Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 41

Làm sao để giúp học viên tiến bộ đến bước báp-têm?—Phần 1

Làm sao để giúp học viên tiến bộ đến bước báp-têm?—Phần 1

“Rõ ràng anh em là thư giới thiệu từ Đấng Ki-tô được viết bởi chúng tôi”.—2 CÔ 3:3.

BÀI HÁT 78 “Dạy lời Đức Chúa Trời”

GIỚI THIỆU *

Cả hội thánh vô cùng vui mừng khi thấy một học viên mà họ yêu mến chịu phép báp-têm (Xem đoạn 1)

1. Làm thế nào 2 Cô-rinh-tô 3:1-3 giúp chúng ta quý trọng đặc ân giúp một người tiến bộ đến bước báp-têm? (Xem hình nơi trang bìa).

Anh chị cảm thấy thế nào khi một học viên trong hội thánh báp-têm? Chắc chắn, lòng chúng ta tràn đầy niềm vui (Mat 28:19). Nếu là người hướng dẫn người ấy học Kinh Thánh, hẳn anh chị vô cùng phấn khởi khi thấy họ báp-têm! (1 Tê 2:19, 20). Những môn đồ mới báp-têm là “thư giới thiệu” tốt, không chỉ cho người hướng dẫn, mà còn cho cả hội thánh.—Đọc 2 Cô-rinh-tô 3:1-3.

2. (a) Chúng ta cần xem xét câu hỏi quan trọng nào, và tại sao? (b) Thế nào là một cuộc học hỏi Kinh Thánh? (Xem chú thích).

2 Thật vui mừng khi thấy trong bốn năm qua, trên thế giới trung bình mỗi tháng có khoảng 10.000.000 cuộc học hỏi Kinh Thánh. * Cũng trong thời gian đó, trung bình mỗi năm có hơn 280.000 người báp-têm trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va và môn đồ mới của Đấng Ki-tô. Vậy làm thế nào để giúp thêm nhiều người trong hàng triệu học viên Kinh Thánh tiến bộ và báp-têm? Trong khi Đức Giê-hô-va còn kiên nhẫn cho người ta thời gian và cơ hội để trở thành môn đồ của Đấng Ki-tô, chúng ta muốn làm mọi điều có thể để giúp họ tiến bộ đến bước báp-têm càng sớm càng tốt. Thời gian không còn nhiều nữa!—1 Cô 7:29a; 1 Phi 4:7.

3. Liên quan đến học viên Kinh Thánh, chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài này?

3 Nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách là đào tạo môn đồ, các văn phòng chi nhánh được khảo sát về việc làm thế nào để giúp thêm các học viên tiến bộ đến bước báp-têm. Trong bài này và bài sau, chúng ta sẽ xem mình học được gì từ những tiên phong, giáo sĩ và giám thị vòng quanh dày dạn kinh nghiệm * (Châm 11:14; 15:22). Họ cho biết người dạy và học viên cần làm gì để cuộc học hỏi được hiệu quả. Bài này sẽ xem xét năm điều mỗi học viên cần làm để tiến bộ đều đặn đến bước báp-têm.

HỌC MỖI TUẦN

Hỏi học viên xem có thể ngồi xuống để cùng thảo luận Kinh Thánh không (Xem đoạn 4-6)

4. Chúng ta cần nhận ra điều gì về cuộc học hỏi Kinh Thánh trước cửa nhà?

4 Nhiều anh chị chúng ta hiện đang điều khiển học hỏi trước cửa nhà người chú ý. Đó là khởi đầu tốt để vun trồng sự chú ý của chủ nhà nơi Kinh Thánh, nhưng các cuộc thảo luận này thường diễn ra rất ngắn và không đều đặn mỗi tuần. Để vun trồng thêm sự chú ý của chủ nhà, một số anh chị đã xin người ấy thông tin liên lạc, rồi gọi điện hoặc nhắn tin vào những ngày khác để chia sẻ vắn tắt một ý tưởng trong Kinh Thánh. * Những cuộc thảo luận trước cửa nhà có lẽ diễn ra trong nhiều tháng mà không phát triển thành một cuộc học hỏi hiệu quả. Hãy thử nghĩ nếu học viên chỉ dành bấy nhiêu nỗ lực và thời gian để học hỏi Lời Đức Chúa Trời thì có thể tiến bộ đến bước dâng mình và báp-têm không? Có lẽ là không.

