Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Đấng Tạo Hóa muốn các bạn trẻ hạnh phúc

Đấng Tạo Hóa muốn các bạn trẻ hạnh phúc

“Ngài cho đời ta thỏa nguyện với điều tốt lành”.THI 103:5.

BÀI HÁT: 135, 39

1, 2. Khi lựa chọn các mục tiêu trong đời sống, tại sao điều khôn ngoan là lắng nghe Đấng Tạo Hóa? (Xem hình nơi đầu bài).

Nếu là một người trẻ, rất có thể bạn nhận được nhiều lời khuyên về tương lai. Giáo viên, nhà tư vấn học đường hoặc người khác có thể khuyến khích bạn học lên cao và theo đuổi sự nghiệp kiếm nhiều tiền. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va khuyên bạn hành động khác. Dĩ nhiên, ngài muốn bạn học hành chăm chỉ để có thể tự kiếm sống sau khi tốt nghiệp phổ thông (Cô 3:23). Nhưng ngài cũng biết khi còn trẻ, bạn cần quyết định những điều quan trọng ảnh hưởng đến tương lai của mình. Vì vậy, ngài cung cấp những nguyên tắc để hướng dẫn và giúp bạn sống đẹp lòng ngài trong thời kỳ cuối cùng này.—Mat 24:14.

2 Cũng hãy nhớ rằng Đức Giê-hô-va thấy được mọi điều. Ngài biết chuyện gì sắp xảy ra với thế gian hiện nay và ngài cũng biết thời điểm kết thúc của thế gian này gần đến mức nào (Ê-sai 46:10; Mat 24:3, 36). Đức Giê-hô-va cũng hiểu rõ chúng ta. Ngài biết điều gì làm chúng ta thật sự thỏa lòng và hạnh phúc, cũng như điều gì khiến chúng ta thất vọng và đau khổ. Vì thế, dù lời khuyên của con người có vẻ hợp lý đến đâu, nhưng nếu không dựa trên Lời Đức Chúa Trời, thì đó vẫn không phải là lời khuyên khôn ngoan.—Giê 8:9.

“KHÔNG CÓ SỰ KHÔN NGOAN” KHI CHỐNG LẠI ĐỨC GIÊ-HÔ-VA

3, 4. Việc nghe theo lời khuyên tai hại ảnh hưởng thế nào đến A-đam, Ê-va và con cháu họ?

3 Ngay từ thời đầu lịch sử nhân loại đã có những lời khuyên tai hại. Sa-tan là kẻ đầu tiên đưa ra lời khuyên như thế. Là một kẻ tự phụ và cho mình quyền khuyên bảo, Sa-tan nói với Ê-va rằng vợ chồng bà sẽ hạnh phúc hơn nếu chọn lối sống cho riêng mình (Sáng 3:1-6). Nhưng thật ra Sa-tan có động cơ ích kỷ. Hắn muốn A-đam, Ê-va cùng con cháu họ phục tùng và thờ phượng hắn thay vì Đức Giê-hô-va. Nhưng hắn đã làm gì cho họ? Chính Đức Giê-hô-va đã ban cho họ mọi thứ, kể cả người bạn đời, ngôi nhà là khu vườn xinh đẹp và cơ thể hoàn hảo với triển vọng sống mãi mãi.

4 Đáng buồn là A-đam và Ê-va bất tuân với Đức Chúa Trời. Họ đã tự tách khỏi Đức Giê-hô-va, và như bạn biết, hậu quả thật tai hại. Giống như hoa bị ngắt khỏi cành, cặp vợ chồng này dần héo hon và cuối cùng là chết. Con cái của họ cũng phải gánh chịu hậu quả của tội lỗi (Rô 5:12). Dù vậy, đa số người ta vẫn chọn không vâng lời Đức Chúa Trời. Họ muốn sống theo ý mình (Ê-phê 2:1-3). Hậu quả cho thấy rõ là “không có sự khôn ngoan” khi chống lại Đức Giê-hô-va.—Châm 21:30.

