Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 46

Hãy can đảm—Đức Giê-hô-va là đấng giúp đỡ anh chị!

Hãy can đảm—Đức Giê-hô-va là đấng giúp đỡ anh chị!

“Ta sẽ không bao giờ lìa con và chẳng bao giờ bỏ con”.​—HÊ 13:5.

BÀI HÁT 55 Đừng sợ chúng!

GIỚI THIỆU *

1. Điều gì sẽ an ủi chúng ta khi cảm thấy đơn độc hoặc choáng ngợp trước khó khăn? (Thi thiên 118:5-7)

Anh chị có bao giờ cảm thấy đơn độc và không có ai ở bên để giúp mình đương đầu với thử thách không? Nhiều người cảm thấy như thế, trong đó có các tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va (1 Vua 19:14). Nếu anh chị ở trong tình huống này, hãy nhớ lời hứa sau của Đức Giê-hô-va: “Ta sẽ không bao giờ lìa con và chẳng bao giờ bỏ con”. Vì thế, chúng ta có thể nói với lòng tin chắc: “Đức Giê-hô-va là đấng giúp đỡ tôi; tôi sẽ chẳng sợ hãi gì” (Hê 13:5, 6). Sứ đồ Phao-lô viết những lời ấy cho anh em ở Giu-đê vào khoảng năm 61 CN. Lời của ông nhắc chúng ta nhớ đến ý tưởng được viết nơi Thi thiên 118:5-7.—Đọc.

2. Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài này, và tại sao?

2 Như người viết Thi thiên, qua kinh nghiệm cá nhân, Phao-lô biết rằng Đức Giê-hô-va là đấng giúp đỡ ông. Chẳng hạn, hơn hai năm trước khi viết thư cho tín đồ người Hê-bơ-rơ, Phao-lô đã trải qua một chuyến hải trình đầy giông bão (Công 27:4, 15, 20). Trong chuyến đi ấy và cả những năm trước đó, Đức Giê-hô-va đã chứng tỏ là đấng giúp đỡ Phao-lô qua nhiều cách. Hãy xem ba cách mà Đức Giê-hô-va đã giúp Phao-lô, đó là qua Chúa Giê-su và các thiên sứ, qua viên chức chính quyền và qua anh em đồng đạo. Khi xem xét những sự kiện này trong đời sống của Phao-lô, chúng ta sẽ càng tin cậy nơi lời hứa của Đức Chúa Trời là ngài sẽ đáp lời khi chúng ta cầu xin sự giúp đỡ.

SỰ TRỢ GIÚP TỪ CHÚA GIÊ-SU VÀ CÁC THIÊN SỨ

3. Có lẽ Phao-lô suy nghĩ điều gì, và tại sao?

3 Phao-lô cần sự trợ giúp. Vào khoảng năm 56 CN, Phao-lô bị một đám đông lôi ra ngoài đền thờ tại Giê-ru-sa-lem và cố giết ông. Hôm sau, khi bị giải đến Tòa Tối Cao, Phao-lô suýt bị kẻ thù xé xác (Công 21:30-32; 22:30; 23:6-10). Vào thời điểm đó, có lẽ ông suy nghĩ: “Không biết mình có thể chịu đựng được bao lâu nữa?”.

4. Đức Giê-hô-va đã giúp Phao-lô như thế nào qua Chúa Giê-su?

4 Phao-lô nhận được sự trợ giúp nào? Đêm hôm sau khi Phao-lô bị bắt, “Chúa”, tức Chúa Giê-su, đến nói với ông: “Hãy can đảm lên! Anh đã làm chứng cặn kẽ về tôi ở Giê-ru-sa-lem thế nào thì cũng phải làm chứng như vậy ở Rô-ma” (Công 23:11). Quả là sự khích lệ đúng lúc! Chúa Giê-su khen Phao-lô vì đã làm chứng về ngài ở Giê-ru-sa-lem. Ngài cũng đảm bảo rằng ông sẽ đến Rô-ma và tiếp tục làm chứng tại đó. Sau khi nghe lời đảm bảo ấy, hẳn Phao-lô cảm thấy an toàn như đứa trẻ ở trong vòng tay cha.

