131:2.

BÀI HÁT: 128, 129

1, 2. (a) Những điều bất ngờ xảy đến trong đời sống có thể ảnh hưởng ra sao đến một tín đồ? (Xem hình nơi đầu bài). (b) Theo Thi thiên 131, thái độ nào có thể giúp chúng ta giữ bình an nội tâm?

Khi biết mình được bổ nhiệm ra cánh đồng rao giảng, anh Lloyd và chị Alexandra cảm thấy rất buồn. Suy cho cùng, họ đã phụng sự ở Bê-tên trong hơn 25 năm. Anh Lloyd nói: “Đối với tôi, Bê-tên và công việc ở đây gắn liền với đời sống mình. Trong thâm tâm, tôi hiểu lý do của việc thay đổi nhiệm sở. Nhưng trong những ngày tháng sau đó, tôi thường cảm thấy bị bỏ rơi. Cảm xúc của tôi thay đổi thất thường. Lúc thì tôi có tinh thần tích cực, lúc thì tôi cảm thấy buồn nản”.

2 Khi có điều bất ngờ xảy đến trong đời sống, có lẽ chúng ta cảm thấy lo lắng và căng thẳng (Châm 12:25). Thậm chí chúng ta thấy khó chấp nhận những thay đổi đó. Trong hoàn cảnh như thế, điều gì có thể giúp chúng ta ‘xoa dịu, vỗ về tâm hồn mình’? (Đọc Thi thiên 131:1-3). Hãy xem làm thế nào một số tôi tớ của Đức Giê-hô-va, cả thời xưa lẫn thời nay, có thể giữ bình an nội tâm bất kể hoàn cảnh thay đổi.

CẢM NGHIỆM “SỰ BÌNH AN CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI”

3. Giô-sép rơi vào hoàn cảnh nào?

3 Hãy xem xét trường hợp của Giô-sép. Ông được cha yêu thương hơn tất cả những người con khác. Điều này đã khiến các anh của ông sinh lòng ghen ghét. Khi 17 tuổi, Giô-sép bị các anh bán làm nô lệ (Sáng 37:2-4, 23-28). Trong khoảng 13 năm, ông phải xa cách người cha yêu thương, chịu cảnh nô lệ và tù đày tại Ai Cập. Điều gì đã giúp Giô-sép không trở nên tuyệt vọng và cay đắng?

4. (a) Khi ở trong tù, Giô-sép chú tâm vào điều gì? (b) Đức Giê-hô-va đáp lời cầu nguyện của Giô-sép ra sao?

4 Khi chịu đựng cảnh tù đày, hẳn Giô-sép đã chú tâm vào những bằng chứng cho thấy Đức Giê-hô-va ban phước cho mình (Sáng 39:21; Thi 105:17-19). Những giấc mơ mang tính tiên tri mà ông thấy khi còn trẻ có lẽ đã giúp ông tin chắc mình được ân huệ của Đức Giê-hô-va (Sáng 37:5-11). Hẳn ông thường xuyên trút đổ lòng mình với ngài (Thi 145:18). Đức Giê-hô-va đáp lại những lời cầu nguyện chân thành của Giô-sép bằng cách giúp ông tin chắc là ngài sẽ ở cùng ông trong mọi thử thách.—Công 7:9, 10. *

5. Làm thế nào “sự bình an của Đức Chúa Trời” có thể giúp chúng ta đạt được các mục tiêu thiêng liêng?

5 Dù đối mặt với hoàn cảnh khó khăn đến đâu, chúng ta vẫn có thể cảm nghiệm “sự bình an của Đức Chúa Trời”, là điều giúp xoa dịu và bảo vệ tâm trí chúng ta. (Đọc Phi-líp 4:6, 7). Thế nên, nếu chúng ta hướng về Đức Giê-hô-va khi bị choáng ngợp bởi những lo âu, ngài sẽ ban sự bình an giúp chúng ta quyết tâm đạt được các mục tiêu thiêng liêng và không bỏ cuộc. Hãy xem một số ví dụ vào thời nay cho thấy rõ điều này.

HƯỚNG VỀ ĐỨC GIÊ-HÔ-VA ĐỂ CÓ LẠI BÌNH AN NỘI TÂM

6, 7. Làm thế nào lời cầu nguyện cụ thể giúp chúng ta có lại bình an nội tâm? Hãy nêu ví dụ.

