Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Hãy nói sự thật

Hãy nói sự thật

“Hãy nói sự thật với nhau”.—XA 8:16.

BÀI HÁT: 56, 124

1, 2. Điều gì gây ảnh hưởng tồi tệ nhất đến nhân loại, và ai chịu trách nhiệm về điều đó?

Điện thoại, bóng đèn điện, xe hơi và tủ lạnh là một số phát minh giúp đời sống con người được cải thiện. Nhưng có những phát minh khác đe dọa đời sống chúng ta, chẳng hạn như súng, mìn, thuốc lá và bom nguyên tử. Tuy nhiên, có một “phát minh” ra đời trước tất cả những thứ trên và gây ảnh hưởng tồi tệ nhất đến nhân loại. Đó là sự nói dối! Nói dối là nói một điều mà mình biết không phải là sự thật để lừa gạt người khác. Ai là kẻ đã “phát minh” ra lời nói dối đầu tiên? Đó là Ác Quỷ. Chúa Giê-su gọi hắn là “cha sự nói dối”. (Đọc Giăng 8:44). Hắn nói lời dối trá đầu tiên khi nào?

2 Điều đó xảy ra hàng ngàn năm trước trong vườn Ê-đen. Cặp vợ chồng đầu tiên là A-đam và Ê-va vui hưởng đời sống trong địa đàng mà Đấng Tạo Hóa đã ban cho họ. Đức Chúa Trời lệnh cho họ không được ăn trái của “cây biết điều thiện và điều ác”, và nếu cãi lời thì họ sẽ chết. Dù Sa-tan biết điều này nhưng hắn nói với Ê-va qua con rắn: “Các người sẽ không chết đâu [đây là lời nói dối đầu tiên]. Đức Chúa Trời biết rằng vào chính ngày các người ăn trái của cây ấy, mắt sẽ mở ra và các người sẽ giống như Đức Chúa Trời, biết điều thiện và điều ác”.—Sáng 2:15-17; 3:1-5.

3. Tại sao có thể nói rằng lời nói dối của Sa-tan rất hiểm độc, và nó dẫn đến hậu quả nào?

3 Lời nói dối của Sa-tan rất hiểm độc vì hắn biết rõ rằng nếu Ê-va tin lời hắn và ăn trái cây đó thì bà sẽ chết. Rốt cuộc, cả Ê-va và A-đam đều bất tuân với Đức Giê-hô-va và hậu quả là họ phải chết (Sáng 3:6; 5:5). Không những thế, vì tội lỗi của A-đam mà “sự chết trải trên mọi người”. Thực tế, “sự chết làm vua,... thậm chí cai trị trên những người không phạm tội theo cách A-đam đã vi phạm” (Rô 5:12, 14). Giờ đây, thay vì vui hưởng đời sống bất tận và hoàn hảo như ý định ban đầu của Đức Chúa Trời, loài người chỉ thường sống đến “bảy mươi, có mạnh khỏe lắm cũng chừng tám mươi”. Không chỉ vậy, đời sống con người có đầy dẫy “gian nan phiền muộn” (Thi 90:10). Quả thật, lời nói dối của Sa-tan gây ra biết bao đau khổ!

4. (a) Chúng ta cần tìm lời giải đáp cho những câu hỏi nào? (b) Theo Thi thiên 15:1, 2, chỉ những ai mới có thể trở thành bạn của Đức Giê-hô-va?

4 Khi giải thích về hành động của Ác Quỷ, Chúa Giê-su nói: “Hắn không đứng vững trong chân lý vì trong hắn không có sự chân thật”. Đến nay, Sa-tan vẫn không thay đổi vì hắn tiếp tục “lừa gạt toàn thể dân cư trên đất” (Khải 12:9). Nhưng chúng ta không muốn bị Ác Quỷ lừa gạt. Vì thế, chúng ta cần xem xét ba câu hỏi quan trọng: Sa-tan lừa gạt con người bằng cách nào? Tại sao người ta thường nói dối? Và để không đánh mất mối quan hệ với Đức Giê-hô-va như trường hợp của A-đam và Ê-va, làm thế nào chúng ta cho thấy mình “nói sự thật” vào mọi lúc?—Đọc Thi thiên 15:1, 2.

SA-TAN LỪA GẠT CON NGƯỜI BẰNG CÁCH NÀO?

