Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 49

Đức Giê-hô-va sẽ đáp lời cầu nguyện của chúng ta không?

Đức Giê-hô-va sẽ đáp lời cầu nguyện của chúng ta không?

“Các con sẽ kêu cầu ta và đến cầu nguyện với ta, còn ta thì sẽ nghe các con”.—GIÊ 29:12.

BÀI HÁT 41 Xin nghe lời cầu nguyện của con

GIỚI THIỆU a

1, 2. Tại sao có lẽ chúng ta cảm thấy Đức Giê-hô-va không đáp lời cầu nguyện của mình?

 “Hãy hoan hỉ nơi Đức Giê-hô-va, ngài sẽ ban cho điều lòng anh em ao ước” (Thi 37:4). Quả là lời hứa tuyệt vời! Nhưng chúng ta có nên mong đợi là Đức Giê-hô-va sẽ ban cho chúng ta mọi điều mình cầu xin ngay lập tức không? Tại sao chúng ta lại đặt câu hỏi đó? Hãy xem những tình huống sau. Một chị độc thân cầu nguyện về việc tham dự Trường dành cho người rao truyền Nước Trời. Nhưng vài năm trôi qua, chị vẫn chưa được mời tham dự trường. Một anh trẻ cầu xin Đức Giê-hô-va cho mình khỏi bệnh nặng để có thể phục vụ hội thánh nhiều hơn. Nhưng tình trạng sức khỏe của anh vẫn không cải thiện. Một bậc cha mẹ cầu xin cho con mình luôn ở trong chân lý. Nhưng con họ quyết định ngưng phụng sự Đức Giê-hô-va.

2 Có lẽ anh chị cũng cầu xin Đức Giê-hô-va điều gì đó mà vẫn chưa nhận được. Vì thế, có thể anh chị nghĩ Đức Giê-hô-va đáp lời cầu nguyện của người khác nhưng không đáp lời cầu nguyện của mình. Hoặc có thể anh chị lý luận chắc hẳn mình đã làm điều gì đó sai. Một chị tên là Janice b cũng cảm thấy như thế. Vợ chồng chị cầu nguyện về ước muốn phụng sự tại Bê-tên. Chị nói: “Tôi tin là mình sẽ sớm được mời vào Bê-tên”. Nhưng nhiều tháng rồi nhiều năm trôi qua, họ vẫn chưa được mời. Chị Janice kể: “Tôi cảm thấy buồn và bối rối. Tôi băn khoăn không biết mình đã làm gì khiến Đức Giê-hô-va thất vọng. Tôi đã cầu xin cụ thể về việc phụng sự tại Bê-tên. Tại sao Đức Giê-hô-va chưa đáp lời?”.

3. Bài này sẽ xem xét điều gì?

3 Đôi khi chúng ta có thể thắc mắc là liệu Đức Giê-hô-va có nghe lời cầu nguyện của mình hay không. Ngay cả một số người trung thành vào thời xưa cũng thắc mắc như thế (Gióp 30:20; Thi 22:2; Ha-ba 1:2). Điều gì có thể giúp anh chị tin chắc Đức Giê-hô-va sẽ đáp lời cầu nguyện của mình? (Thi 65:2). Để biết câu trả lời, trước hết chúng ta cần giải đáp những câu hỏi sau: (1) Chúng ta có thể mong đợi điều gì từ Đức Giê-hô-va? (2) Đức Giê-hô-va muốn chúng ta làm gì? (3) Tại sao có lẽ chúng ta cần điều chỉnh một số lời cầu xin của mình?

CHÚNG TA CÓ THỂ MONG ĐỢI ĐIỀU GÌ TỪ ĐỨC GIÊ-HÔ-VA?

4. Theo Giê-rê-mi 29:12, Đức Giê-hô-va hứa làm gì?

4 Đức Giê-hô-va hứa sẽ lắng nghe lời cầu nguyện của chúng ta. (Đọc Giê-rê-mi 29:12). Vì yêu thương các tôi tớ trung thành, Đức Giê-hô-va không bao giờ lờ đi lời cầu nguyện của họ (Thi 10:17; 37:28). Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là ngài sẽ ban cho chúng ta mọi thứ mình cầu xin. Có thể chúng ta phải đợi cho tới khi thế giới mới đến thì mới nhận được một số điều mình xin.