5. Đức Chúa Trời tin chắc điều gì nơi con người và niềm tin đó có đặt đúng chỗ không?

5 Nhưng Đức Giê-hô-va biết rằng một số người, kể cả người trẻ, sẽ tìm kiếm và phụng sự ngài (Thi 103:17, 18; 110:3). Ngài quý trọng những người trẻ ấy biết bao! Bạn có nằm trong số đó không? Nếu có thì hẳn bạn đang hưởng nhiều “điều tốt lành” từ Đức Chúa Trời, là những điều giúp bạn hạnh phúc. (Đọc Thi thiên 103:5; Châm 10:22). Chúng ta sẽ thảo luận bốn trong số những “điều tốt lành” ấy, đó là thức ăn thiêng liêng dư dật, những người bạn tốt nhất, các mục tiêu đầy ý nghĩa và sự tự do thật.

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA ĐÁP ỨNG NHU CẦU TÂM LINH CỦA BẠN

6. Tại sao bạn cần quan tâm đến nhu cầu tâm linh của mình, và Đức Giê-hô-va ban điều gì cho bạn?

6 Không giống các loài vật, bạn có nhu cầu tâm linh và chỉ Đấng Tạo Hóa mới có thể đáp ứng nhu cầu ấy (Mat 4:4). Khi lắng nghe ngài với lòng biết ơn, bạn có sự sáng suốt, khôn ngoan và hạnh phúc. Chúa Giê-su nói: “Hạnh phúc cho những người ý thức về nhu cầu tâm linh của mình” (Mat 5:3). Đức Chúa Trời đáp ứng nhu cầu tâm linh của bạn bằng cách ban Lời ngài và ban thức ăn thiêng liêng dư dật qua “đầy tớ trung tín và khôn ngoan” (Mat 24:45). Thật vui thích khi nhận được thức ăn thiêng liêng phong phú và bổ dưỡng ấy!—Ê-sai 65:13, 14.

7. Thức ăn thiêng liêng giúp bạn như thế nào?

7 Thức ăn thiêng liêng sẽ giúp bạn có sự khôn ngoan và khả năng suy xét, nhờ đó được bảo vệ trong nhiều khía cạnh. (Đọc Châm ngôn 2:10-14). Chẳng hạn, các phẩm chất này giúp bạn nhận ra những dạy dỗ sai lầm như quan điểm cho rằng không có Đấng Tạo Hóa. Bạn cũng không bị lừa gạt bởi lời dối trá cho rằng tiền bạc và tài sản là bí quyết để có hạnh phúc. Các phẩm chất ấy cũng giúp bạn nhận ra và kháng cự ước muốn sai trái cũng như hành vi tự hủy hoại bản thân. Vì thế, hãy tiếp tục tìm kiếm sự khôn ngoan và khả năng suy xét theo ý muốn của Đức Chúa Trời. Khi có những phẩm chất quý giá ấy, bạn sẽ cảm nghiệm được rằng Đức Giê-hô-va yêu quý mình và muốn điều tốt nhất cho mình.—Thi 34:8; Ê-sai 48:17, 18.

8. Tại sao bạn cần đến gần Đức Chúa Trời ngay bây giờ, và điều đó sẽ giúp bạn thế nào trong tương lai?

8 Chẳng bao lâu nữa, mọi thành phần của thế gian Sa-tan sẽ bị sụp đổ. Lúc đó, chỉ Đức Giê-hô-va mới có thể bảo vệ chúng ta và cung cấp những thứ chúng ta cần. Có thể chúng ta phải tùy thuộc vào ngài để có từng bữa ăn (Ha-ba 3:2, 12-19). Đúng vậy, giờ là lúc để đến gần Cha yêu thương trên trời và củng cố lòng tin nơi ngài (2 Phi 2:9). Nếu làm thế thì dù chuyện gì xảy ra xung quanh, bạn cũng sẽ có cảm nghĩ như người viết Thi thiên là Đa-vít: “Con luôn luôn để Đức Giê-hô-va trước mặt. Ngài bên tay hữu nên con chẳng hề nao núng”.—Thi 16:8.