6 Khi được biết mình không còn làm tiên phong đặc biệt tạm thời, anh Ryan và chị Juliette cảm thấy rất thất vọng. Anh Ryan nói: “Chúng tôi liền cầu nguyện với Đức Giê-hô-va về điều này. Chúng tôi biết đây là cơ hội đặc biệt để thể hiện lòng tin cậy nơi ngài. Nhiều anh chị trong hội thánh còn mới, nên chúng tôi cầu xin Đức Giê-hô-va giúp mình làm gương tốt cho họ về đức tin”.

7 Đức Giê-hô-va đáp lời cầu nguyện của anh chị ấy như thế nào? Anh Ryan kể: “Ngay sau khi cầu nguyện xong, cảm xúc tiêu cực và nỗi lo lắng ban đầu của chúng tôi đã tan biến. Sự bình an của Đức Chúa Trời bảo vệ lòng và trí chúng tôi. Vợ chồng tôi nhận ra rằng mình vẫn hữu dụng trong tay Đức Giê-hô-va nếu giữ thái độ đúng”.

8-10. (a) Thần khí của Đức Chúa Trời giúp chúng ta thế nào khi đương đầu với nỗi lo âu? (b) Đức Giê-hô-va ban phước ra sao khi chúng ta chú tâm vào việc phụng sự ngài?

8 Thần khí của Đức Chúa Trời không chỉ mang lại sự xoa dịu, mà còn nhắc chúng ta nhớ các câu Kinh Thánh giúp mình đặt những điều thiêng liêng lên hàng đầu. (Đọc Giăng 14:26, 27). Hãy xem trường hợp của anh Philip và chị Mary, một cặp vợ chồng đã phụng sự tại Bê-tên gần 25 năm. Trong vòng bốn tháng, mẹ của chị Mary cũng như mẹ của anh Philip và một người họ hàng của anh đều qua đời, và họ phải chăm sóc cho cha của chị Mary bị mắc bệnh sa sút trí tuệ.

9 Anh Philip kể: “Tôi nghĩ là mình đương đầu được với vấn đề, nhưng vẫn cảm thấy thiếu điều gì đó. Rồi tôi đọc Cô-lô-se 1:11 trong một bài học Tháp Canh. Tôi nhận ra mình đang chịu đựng, nhưng chưa hoàn toàn đúng nghĩa. Tôi cần ‘chịu đựng mọi sự với lòng kiên nhẫn và vui mừng’. Câu này nhắc tôi nhớ rằng niềm vui của tôi không phụ thuộc vào hoàn cảnh, mà phụ thuộc vào việc để cho thần khí Đức Chúa Trời tác động đến đời sống mình”.

10 Đức Giê-hô-va ban phước cho anh Philip và chị Mary qua nhiều cách khi họ nỗ lực nhìn hoàn cảnh của mình theo quan điểm của ngài. Không lâu sau khi rời Bê-tên, cả hai anh chị đều có học viên Kinh Thánh tiến bộ và muốn học nhiều hơn một lần mỗi tuần. Khi nhìn lại, chị Mary nói: “Họ là niềm vui của chúng tôi và khi được học với họ, chúng tôi cảm thấy đây là cách Đức Giê-hô-va cho mình biết mọi thứ rồi cũng sẽ ổn”.

HÃY CHO ĐỨC GIÊ-HÔ-VA LÝ DO ĐỂ BAN PHƯỚC

Làm thế nào để noi gương Giô-sép dù trong bất cứ hoàn cảnh nào? (Xem đoạn 11-13)

11, 12. (a) Làm thế nào Giô-sép cho Đức Giê-hô-va lý do để ban phước? (b) Giô-sép được ban phước ra sao nhờ sự chịu đựng của mình?

11 Khi đối mặt với những thay đổi bất ngờ, có lẽ chúng ta lo lắng về tương lai đến mức trở nên tê liệt. Điều này đã có thể xảy ra cho Giô-sép. Tuy nhiên, ông quyết định làm những gì có thể trong hoàn cảnh của mình và nhờ đó, Đức Giê-hô-va có lý do ban phước cho ông. Dù ở trong tù, Giô-sép vẫn làm việc siêng năng để hoàn thành bất cứ nhiệm vụ nào mà quan cai ngục giao, như ông đã làm cho Phô-ti-pha.—Sáng 39:21-23.

