Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 6

Cha Giê-hô-va yêu thương chúng ta vô cùng

Cha Giê-hô-va yêu thương chúng ta vô cùng

“Anh em phải cầu nguyện như vầy: ‘Lạy Cha chúng con ở trên trời’”.—MAT 6:9.

BÀI HÁT 135 Đức Giê-hô-va mến gọi: ‘Hỡi con, hãy khôn ngoan!’

GIỚI THIỆU *

1. Việc vào gặp vua Ba Tư đòi hỏi điều gì?

Hãy hình dung anh chị đang sống ở Ba Tư cách đây khoảng 2.500 năm. Vì muốn trình một vấn đề lên vua, anh chị phải đi đến hoàng thành Su-san. Anh chị không bao giờ nghĩ đến việc vào gặp vua khi chưa được phép. Nếu vào mà không được phép thì hẳn anh chị phải trả giá bằng tính mạng của mình.—Ê-xơ-tê 4:11.

2. Đức Giê-hô-va muốn chúng ta cảm thấy thế nào khi đến gần ngài?

2 Chúng ta thật biết ơn Đức Giê-hô-va vì ngài không giống như vua Ba Tư! Dù cao trọng hơn mọi nhà cai trị của con người, nhưng Đức Giê-hô-va sẵn sàng lắng nghe chúng ta vào bất cứ lúc nào. Ngài muốn chúng ta cảm thấy thoải mái khi đến gần ngài. Chẳng hạn, dù Đức Giê-hô-va có những tước hiệu cao trọng như Đấng Tạo Hóa Vĩ Đại, Đấng Toàn Năng và Chúa Tối Thượng, nhưng ngài muốn chúng ta gọi ngài bằng một từ thân mật là “Cha” (Mat 6:9). Thật cảm động khi biết Đức Giê-hô-va muốn chúng ta gần gũi ngài như thế!

3. Tại sao chúng ta có thể gọi Đức Giê-hô-va là “Cha”, và bài này sẽ xem xét điều gì?

3 Chúng ta có lý do chính đáng khi gọi Đức Giê-hô-va là “Cha”, vì nhờ ngài mà chúng ta có sự sống (Thi 36:9). Vì ngài là Cha của chúng ta nên chúng ta có bổn phận vâng lời ngài. Khi làm theo điều Đức Giê-hô-va đòi hỏi, chúng ta sẽ hưởng được những ân phước tuyệt vời (Hê 12:9). Những ân phước ấy bao gồm sự sống vĩnh cửu, dù ở trên trời hay dưới đất. Chúng ta cũng nhận được lợi ích ngay bây giờ. Bài này sẽ xem xét làm thế nào Đức Giê-hô-va cho thấy ngài là Cha yêu thương ngay từ bây giờ, và lý do để tin chắc ngài sẽ không bao giờ lìa bỏ chúng ta. Trước hết, hãy xem tại sao chúng ta có thể tin chắc Cha trên trời rất yêu thương và quan tâm chúng ta.

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA LÀ CHA ĐẦY LÒNG YÊU THƯƠNG VÀ QUAN TÂM

Đức Giê-hô-va muốn gần gũi chúng ta như người cha quan tâm muốn gần gũi con mình (Xem đoạn 4)

4. Tại sao một số người thấy khó xem Đức Giê-hô-va là Cha?

4 Anh chị có thấy khó xem Đức Chúa Trời là Cha không? Một số người cảm thấy nhỏ bé và tầm thường trước sự vĩ đại của Đức Giê-hô-va. Họ không tin chắc là Đức Chúa Trời Toàn Năng quan tâm đến mình. Nhưng Cha yêu thương không muốn chúng ta cảm thấy như thế. Ngài ban cho chúng ta sự sống và muốn chúng ta có mối quan hệ với ngài. Sau khi cho biết sự thật ấy, sứ đồ Phao-lô giải thích với người nghe ở A-thên rằng Đức Giê-hô-va “không ở xa mỗi người trong chúng ta” (Công 17:24-29). Đức Chúa Trời muốn chúng ta gần gũi với ngài như con trẻ tự nhiên gần gũi với cha mẹ đầy lòng yêu thương và quan tâm.

5. Chúng ta học được gì từ kinh nghiệm của một chị?

5 Một số người thấy khó xem Đức Giê-hô-va là Cha vì họ thiếu tình thương của cha ruột. Một chị chia sẻ: “Cha tôi thường chửi mắng tôi. Khi bắt đầu học Kinh Thánh, tôi thấy khó gần gũi với Cha trên trời. Nhưng sau khi hiểu về Đức Giê-hô-va, tôi không còn cảm thấy như thế nữa”. Anh chị có thấy khó đến gần Đức Giê-hô-va không? Nếu có, hãy tin chắc anh chị vẫn có thể đến gần ngài và xem ngài là Cha tuyệt vời nhất.