5. Sa-tan lừa gạt nhân loại ngày nay bằng cách nào?

5 Sứ đồ Phao-lô biết rằng chúng ta có thể tránh “bị Sa-tan đánh lừa, vì chẳng phải chúng ta không biết ý định của hắn” (2 Cô 2:11; chú thích). Chúng ta biết cả thế gian, bao gồm tôn giáo sai lầm, hệ thống chính trị tham nhũng và giới thương mại tham lam, đều nằm dưới quyền kiểm soát của Sa-tan (1 Giăng 5:19). Do đó, chúng ta không ngạc nhiên khi Sa-tan và các quỷ tác động trên những người có quyền thế để họ nói dối (1 Ti 4:1, 2). Điều này chắc chắn đúng trong giới thương mại. Người ta quảng cáo sai sự thật để bán những sản phẩm gây hại và lừa đảo người khác.

6, 7. (a) Tại sao giới lãnh đạo tôn giáo phải chịu trách nhiệm nặng nề? (b) Giới lãnh đạo tôn giáo nói những lời dối trá nào?

6 Còn giới lãnh đạo tôn giáo thì sao? Họ phải chịu trách nhiệm nặng nề vì nếu một người tin vào lời nói dối của họ và làm những điều mà Đức Chúa Trời lên án thì sẽ có nguy cơ mất sự sống vĩnh cửu (Ô-sê 4:9). Chúa Giê-su biết giới lãnh đạo tôn giáo vào thời của ngài đã lừa gạt người ta. Ngài thẳng thắn nói với họ: “Khốn cho các ông, thầy kinh luật và người Pha-ri-si, là những kẻ đạo đức giả! Vì các ông vượt biển và đi khắp nơi để làm cho một người cải đạo, nhưng khi người ấy cải đạo rồi thì các ông lại khiến người ấy đáng bị vào Ghê-hen-na [sự hủy diệt vĩnh viễn] hơn các ông nữa” (Mat 23:15; chú thích). Chúa Giê-su dùng những từ mạnh mẽ nhất để lên án giới lãnh đạo tôn giáo sai lầm. Họ thật sự ‘ra từ cha họ là Ác Quỷ, kẻ giết người’.—Giăng 8:44.

7 Ngày nay trên thế giới có nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo. Có lẽ họ được gọi bằng các tước vị như linh mục, mục sư và ráp-bi. Giống như giới lãnh đạo vào thế kỷ thứ nhất, họ “chèn ép sự thật” trong Lời Đức Chúa Trời và “đánh đổi sự thật về Đức Chúa Trời để lấy sự dối trá” (Rô 1:18, 25). Họ dạy dỗ những điều sai lầm, chẳng hạn như “đã được cứu là được cứu vĩnh viễn”, con người có linh hồn bất tử, người chết sẽ được tái sinh và Đức Chúa Trời chấp nhận những người có lối sống đồng tính và hôn nhân đồng giới.

8. Các chính trị gia sắp đưa ra lời dối trá nào, nhưng chúng ta nên phản ứng ra sao?

8 Giới chính trị cũng dùng những lời dối trá để lừa gạt nhân loại. Một trong những lời dối trá lớn nhất sắp được đưa ra là khi con người tuyên bố họ đã đạt được “hòa bình và an ninh!”. Nhưng rồi “sự hủy diệt thình lình sẽ ập đến trên họ”. Quả thật, thế gian tìm cách để người ta tin rằng mọi thứ rất bền vững. Đừng bao giờ để mình bị lừa gạt bởi ý tưởng đó! Chúng ta “biết rất rõ là ngày của Đức Giê-hô-va sẽ đến y như kẻ trộm trong ban đêm”.—1 Tê 5:1-4.

TẠI SAO NGƯỜI TA THƯỜNG NÓI DỐI?

9, 10. (a) Tại sao người ta nói dối, và hậu quả là gì? (b) Chúng ta nên nhớ điều gì về Đức Giê-hô-va?

9 Khi một phát minh mới hoặc sự cách tân nào đó được ưa thích, nó sẽ được sản xuất hàng loạt. Việc nói dối cũng vậy. Nói dối trở nên phổ biến trong xã hội ngày nay và không chỉ những người có quyền thế mới nói dối. Bài viết “Lý do chúng ta nói dối” trong tạp chí Địa dư Quốc gia (National Geographic) nhận xét rằng “nói dối được xem như một bản tính ăn sâu bên trong con người”. Người ta thường nói dối để bảo vệ hoặc tâng bốc bản thân. Họ nói dối để che đậy lỗi lầm, việc làm xấu của mình hoặc để trục lợi. Bài viết cũng cho biết có những người “nói dối một cách dễ dàng với người lạ, đồng nghiệp, bạn bè và người thân. Họ nói dối trong cả chuyện nhỏ lẫn chuyện lớn”.