5. Đức Giê-hô-va xem xét điều gì khi nghe lời cầu nguyện của chúng ta? Hãy giải thích.

5 Đức Giê-hô-va xem xét những điều chúng ta cầu xin liên quan thế nào đến ý định tối hậu của ngài (Ê-sai 55:8, 9). Một phần của ý định đó là trái đất có đầy những người nam và nữ vui mừng hợp nhất dưới sự cai trị của ngài. Nhưng Sa-tan cho rằng con người sẽ hạnh phúc hơn nếu tự cai trị lẫn nhau (Sáng 3:1-5). Để chứng tỏ điều hắn nói là dối trá, Đức Giê-hô-va cho phép con người tự cai trị. Nhưng sự cai trị của con người gây ra nhiều vấn đề mà chúng ta gặp phải hiện nay (Truyền 8:9). Chúng ta hiểu rằng Đức Giê-hô-va sẽ không loại bỏ tất cả những vấn đề ấy vào lúc này. Nếu ngài làm thế, có lẽ một số người sẽ cho rằng sự cai trị của con người là hiệu quả, có thể giải quyết được các vấn đề của nhân loại.

6. Tại sao chúng ta cần tin chắc Đức Giê-hô-va sẽ luôn làm điều đúng và công bằng?

6 Đức Giê-hô-va có thể đáp lại những lời cầu nguyện tương tự theo những cách khác nhau. Chẳng hạn, khi vua Ê-xê-chia lâm bệnh nặng, ông nài xin Đức Giê-hô-va cho mình được lành bệnh. Ngài đã đáp lời bằng cách chữa lành cho ông (2 Vua 20:1-6). Nhưng khi sứ đồ Phao-lô van nài Đức Giê-hô-va lấy đi “cái gai xóc vào thịt”, có thể là một vấn đề về sức khỏe, thì ngài không loại bỏ vấn đề ấy (2 Cô 12:7-9). Cũng hãy xem trường hợp của các sứ đồ Gia-cơ và Phi-e-rơ. Vua Hê-rốt muốn xử tử cả hai người. Hội thánh đã cầu nguyện cho Phi-e-rơ và hẳn cũng đã làm thế cho Gia-cơ. Tuy nhiên, Gia-cơ bị xử tử, còn Phi-e-rơ thì được giải cứu bằng phép lạ (Công 12:1-11). Có lẽ chúng ta thắc mắc tại sao Đức Giê-hô-va giải cứu Phi-e-rơ mà lại không giải cứu Gia-cơ? Kinh Thánh không cho biết lý do. c Nhưng chúng ta có thể tin chắc đường lối của Đức Giê-hô-va “chẳng bao giờ bất công” (Phục 32:4). Và chúng ta biết rằng cả Phi-e-rơ lẫn Gia-cơ đều được ngài chấp nhận (Khải 21:14). Đôi khi Đức Giê-hô-va có thể không đáp lời cầu nguyện của chúng ta theo cách chúng ta mong đợi. Nhưng vì tin chắc ngài luôn đáp lời cầu nguyện một cách yêu thương và công bằng, nên chúng ta không than phiền về cách ngài đáp lời.—Gióp 33:13.

7. Chúng ta cố gắng tránh làm gì, và tại sao?

7 Chúng ta cố gắng tránh so sánh trường hợp của mình với người khác. Chẳng hạn, chúng ta có thể cầu xin Đức Giê-hô-va giúp mình theo một cách cụ thể nhưng không nhận được. Rồi sau đó, chúng ta biết một anh chị khác cũng cầu nguyện tương tự, và dường như được Đức Giê-hô-va ban cho. Một chị tên là Anna cũng gặp trường hợp đó. Chị cầu nguyện cho chồng là anh Matthew khỏi bệnh ung thư. Lúc ấy, có hai chị Nhân Chứng lớn tuổi cũng phải chống chọi với bệnh ung thư. Chị Anna đã cầu nguyện tha thiết cho chồng và hai chị lớn tuổi kia. Cuối cùng, hai chị khỏi bệnh, còn anh Matthew thì qua đời. Lúc đầu, chị Anna thắc mắc có phải các chị ấy bình phục là nhờ sự can thiệp của Đức Giê-hô-va hay không. Nếu đúng là như vậy thì tại sao ngài lại không đáp lời cầu nguyện cho chồng chị khỏi bệnh? Dĩ nhiên, chúng ta không biết lý do hai chị ấy bình phục. Nhưng điều chúng ta biết là Đức Giê-hô-va có giải pháp vĩnh viễn cho mọi đau khổ của mình, và ngài mong mỏi làm cho những người bạn đã qua đời của ngài được sống lại.—Gióp 14:15.

