Nhân từ—Một đức tính được biểu lộ qua lời nói và hành động
Một hành động nhân từ mang lại sự an ủi và khích lệ biết bao! Khi biết ai đó quan tâm đến mình, chúng ta thật cảm kích. Mỗi người trong chúng ta đều thích được đối xử nhân từ, vậy làm thế nào để vun trồng đức tính quý giá này?
Sự nhân từ bao hàm việc quan tâm chân thành đến lợi ích của người khác. Sự quan tâm này được thể hiện qua lời nói và hành động. Vì sự nhân từ phải đi đôi với hành động nên nó không đơn thuần là vẻ lịch sự và nhã nhặn bên ngoài, nhưng được thúc đẩy bởi tình yêu thương sâu đậm và lòng thấu cảm. Hơn thế, sự nhân từ là một phần của bông trái thần khí mà tín đồ đạo Đấng Ki-tô cần trau dồi (Ga 5:22, 23). Mỗi chúng ta đều cần vun trồng sự nhân từ, vì thế hãy xem cách Đức Giê-hô-va và Con ngài thể hiện đức tính này và làm thế nào chúng ta có thể noi gương hai đấng ấy.
ĐỨC GIÊ-HÔ-VA NHÂN TỪ VỚI MỌI NGƯỜI
Đức Giê-hô-va nhân từ và quan tâm đến tất cả mọi người, trong đó có “kẻ gian ác và vô ơn” (Lu 6:35). Chẳng hạn, Đức Giê-hô-va “làm mặt trời mọc lên soi sáng người ác lẫn người hiền và làm mưa cho người công chính lẫn người không công chính” (Mat 5:45). Vì thế, ngay cả những người không nhìn nhận Đức Giê-hô-va là Đấng Tạo Hóa vẫn hưởng lợi ích từ những sự cung cấp nhân từ của ngài và hạnh phúc ở mức độ nào đó.
Lòng nhân từ của Đức Giê-hô-va được thấy rõ qua những gì ngài làm cho A-đam và Ê-va. Sau khi phạm tội, A-đam và Ê-va đã “kết lá vả buộc quanh hông”. Nhưng Đức Giê-hô-va biết họ cần có đồ mặc thích hợp để sống bên ngoài vườn Ê-đen, là nơi đất bấy giờ bị rủa sả và mọc lên “gai góc”. Do đó, ngài thể hiện lòng nhân từ bằng cách làm “áo dài bằng da thú” cho họ.—Sáng 3:7, 17, 18, 21.
Dù Đức Giê-hô-va nhân từ với “người ác lẫn người hiền”, nhưng ngài đặc biệt muốn tỏ lòng nhân từ với những tôi tớ trung thành của ngài. Chẳng hạn, vào thời của nhà tiên tri Xa-cha-ri, một thiên sứ lo lắng khi thấy việc tái thiết đền thờ tại Giê-ru-sa-lem bị ngưng lại. Đức Giê-hô-va lắng nghe mối quan tâm của thiên sứ ấy và đáp lại với “lời nhân từ và an ủi” (Xa 1:12, 13). Đức Giê-hô-va cũng đối xử tương tự với nhà tiên tri Ê-li-gia. Có một thời điểm, nhà tiên tri này cảm thấy nản lòng đến mức ông xin Đức Giê-hô-va cho mình được chết. Đức Giê-hô-va quan tâm đến cảm xúc của Ê-li-gia và ngài đã sai một thiên sứ đến làm ông vững mạnh. Hơn nữa, Đức Chúa Trời còn trấn an nhà tiên tri rằng ông không đơn độc. Sau khi nhận được những lời nhân từ của Đức Giê-hô-va và sự giúp đỡ cần thiết, Ê-li-gia đã có thể tiếp tục thi hành nhiệm vụ (1 Vua 19:1-18). Trong vòng tôi tớ của Đức Chúa Trời, ai phản ánh đức tính nhân từ của ngài một cách trọn vẹn nhất?
CHÚA GIÊ-SU THỂ HIỆN LÒNG NHÂN TỪ LỚN LAO
Trong thời gian làm thánh chức trên đất, Chúa Giê-su được biết đến là người nhân từ Mat 11:28-30). Bởi lòng nhân từ của Chúa Giê-su, nhiều người được thúc đẩy đi theo ngài bất cứ nơi nào ngài đi. Chúa Giê-su đã “động lòng thương cảm” và cung cấp thức ăn cho họ, chữa lành bệnh tật và dạy họ “nhiều điều” về Cha ngài.—Mác 6:34; Mat 14:14; 15:32-38.