5. Những lời của Chúa Giê-su nơi Lu-ca 14:27-33 giúp chúng ta như thế nào trong việc đào tạo môn đồ?

5 Vào một dịp, Chúa Giê-su đưa ra minh họa về việc tính phí tổn nếu muốn trở thành môn đồ ngài. Ngài nói rằng một người muốn xây tháp thì trước hết phải “ngồi xuống tính phí tổn” xem mình hoàn tất được không, và một ông vua muốn ra trận thì trước hết phải “ngồi xuống bàn luận” xem quân mình có thể chiến thắng không. (Đọc Lu-ca 14:27-33). Tương tự, Chúa Giê-su biết rằng một người muốn trở thành môn đồ ngài cũng cần suy xét kỹ xem việc đi theo ngài bao hàm những gì. Để giúp học viên làm thế, chúng ta cần khuyến khích họ thảo luận Kinh Thánh mỗi tuần. Bằng cách nào?

6. Chúng ta có thể làm gì để giúp học viên tiến bộ? 

6 Hãy bắt đầu bằng cách tăng thêm thời gian học hỏi trước cửa nhà. Anh chị có thể thảo luận thêm một điểm trong Kinh Thánh vào mỗi lần viếng thăm. Rồi khi chủ nhà thoải mái với thời lượng học hỏi đó, hãy hỏi người ấy xem có nơi nào để ngồi xuống cùng thảo luận không. Cách đáp lại của chủ nhà sẽ cho biết người ấy xem trọng việc học hỏi Kinh Thánh đến mức nào. Để giúp học viên tiến bộ nhanh hơn, với thời gian có lẽ anh chị muốn hỏi học viên xem họ có thể học hai lần một tuần không. Tuy nhiên, cần làm nhiều hơn là chỉ học một hoặc hai lần mỗi tuần. 

CHUẨN BỊ CHO MỖI BUỔI HỌC

Chuẩn bị kỹ mỗi buổi học và chỉ cho học viên biết cách chuẩn bị (Xem đoạn 7-9)

7. Người dạy có thể chuẩn bị kỹ cho mỗi buổi học bằng cách nào?

7 người dạy, anh chị cần chuẩn bị kỹ cho mỗi buổi học. Anh chị có thể bắt đầu bằng cách đọc tài liệu và tra xem các câu Kinh Thánh. Nắm rõ những điểm chính. Nghĩ đến tựa bài, tiểu đề, câu hỏi, câu Kinh Thánh được ghi là “đọc”, hình ảnh và các video có thể dùng để giải thích chủ đề. Cũng hãy nghĩ đến học viên. Suy nghĩ về cách trình bày thông tin sao cho đơn giản, rõ ràng để giúp học viên dễ hiểu và áp dụng.—Nê 8:8; Châm 15:28a.

8. Những lời của Phao-lô nơi Cô-lô-se 1:9, 10 dạy chúng ta điều gì về việc cầu nguyện cho học viên? 

8 Một phần của việc chuẩn bị là cầu nguyện với Đức Giê-hô-va về học viên và nhu cầu của người ấy. Xin ngài giúp anh chị dạy dỗ sao cho động đến lòng học viên. (Đọc Cô-lô-se 1:9, 10). Cố gắng đoán trước những điều học viên có thể thấy khó hiểu hoặc khó chấp nhận. Hãy nhớ rằng mục tiêu của anh chị là giúp người ấy tiến bộ đến bước báp-têm. 