Trong một cơn bão lớn trên biển, một thiên sứ đảm bảo với Phao-lô rằng tất cả mọi người trên thuyền sẽ được sống sót (Xem đoạn 5)

5. Đức Giê-hô-va đã giúp Phao-lô như thế nào qua một thiên sứ? (Xem hình nơi trang bìa).

5 Phao-lô phải đương đầu với những thử thách nào khác? Khoảng hai năm sau những sự kiện xảy ra ở Giê-ru-sa-lem, Phao-lô đáp thuyền đến Ý và gặp một cơn bão dữ dội đến độ thủy thủ và hành khách tưởng rằng họ sẽ chết. Nhưng Phao-lô không sợ hãi. Tại sao? Ông nói với mọi người trên thuyền: “Đêm qua, một thiên sứ của Đức Chúa Trời, đấng tôi thờ phượng và phụng sự, đã hiện ra đứng bên tôi nói rằng: ‘Hỡi Phao-lô, đừng sợ. Anh phải đứng trước mặt Sê-sa. Và này, vì anh mà Đức Chúa Trời sẽ cứu cả những người đi cùng thuyền với anh’”. Đức Giê-hô-va đã dùng một thiên sứ để lặp lại lời đảm bảo mà ngài từng hứa với Phao-lô qua Chúa Giê-su. Cuối cùng, Phao-lô đã đến được Rô-ma an toàn đúng như Đức Chúa Trời hứa.—Công 27:20-25; 28:16.

6. Lời hứa nào của Chúa Giê-su thêm sức cho chúng ta, và tại sao?

6 Chúng ta nhận được sự trợ giúp nào? Chúa Giê-su sẽ hỗ trợ chúng ta như ngài đã hỗ trợ Phao-lô. Chẳng hạn, Chúa Giê-su hứa với tất cả các môn đồ: “Tôi sẽ luôn ở cùng anh em cho đến khi thế gian này kết thúc” (Mat 28:20). Trong nguyên ngữ, từ được dịch là “luôn” có nghĩa đen là “mọi ngày”. Những lời trên của Chúa Giê-su cho thấy ngài ở cùng chúng ta mỗi ngày. Tại sao điều này là nguồn sức mạnh cho chúng ta? Vì có những ngày chúng ta thấy rất khó để chịu đựng. Ví dụ khi mất người thân, chúng ta phải đương đầu với nỗi đau không chỉ vài ngày mà rất có thể là nhiều năm. Một số người phải đối phó với những ngày khó khăn của tuổi già. Số khác thì đương đầu với những ngày bị đắm chìm trong cảm xúc buồn nản. Dù vậy, chúng ta có sức mạnh để bước tiếp vì biết rằng Chúa Giê-su ở cùng mình mỗi ngày, kể cả vào những ngày đen tối nhất.—Mat 11:28-30.

Các thiên sứ hỗ trợ và hướng dẫn khi chúng ta tham gia công việc rao giảng (Xem đoạn 7)

7. Theo Khải huyền 14:6, ngày nay Đức Giê-hô-va giúp chúng ta qua cách nào?

7 Kinh Thánh đảm bảo rằng Đức Giê-hô-va giúp chúng ta qua các thiên sứ (Hê 1:7, 14). Chẳng hạn, các thiên sứ hỗ trợ và hướng dẫn khi chúng ta rao truyền ‘tin mừng về Nước Trời’ cho người thuộc “mọi nước, mọi chi phái, mọi thứ tiếng”.—Mat 24:13, 14; đọc Khải huyền 14:6.

SỰ TRỢ GIÚP TỪ VIÊN CHỨC CHÍNH QUYỀN

8. Đức Giê-hô-va đã giúp Phao-lô như thế nào qua một viên chỉ huy quân đội?

8 Phao-lô nhận được sự trợ giúp nào? Vào năm 56 CN, Chúa Giê-su đảm bảo với Phao-lô rằng ông sẽ đến Rô-ma. Tuy nhiên, một số người Do Thái ở Giê-ru-sa-lem đã bày mưu để phục kích giết Phao-lô. Khi viên chỉ huy quân đội La Mã là Cơ-lo-đi-ô Ly-si-a biết được âm mưu này, ông đã giúp Phao-lô. Ông lập tức sai một nhóm lính bảo vệ Phao-lô và giải ông đến Sê-sa-rê theo lộ trình cách Giê-ru-sa-lem khoảng 105km. Tại Sê-sa-rê, quan tổng đốc Phê-lích lệnh cho “canh giữ ông trong dinh Hê-rốt”. Nhờ vậy Phao-lô thoát khỏi bàn tay của những kẻ muốn giết ông.—Công 23:12-35.