và đầy lòng quan tâm. Ngài không bao giờ đối xử khắc nghiệt hoặc áp đặt người khác. Với lòng thấu cảm, ngài nói: “Hãy đến với tôi, hỡi những ai nhọc nhằn và nặng gánh, tôi sẽ cho anh em được lại sức... vì ách của tôi dễ chịu” (Một bằng chứng cho thấy lòng nhân từ lớn lao của Chúa Giê-su là ngài thể hiện sự thấu hiểu trong việc đối xử với người khác. Dù hoàn cảnh không thuận tiện cho ngài, Chúa Giê-su vẫn nhân từ đón tiếp những người có lòng thành tìm kiếm ngài (Lu 9:10, 11). Chẳng hạn, hãy xem cách Chúa Giê-su đối xử với người phụ nữ mắc bệnh rong huyết suốt 12 năm. Dù biết mình bị ô uế nhưng bà đã chạm vào áo ngoài của Chúa Giê-su với hy vọng là mình sẽ hết bệnh (Lê 15:25-28). Thay vì khiển trách, Chúa Giê-su nói với bà những lời đầy lòng trắc ẩn: “Con gái ơi, đức tin của con đã chữa lành con. Hãy ra về bình an và khỏe mạnh, không phải chịu căn bệnh khổ sở này nữa” (Mác 5:25-34). Quả là một hành động nhân từ biết bao!
SỰ NHÂN TỪ PHẢI ĐI ĐÔI VỚI HÀNH ĐỘNG
Những ví dụ trên cho thấy sự nhân từ thật được biểu hiện qua hành động. Chúa Giê-su đã dùng ngụ ngôn về người Sa-ma-ri nhân lành để cho thấy tầm quan trọng của việc thể hiện lòng nhân từ qua hành động. Dù người Sa-ma-ri và người Do Thái thù ghét lẫn nhau, nhưng người đàn ông Sa-ma-ri trong ngụ ngôn này cảm thấy thương xót người đàn ông bị cướp, bị đánh đập và để mặc cho dở sống dở chết. Lòng nhân từ đã thôi thúc người Sa-ma-ri ấy hành động. Ông băng bó vết thương và đưa người gặp nạn đến một quán trọ. Rồi ông trả tiền cho chủ quán để chăm sóc cho người đàn ông bị thương và thậm chí đề nghị sẽ trả thêm chi phí nếu cần.—Lu 10:29-37.
Sự nhân từ thường được thể hiện bằng hành động, nhưng đức tính này cũng có thể được biểu lộ qua những lời khích lệ và ân cần. Vì thế, Kinh Thánh nói: “Nỗi lo trong lòng khiến lòng nặng trĩu, nhưng một lời lành khiến lòng phấn chấn” (Châm 12:25). Khi được thúc đẩy bởi lòng nhân từ và sự tốt lành, chúng ta sẽ chia sẻ với họ những điều khích lệ để giúp họ lên tinh thần. * Chúng ta cho thấy mình quan tâm đến người khác qua những lời nhân từ. Điều này sẽ giúp họ được thêm sức để đối mặt với các thử thách trong đời sống.—Châm 16:24.
VUN TRỒNG SỰ NHÂN TỪ
Vì được tạo ra theo “hình ảnh Đức Chúa Trời” nên bất cứ ai cũng có khả năng vun trồng đức tính nhân từ (Sáng 1:27). Chẳng hạn như Giu-lơ, một sĩ quan La Mã giải sứ đồ Phao-lô đến Rô-ma, đã đối xử “nhân từ với Phao-lô, cho phép ông đi gặp bạn bè để họ chăm sóc ông” tại thành Si-đôn (Công 27:3). Một thời gian sau, dân cư ở Man-ta đối xử “rất đỗi nhân từ” với Phao-lô cùng những người bị đắm tàu với ông. Người dân trên đảo này còn nhóm lửa để sưởi ấm những người gặp nạn (Công 28:1, 2). Đây là những hành động đáng khen. Tuy nhiên, sự nhân từ bao hàm nhiều hơn là chỉ thỉnh thoảng thể hiện hành động nhân từ với người khác.
Để làm hài lòng Đức Chúa Trời một cách trọn vẹn, chúng ta phải nỗ lực trau dồi sự nhân từ hầu đức tính này trở thành một phần trong nhân cách và lối sống của mình. Vì thế, Đức Giê-hô-va khuyên chúng ta hãy “mặc lấy” sự nhân từ (Cô 3:12). Nhưng không phải lúc nào cũng dễ để vun trồng đức tính tin kính này. Tại sao? Có lẽ chúng ta ngần ngại biểu lộ sự nhân từ vì nhút nhát, thiếu tự tin, bị chống đối hoặc trong lòng vẫn còn dấu vết của sự ích kỷ. Tuy nhiên, chúng ta có thể vượt qua bất cứ trở ngại nào khi nương cậy nơi thần khí thánh và noi theo cách Đức Giê-hô-va thể hiện lòng nhân từ.—1 Cô 2:12.
