Anh chị có phải là cộng sự tốt không?
“Ta đã ở bên ngài làm thợ cả,… luôn luôn vui mừng tại trước mặt ngài” (Châm 8:30). Đó là cách Kinh Thánh miêu tả về Con Đức Chúa Trời trong thời gian hàng thiên niên kỷ mà ngài làm việc với Cha trước khi xuống thế. Hãy lưu ý câu này cũng cho biết Chúa Giê-su cảm thấy thế nào khi là cộng sự của Đức Chúa Trời; ngài “vui mừng” trước mặt Cha.
Chúa Giê-su đã học được những phẩm chất giúp ngài sau này trở thành một cộng sự tuyệt vời của những người kết hợp với ngài trên đất. Làm thế nào để nhận được lợi ích từ gương của Chúa Giê-su? Khi xem xét kỹ gương của ngài, chúng ta có thể nhận ra ba nguyên tắc giúp mình trở thành cộng sự tốt. Những nguyên tắc này cũng sẽ giúp chúng ta đẩy mạnh tinh thần hợp nhất.
NGUYÊN TẮC 1: ‘HÃY BIỂU LỘ LÒNG TÔN TRỌNG LẪN NHAU’
Một cộng sự tốt thì khiêm nhường. Người ấy quý trọng người cùng làm việc với mình và không khoe khoang về bản thân. Sự khiêm nhường như thế là điều Chúa Giê-su học được từ Cha. Dù chỉ Đức Giê-hô-va mới xứng đáng được gọi là Đấng Tạo Hóa, nhưng ngài hướng sự chú ý đến vai trò của Con ngài và cũng là cộng sự của ngài. Chúng ta thấy điều đó qua những lời sau của Đức Chúa Trời: “Chúng ta hãy làm nên con người theo hình ảnh chúng ta” (Sáng 1:26). Hẳn Chúa Giê-su thấy rõ sự khiêm nhường của Đức Giê-hô-va qua điều này.—Thi 18:35.
Khi ở trên đất, Chúa Giê-su cũng thể hiện tính khiêm nhường. Khi được khen về những điều ngài làm, ngài đã quy điều đó cho Đức Chúa Trời (Mác 10:17, 18; Giăng 7:15, 16). Chúa Giê-su nỗ lực giữ sự hòa thuận với các môn đồ và xem họ là bạn chứ không phải là đầy tớ (Giăng 15:15). Thậm chí ngài rửa chân cho họ để dạy họ bài học về sự khiêm nhường (Giăng 13:5, 12-14). Chúng ta cũng nên quý trọng cộng sự của mình thay vì đặt quyền lợi bản thân lên trên quyền lợi của họ. Khi chúng ta “biểu lộ lòng tôn trọng lẫn nhau” và không chú tâm về việc ai sẽ nhận công trạng thì nhiều việc sẽ được thực hiện hơn.—Rô 12:10.
Một người khiêm nhường cũng nhận biết rằng “đâu có nhiều cố vấn, đó có được thành công” (Châm 15:22). Dù có kinh nghiệm hay khả năng nào, chúng ta phải nhớ rằng không con người nào biết tất cả mọi điều. Ngay cả Chúa Giê-su cũng nhìn nhận là có những điều ngài không biết (Mat 24:36). Hơn nữa, ngài muốn biết suy nghĩ của các môn đồ bất toàn (Mat 16:13-16). Không ngạc nhiên gì khi các cộng sự của Chúa Giê-su cảm thấy thoải mái lúc ở gần ngài! Tương tự, khi khiêm nhường nhìn nhận giới hạn của bản thân và để người khác góp phần, chúng ta đẩy mạnh sự hòa thuận với họ và cùng nhau “có được thành công”.
Đặc biệt các trưởng lão cần noi gương Chúa Giê-su trong khía cạnh này khi làm việc với nhau. Họ cần nhớ rằng thần khí thánh có thể tác động đến bất cứ anh nào trong hội đồng trưởng lão. Trong các buổi họp của họ, nếu các trưởng lão cố gắng tạo bầu không khí sao cho mọi người cảm thấy thoải mái góp ý, thì họ sẽ cùng nhau đưa ra những quyết định mang lại lợi ích cho cả hội thánh.
NGUYÊN TẮC 2: ‘HÃY CHO MỌI NGƯỜI THẤY TÍNH PHẢI LẼ CỦA ANH EM’
Một cộng sự tốt thì phải lẽ khi làm việc với người khác. Người ấy linh động và nhường nhịn. Chắc chắn Chúa Giê-su có nhiều cơ hội để quan sát tính phải lẽ của Cha. Chẳng hạn, Đức Giê-hô-va đã phái ngài xuống để cứu nhân loại khỏi bản án tử mà họ đáng phải chịu.—Giăng 3:16.