9. Quan tổng đốc Phê-tô đã giúp Phao-lô như thế nào?

9 Hai năm sau, Phao-lô vẫn bị giam ở Sê-sa-rê. Lúc này Phê-tô đã làm quan tổng đốc kế nhiệm Phê-lích. Người Do Thái nài xin Phê-tô giải Phao-lô đến Giê-ru-sa-lem để xét xử ở đó, nhưng Phê-tô từ chối. Có lẽ quan tổng đốc đã biết về việc người Do Thái “bày mưu để phục kích và giết Phao-lô dọc đường”.—Công 24:27–25:5.

10. Quan tổng đốc Phê-tô phản ứng thế nào khi Phao-lô kháng án lên Sê-sa?

10 Sau đó, Phao-lô bị xét xử ở Sê-sa-rê. Vì Phê-tô “muốn làm hài lòng người Do Thái”, nên ông hỏi Phao-lô: “Ngươi có muốn lên Giê-ru-sa-lem để được xét xử trước mặt ta về vụ này không?”. Phao-lô biết mình có thể sẽ bị giết ở Giê-ru-sa-lem, ông cũng biết mình cần làm gì để giữ mạng sống, đến được Rô-ma và thi hành thánh chức. Ông nói: “Tôi kháng án lên Sê-sa!”. Sau khi bàn luận với các cố vấn, Phê-tô tuyên bố: “Ngươi đã kháng án lên Sê-sa thì sẽ đến Sê-sa”. Quyết định có lợi của Phê-tô đã giải cứu Phao-lô khỏi kẻ thù. Không lâu sau, Phao-lô được giải đến Rô-ma, cách xa những người Do Thái muốn giết ông.—Công 25:6-12.

11. Có lẽ Phao-lô đã suy ngẫm về những lời an ủi nào mà Ê-sai viết?

11 Trong khi chờ đợi để bắt đầu chuyến hải trình đến Ý, có lẽ Phao-lô đã suy ngẫm lời cảnh báo mà nhà tiên tri Ê-sai được soi dẫn để viết cho những kẻ chống lại Đức Giê-hô-va: “Cứ lập mưu đi nhưng nó sẽ bị phá hỏng! Cứ nói tùy ý nhưng lời ấy sẽ không thành, vì Đức Chúa Trời ở cùng chúng tôi!” (Ê-sai 8:10). Phao-lô biết rằng Đức Chúa Trời sẽ giúp ông, và hẳn điều này đã thêm sức cho ông để đương đầu với những thử thách phía trước.

Như trong quá khứ, ngày nay Đức Giê-hô-va có thể thôi thúc các viên chức chính quyền bảo vệ tôi tớ ngài (Xem đoạn 12)

12. Giu-lơ đối xử với Phao-lô như thế nào, và hẳn Phao-lô nhận thấy điều gì?

12 Vào năm 58 CN, Phao-lô bắt đầu chuyến hải trình đến Ý. Là tù nhân, ông ở dưới quyền của viên sĩ quan La Mã tên là Giu-lơ. Kể từ lúc đó, Giu-lơ có quyền đối xử với Phao-lô một cách tàn nhẫn hoặc nhân từ. Ông đã dùng quyền ấy ra sao? Hôm sau, khi họ vào bờ, “Giu-lơ cư xử nhân từ với Phao-lô, cho phép ông đi gặp bạn bè”. Sau đó, Giu-lơ còn bảo vệ mạng sống của Phao-lô. Như thế nào? Quân lính quyết định giết tất cả tù nhân trên thuyền nhưng Giu-lơ đã ngăn cản. Tại sao? Vì ông “muốn cứu Phao-lô”. Hẳn Phao-lô nhận thấy Đức Giê-hô-va đang dùng viên sĩ quan nhân từ ấy để giúp đỡ và bảo vệ mình.—Công 27:1-3, 42-44.