9. Làm thế nào người dạy có thể giúp học viên chuẩn bị cho buổi học?

9 Chúng ta mong là nhờ học Kinh Thánh đều đặn, học viên sẽ biết ơn những gì Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su đã làm và muốn tìm hiểu thêm (Mat 5:3, 6). Để nhận lợi ích trọn vẹn từ buổi thảo luận, học viên cần chú tâm vào bài học. Để giúp học viên làm thế, hãy nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuẩn bị cho mỗi buổi học bằng cách đọc trước tài liệu và suy ngẫm cách áp dụng. Người dạy có thể giúp như thế nào? Hãy cùng chuẩn bị một bài với học viên để người ấy biết cách làm. * Giải thích cho người ấy cách tìm câu trả lời trực tiếp cho câu hỏi in sẵn và chỉ đánh dấu những từ hoặc cụm từ chính sẽ giúp họ nhớ lại câu trả lời. Sau đó, hãy đề nghị người ấy trả lời bằng lời lẽ riêng. Khi học viên làm thế, anh chị sẽ biết người ấy hiểu điểm đó đến mức nào. Nhưng có một điều khác anh chị có thể khuyến khích học viên làm.

DẠY HỌC VIÊN TRÒ CHUYỆN VỚI ĐỨC GIÊ-HÔ-VA MỖI NGÀY

Dạy học viên cách trò chuyện với Đức Giê-hô-va (Xem đoạn 10, 11)

10. Tại sao việc đọc Kinh Thánh hằng ngày là điều quan trọng, và học viên cần làm gì để nhận lợi ích tối đa từ việc đọc Kinh Thánh?

10 Ngoài việc học Kinh Thánh hằng tuần với người dạy, học viên sẽ nhận được lợi ích khi tự làm một số điều khác mỗi ngày. Người ấy cần trò chuyện với Đức Giê-hô-va. Như thế nào? Bằng cách lắng nghe và nói chuyện với ngài. Người ấy có thể lắng nghe Đức Chúa Trời qua việc đọc Kinh Thánh hằng ngày (Giô-suê 1:8; Thi 1:1-3). Hãy chỉ cho học viên biết cách dùng “Chương trình đọc Kinh Thánh” có trên jw.org. * Dĩ nhiên, để giúp học viên nhận lợi ích tối đa từ việc đọc Kinh Thánh, người dạy cần khuyến khích họ suy ngẫm điều họ đọc cho biết gì về Đức Giê-hô-va và làm thế nào để áp dụng vào đời sống.—Công 17:11; Gia 1:25.

11. Điều gì giúp học viên cầu nguyện đúng cách, và tại sao việc học viên cầu nguyện thường xuyên là điều quan trọng?

11 Khuyến khích học viên nói chuyện với Đức Giê-hô-va bằng cách cầu nguyện với ngài mỗi ngày. Hãy dâng lời cầu nguyện chân thành lúc bắt đầu và kết thúc mỗi buổi học, và cầu nguyện cho học viên. Khi nghe lời cầu nguyện của anh chị, học viên sẽ biết cách cầu nguyện từ đáy lòng và cầu nguyện với Đức Giê-hô-va nhân danh Chúa Giê-su (Mat 6:9; Giăng 15:16). Hãy tưởng tượng việc đọc Kinh Thánh mỗi ngày (lắng nghe Đức Giê-hô-va) và cầu nguyện (nói chuyện với Đức Giê-hô-va) sẽ giúp học viên đến gần ngài tới mức nào! (Gia 4:8). Khi có những thói quen này, học viên sẽ vun đắp được một điều khác có thể giúp người ấy tiến đến bước dâng mình và báp-têm.

