BÀI HỌC 40
Hãy luôn bận rộn trong giai đoạn cuối của “những ngày sau cùng”
“Hãy kiên định, không lay chuyển, luôn làm công việc Chúa một cách dư dật”.—1 CÔ 15:58.
BÀI HÁT 58 Tìm kiếm người yêu chuộng sự bình an
GIỚI THIỆU *
1. Điều gì khiến chúng ta tin chắc mình đang sống trong “những ngày sau cùng”?
Có phải anh chị được sinh ra sau năm 1914 không? Nếu vậy, có lẽ anh chị sống cả cuộc đời trong “những ngày sau cùng” của thế gian này (2 Ti 3:1). Tất cả chúng ta đã thấy những dấu hiệu mà Chúa Giê-su báo trước về thời kỳ này đang ứng nghiệm. Dấu hiệu ấy bao gồm chiến tranh, đói kém, động đất, dịch bệnh, sự gian ác gia tăng và sự ngược đãi dân Đức Giê-hô-va (Mat 24:3, 7-9, 12; Lu 21:10-12). Chúng ta cũng thấy thái độ của người ta giống như những gì sứ đồ Phao-lô đã báo trước. (Xin xem khung “ Đặc điểm của người ta ngày nay”). Là những người thờ phượng Đức Giê-hô-va, chúng ta tin chắc mình đang sống trong “những ngày sau cùng”.—Mi 4:1.
2. Chúng ta cần giải đáp những câu hỏi nào?
2 Nhiều năm đã trôi qua kể từ năm 1914; giờ đây hẳn chúng ta đang sống trong giai đoạn cuối của “những ngày sau cùng”. Vì sự kết thúc đã rất gần kề, chúng ta cần biết câu trả lời cho một số câu hỏi quan trọng: Những biến cố nào sẽ xảy ra vào cuối “những ngày sau cùng”? Và Đức Giê-hô-va muốn chúng ta làm gì trong khi chờ đợi các biến cố ấy?
ĐIỀU GÌ SẼ XẢY RA VÀO CUỐI “NHỮNG NGÀY SAU CÙNG”?
3. Theo lời tiên tri nơi 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:1-3, các nước sẽ đưa ra lời tuyên bố nào?
3 Đọc 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:1-3. Trong những câu này, Phao-lô có nhắc đến “ngày của Đức Giê-hô-va”. Từ “ngày” trong văn cảnh này nói đến một giai đoạn được khởi đầu bằng cuộc tấn công nhắm vào “Ba-by-lôn Lớn”, đế quốc tôn giáo sai lầm, và kết thúc bằng trận chiến Ha-ma-ghê-đôn (Khải 16:14, 16; 17:5). Ngay trước khi “ngày” ấy bắt đầu, các nước sẽ đưa ra lời tuyên bố “Hòa bình và an ninh!”. (Một số bản dịch khác dùng cụm từ: “Hòa bình an ổn”). Đôi khi các nhà lãnh đạo thế giới dùng những cụm từ tương tự để nói về việc cải thiện mối quan hệ giữa các nước. * Tuy nhiên, lời tuyên bố “hòa bình và an ninh” mà Kinh Thánh báo trước thì khác với những lời hô hào hòa bình mà các nước thường nhắc đến. Khi biến cố này diễn ra, nhiều người sẽ nghĩ rằng các nhà lãnh đạo đã thành công trong việc mang đến một thế giới an toàn và yên ổn hơn. Nhưng thực tế là ngay sau đó, “sự hủy diệt thình lình” sẽ ập đến và “hoạn nạn lớn” bắt đầu.—Mat 24:21.
4. (a) Chúng ta phải chờ để biết điều gì về lời tuyên bố “hòa bình và an ninh”? (b) Chúng ta đã biết gì về lời tuyên bố này?
4 Chúng ta biết một số điều liên quan đến lời tuyên bố “hòa bình và an ninh”, nhưng có vài chi tiết mà chúng ta không biết. Chúng ta không biết điều gì sẽ dẫn đến lời tuyên bố ấy hoặc lời tuyên bố được đưa ra như thế nào. Chúng ta cũng không biết đó chỉ là một lời tuyên bố hay hàng loạt các lời tuyên bố. Dù điều gì xảy ra đi nữa, chúng ta không nên để mình bị lừa và tin rằng những nhà lãnh đạo thế giới có thể mang lại nền hòa bình. Thật ra đó là lời tuyên bố mà Kinh Thánh đã báo trước, và là dấu hiệu cho thấy “ngày của Đức Giê-hô-va” sắp bắt đầu!