10 Việc nói dối dẫn đến hậu quả nào? Một người nói dối sẽ đánh mất lòng tin và hủy hoại các mối quan hệ. Chẳng hạn, thật đau lòng biết bao khi người vợ lừa gạt người chồng và nói dối để che giấu mối quan hệ bất chính của mình. Hoặc một người chồng đối xử hà khắc và ngược đãi vợ con khi ở nhà, nhưng trước mặt người khác thì tỏ ra là người chồng mẫu mực. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng những người có hành vi dối trá như thế không thể giấu được Đức Giê-hô-va, vì “hết thảy đều trần trụi và phô bày” trước mắt ngài.—Hê 4:13.

11. Gương xấu của A-na-nia và Sa-phi-ra dạy chúng ta điều gì? (Xem hình nơi đầu bài).

11 Hãy xem một ví dụ. Trong Kinh Thánh có một trường hợp cho biết “Sa-tan xui” một cặp vợ chồng tín đồ vào thế kỷ thứ nhất nói dối Đức Chúa Trời. A-na-nia và Sa-phi-ra đã toan tính để lừa gạt các sứ đồ. Họ bán một mảnh đất nhưng chỉ mang một phần số tiền đến cho các sứ đồ. Vì muốn gây ấn tượng với người khác trong hội thánh, cặp vợ chồng này nói với các sứ đồ rằng họ đã đóng góp hết số tiền bán đất. Nhưng Đức Giê-hô-va thấy những gì họ làm, và ngài đã trừng phạt họ.—Công 5:1-10.

12. Những kẻ nói dối độc địa mà không ăn năn sẽ gánh chịu hậu quả nào, và tại sao?

12 Đức Giê-hô-va cảm thấy thế nào về việc nói dối? Sa-tan và những kẻ nói dối độc địa mà không ăn năn sẽ bị quăng vào “hồ lửa” (Khải 20:10; 21:8; Thi 5:6). Tại sao? Vì Đức Giê-hô-va xem những người nói dối như thế nằm trong số “những kẻ thực hành những điều gớm ghiếc trong mắt Đức Chúa Trời”.—Khải 22:15, chú thích.

13. Chúng ta biết gì về Đức Giê-hô-va, và sự hiểu biết đó thôi thúc mình làm gì?

13 Chúng ta biết Đức Giê-hô-va “chẳng phải phàm nhân mà nói dối”. Thật ra, ngài là đấng “không thể nói dối” (Dân 23:19; Hê 6:18). “Đức Giê-hô-va ghét... lưỡi dối trá” (Châm 6:16, 17). Để được ngài chấp nhận, chúng ta phải sống theo tiêu chuẩn chân thật của ngài. Vì thế, chúng ta “đừng nói dối nhau”.—Cô 3:9.

CHÚNG TA “NÓI SỰ THẬT”

14. (a) Làm thế nào chúng ta cho thấy mình khác với những người theo tôn giáo sai lầm? (b) Hãy giải thích nguyên tắc nơi Lu-ca 6:45.

14 Một cách mà tín đồ chân chính cho thấy mình khác với những người theo tôn giáo sai lầm là gì? Đó là chúng ta “nói sự thật”. (Đọc Xa-cha-ri 8:16, 17). Phao-lô giải thích: “Chúng tôi cho thấy mình là người phụng sự Đức Chúa Trời, qua... lời nói chân thật” (2 Cô 6:4, 7). Chúa Giê-su nói như sau về con người: “Lòng đầy tràn miệng mới nói ra” (Lu 6:45). Vì thế, trong lòng một người chứa điều chân thật thì sẽ nói ra điều chân thật. Người ấy sẽ nói thật với người lạ, đồng nghiệp, bạn bè và người thân, trong cả chuyện nhỏ lẫn chuyện lớn. Hãy xem một số tình huống mà chúng ta có thể cho thấy mình cố gắng trung thực trong mọi việc.

Anh chị có thấy đời sống của tín đồ trẻ này có vấn đề không? (Xem đoạn 15, 16)

15. (a) Tại sao sống hai mặt là điều thiếu khôn ngoan? (b) Điều gì có thể giúp người trẻ kháng cự áp lực bạn bè? (Xem chú thích).