GIÚP HỌC VIÊN VUN ĐẮP MỐI QUAN HỆ VỚI ĐỨC GIÊ-HÔ-VA

12. Làm thế nào người dạy có thể giúp học viên vun đắp mối quan hệ với Đức Giê-hô-va?

12 Khi dạy Kinh Thánh, chúng ta không chỉ muốn học viên xem điều mình học là hợp lý nhưng cũng muốn điều đó động đến lòng họ. Tại sao? Vì lòng của chúng ta, bao gồm ước muốn và cảm xúc, sẽ thôi thúc mình hành động. Chúa Giê-su dùng lập luận hợp lý, thu hút sự chú ý của người nghe. Nhưng người ta đi theo ngài vì được động lòng bởi những điều ngài dạy (Lu 24:15, 27, 32). Học viên của anh chị cần xem Đức Giê-hô-va là đấng có thật và là đấng mà mình có thể xây đắp mối quan hệ. Người ấy cũng cần xem ngài là Cha, là Đức Chúa Trời và là Bạn của họ (Thi 25:4, 5). Trong những buổi học, hãy làm cho những phẩm chất của Đức Chúa Trời trở nên sống động (Xuất 34:5, 6; 1 Phi 5:6, 7). Khi thảo luận mỗi đề tài, hãy cho thấy rõ Đức Giê-hô-va là đấng như thế nào. Giúp học viên quý trọng những phẩm chất tuyệt vời của ngài, như yêu thương, nhân từ và trắc ẩn. Chúa Giê-su nói rằng “điều răn đầu tiên và quan trọng nhất” là “yêu thương Giê-hô-va Đức Chúa Trời” (Mat 22:37, 38). Vậy hãy cố gắng khắc ghi vào lòng học viên tình yêu thương sâu đậm dành cho Đức Chúa Trời.

13. Một cách để giúp học viên học về các phẩm chất của Đức Giê-hô-va là gì?

13 Trong những cuộc trò chuyện với học viên, hãy cho người ấy thấy anh chị yêu mến Đức Giê-hô-va sâu xa. Điều này có thể giúp học viên nhận ra mình cần vun đắp mối quan hệ nồng ấm với ngài (Thi 73:28). Chẳng hạn, có câu nào trong bài học hoặc trong câu Kinh Thánh nói về Đức Giê-hô-va động đến lòng anh chị không? Có thể câu đó nói về tình yêu thương, sự khôn ngoan, công bằng hoặc quyền năng của ngài. Hãy chia sẻ điều đó với học viên và cho người ấy biết đây là một trong nhiều lý do anh chị yêu mến Cha trên trời. Còn một điều khác mà mỗi học viên cần làm để tiến bộ đến bước báp-têm.

KHUYẾN KHÍCH HỌC VIÊN THAM DỰ NHÓM HỌP

Khuyến khích học viên tham dự nhóm họp càng sớm càng tốt (Xem đoạn 14, 15)

14. Theo Hê-bơ-rơ 10:24, 25, tại sao việc tham dự nhóm họp sẽ giúp học viên tiến bộ?

14 Ai trong chúng ta cũng muốn học viên tiến bộ đến bước báp-têm. Một cách quan trọng để giúp người ấy là khuyến khích họ tham dự nhóm họp. Những anh chị có kinh nghiệm trong việc dạy dỗ nói rằng các học viên sớm tham dự nhóm họp thì tiến bộ nhanh hơn (Thi 111:1). Một số anh chị giải thích với học viên rằng phân nửa chương trình học Kinh Thánh là qua những buổi học, còn phân nửa là qua các buổi nhóm họp. Đọc Hê-bơ-rơ 10:24, 25 cùng với học viên và cho biết những lợi ích người ấy nhận được khi tham dự nhóm họp. Cho họ xem video Điều gì diễn ra tại Phòng Nước Trời?. * Giúp học viên xem việc tham dự nhóm họp hằng tuần là một phần quan trọng trong đời sống.