8. (a) Theo Ê-sai 43:2, Đức Giê-hô-va trợ giúp chúng ta như thế nào? (b) Làm thế nào lời cầu nguyện có thể giúp chúng ta khi gặp thử thách cam go? (Xem video Cầu nguyện giúp chúng ta chịu đựng).

8 Đức Giê-hô-va sẽ luôn hỗ trợ chúng ta. Là Cha yêu thương, Đức Giê-hô-va không muốn thấy chúng ta phải chịu đau khổ (Ê-sai 63:9). Dù vậy, ngài không bảo vệ chúng ta khỏi mọi thử thách, là những điều có thể được ví như sông hoặc lửa. (Đọc Ê-sai 43:2). Tuy nhiên, ngài hứa là sẽ giúp chúng ta “băng qua” chúng. Và ngài sẽ không để cho những thử thách khiến chúng ta chịu thiệt hại lâu dài. Đức Giê-hô-va cũng ban thần khí thánh mạnh mẽ để giúp chúng ta chịu đựng (Lu 11:13; Phi-líp 4:13). Nhờ thế, chúng ta có thể tin chắc mình sẽ luôn có đúng điều mình cần để chịu đựng và giữ lòng trung thành với ngài. d

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA MUỐN CHÚNG TA LÀM GÌ?

9. Theo Gia-cơ 1:6, 7, tại sao chúng ta cần tin chắc Đức Giê-hô-va sẽ giúp mình?

9 Đức Giê-hô-va muốn chúng ta tin cậy ngài (Hê 11:6). Đôi khi những thử thách của chúng ta tưởng chừng không thể vượt qua được. Thậm chí, có thể chúng ta bắt đầu nghi ngờ Đức Giê-hô-va có giúp mình không. Nhưng Kinh Thánh đảm bảo rằng nhờ sức Đức Chúa Trời, chúng ta có thể “vượt bức tường cản” (Thi 18:29). Vậy, thay vì tiếp tục nghi ngờ, chúng ta nên cầu nguyện với đức tin mạnh mẽ, tin chắc là Đức Giê-hô-va sẽ đáp lời cầu nguyện của mình.—Đọc Gia-cơ 1:6, 7.

10. Hãy nêu ví dụ về cách chúng ta có thể hành động phù hợp với lời cầu nguyện.

10 Đức Giê-hô-va muốn chúng ta hành động phù hợp với lời cầu nguyện. Giả sử một anh cầu xin ngài giúp mình được nghỉ làm để tham dự hội nghị vùng. Đức Giê-hô-va có thể đáp lời cầu nguyện của anh như thế nào? Có lẽ ngài ban cho anh sự can đảm cần thiết để đến gặp chủ. Nhưng anh vẫn cần hành động bằng cách xin được nghỉ. Có thể anh phải xin nhiều lần, thậm chí đề nghị đổi ca với đồng nghiệp. Và nếu cần, anh có thể xin nghỉ những ngày đó mà không có lương.

11. Tại sao chúng ta nên cầu nguyện nhiều lần về mối quan tâm của mình?

11 Đức Giê-hô-va muốn chúng ta cầu nguyện nhiều lần về mối quan tâm của mình (1 Tê 5:17). Chúa Giê-su ngụ ý rằng một số lời cầu xin của chúng ta không được đáp lại ngay (Lu 11:9). Vì thế, đừng bỏ cuộc! Hãy cầu nguyện tha thiết và nhiều lần (Lu 18:1-7). Khi tiếp tục cầu nguyện về một vấn đề, chúng ta cho Đức Giê-hô-va thấy điều mình cầu xin không phải chỉ là ước muốn nhất thời. Chúng ta cũng cho thấy mình tin chắc Đức Giê-hô-va có khả năng giúp mình.