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA BAN CHO NHỮNG NGƯỜI BẠN TỐT NHẤT

9. (a) Giăng 6:44 cho biết Đức Giê-hô-va làm gì? (b) Có điều gì đặc biệt khi gặp một Nhân Chứng khác?

9 Đức Giê-hô-va kéo những người có lòng thành đến với sự thờ phượng thật và mời họ trở thành một phần trong gia đình thiêng liêng của ngài. (Đọc Giăng 6:44). Nếu lần đầu gặp một người không theo chân lý thì bạn biết gì về người đó? Ngoài tên và ngoại hình của người ấy, có lẽ bạn biết rất ít thông tin khác. Nhưng khi bạn gặp một người biết và yêu mến Đức Giê-hô-va thì không như vậy. Dù người ấy có xuất thân, chủng tộc hoặc văn hóa khác nhưng bạn và người ấy đã biết nhiều về nhau.

Đức Giê-hô-va muốn chúng ta có những người bạn tốt nhất và đặt mục tiêu thiêng liêng (Xem đoạn 9-12)

10, 11. Dân của Đức Giê-hô-va có điểm chung nào, và điều này đem lại lợi ích nào cho chúng ta?

10 Chẳng hạn, bạn nhanh chóng nhận ra hai người đều có điểm chung là nói “ngôn ngữ thanh sạch” của chân lý (Xô 3:9). Nhờ vậy, hai người đều hiểu niềm tin của nhau, chẳng hạn về Đức Chúa Trời, tiêu chuẩn đạo đức và hy vọng về tương lai. Đây là những điều quan trọng nhất chúng ta cần biết về một người để xây dựng lòng tin nơi người ấy. Đây cũng là nền tảng của một tình bạn lành mạnh và lâu bền.

11 Có thể nói rằng khi thờ phượng Đức Giê-hô-va, bạn có những người bạn tốt nhất. Họ ở khắp nơi trên thế giới, cho dù bạn chưa bao giờ gặp họ. Có ai khác ngoài dân của Đức Giê-hô-va được hưởng món quà quý giá ấy không?

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA BAN CHO BẠN NHỮNG MỤC TIÊU ĐẦY Ý NGHĨA

12. Bạn có thể đặt những mục tiêu thiêng liêng nào?

12 Đọc Truyền đạo 11:9–12:1. Bạn có đang vươn tới một hoặc nhiều mục tiêu thiêng liêng không? Có lẽ bạn đang cố gắng đọc một đoạn Kinh Thánh mỗi ngày, cải thiện phẩm chất của lời bình luận và bài giảng hoặc dùng Kinh Thánh hữu hiệu hơn trong thánh chức. Bạn cảm thấy thế nào khi biết mình đã tiến bộ, hoặc khi người khác nhận ra điều đó và khen bạn? Hẳn bạn vui vì đã đạt được thành quả. Thật ra, bạn cũng nên cảm thấy như thế vì mình đang đặt ý muốn của Đức Giê-hô-va lên trên ý muốn của bản thân, giống như Chúa Giê-su đã làm.—Thi 40:8; Châm 27:11.

13. Theo đuổi mục tiêu thiêng liêng tốt hơn theo đuổi mục tiêu của thế gian như thế nào?

13 Khi tập trung vào mục tiêu thiêng liêng, bạn cũng đang làm một công việc thật sự thỏa nguyện, vì công việc đó không hề vô ích. Sứ đồ Phao-lô viết: “Hãy kiên định, không lay chuyển, luôn làm công việc Chúa một cách dư dật, vì biết rằng công sức của anh em trong việc phụng sự Chúa chẳng phải là vô ích” (1 Cô 15:58). Còn những người theo đuổi mục tiêu và tham vọng của thế gian, thì dù đời sống họ có vẻ thành công nhưng cuối cùng cũng vô ích (Lu 9:25). Chúng ta có thể học được điều này từ vua Sa-lô-môn.—Rô 15:4.