15 Nếu là người trẻ, có lẽ bạn muốn hòa nhập với bạn bè đồng lứa. Nhưng ước muốn này đã khiến một số người trẻ có lối sống hai mặt. Họ ra vẻ ngoan hiền khi ở bên gia đình và hội thánh nhưng hoàn toàn khác khi tiếp xúc với người trẻ ngoài thế gian và khi dùng mạng xã hội. Họ nói năng thô tục, ăn mặc hở hang, nghe nhạc đồi trụy, lạm dụng rượu, dùng ma túy, bí mật hẹn hò và làm những điều tệ hơn. Họ sống dối trá, nói dối cha mẹ, anh em đồng đạo và Đức Chúa Trời (Thi 26:4, 5). Đức Giê-hô-va biết khi một người cho rằng mình tôn kính ngài nhưng lại làm điều ngài ghét (Mác 7:6). Thật tốt hơn biết bao khi làm theo câu châm ngôn sau: “Lòng con chớ nên ghen tị với kẻ tội lỗi, nhưng hãy kính sợ Đức Giê-hô-va suốt ngày”.—Châm 23:17. *

16. Chúng ta nên trả lời những câu hỏi trong đơn xin phụng sự trọn thời gian như thế nào?

16 Có lẽ bạn muốn làm tiên phong đều đều hoặc phụng sự trọn thời gian trong công tác đặc biệt, chẳng hạn như ở Bê-tên. Trong quá trình điền đơn, điều quan trọng là bạn cần trung thực và trả lời chính xác mọi câu hỏi liên quan đến sức khỏe, đạo đức và việc lựa chọn hình thức giải trí (Hê 13:18). Nói sao nếu bạn làm điều sai trái hoặc có hạnh kiểm đáng ngờ mà các trưởng lão chưa biết? Hãy xin sự giúp đỡ của họ để bạn có thể phụng sự với một lương tâm trong sạch.—Rô 9:1; Ga 6:1.

17. Chúng ta nên làm gì khi những người bắt bớ hỏi chúng ta về anh em đồng đạo?

17 Anh chị nên làm gì nếu công việc Nước Trời tại nước của anh chị bị hạn chế và anh chị được chính quyền yêu cầu trả lời những câu hỏi liên quan đến anh em đồng đạo? Anh chị có buộc phải nói mọi điều mình biết không? Chúa Giê-su đã làm gì khi bị quan tổng đốc La Mã chất vấn? Phù hợp với nguyên tắc Kinh Thánh nói rằng “có kỳ im lặng, có kỳ nói ra”, Chúa Giê-su có lúc không đáp một lời! (Truyền 3:1, 7; Mat 27:11-14). Trong những trường hợp như thế, chúng ta cần suy xét và thận trọng để không đặt anh em mình vào tình thế nguy hiểm.—Châm 10:19; 11:12.

Làm sao để biết khi nào nên giữ im lặng và khi nào nên nói toàn bộ sự thật? (Xem đoạn 17, 18)

18. Chúng ta có trách nhiệm nào khi các trưởng lão hỏi về anh em đồng đạo?

18 Nói sao nếu một người trong hội thánh phạm tội trọng và anh chị biết vài thông tin về sự việc đó? Các trưởng lão có trách nhiệm giữ cho hội thánh được trong sạch về đạo đức, nên có lẽ họ cần hỏi anh chị về vấn đề ấy. Anh chị sẽ làm gì, đặc biệt người phạm tội là bạn thân hoặc họ hàng của mình? Kinh Thánh nói: “Người làm chứng trung tín sẽ nói sự thật” (Châm 12:17; 21:28). Vì thế, anh chị có trách nhiệm nói với trưởng lão toàn bộ sự thật, thay vì chỉ nói một phần hoặc bóp méo sự việc. Các trưởng lão có quyền biết sự thật, nhờ thế họ có thể tìm ra cách tốt nhất để giúp người phạm tội khôi phục mối quan hệ với Đức Giê-hô-va.—Gia 5:14, 15.

19. Chúng ta mong chờ thảo luận điều gì trong bài kế tiếp?

19 Người viết Thi thiên là Đa-vít cầu nguyện với Đức Giê-hô-va: “Ngài yêu thích sự chân thật nơi người bề trong” (Thi 51:6). Đa-vít biết rằng sự chân thật bắt nguồn từ bên trong, từ lòng của chúng ta. Tín đồ chân chính muốn “nói sự thật với nhau” trong mọi khía cạnh đời sống. Là tôi tớ Đức Giê-hô-va, chúng ta cho thấy mình khác biệt qua một cách khác là dạy sự thật, tức chân lý. Bài tới sẽ xem xét chúng ta có thể làm điều này như thế nào trong thánh chức.

^ đ. 15 Xem chương 15: “Làm sao để kháng cự áp lực bạn bè?” và chương 16: “Sống hai mặt thì đã sao?” trong sách Giới trẻ thắc mắc—Những lời giải đáp thiết thực, Tập 2.