Chúa Giê-su sẵn sàng nhường khi cần thiết hoặc khi thích hợp. Hãy nhớ rằng ngài đã giúp một phụ nữ người Phê-ni-xi dù ngài được phái đến với nhà Y-sơ-ra-ên (Mat 15:22-28). Ngài cũng thể hiện tính phải lẽ khi mong đợi hợp lý nơi các môn đồ. Sau khi bạn thân của ngài là Phi-e-rơ công khai chối ngài, Chúa Giê-su sẵn lòng tha thứ cho ông. Sau này, ngài giao cho Phi-e-rơ những trách nhiệm quan trọng (Lu 22:32; Giăng 21:17; Công 2:14; 8:14-17; 10:44, 45). Gương của Chúa Giê-su cho thấy rõ chúng ta cần “cho mọi người thấy tính phải lẽ của [mình]” bằng cách nhường nhịn.—Phi-líp 4:5.
Tính phải lẽ cũng thôi thúc chúng ta linh động để làm việc hòa hợp với mọi loại người. Chúa Giê-su đối xử tốt với người xung quanh đến mức kẻ thù cáo buộc ngài “làm bạn với bọn thu thuế và kẻ tội lỗi” mà đã hưởng ứng thông điệp của ngài (Mat 11:19). Như Chúa Giê-su, chúng ta có thể làm việc hòa hợp với những người khác với mình không? Một anh tên Louis đã làm công việc lưu động và làm việc tại Bê-tên với những người có gốc gác khác nhau. Anh nói: “Tôi cố gắng xem mỗi nhóm mà mình làm việc chung giống như một bức tường được xây bằng những khối đá có kích cỡ khác nhau. Vì mỗi khối đá mỗi khác nên cần nhiều nỗ lực hơn, nhưng mình vẫn có thể xây được bức tường thẳng. Tôi cũng cố gắng điều chỉnh bản thân để góp phần vào việc xây lên bức tường thẳng”. Quả là tinh thần đáng khen!
Một cộng sự tốt không giữ lại thông tin để nắm quyền kiểm soát
Chúng ta có những cơ hội nào để thể hiện tính phải lẽ trong hội thánh? Đó là khi làm việc chung với nhóm rao giảng. Có thể chúng ta đi thánh chức chung với những công bố có trách nhiệm gia đình hoặc tuổi tác khác với mình. Chúng ta có thể cố gắng phải lẽ bằng cách điều chỉnh tốc độ hoặc hình thức rao giảng để giúp họ có nhiều niềm vui hơn trong thánh chức.
NGUYÊN TẮC 3: ‘HÃY SẴN SÀNG CHIA SẺ’
Một cộng sự tốt thì “sẵn sàng chia sẻ” (1 Ti 6:18). Khi làm việc bên cạnh Cha, hẳn Chúa Giê-su thấy Đức Giê-hô-va không giấu điều gì. Khi Đức Giê-hô-va “chuẩn bị các tầng trời”, Chúa Giê-su “ở đó” và học từ ngài (Châm 8:27). Sau này, Chúa Giê-su cũng vui lòng chia sẻ với các môn đồ “mọi điều [ngài] nghe nơi Cha” (Giăng 15:15). Chúng ta có thể noi gương Đức Giê-hô-va bằng cách sẵn sàng chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm với các cộng sự của mình. Chắc chắn một cộng sự tốt sẽ không giữ lại thông tin cần thiết hoặc hữu ích để nắm quyền kiểm soát mà sẽ vui lòng chia sẻ với người khác điều tốt mình học được.
Chúng ta cũng có thể chia sẻ những lời khích lệ với cộng sự của mình. Khi ai đó để ý đến nỗ lực của chúng ta và bày tỏ lòng biết ơn chân thành, chẳng phải chúng ta thấy ấm lòng sao? Chúa Giê-su dành thời gian để cho các cộng sự của ngài biết điều tốt ngài thấy nơi họ. (So sánh Ma-thi-ơ 25:19-23; Lu-ca 10:17-20). Ngài thậm chí nói với họ rằng họ sẽ “làm những việc lớn hơn” ngài (Giăng 14:12). Vào đêm trước khi chết, Chúa Giê-su khen các sứ đồ trung thành: “Anh em là những người đã gắn bó với tôi khi tôi gặp thử thách” (Lu 22:28). Hãy hình dung những lời của ngài đã tác động thế nào đến lòng họ và thúc đẩy họ hành động! Nếu chúng ta dành thời gian để khen cộng sự của mình, hẳn họ sẽ vui hơn và rất có thể sẽ làm việc hiệu quả hơn.
ANH CHỊ CÓ THỂ LÀ MỘT CỘNG SỰ TỐT
Một anh tên Kayode nói: “Một cộng sự tốt không cần phải hoàn hảo, nhưng người ấy tạo niềm vui cho người khác và khiến công việc bớt nặng nề cho người cùng làm việc với mình”. Anh chị có phải là cộng sự như thế không? Hãy hỏi ý kiến của một số anh chị làm việc chung với mình để biết mình là cộng sự thế nào. Nếu họ thích làm việc với anh chị, giống như môn đồ của Chúa Giê-su thích làm việc với ngài, anh chị có thể nói như sứ đồ Phao-lô: ‘Chúng tôi là những cộng sự mang lại niềm vui cho anh em’.—2 Cô 1:24.