TẠI SAO CÓ LẼ CHÚNG TA CẦN ĐIỀU CHỈNH MỘT SỐ LỜI CẦU XIN?

12. (a) Chúng ta nên tự đặt câu hỏi nào về điều mình cầu xin, và tại sao? (b) Làm thế nào để chắc chắn rằng lời cầu nguyện của mình cho thấy lòng tôn trọng đối với Đức Giê-hô-va? (Xem khung “ Lời cầu xin của tôi có thể hiện sự tôn trọng đối với Đức Giê-hô-va không?”).

12 Nếu không nhận được điều mình cầu xin, chúng ta có thể tự hỏi ba câu hỏi. Thứ nhất là: “Điều mình cầu xin có phù hợp không?”. Thường thì chúng ta nghĩ mình biết điều gì là tốt nhất cho mình. Nhưng những điều chúng ta cầu xin có thể không mang lại lợi ích lâu dài. Nếu chúng ta cầu nguyện về một vấn đề, thì có thể có giải pháp tốt hơn giải pháp mà mình cầu xin. Và một số điều chúng ta cầu xin có thể không phù hợp với ý muốn của Đức Giê-hô-va (1 Giăng 5:14). Chẳng hạn, hãy trở lại tình huống của bậc cha mẹ được đề cập ở đầu bài. Họ đã cầu xin Đức Giê-hô-va cho con mình luôn ở trong chân lý. Dường như đó là lời cầu nguyện phù hợp. Nhưng Đức Giê-hô-va không ép buộc bất cứ ai phải phụng sự ngài. Ngài muốn mọi người, kể cả con cái của chúng ta, chọn thờ phượng ngài (Phục 10:12, 13; 30:19, 20). Thế nên, thay vì cầu nguyện như trên, bậc cha mẹ đó có thể cầu xin Đức Giê-hô-va giúp họ động đến lòng con, nhờ thế con được thúc đẩy để yêu thương Đức Giê-hô-va và trở thành bạn ngài.—Châm 22:6; Ê-phê 6:4.

13. Theo Hê-bơ-rơ 4:16, khi nào Đức Giê-hô-va sẽ giúp chúng ta? Hãy giải thích.

13 Câu hỏi thứ hai là: “Đây có phải là lúc Đức Giê-hô-va đáp lời cầu xin của mình không?”. Có thể chúng ta cảm thấy lời cầu nguyện của mình cần được đáp lại ngay. Nhưng thật ra, Đức Giê-hô-va biết thời điểm nào là tốt nhất để trợ giúp. (Đọc Hê-bơ-rơ 4:16). Khi không nhận được ngay điều mình cầu xin, có thể chúng ta nghĩ câu trả lời của ngài là: “Không”. Nhưng câu trả lời của ngài có thể là: “Chưa đến lúc”. Chẳng hạn, hãy nhớ lại tình huống của anh trẻ được nói đến ở đầu bài đã cầu xin được khỏi bệnh. Nếu Đức Giê-hô-va dùng phép lạ để chữa lành cho anh, thì Sa-tan có thể cho rằng anh ấy tiếp tục phụng sự ngài chỉ vì được lành bệnh (Gióp 1:9-11; 2:4). Ngoài ra, Đức Giê-hô-va cũng đã ấn định thời điểm chữa lành mọi bệnh tật (Ê-sai 33:24; Khải 21:3, 4). Từ nay đến lúc đó, chúng ta không mong đợi ngài dùng phép lạ để chữa bệnh. Vì thế, anh đó có thể cầu xin Đức Giê-hô-va ban cho mình sức mạnh và sự bình an để chịu đựng bệnh tật cũng như tiếp tục trung thành phụng sự ngài.—Thi 29:11.