6. Theo Ma-thi-ơ 11:27, một cách mà Đức Giê-hô-va giúp chúng ta xem ngài là Cha yêu thương là gì?

6 Đức Giê-hô-va giúp chúng ta xem ngài là Cha yêu thương. Một cách ngài làm thế là cho ghi lại lời nói và hành động của Chúa Giê-su trong Kinh Thánh. (Đọc Ma-thi-ơ 11:27). Chúa Giê-su phản ánh các đức tính của Cha ngài hoàn hảo đến mức ngài có thể nói: “Ai đã thấy tôi là đã thấy Cha” (Giăng 14:9). Chúa Giê-su thường đề cập đến Đức Giê-hô-va là Cha. Chỉ trong bốn sách Phúc âm, Chúa Giê-su dùng từ “Cha” khoảng 165 lần để nói đến Đức Giê-hô-va. Tại sao Chúa Giê-su đề cập nhiều như thế? Một lý do là để giúp người ta tin chắc Đức Giê-hô-va là Cha yêu thương.—Giăng 17:25, 26.

7. Chúng ta học được gì về Đức Giê-hô-va qua cách ngài đối xử với Con một?

7 Hãy xem chúng ta học được gì về Đức Giê-hô-va qua cách ngài đối xử với Con một. Đức Giê-hô-va luôn nghe lời cầu nguyện của Chúa Giê-su. Ngài không chỉ nghe mà còn nhậm lời cầu nguyện của người Con ấy (Giăng 11:41, 42). Dù phải đương đầu với bất cứ thử thách nào, Chúa Giê-su vẫn cảm nhận được tình yêu thương và sự hỗ trợ của Cha.—Lu 22:42, 43.

8. Đức Giê-hô-va chăm sóc Chúa Giê-su về những mặt nào?

8 Chúa Giê-su công nhận Cha ngài là đấng ban và duy trì sự sống của mình khi nói: “Tôi nhờ Cha mà sống” (Giăng 6:57). Chúa Giê-su hoàn toàn tin cậy Cha, và Đức Giê-hô-va đã chăm sóc ngài về thể chất. Trên hết, Đức Giê-hô-va chăm sóc Chúa Giê-su về mặt thiêng liêng.—Mat 4:4.

9. Làm thế nào Đức Giê-hô-va chứng tỏ là Cha yêu thương và quan tâm đối với Chúa Giê-su?

9 Là Cha yêu thương, Đức Giê-hô-va đảm bảo để Chúa Giê-su luôn tin rằng mình có Cha hỗ trợ (Mat 26:53; Giăng 8:16). Dù không bảo vệ Chúa Giê-su khỏi mọi điều gây tổn thương, nhưng Đức Giê-hô-va giúp ngài chịu đựng thử thách. Chúa Giê-su biết rằng bất cứ tổn hại nào mà ngài phải chịu chỉ là tạm thời (Hê 12:2). Đức Giê-hô-va cho thấy ngài chăm sóc Chúa Giê-su qua việc lắng nghe, cung cấp, huấn luyện và nâng đỡ Con ngài (Giăng 5:20; 8:28). Giờ đây, hãy xem Cha trên trời chăm sóc chúng ta theo cách tương tự ra sao.

CHA YÊU THƯƠNG CHĂM SÓC CHÚNG TA RA SAO?

Một người cha yêu thương thì (1) lắng nghe, (2) cung cấp, (3) huấn luyện và (4) nâng đỡ con mình. Cha yêu thương trên trời chăm sóc chúng ta theo những cách tương tự (Xem đoạn 10-15) *

10. Theo Thi thiên 66:19, 20, làm thế nào Đức Giê-hô-va cho thấy ngài yêu thương chúng ta?

10 Đức Giê-hô-va lắng nghe lời cầu nguyện của chúng ta. (Đọc Thi thiên 66:19, 20). Ngài không muốn chúng ta giới hạn lời cầu nguyện của mình. Ngài khuyến giục chúng ta thường xuyên cầu nguyện (1 Tê 5:17). Chúng ta có thể kính cẩn cầu nguyện với Đức Chúa Trời bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu. Ngài không bận đến mức không thể lắng nghe chúng ta, nhưng ngài luôn chú ý tới lời cầu nguyện của chúng ta. Khi biết Đức Giê-hô-va lắng nghe lời cầu nguyện của mình, chúng ta yêu thương ngài hơn. Người viết Thi thiên nói: “Tôi yêu thương Đức Giê-hô-va bởi ngài đoái nghe tiếng tôi”.—Thi 116:1.

11. Đức Giê-hô-va nhậm lời cầu nguyện của chúng ta theo cách nào?