5. Câu 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:4-6 giúp chúng ta sẵn sàng cho “ngày của Đức Giê-hô-va” như thế nào?
5 Đọc 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:4-6. Lời khuyến giục của Phao-lô giúp chúng ta biết mình nên làm gì để sẵn sàng cho “ngày của Đức Giê-hô-va”. Chúng ta “chớ ngủ tiếp như những người khác” nhưng cần “tỉnh thức” và luôn cảnh giác. Chẳng hạn, chúng ta cần thận trọng để không bị lôi kéo vào các vấn đề chính trị và thỏa hiệp lập trường trung lập. Nếu can dự vào chính trị, chúng ta có thể trở thành một phần của thế gian (Giăng 15:19). Chúng ta biết rằng Nước Trời là hy vọng duy nhất mang lại nền hòa bình thế giới.
6. Chúng ta muốn giúp người khác làm gì, và tại sao?
6 Bên cạnh việc giữ mình tỉnh thức, chúng ta cũng muốn “đánh thức” người khác để họ chú ý đến lời tiên tri trong Kinh Thánh. Hãy nhớ rằng một khi hoạn nạn lớn bắt đầu, sẽ là quá trễ để người ta quay về thờ phượng Đức Giê-hô-va. Vì thế công việc rao giảng của chúng ta rất cấp bách! *
TIẾP TỤC BẬN RỘN RAO GIẢNG
7. Đức Giê-hô-va muốn chúng ta làm gì ngay bây giờ?
7 Trong thời gian ngắn còn lại trước khi “ngày” của Đức Giê-hô-va bắt đầu, Đức Giê-hô-va muốn chúng ta tiếp tục bận rộn trong công việc rao giảng. Chúng ta cần đảm bảo là mình “làm công việc Chúa một cách dư dật” (1 Cô 15:58). Khi nói về các biến cố lớn sẽ xảy ra trong những ngày sau cùng, Chúa Giê-su báo trước điều chúng ta sẽ làm; ngài nói: “Trước hết, tin mừng phải được rao truyền cho muôn dân” (Mác 13:4, 8, 10; Mat 24:14). Hãy thử nghĩ: Mỗi lần tham gia thánh chức, anh chị đang góp phần làm ứng nghiệm lời tiên tri đó trong Kinh Thánh!
8. Công việc rao giảng về Nước Trời tiếp tục phát triển như thế nào?
8 Chúng ta có thể nói gì về sự tiến triển của công việc rao giảng? Mỗi năm có thêm rất nhiều người hưởng ứng tin mừng. Chẳng hạn, hãy nghĩ về số người công bố gia tăng trên khắp thế giới trong những ngày sau cùng. Năm 1914, có 5.155 người công bố trong 43 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngày nay, có khoảng 8,5 triệu người công bố trong 240 quốc gia và vùng lãnh thổ! Dù vậy, công việc của chúng ta chưa kết thúc. Chúng ta cần tiếp tục công bố cho người khác biết Nước Trời là giải pháp duy nhất cho mọi vấn đề của nhân loại.—Thi 145:11-13.
9. Tại sao chúng ta cần tiếp tục rao giảng về Nước Trời?
9 Công việc rao giảng về Nước Trời sẽ tiếp diễn cho đến khi Đức Giê-hô-va phán công việc này đã hoàn tất. Còn bao nhiêu thời gian để người ta tìm hiểu về Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su? (Giăng 17:3). Chúng ta không biết. Chúng ta chỉ biết là từ nay cho đến khi hoạn nạn lớn bắt đầu, bất cứ ai “có lòng ngay thẳng để hưởng sự sống vĩnh cửu” vẫn có thể hưởng ứng tin mừng (Công 13:48). Làm thế nào chúng ta có thể giúp những người ấy trước khi quá trễ?