Xem đoạn 13

13. Đức Giê-hô-va có thể dùng các viên chức chính quyền theo cách nào?

13 Chúng ta nhận được sự trợ giúp nào? Khi phù hợp với ý định của ngài, Đức Giê-hô-va có thể dùng thần khí mạnh mẽ để khiến cho các viên chức chính quyền làm điều mà ngài muốn. Vua Sa-lô-môn viết: “Lòng vua như dòng nước trong tay Đức Giê-hô-va. Ngài hướng nó về đâu tùy ý ngài” (Châm 21:1). Câu Châm ngôn này có nghĩa gì? Loài người có thể đào kênh để rẽ nước theo hướng mình muốn. Tương tự, Đức Giê-hô-va có thể dùng thần khí để “rẽ” tư tưởng của những nhà cầm quyền theo hướng phù hợp với ý định của ngài. Khi Đức Giê-hô-va làm thế, các viên chức chính quyền được thúc đẩy để quyết định có lợi cho dân ngài.—So sánh Ê-xơ-ra 7:21, 25, 26.

14. Phù hợp với Công vụ 12:5, chúng ta có thể cầu nguyện cho ai?

14 Chúng ta có thể làm gì? Chúng ta có thể cầu nguyện cho “các vua cùng tất cả các bậc cầm quyền” khi những người ấy đưa ra quyết định ảnh hưởng đến thánh chức và đời sống của tín đồ đạo Đấng Ki-tô (1 Ti 2:1, 2; Nê 1:11). Như các tín đồ vào thế kỷ thứ nhất, chúng ta cũng khẩn thiết cầu nguyện cho anh em đang bị tù. (Đọc Công vụ 12:5; Hê 13:3). Ngoài ra, chúng ta cũng có thể cầu nguyện cho những người quản tù đang giám sát anh em đồng đạo. Chúng ta có thể nài xin Đức Giê-hô-va tác động đến suy nghĩ của những người ấy để họ được thúc đẩy hành động giống như Giu-lơ và đối xử “nhân đạo” với anh em trong chốn lao tù.—Công 27:3, chú thích.

SỰ TRỢ GIÚP TỪ ANH EM ĐỒNG ĐẠO

15, 16. Đức Giê-hô-va đã giúp Phao-lô thế nào qua A-ri-ta-cơ và Lu-ca?

15 Phao-lô nhận được sự trợ giúp nào? Trong chuyến hành trình đến Rô-ma, Phao-lô nhiều lần nhận được sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va qua anh em đồng đạo. Hãy xem vài ví dụ.

16 Hai người bạn đồng hành trung thành của Phao-lô là A-ri-ta-cơ và Lu-ca quyết định đi cùng ông đến Rô-ma. * Họ sẵn sàng liều mình để ở bên cạnh Phao-lô, dù không nơi nào trong Kinh Thánh cho biết Chúa Giê-su đảm bảo với họ là họ sẽ đến Rô-ma an toàn. Chỉ sau này trong chuyến hải trình gian khổ ấy, họ mới biết mạng sống của mình sẽ được bảo toàn. Vì thế, khi A-ri-ta-cơ và Lu-ca lên thuyền ở Sê-sa-rê, hẳn Phao-lô đã cầu nguyện với Đức Giê-hô-va từ đáy lòng, cảm tạ ngài về sự trợ giúp mà ngài cung cấp qua hai người bạn can đảm ấy.—Công 27:1, 2, 20-25.

17. Đức Giê-hô-va đã giúp Phao-lô như thế nào qua anh em đồng đạo?

17 Trong suốt chuyến hành trình, Phao-lô nhiều lần được anh em đồng đạo giúp đỡ. Chẳng hạn, khi đến thành phố cảng Si-đôn, Giu-lơ cho phép Phao-lô “đi gặp bạn bè để họ chăm sóc ông”. Sau đó, tại thành Bu-tê-ô-li, Phao-lô và các bạn đồng hành ‘gặp các anh em và anh em nài nỉ họ ở lại bảy ngày’. Trong thời gian Phao-lô và các bạn đồng hành được anh em ở những nơi đó chăm sóc, chắc hẳn Phao-lô cũng chia sẻ những kinh nghiệm mang lại sự khích lệ và niềm vui cho họ. (So sánh Công vụ 15:2, 3). Sau khi được lên tinh thần, Phao-lô và các bạn đồng hành tiếp tục chuyến hành trình.—Công 27:3; 28:13, 14.