12 Ngày nọ, Giô-sép được giao nhiệm vụ chăm sóc hai người từng làm quan trong cung Pha-ra-ôn. Khi thấy sự tử tế của Giô-sép, hai vị quan này đã kể cho ông về những giấc mơ của họ vào đêm trước (Sáng 40:5-8). Giô-sép không ngờ rằng cuộc nói chuyện đó sẽ mang lại kết quả tốt đẹp. Dù phải tiếp tục ở tù thêm hai năm, nhưng cuối cùng Giô-sép được thả ra và cũng vào ngày hôm đó, ông được phong làm quan đứng thứ hai sau Pha-ra-ôn.—Sáng 41:1, 14-16, 39-41.

13. Làm thế nào chúng ta có thể cho Đức Giê-hô-va lý do để ban phước bất kể hoàn cảnh ra sao?

13 Giống như Giô-sép, có lẽ chúng ta rơi vào hoàn cảnh nằm ngoài tầm kiểm soát. Tuy nhiên, nếu kiên nhẫn và nỗ lực làm những gì có thể trong hoàn cảnh của mình, chúng ta sẽ cho Đức Giê-hô-va lý do để ban phước (Thi 37:5). Đúng là có những lúc chúng ta cảm thấy bối rối, nhưng như sứ đồ Phao-lô nói, chúng ta sẽ không bao giờ “bị bỏ mặc trong nỗi tuyệt vọng” (2 Cô 4:8, chú thích). Chúng ta sẽ cảm nghiệm được những lời này của Phao-lô, đặc biệt nếu chúng ta tiếp tục chú tâm vào thánh chức.

TIẾP TỤC CHÚ TÂM VÀO THÁNH CHỨC

14-16. Điều gì cho thấy Phi-líp tiếp tục chú tâm vào thánh chức bất kể hoàn cảnh thay đổi?

14 Người truyền giảng tin mừng là Phi-líp nêu gương xuất sắc trong việc tiếp tục chú tâm vào thánh chức bất kể hoàn cảnh thay đổi. Tại Giê-ru-sa-lem, một làn sóng bắt bớ đã nổi lên sau khi Ê-tiên bị giết. * Vào thời điểm đó, Phi-líp đang phụng sự trong đặc ân mới (Công 6:1-6). Nhưng khi những môn đồ của Chúa Giê-su bị tản mác, Phi-líp không thể chỉ đứng nhìn. Ông đến rao giảng ở Sa-ma-ri, một nơi mà hầu hết người ta chưa biết tin mừng.—Mat 10:5; Công 8:1, 5.

15 Phi-líp sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu mà thần khí đưa ông đến. Vì thế, Đức Giê-hô-va dùng ông để mở ra những khu vực rao giảng mới. Nhiều người Do Thái xem thường người Sa-ma-ri và đối xử không tốt với họ. Nhưng là người không thiên vị, Phi-líp đã sốt sắng rao giảng cho họ. Không ngạc nhiên gì khi “cả đoàn dân” đều lắng nghe ông.—Công 8:6-8.

16 Sau đó, Phi-líp được thần khí đưa đến Ách-đốt và Sê-sa-rê, là hai thành có nhiều dân ngoại sinh sống (Công 8:39, 40). Khoảng 20 năm sau khi Phi-líp đến Sa-ma-ri để rao giảng, hoàn cảnh của ông thay đổi lần nữa. Giờ đây, ông là chủ gia đình và cùng vợ con định cư tại một nơi. Dù hoàn cảnh thay đổi nhưng Phi-líp vẫn chú tâm vào thánh chức, và kết quả là ông cùng gia đình được Đức Giê-hô-va ban phước dồi dào.—Công 21:8, 9.

17, 18. Làm thế nào việc chú tâm vào thánh chức giúp chúng ta giữ thăng bằng khi hoàn cảnh thay đổi?

17 Nhiều tôi tớ phụng sự trọn thời gian nói rằng việc chú tâm vào thánh chức giúp họ giữ thăng bằng bất kể hoàn cảnh thay đổi. Khi một cặp vợ chồng tại Nam Phi là anh Osborne và chị Polite rời Bê-tên, họ nghĩ mình có thể nhanh chóng tìm được chỗ ở và công việc bán thời gian. Nhưng anh Osborne nói: “Đáng tiếc là chúng tôi không tìm được việc sớm như mình muốn”. Chị Polite chia sẻ: “Trong ba tháng, chúng tôi không tìm được việc, và chúng tôi không có tiền tiết kiệm. Đó thật sự là một thử thách”.