11 Cha trên trời không chỉ lắng nghe mà còn nhậm lời cầu nguyện của chúng ta. Sứ đồ Giăng đảm bảo: “Nếu chúng ta xin bất cứ điều gì phù hợp với ý muốn [Đức Chúa Trời] thì ngài nghe chúng ta” (1 Giăng 5:14, 15). Tất nhiên, có thể Đức Giê-hô-va không nhậm lời cầu nguyện theo cách chúng ta mong đợi. Ngài biết điều gì là tốt nhất cho chúng ta, nên đôi khi ngài không đáp ứng điều chúng ta cầu xin hoặc ngài muốn chúng ta chờ đợi.—2 Cô 12:7-9.

12, 13. Cha trên trời cung cấp cho chúng ta qua những cách nào?

12 Đức Giê-hô-va cung cấp đầy đủ cho chúng ta. Ngài làm điều mà ngài đòi hỏi nơi mỗi người cha (1 Ti 5:8). Ngài chăm sóc nhu cầu vật chất cho con cái. Ngài không muốn chúng ta lo lắng về thức ăn, áo mặc hay chỗ ở (Mat 6:32, 33; 7:11). Là Cha yêu thương, Đức Giê-hô-va còn sắp đặt để thỏa mãn mọi nhu cầu của chúng ta trong tương lai.

13 Trên hết, Đức Giê-hô-va cung cấp cho chúng ta về mặt thiêng liêng. Qua Kinh Thánh, ngài cho chúng ta biết về ngài, ý định của ngài, mục đích đời sống và tương lai. Ngài tỏ lòng quan tâm khi chúng ta bắt đầu tìm hiểu chân lý, ngài dùng cha mẹ hay người khác để dạy chúng ta về ngài. Sau đó, chúng ta tiếp tục được các trưởng lão và anh chị thành thục khác nhân từ giúp đỡ. Hơn nữa, qua các buổi nhóm họp, Đức Giê-hô-va dạy chúng ta cùng với gia đình thiêng liêng gồm anh em đồng đạo. Qua những cách này và cách khác, Đức Giê-hô-va cho thấy ngài quan tâm đến tất cả chúng ta như một người cha.—Thi 32:8.

14. Tại sao Đức Giê-hô-va huấn luyện chúng ta, và ngài làm điều đó như thế nào?

14 Đức Giê-hô-va huấn luyện chúng ta. Khác với Chúa Giê-su, chúng ta là người bất toàn. Vì thế, việc Cha yêu thương huấn luyện chúng ta cũng gồm sự sửa dạy khi cần. Lời ngài nhắc chúng ta: “Người nào Đức Giê-hô-va yêu thương thì ngài sửa dạy” (Hê 12:6, 7). Đức Giê-hô-va sửa dạy chúng ta qua nhiều cách. Chẳng hạn, có thể một điều đọc được trong Lời ngài hoặc nghe tại buổi nhóm họp giúp chúng ta điều chỉnh lối suy nghĩ hay hành động. Hoặc có lẽ chúng ta được trưởng lão khuyên. Dù qua cách nào, sự sửa dạy của Đức Giê-hô-va luôn xuất phát từ tình yêu thương.—Giê 30:11.

15. Đức Giê-hô-va giúp đỡ chúng ta bằng những cách nào?

15 Đức Giê-hô-va nâng đỡ khi chúng ta gặp thử thách. Như một người cha quan tâm, nâng đỡ con trong những lúc khó khăn, Cha trên trời nâng đỡ khi chúng ta gặp thử thách. Ngài dùng thần khí thánh để giúp chúng ta tránh bị tổn hại về mặt thiêng liêng (Lu 11:13). Đức Giê-hô-va cũng giúp đỡ chúng ta về mặt cảm xúc. Chẳng hạn, ngài ban một hy vọng tuyệt vời và hy vọng đó giúp chúng ta chịu đựng khó khăn. Hãy thử nghĩ điều này: Dù bất cứ điều gì xảy ra cho chúng ta, Cha yêu thương sẽ chữa lành mọi thương tổn mà mình phải chịu. Thử thách chúng ta gặp chỉ là tạm thời, còn ân phước Đức Giê-hô-va ban thì tồn tại mãi.—2 Cô 4:16-18.

CHA TRÊN TRỜI SẼ KHÔNG BAO GIỜ LÌA BỎ CHÚNG TA

16. Điều gì xảy ra khi A-đam bất tuân với Cha yêu thương?

16 Chúng ta thấy bằng chứng về tình yêu thương của Đức Giê-hô-va qua cách ngài ứng phó với vấn đề xảy ra trong vườn Ê-đen. Khi bất tuân với Cha trên trời, A-đam đánh mất vị trí của ông và con cháu ông trong gia đình hạnh phúc của Đức Giê-hô-va (Rô 5:12; 7:14). Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va đã can thiệp để giúp đỡ con cháu của A-đam.