15. Chúng ta có thể làm gì để khuyến khích học viên tham dự nhóm họp đều đặn?

15 Anh chị có thể làm gì nếu học viên chưa tham dự nhóm họp hoặc thỉnh thoảng mới tham dự? Hãy nhiệt tình chia sẻ với người ấy những điều anh chị học trong buổi nhóm gần đây. Điều này sẽ hữu hiệu hơn là chỉ mời họ tham dự nhóm họp. Đưa cho học viên Tháp Canh hoặc tờ Chương trình Lối sống và thánh chức sẽ được xem xét tại buổi nhóm tới. Cho họ xem những điều sẽ thảo luận tại buổi nhóm đó và hỏi xem phần nào thu hút họ nhất. Những điều học viên cảm nghiệm tại buổi nhóm đầu tiên sẽ khác xa với những gì người ấy từng thấy ở các buổi họp của tôn giáo khác (1 Cô 14:24, 25). Khi tham dự nhóm họp, học viên sẽ có cơ hội gặp những anh chị gương mẫu mà người ấy có thể noi theo và sẽ giúp họ tiến bộ đến bước báp-têm.

16. Chúng ta cần làm gì để giúp học viên tiến bộ đến bước báp-têm, và bài tới sẽ thảo luận điều gì?

16 Làm thế nào để giúp học viên tiến bộ đến bước báp-têm? Chúng ta có thể giúp học viên xem trọng các buổi học bằng cách khuyến khích họ học mỗi tuần và chuẩn bị cho mỗi buổi thảo luận. Chúng ta cũng muốn khuyến khích họ trò chuyện với Đức Giê-hô-va mỗi ngày và vun đắp mối quan hệ với ngài. Chúng ta muốn thôi thúc họ tham dự nhóm họp. (Xin xem khung “ Những điều học viên cần làm để tiến đến báp-têm”). Tuy nhiên, như sẽ xem trong bài tới, người dạy cần làm thêm năm điều khác để giúp học viên tiến bộ đến bước báp-têm.

BÀI HÁT 76 Lòng bạn cảm thấy làm sao?

^ đ. 5 Dạy một người nghĩa là giúp người ấy “suy nghĩ, cảm nhận hoặc hành động theo cách mới hoặc cách khác”. Câu Kinh Thánh cho năm 2020 được trích từ Ma-thi-ơ 28:19 nhắc chúng ta về tầm quan trọng của việc giúp người khác học Kinh Thánh và dạy họ cách để trở thành môn đồ đã báp-têm của Đấng Ki-tô. Bài này và bài sau sẽ xem làm thế nào chúng ta có thể cải thiện trong công việc quan trọng này.

^ đ. 2 GIẢI NGHĨA: Nếu dùng Kinh Thánh để thảo luận thường xuyên và có hệ thống thì có nghĩa là anh chị đang điều khiển một cuộc học hỏi Kinh Thánh. Anh chị có thể báo cáo cuộc học hỏi đó nếu đã điều khiển ít nhất hai lần sau khi cho người ấy xem cuộc học hỏi diễn ra như thế nào, và có cơ sở để tin rằng người ấy sẽ tiếp tục học.

^ đ. 3 Những bài này cũng có các gợi ý trong loạt bài “Cách điều khiển cuộc học hỏi hữu hiệu” được đăng nơi Thánh Chức Nước Trời từ tháng 7 năm 2004 đến tháng 5 năm 2005.

^ đ. 4 Khi tham gia mọi hình thức rao giảng, người công bố nên tuân theo luật về việc bảo vệ dữ liệu cá nhân, nếu áp dụng cho công việc của chúng ta.

^ đ. 9 Xin xem video dài bốn phút Giúp học viên chuẩn bị bài. Trong JW Library®, vào mục VIDEO/AUDIO > BUỔI HỌP VÀ THÁNH CHỨC > CẢI THIỆN KỸ NĂNG.

^ đ. 10 Xin xem bài “Bạn chọn đọc Kinh Thánh theo trình tự nào?” trên jw.org.

^ đ. 14 Trong JW Library®, vào mục VIDEO/AUDIO > BUỔI HỌP VÀ THÁNH CHỨC > NHỮNG CÔNG CỤ CHO THÁNH CHỨC.