14. Bạn học được gì từ cuộc thử nghiệm của Sa-lô-môn?

14 Sa-lô-môn là người vô cùng giàu sang và có nhiều quyền lực. Ông đã thực hiện một cuộc thử nghiệm. Ông tự nhủ: “Mình hãy thử lạc thú, xem nó có đem lại chi tốt không” (Truyền 2:1-10). Sa-lô-môn xây nhà, thiết kế những khu vườn và công viên. Ông làm bất cứ điều gì mình muốn. Nhưng cuối cùng ông có cảm thấy mãn nguyện và hạnh phúc không? Chúng ta không cần phải đoán vì Sa-lô-môn cho biết: “Ta nhìn lại mọi công trình chính tay mình đã làm..., thảy là hư không... Chẳng điều gì thật sự có giá trị” (Truyền 2:11). Quả là một bài học đáng nhớ! Bạn sẽ khắc ghi bài học đó không?

15. Tại sao có đức tin là điều quan trọng? Theo Thi thiên 32:8, đức tin sẽ giúp ích ra sao?

15 Đức Giê-hô-va không muốn bạn phải trải qua kinh nghiệm đau thương mới rút ra bài học. Đành rằng bạn cần có đức tin để vâng lời Đức Chúa Trời và đặt ý muốn của ngài lên hàng đầu trong đời sống. Nhưng đức tin như thế là điều vô giá và không bao giờ khiến bạn thất vọng. Đúng vậy, Đức Giê-hô-va không bao giờ quên “tình yêu thương [bạn] đã thể hiện đối với danh ngài” (Hê 6:10). Vì thế, hãy nỗ lực xây dựng một đức tin mạnh để có những quyết định khôn ngoan, nhờ thế bạn sẽ thấy rõ Cha trên trời muốn điều tốt nhất cho mình.—Đọc Thi thiên 32:8.

ĐỨC CHÚA TRỜI BAN CHO BẠN SỰ TỰ DO THẬT

16. Tại sao chúng ta cần quý trọng sự tự do và dùng nó một cách khôn ngoan?

16 Phao-lô viết: “Nơi nào có thần khí của Đức Giê-hô-va thì nơi đó có tự do” (2 Cô 3:17). Đúng vậy, Đức Giê-hô-va quý trọng sự tự do, và ngài đặt trong lòng bạn sự quý trọng đó. Tuy nhiên, ngài cũng muốn bạn dùng sự tự do một cách có trách nhiệm, và điều đó sẽ bảo vệ bạn. Có lẽ bạn biết những người trẻ xem tài liệu khiêu dâm, quan hệ tình dục vô luân, chơi những môn thể thao mạo hiểm, lạm dụng rượu hoặc dùng ma túy. Có thể những người đó cảm thấy phấn khích hoặc khoái lạc trong chốc lát. Nhưng thường thì họ phải trả giá đắt, có lẽ là bệnh tật, nghiện ngập hoặc ngay cả tính mạng (Ga 6:7, 8). Rõ ràng, những người trẻ đó nghĩ rằng họ có “sự tự do” nhưng thật ra họ đang tự dối mình.—Tít 3:3.

17, 18. (a) Việc vâng lời Đức Chúa Trời giúp chúng ta được tự do như thế nào? (b) Sự tự do ban đầu của A-đam và Ê-va khác với sự tự do của con người ngày nay ra sao?