14. Anh chị học được gì từ trường hợp của chị Janice?

14 Hãy nhớ lại trường hợp của chị Janice đã cầu xin về việc phụng sự ở Bê-tên. Phải mất 5 năm chị mới hiểu được cách Đức Giê-hô-va đáp lời cầu nguyện của mình. Chị nói: “Đức Giê-hô-va dùng khoảng thời gian đó để dạy dỗ và tinh luyện tôi. Tôi cần tin cậy ngài hơn và cải thiện thói quen học hỏi cá nhân. Tôi cũng cần tìm niềm vui nội tâm, là điều không phụ thuộc vào hoàn cảnh”. Sau này, vợ chồng chị Janice được mời làm công việc vòng quanh. Nhìn lại quãng thời gian đó, chị cho biết: “Đức Giê-hô-va đã đáp lời cầu nguyện của tôi, dù không phải theo cách tôi mong đợi. Phải mất một thời gian, tôi mới nhận thấy cách đáp lại của ngài thật tuyệt vời. Tôi biết ơn vì đã cảm nghiệm được tình yêu thương và lòng nhân từ của ngài”.

Nếu cảm thấy mình chưa được Đức Giê-hô-va đáp lời, hãy nghĩ đến việc cầu xin những điều khác (Xem đoạn 15) f

15. Tại sao có thể chúng ta cần mở rộng điều mình cầu xin? (Cũng xem các hình).

15 Câu hỏi thứ ba là: “Mình có nên cầu xin về điều khác không?”. Dù cầu nguyện cụ thể là điều tốt, nhưng đôi khi chúng ta có thể nhận ra ý muốn của Đức Giê-hô-va dành cho mình bằng cách mở rộng điều chúng ta cầu nguyện. Hãy trở lại tình huống của chị độc thân cầu nguyện với Đức Giê-hô-va về việc tham dự Trường dành cho người rao truyền Nước Trời. Chị muốn tham dự để có thể phụng sự ở nơi có nhu cầu lớn hơn. Vì thế, trong khi cầu nguyện về việc tham dự trường, chị cũng có thể cầu xin Đức Giê-hô-va giúp mình tìm những cơ hội khác để mở rộng thánh chức (Công 16:9, 10). Rồi chị có thể hành động phù hợp với lời cầu nguyện bằng cách hỏi giám thị vòng quanh xem có hội thánh nào gần đó đang cần thêm tiên phong không. Hoặc chị có thể viết thư cho văn phòng chi nhánh để hỏi xem nơi nào có nhu cầu lớn hơn về người công bố Nước Trời. e

16. Chúng ta có thể tin chắc điều gì?

16 Như đã thảo luận, chúng ta có thể tin chắc Đức Giê-hô-va sẽ đáp lời cầu nguyện của mình một cách yêu thương và công bằng (Thi 4:3; Ê-sai 30:18). Có thể chúng ta không được đáp lời như mình mong muốn, nhưng Đức Giê-hô-va không bao giờ lờ đi lời cầu nguyện của chúng ta. Ngài yêu thương chúng ta rất nhiều và sẽ không bao giờ từ bỏ chúng ta (Thi 9:10). Vậy hãy tiếp tục “tin cậy ngài mọi lúc”, trút đổ lòng mình với ngài qua lời cầu nguyện.—Thi 62:8.

BÀI HÁT 43 Lời cầu nguyện tạ ơn

a Bài này sẽ cho biết lý do chúng ta có thể tin chắc Đức Giê-hô-va luôn đáp lại lời cầu nguyện của chúng ta một cách yêu thương và công bằng.

b Một số tên đã được thay đổi.

c Xem bài “Anh chị có tin cậy đường lối của Đức Giê-hô-va không?” trong Tháp Canh tháng 2 năm 2022 đ. 3-6.

d Để biết thêm thông tin về cách Đức Giê-hô-va giúp chúng ta chịu đựng thử thách cam go, xem video Cầu nguyện giúp chúng ta chịu đựng trên jw.org.

e Để biết chỉ dẫn về cách phụng sự ở khu vực của chi nhánh khác, xem sách Được tổ chức để thi hành ý muốn Đức Giê-hô-va, chg 10, đ. 6-9.

f HÌNH ẢNH: Hai chị cầu nguyện trước khi nộp đơn tham dự Trường dành cho người rao truyền Nước Trời. Sau đó, một chị được mời, còn chị kia thì không. Thay vì quá thất vọng, chị không được mời đã cầu xin Đức Giê-hô-va giúp mình tìm cơ hội khác để mở rộng thánh chức. Rồi chị viết thư cho văn phòng chi nhánh, xin phụng sự ở nơi có nhu cầu lớn hơn.