10. Đức Giê-hô-va trang bị cho chúng ta những gì để dạy người ta về chân lý?
10 Qua tổ chức của ngài, Đức Giê-hô-va trang bị mọi thứ chúng ta cần để dạy người ta về chân lý. Chẳng hạn, mỗi tuần chúng ta được huấn luyện tại buổi họp giữa tuần. Buổi nhóm này giúp chúng ta
biết cách trình bày vào những lần gặp đầu tiên và thăm lại, cũng như điều khiển học hỏi Kinh Thánh. Tổ chức cũng cung cấp những dụng cụ trong Hộp dụng cụ dạy dỗ. Những dụng cụ này giúp chúng ta biết cách...-
bắt chuyện,
-
gợi sự chú ý,
-
thúc đẩy người ta muốn tìm hiểu thêm,
-
dạy chân lý cho học viên Kinh Thánh,
-
và mời người chú ý truy cập jw.org và đến Phòng Nước Trời.
Dĩ nhiên chỉ có những dụng cụ này thôi thì chưa đủ, chúng ta cần sử dụng chúng. * Chẳng hạn, sau khi nói chuyện với một người tỏ ra chú ý, anh chị mời nhận một tờ chuyên đề hoặc tạp chí để người ấy có thể đọc thêm cho đến khi anh chị trở lại viếng thăm. Mỗi chúng ta có trách nhiệm là tiếp tục bận rộn trong công việc rao giảng mỗi tháng.
11. Tại sao phần Học Kinh Thánh trực tuyến được biên soạn?
11 Một ví dụ khác về cách Đức Giê-hô-va giúp người ta học chân lý là phần Học Kinh Thánh trực tuyến trên jw.org®. Tại sao phần này được biên soạn? Mỗi tháng, có hàng chục ngàn người trên khắp thế giới tìm kiếm các bài học Kinh Thánh trên mạng. Những bài học trong phần này trên trang web của tổ chức có thể hướng người ta đến chân lý. Một số người trong khu vực có lẽ ngần ngại nhận lời mời học Kinh Thánh trực tiếp với chúng ta. Nếu thế, hãy giới thiệu với họ phần này hoặc gửi cho họ đường liên kết dẫn đến các bài học. *
12. Một người có thể học được gì từ phần Học Kinh Thánh trực tuyến?
12 Phần Học Kinh Thánh trực tuyến gồm những đề tài sau: “Kinh Thánh và Tác Giả của Kinh Thánh”, “Những nhân vật chính trong Kinh Thánh” và “Thông điệp mang lại hy vọng đến từ Kinh Thánh”. Những bài học này sẽ cho biết:
-
Kinh Thánh có thể giúp một người như thế nào?
-
Đức Giê-hô-va, Chúa Giê-su và các thiên sứ là ai?
-
Tại sao Đức Chúa Trời tạo ra con người?
-
Tại sao có sự gian ác và đau khổ?
Các bài học đó cũng thảo luận cách Đức Giê-hô-va sẽ...
-
chấm dứt sự đau khổ và cái chết,
-
làm người chết sống lại,
-
và thay thế các chính phủ bất lực của con người bằng Nước Trời.
13. Các bài học trực tuyến có thay thế sắp đặt học hỏi Kinh Thánh chính thức không? Hãy giải thích.
13 Các bài học trực tuyến không thay thế cho sắp đặt học hỏi Kinh Thánh chính thức. Chúa Giê-su ban cho chúng ta đặc ân đào tạo môn đồ. Chúng ta mong là những người chú ý sẽ xem xét các bài học trực tuyến, quý trọng những gì họ học được và muốn tìm hiểu thêm. Điều này có lẽ sẽ thôi thúc họ đồng ý thảo luận Kinh Thánh với chúng ta. Vào cuối mỗi bài học, người đọc được mời điền vào phần yêu cầu tìm hiểu Kinh Thánh với một Nhân Chứng. Qua trang web của chúng ta, trung bình mỗi ngày trên khắp thế giới, chúng ta nhận hơn 230 cuộc yêu cầu học hỏi Kinh Thánh! Việc thảo luận Kinh Thánh với một người là điều thiết yếu!