18 Điều gì giúp anh chị ấy đương đầu với hoàn cảnh căng thẳng như thế? Anh Osborne cho biết: “Việc đi rao giảng cùng anh chị trong hội thánh giúp chúng tôi giữ sự tập trung và có tinh thần tích cực. Thay vì chỉ ngồi ở nhà lo lắng, chúng tôi quyết định tham gia thánh chức một cách trọn vẹn. Điều này mang lại nhiều niềm vui. Chúng tôi nỗ lực tìm việc khắp nơi và cuối cùng đã tìm được”.

KIÊN NHẪN CHỜ ĐỢI ĐỨC GIÊ-HÔ-VA

19-21. (a) Điều gì sẽ giúp chúng ta giữ được bình an nội tâm? (b) Chúng ta có thể nhận được lợi ích nào khi thích nghi với hoàn cảnh mới?

19 Những ví dụ trên cho thấy nếu chúng ta làm những gì có thể trong hoàn cảnh của mình, hết lòng tin cậy và trông đợi Đức Giê-hô-va, chúng ta sẽ giữ được bình an nội tâm. (Đọc Mi-chê 7:7). Với thời gian, có lẽ chúng ta nhận ra rằng việc thích nghi với hoàn cảnh mới mang lại nhiều lợi ích về thiêng liêng. Qua kinh nghiệm bản thân, chị Polite được đề cập ở trên nói: “Việc thay đổi nhiệm sở đã dạy tôi thế nào là thật sự nương cậy nơi Đức Giê-hô-va ngay cả khi gặp khó khăn. Mối quan hệ của tôi với ngài đã được thắt chặt hơn”.

20 Chị Mary, người được nói ở trên, vẫn đang chăm sóc cho người cha lớn tuổi trong khi tiếp tục làm tiên phong. Chị cho biết: “Tôi nhận ra là mỗi khi lo lắng, mình cần dừng lại, cầu nguyện và bình tĩnh. Điều quý giá nhất mà tôi học được là hãy phó thác mọi việc trong tay Đức Giê-hô-va, và đây là điều chúng ta rất cần trong tương lai”.

21 Anh Lloyd và chị Alexandra được đề cập ở đầu bài thừa nhận rằng việc thay đổi hoàn cảnh đã thử thách đức tin của họ theo cách không ngờ. Nhưng anh chị ấy chia sẻ: “Những thử thách cho thấy đức tin của mình có thật hay không và có đủ mạnh để giúp mình vượt qua những khó khăn không. Chúng tôi thấy mình được tinh luyện khi trải qua những thử thách ấy”.

Những thay đổi bất ngờ có thể mang lại ân phước không ngờ! (Xem đoạn 19-21)

22. Nếu nỗ lực làm những gì có thể trong hoàn cảnh của mình, chúng ta có thể tin chắc điều gì?

22 Nếu đối mặt với những thay đổi bất ngờ, chẳng hạn như nhận nhiệm sở khác, gặp vấn đề sức khỏe hoặc có trách nhiệm mới trong gia đình, hãy tin chắc Đức Giê-hô-va quan tâm đến anh chị và ngài sẽ giúp đỡ vào đúng lúc (Hê 4:16; 1 Phi 5:6, 7). Trong khi chờ đợi, hãy làm những gì có thể trong hoàn cảnh của mình. Hãy đến gần với Cha trên trời qua lời cầu nguyện và học cách nương cậy hoàn toàn nơi bàn tay chăm sóc của ngài. Khi làm thế, anh chị sẽ luôn giữ được bình an nội tâm bất kể hoàn cảnh thay đổi.

^ đ. 4 Vào thời điểm nào đó sau khi được ra khỏi tù, Giô-sép nhận biết rằng Đức Giê-hô-va đã xoa dịu những ký ức đau buồn của ông bằng cách ban cho ông một con trai. Giô-sép đặt tên cho con trưởng là Ma-na-se, vì ông nói: “Đức Chúa Trời đã cho tôi quên đi mọi gian nan”.—Sáng 41:51, chú thích.

^ đ. 14 Xem bài “Bạn có biết?” trong số này.