Như Phao-lô, chúng ta được Đức Giê-hô-va giúp đỡ qua anh em đồng đạo (Xem đoạn 18)

18. Điều gì khiến Phao-lô cảm tạ Đức Chúa Trời và được vững lòng?

18 Khi đi bộ về phía Rô-ma, hẳn Phao-lô nghĩ về những điều mình viết ba năm trước cho hội thánh tại thành ấy: “Đã nhiều năm tôi mong mỏi đến với anh em” (Rô 15:23). Nhưng ông không bao giờ nghĩ mình sẽ là một tù nhân khi đến đó. Hẳn Phao-lô được khích lệ biết bao khi thấy anh em từ Rô-ma đang chờ ở dọc đường để chào đón ông! “Thấy họ, Phao-lô tạ ơn Đức Chúa Trời và được vững lòng” (Công 28:15). Hãy lưu ý là Phao-lô đã cảm tạ Đức Chúa Trời khi thấy anh em. Tại sao? Vì một lần nữa, Phao-lô nhận thấy Đức Giê-hô-va đang giúp đỡ ông qua anh em đồng đạo.

Xem đoạn 19

19. Như được nói nơi 1 Phi-e-rơ 4:10, Đức Giê-hô-va có thể dùng chúng ta như thế nào để giúp đỡ những ai đang gặp khó khăn?

19 Chúng ta có thể làm gì? Anh chị có biết ai trong hội thánh đang nản lòng vì bị bệnh, mất người thân hoặc đương đầu với vấn đề khác không? Nếu biết một anh chị đang gặp khó khăn, hãy xin Đức Giê-hô-va giúp mình nói hoặc làm những điều nhân từ và yêu thương cho người ấy. Có thể lời nói và hành động của chúng ta chính là sự khích lệ mà anh chị ấy đang cần. (Đọc 1 Phi-e-rơ 4:10). * Những người được chúng ta giúp có lẽ sẽ lấy lại niềm tin chắc nơi lời hứa của Đức Giê-hô-va: “Ta sẽ không bao giờ lìa con và chẳng bao giờ bỏ con”. Chẳng phải điều đó khiến anh chị vui mừng sao?

20. Tại sao chúng ta có thể nói với lòng tin chắc: “Đức Giê-hô-va là đấng giúp đỡ tôi”?

20 Như Phao-lô và các bạn đồng hành, chúng ta cũng trải qua những sóng gió trên đường đời. Nhưng chúng ta biết rằng mình có thể can đảm vì Đức Giê-hô-va ở cùng mình. Ngài giúp chúng ta qua Chúa Giê-su và các thiên sứ. Đức Giê-hô-va cũng có thể trợ giúp chúng ta qua các viên chức chính quyền khi điều đó phù hợp với ý định ngài. Ngoài ra, Đức Giê-hô-va dùng thần khí để thúc đẩy tôi tớ ngài giúp đỡ anh em và nhiều người trong chúng ta đã cảm nghiệm được sự giúp đỡ ấy. Vì thế, như Phao-lô, chúng ta có lý do chính đáng để nói với lòng tin chắc: “Đức Giê-hô-va là đấng giúp đỡ tôi; tôi sẽ chẳng sợ hãi gì. Loài người làm chi tôi được?”.—Hê 13:6.

BÀI HÁT 38 Ngài sẽ làm chúng ta mạnh mẽ

^ đ. 5 Bài này xem xét ba cách Đức Giê-hô-va đã giúp sứ đồ Phao-lô đương đầu với thử thách. Khi xem cách ngài chứng tỏ là đấng giúp đỡ trong quá khứ, chúng ta sẽ càng tin chắc ngài cũng sẽ giúp đỡ khi chúng ta phải đương đầu với những sóng gió trong đời sống.

^ đ. 16 Trước đó, A-ri-ta-cơ và Lu-ca đã đồng hành cùng Phao-lô. Những người nam đáng tin cậy này cũng ở lại với Phao-lô khi ông bị tù ở Rô-ma.—Công 16:10-12; 20:4; Cô 4:10, 14.