TIẾP TỤC ĐÀO TẠO MÔN ĐỒ
14. Theo sự chỉ dẫn của Chúa Giê-su nơi Ma-thi-ơ 28:19, 20, chúng ta cần nỗ lực làm gì, và tại sao?
14 Đọc Ma-thi-ơ 28:19, 20. Khi điều khiển các cuộc học hỏi Kinh Thánh, chúng ta cần nỗ lực ‘đào tạo môn đồ, dạy họ giữ mọi điều mà Chúa Giê-su đã truyền’. Chúng ta cần giúp người ta hiểu tầm quan trọng của việc đứng về phía Đức Giê-hô-va và ủng hộ Nước Trời. Điều này có nghĩa là chúng ta cố gắng khuyến khích họ tự chọn theo chân lý bằng cách áp dụng những gì học được, dâng đời sống cho Đức Giê-hô-va và báp-têm. Chỉ khi làm thế, họ mới có thể sống sót qua ngày của Đức Giê-hô-va.—1 Phi 3:21.
15. Chúng ta không còn thời gian để làm gì, và tại sao?
15 Như đã được đề cập, chỉ còn rất ít thời gian nữa là đến thời điểm kết thúc của thế gian này. Vì thế, chúng ta không còn thời gian để tiếp tục học Kinh Thánh với những người không thật sự muốn trở thành môn đồ Đấng Ki-tô (1 Cô 9:26). Công việc của chúng ta rất cấp bách! Còn nhiều người cần được nghe thông điệp Nước Trời trước khi quá trễ.
HOÀN TOÀN TÁCH BIỆT KHỎI TÔN GIÁO SAI LẦM
16. Theo Khải huyền 18:2, 4, 5, 8, tất cả chúng ta cần làm gì? (Cũng xem chú thích).
16 Đọc Khải huyền 18:2, 4, 5, 8. Những câu này cho biết một điều khác mà Đức Giê-hô-va muốn những người thờ phượng ngài phải làm. Tất cả môn đồ Đấng Ki-tô cần giữ mình tách biệt khỏi Ba-by-lôn Lớn. Trước khi học chân lý, có lẽ một người là thành viên của tôn giáo sai lầm. Có lẽ người ấy đóng góp tiền hoặc tham gia các nghi lễ và những hoạt động liên quan đến tôn giáo ấy. Để hội đủ điều kiện làm người công bố chưa báp-têm, người ấy phải cắt đứt mọi mối liên hệ với tôn giáo sai lầm. Người ấy nên viết một lá thư rút tên, hoặc nếu vì lý do nào đó không thể rút tên thì họ phải hoàn toàn cắt đứt mối liên hệ với nhà thờ hay bất cứ tổ chức nào dính líu đến Ba-by-lôn Lớn. *
17. Tín đồ đạo Đấng Ki-tô cần tránh những loại công việc nào, và tại sao?
17 Một tín đồ chân chính cần đảm bảo rằng công việc ngoài đời của mình không dính líu đến Ba-by-lôn Lớn (2 Cô 6:14-17). Chẳng hạn, người ấy sẽ không làm nhân viên cho một nhà thờ. Nếu làm việc cho một công ty, người ấy không muốn nhận công việc đòi hỏi phải thường xuyên làm tại một cơ sở ủng hộ sự thờ phượng sai lầm. Còn nếu có công ty riêng, chắc chắn người ấy sẽ không đấu thầu hoặc chấp thuận làm một công việc liên quan đến Ba-by-lôn Lớn. Tại sao chúng ta muốn giữ vững lập trường trong vấn đề này? Vì chúng ta không muốn dự phần vào việc làm và tội lỗi của những tổ chức tôn giáo ô uế trước mắt Đức Chúa Trời.—Ê-sai 52:11. *
18. Liên quan đến công việc ngoài đời, một anh đã vâng theo nguyên tắc Kinh Thánh như thế nào?
18 Vài năm trước, một anh trưởng lão làm nghề mộc được nhà thầu nhờ làm một việc cho nhà thờ trong thị trấn anh sống. Nhà thầu này biết anh trưởng lão luôn từ chối làm việc cho nhà thờ, nhưng vì không tìm được ai khác nên ông đã nhờ anh giúp. Dù vậy anh vẫn kiên quyết không nhận công việc ấy vì muốn vâng theo nguyên tắc Kinh Thánh. Tuần sau đó, một tờ báo địa phương đăng hình của một thợ mộc khác đang gắn thập tự giá cho nhà thờ. Nếu anh trưởng lão ấy thỏa hiệp, hẳn hình của anh đã ở trên mặt báo. Hãy thử nghĩ điều này sẽ ảnh hưởng thế nào đến danh tiếng của anh trong vòng anh em đồng đạo! Cũng hãy nghĩ Đức Giê-hô-va sẽ cảm thấy thế nào.