17. Đức Giê-hô-va đã làm gì ngay sau khi A-đam phản nghịch?

17 Đức Giê-hô-va đã trừng phạt A-đam nhưng ngài không để con cháu sau này của ông mất hy vọng. Ngay sau khi ông phản nghịch, ngài hứa rằng nhân loại biết vâng lời sẽ được nhận lại vào gia đình của ngài (Sáng 3:15; Rô 8:20, 21). Đức Giê-hô-va đã sắp đặt điều này dựa trên sự hy sinh làm giá chuộc của Con yêu dấu ngài là Chúa Giê-su. Qua việc hy sinh Con ngài vì chúng ta, Đức Giê-hô-va cho thấy ngài yêu thương chúng ta biết dường nào!—Giăng 3:16.

Nếu chúng ta lạc lối nhưng đã ăn năn, Cha Giê-hô-va yêu thương sẵn lòng chào đón chúng ta trở về (Xem đoạn 18)

18. Tại sao có thể tin chắc dù chúng ta từng lạc lối nhưng Đức Giê-hô-va vẫn muốn chúng ta làm con của ngài?

18 Dù chúng ta bất toàn, Đức Giê-hô-va không bao giờ xem chúng ta là gánh nặng, nhưng muốn chúng ta ở trong gia đình của ngài. Có thể chúng ta làm ngài thất vọng hoặc đi lạc lối, nhưng Đức Giê-hô-va không mất hy vọng nơi chúng ta. Qua câu chuyện về người con hoang đàng, Chúa Giê-su cho thấy Đức Giê-hô-va yêu thương con cái của ngài nhiều biết bao (Lu 15:11-32). Người cha trong câu chuyện vẫn luôn hy vọng con sẽ trở về. Khi người con quay về, ông vui mừng ra đón. Vậy nếu lạc lối nhưng đã ăn năn, chúng ta có thể tin chắc Cha yêu thương sẵn lòng chào đón mình trở về.

19. Đức Giê-hô-va sẽ sửa lại thiệt hại mà A-đam gây ra như thế nào?

19 Cha chúng ta sẽ sửa lại mọi thiệt hại mà A-đam gây ra. Sau khi A-đam phản nghịch, Đức Giê-hô-va quyết định chọn 144.000 người trong nhân loại để làm vua kiêm thầy tế lễ ở trên trời cùng Con ngài. Trong thế giới mới, Chúa Giê-su và những người đồng cai trị ấy sẽ giúp nhân loại biết vâng lời trở nên hoàn hảo. Những ai vượt qua thử thách cuối cùng về sự vâng lời sẽ được Đức Chúa Trời ban cho sự sống vĩnh cửu. Sau đó, Cha chúng ta sẽ rất hài lòng khi thấy mọi người trên đất đều là những người con hoàn hảo. Thật là thời kỳ huy hoàng biết bao!

20. Đức Giê-hô-va cho thấy ngài yêu thương chúng ta vô cùng qua những cách nào, và bài tới sẽ thảo luận điều gì?

20 Đức Giê-hô-va cho thấy ngài yêu thương chúng ta vô cùng. Ngài là Cha tốt nhất. Ngài lắng nghe lời cầu nguyện và chăm sóc chúng ta về cả thể chất lẫn thiêng liêng. Ngài huấn luyện và nâng đỡ chúng ta. Hơn nữa, ngài dành sẵn cho chúng ta những ân phước tuyệt vời. Thật ấm lòng khi biết Cha trên trời yêu thương và quan tâm chúng ta! Là con cái của Đức Giê-hô-va, chúng ta có thể đáp lại tình yêu thương của ngài. Bài tới sẽ thảo luận cách chúng ta có thể làm thế.

BÀI HÁT 108 Tình yêu thương thành tín của Đức Chúa Trời

^ đ. 5 Chúng ta thường nghĩ về Đức Giê-hô-va với cương vị Đấng Tạo Hóa và Đấng Cai Trị của mình. Nhưng chúng ta có những lý do chính đáng để xem ngài là Cha đầy lòng yêu thương và quan tâm. Bài này sẽ thảo luận những lý do ấy, đồng thời xem tại sao chúng ta có thể tin chắc Đức Giê-hô-va sẽ không bao giờ lìa bỏ mình.

^ đ. 59 HÌNH ẢNH: Cả bốn hình đều là cảnh cha con: người cha chăm chú lắng nghe con trai, người cha cung cấp nhu cầu thiết yếu cho con gái, người cha huấn luyện con trai và người cha an ủi con trai. Bàn tay của Đức Giê-hô-va ở sau bốn hình nhắc chúng ta nhớ rằng ngài chăm sóc chúng ta theo những cách tương tự.