17 Trái lại, việc vâng lời Đức Giê-hô-va có lợi cho sức khỏe và giúp chúng ta được tự do (Thi 19:7-11). Hơn nữa, khi dùng sự tự do một cách khôn ngoan, tức là phù hợp với luật pháp và nguyên tắc hoàn hảo của Đức Chúa Trời, bạn cho ngài và cha mẹ thấy mình là người có trách nhiệm. Khi đó, có thể cha mẹ sẽ cho bạn nhiều tự do hơn. Thực tế, ý định của Đức Chúa Trời là ban cho các tôi tớ trung thành sự tự do hoàn hảo mà Kinh Thánh gọi là “sự tự do vinh hiển của con cái Đức Chúa Trời”.—Rô 8:21.

18 A-đam và Ê-va từng được hưởng sự tự do như thế. Trong vườn Ê-đen, Đức Chúa Trời đặt ra bao nhiêu giới hạn cho họ? Chỉ một mà thôi. Họ không được phép ăn trái của một cây (Sáng 2:9, 17). Bạn có xem đó là mệnh lệnh hà khắc hoặc nặng nề không? Dĩ nhiên không. Hãy so sánh mệnh lệnh đó với vô số luật lệ trong xã hội mà người ta buộc phải biết và tuân theo.

19. Chúng ta đang được dạy điều gì để trở thành người tự do?

19 Đức Giê-hô-va đối xử khôn ngoan với tôi tớ ngài. Thay vì ban vô số điều luật, ngài kiên nhẫn dạy chúng ta làm theo điều luật về tình yêu thương. Đức Giê-hô-va muốn chúng ta sống theo các nguyên tắc của ngài và ghét điều ác (Rô 12:9). Bài giảng trên núi của Chúa Giê-su là một ví dụ điển hình về điều đó, vì cho biết nguyên nhân sâu xa của những việc làm sai trái (Mat 5:27, 28). Là Vua Nước Trời, Chúa Giê-su sẽ tiếp tục giáo dục chúng ta trong thế giới mới để chúng ta có thể hoàn toàn phản ánh quan điểm của ngài về sự công chính và gian ác (Hê 1:9). Ngài cũng sẽ giúp chúng ta đạt đến sự hoàn hảo về cả thể chất lẫn tinh thần. Hãy hình dung bạn không còn khuynh hướng tội lỗi và cũng không còn phải gánh chịu hậu quả tai hại của tội lỗi. Cuối cùng, bạn sẽ được hưởng “sự tự do vinh hiển” Đức Giê-hô-va hứa ban cho bạn.

20. (a) Đức Giê-hô-va dùng sự tự do của ngài như thế nào? (b) Bạn có thể noi gương ngài ra sao?

20 Dĩ nhiên, sự tự do của chúng ta sẽ không bao giờ là tuyệt đối, vì tình yêu thương dành cho Đức Chúa Trời và người đồng loại chi phối hành động của chúng ta. Khi để tình yêu thương chi phối, chúng ta đang bắt chước Đức Giê-hô-va. Dù có sự tự do tuyệt đối nhưng Đức Giê-hô-va chọn để tình yêu thương chi phối cách ngài đối xử với các tạo vật thông minh (1 Giăng 4:7, 8). Vì thế, điều hợp lý là chúng ta chỉ có được sự tự do thật khi noi gương Đức Chúa Trời.

21. (a) Đa-vít có cảm nghĩ nào về Đức Giê-hô-va? (b) Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài tới?

21 Đức Giê-hô-va ban cho bạn mọi “điều tốt lành”, như thức ăn thiêng liêng dư dật, những người bạn tốt, các mục tiêu đầy ý nghĩa và triển vọng được tự do thật (Thi 103:5). Bạn có biết ơn ngài về những điều đó không? Nếu có, mong sao bạn có cùng cảm nghĩ với Đa-vít khi ông cầu nguyện: “Ngài cho con biết nẻo đường sự sống. Ở trước mặt ngài, vui sướng đầy tràn; bên tay hữu ngài, hạnh phúc bất tận” (Thi 16:11). Trong bài tới, chúng ta sẽ xem xét những viên ngọc thiêng liêng khác nơi bài Thi thiên 16. Những viên ngọc thiêng liêng ấy sẽ giúp bạn biết cách để có đời sống tốt nhất.