CHÚNG TA HỌC ĐƯỢC GÌ?
19, 20. (a) Chúng ta đã học được gì? (b) Chúng ta cần học thêm về điều gì?
19 Theo lời tiên tri trong Kinh Thánh, có một biến cố quan trọng sắp xảy ra trên thế giới đó là các nước sẽ tuyên bố “hòa bình và an ninh”. Nhờ được Đức Giê-hô-va dạy dỗ, chúng ta biết các nước sẽ không đạt được hòa bình thật sự và lâu dài. Chúng ta cần làm gì trước khi biến cố này xảy ra và sự hủy diệt thình lình ập đến? Đức Giê-hô-va muốn chúng ta tiếp tục bận rộn rao giảng và đào tạo môn đồ. Đồng thời chúng ta cũng cần tách biệt khỏi mọi tôn giáo sai lầm. Điều này bao hàm việc ngưng làm thành viên và tránh làm bất cứ công việc nào dính líu đến Ba-by-lôn Lớn.
20 Có những biến cố khác sẽ xảy ra trong giai đoạn cuối của “những ngày sau cùng”, và cũng có những điều khác Đức Giê-hô-va muốn chúng ta phải làm. Những điều đó là gì? Làm thế nào chúng ta có thể chuẩn bị cho những điều sắp xảy ra trong tương lai gần đây? Chúng ta sẽ xem xét những điều này trong bài kế tiếp.
BÀI HÁT 71 Chúng ta là đạo quân của Đức Giê-hô-va!
^ đ. 5 Không lâu nữa, các nước sẽ tuyên bố “hòa bình và an ninh!”. Đó chính là dấu hiệu cho thấy hoạn nạn lớn sắp xảy ra. Đức Giê-hô-va muốn chúng ta làm gì trong khi chờ đợi? Bài này sẽ giúp chúng ta tìm câu trả lời.
^ đ. 3 Chẳng hạn, Liên Hiệp Quốc tuyên bố trên trang web chính thức rằng tổ chức này được thành lập để “duy trì nền hòa bình và an ninh quốc tế”.
^ đ. 6 Xin xem bài “Sự phán xét của Đức Chúa Trời—Ngài có luôn cho đủ thời gian để hành động?” trong số này.
^ đ. 23 Để biết thêm chi tiết về cách dùng những dụng cụ trong Hộp dụng cụ dạy dỗ, xin xem bài “Dạy chân lý” trong Tháp Canh tháng 10 năm 2018.
^ đ. 11 Hiện nay, phần này có trong tiếng Anh và tiếng Bồ Đào Nha, và sẽ tiếp tục được dịch ra những ngôn ngữ khác.
^ đ. 16 Chúng ta cũng cần tránh những tổ chức hoặc địa điểm giải trí dính líu đến tôn giáo sai lầm. Dù có lẽ các tổ chức ấy nói rằng những hoạt động của họ không thật sự liên quan đến tôn giáo, nhưng thực tế là họ đang cổ vũ cho những ý tưởng và mục tiêu tôn giáo.
^ đ. 17 Để biết rõ hơn quan điểm của Kinh Thánh về việc làm liên quan đến các tổ chức tôn giáo, xin xem “Câu hỏi của độc giả” trong Tháp Canh ngày 15-4-1999.
^ đ. 83 HÌNH ẢNH: Khách tại một quán cà phê phản ứng khi nghe lời tuyên bố “hòa bình và an ninh” trong phần “Tin mới nhất” trên ti-vi. Một cặp vợ chồng Nhân Chứng (nghỉ giải lao trong khi tham gia thánh chức) không bị lừa bởi lời tuyên bố này.