Chúng ta có nhận ra những khía cạnh mà mình cần cải thiện trong việc thể hiện lòng nhân từ không? Hãy tự hỏi: “Mình có lắng nghe người khác với sự thấu cảm không? Mình có để ý và nhận ra nhu cầu của họ không? Lần gần đây nhất mình thể hiện lòng nhân từ với một người không phải là người nhà hoặc bạn thân là khi nào?”. Tiếp theo, chúng ta có thể đặt mục tiêu, chẳng hạn như cố gắng hiểu rõ hơn về những người xung quanh mình, đặc biệt là các anh chị trong hội thánh. Qua cách này, chúng ta có thể biết về hoàn cảnh cũng như nhu cầu của họ. Sau đó, chúng ta nên cố gắng thể hiện lòng nhân từ với người khác theo cách mà mình muốn được đối xử nếu ở trong hoàn cảnh của họ (Mat 7:12). Rồi Đức Giê-hô-va sẽ ban phước khi chúng ta cầu xin ngài giúp mình vun trồng sự nhân từ.—Lu 11:13.
SỰ NHÂN TỪ THU HÚT NGƯỜI KHÁC
Khi liệt kê những điều nhận diện mình là người phụng sự Đức Chúa Trời, sứ đồ Phao-lô đã nhắc đến đức tính “nhân từ” (2 Cô 6:3-6). Người ta được thu hút đến với Phao-lô vì ông thể hiện lòng quan tâm đến họ qua hành động và lời nói nhân từ (Công 28:30, 31). Tương tự, chúng ta có thể thu hút người khác đến với chân lý qua cách đối xử nhân từ của mình. Khi thể hiện sự nhân từ với mọi người, bao gồm những người chống đối, chúng ta có thể xoa dịu và xua tan cơn tức giận của họ (Rô 12:20). Với thời gian, có thể họ sẽ chú ý đến thông điệp trong Kinh Thánh.
Trong địa đàng sắp đến, vô số người được sống lại hẳn sẽ vui mừng biết bao khi được cảm nghiệm sự nhân từ mà có thể họ chưa bao giờ nhận được. Rồi lòng biết ơn sẽ thúc đẩy họ thể hiện sự nhân từ với người khác. Bấy giờ, những ai từ chối thể hiện sự nhân từ và không muốn giúp đỡ người khác sẽ không có cơ hội sống mãi mãi trong địa đàng. Còn những người được Đức Chúa Trời ban cho sự sống vĩnh cửu sẽ đối xử với nhau một cách yêu thương và nhân từ (Thi 37:9-11). Thật là một thế giới bình yên và an ổn! Nhưng trong khi chờ đợi những ân phước đó, làm thế nào chúng ta có thể nhận được lợi ích của việc thể hiện lòng nhân từ ngay bây giờ?
LỢI ÍCH CỦA VIỆC THỂ HIỆN LÒNG NHÂN TỪ
Kinh Thánh nói: “Người nào nhân từ, chính mình được ích” (Châm 11:17). Người ta được thu hút đến với một người nhân từ, và thường họ cũng đối xử nhân từ với người đó. Chúa Giê-su nói: “Anh em đong cho người ta mực nào thì họ sẽ đong lại cho anh em mực ấy” (Lu 6:38). Thế nên, người nhân từ dễ tìm được bạn tốt và duy trì được những tình bạn ấy.
Sứ đồ Phao-lô khuyến giục anh em trong hội thánh ở Ê-phê-sô “hãy nhân từ với nhau, có lòng trắc ẩn dịu dàng, rộng lòng tha thứ nhau” (Ê-phê 4:32). Hội thánh sẽ nhận được nhiều lợi ích khi các anh chị trong hội thánh thể hiện lòng thấu cảm, sự nhân từ và giúp đỡ lẫn nhau. Những anh chị như thế sẽ không bao giờ nói những lời cay nghiệt, mỉa mai hoặc chỉ trích. Thay vì lan truyền những chuyện thày lay, họ cố gắng dùng lời nói để giúp ích cho người khác (Châm 12:18). Kết quả là cả hội thánh được vững mạnh và phụng sự Đức Chúa Trời với lòng vui mừng.
Thật vậy, nhân từ là một đức tính được thể hiện qua lời nói và hành động. Khi biểu lộ lòng nhân từ, chúng ta phản ánh tính rộng rãi và sự nồng ấm của Đức Chúa Trời, Đức Giê-hô-va (Ê-phê 5:1). Nhờ đó, chúng ta làm vững mạnh hội thánh và thu hút người khác đến với sự thờ phượng thanh sạch. Mong sao chúng ta luôn được biết đến là người nhân từ!
^ đ. 13 Đức tính tốt lành sẽ được xem xét trong một bài sắp tới của loạt chín bài về “bông trái của thần khí”.