BÀI HỌC 6
BÀI HÁT 18 Biết ơn về giá chuộc
Tại sao chúng ta biết ơn về sự tha thứ của Đức Giê-hô-va?
“Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con một của ngài”.—GIĂNG 3:16.
TRỌNG TÂM
Gia tăng lòng biết ơn về sự tha thứ của Đức Giê-hô-va bằng cách hiểu cơ sở của sự tha thứ ấy.
1, 2. Hoàn cảnh của nhân loại giống với chàng trai trong đoạn 1 theo nghĩa nào?
Hãy hình dung một chàng trai lớn lên trong gia đình giàu có. Ngày nọ, thảm kịch ập đến; cha mẹ cậu bị thiệt mạng trong một tai nạn. Cậu rất đau buồn. Nhưng chàng trai ấy còn phải đối mặt với cú sốc khác. Cậu phát hiện ra cha mẹ đã phung phí hết tài sản của gia đình và mắc một món nợ khổng lồ. Thay vì thừa hưởng gia tài, cậu phải gánh món nợ từ cha mẹ, và các chủ nợ đang ráo riết đòi tiền. Cậu không bao giờ có thể trả được món nợ ấy.
2 Theo nghĩa nào đó, hoàn cảnh của chúng ta giống với chàng trai ấy. Tổ phụ đầu tiên của chúng ta, A-đam và Ê-va, là người hoàn hảo và sống trong địa đàng xinh đẹp (Sáng 1:27; 2:7-9). Cặp vợ chồng ấy có triển vọng vui hưởng đời sống phong phú và vô tận. Nhưng rồi mọi chuyện thay đổi. Họ đánh mất ngôi nhà địa đàng cùng với triển vọng sống mãi mãi. Họ để lại điều gì cho con cháu tương lai? Kinh Thánh cho biết: “Bởi một người [A-đam] mà tội lỗi vào thế gian và bởi tội lỗi mà có sự chết, nên sự chết trải trên mọi người vì hết thảy đều có tội” (Rô-ma 5:12). Điều mà A-đam để lại cho chúng ta là tội lỗi, và hậu quả là sự chết. Tội lỗi di truyền này giống như món nợ khổng lồ mà không ai trong chúng ta có thể trả được.—Thi 49:8.
3. Tại sao tội của chúng ta có thể được ví với “nợ”?
3 Chúa Giê-su ví tội của chúng ta với “nợ” (Mat 6:12; Lu 11:4; các chú thích). Khi phạm tội, chúng ta như thể mắc một món nợ với Đức Giê-hô-va. Chúng ta phải trả món nợ ấy, tức tội mình đã phạm. Nếu món nợ ấy không được trả thì nó chỉ được xóa đi khi chúng ta chết.—Rô 6:7, 23.
4. (a) Nếu không có sự giúp đỡ, điều gì sẽ xảy ra cho tất cả những người phạm tội? (Thi thiên 49:7-9) (b) Từ “tội” hay “tội lỗi” trong Kinh Thánh nói đến điều gì? (Xem khung “ Tội lỗi”).
4 Chúng ta có thể có lại mọi điều mà A-đam và Ê-va đã đánh mất không? Tự chúng ta không thể làm được. (Đọc Thi thiên 49:7-9). Nếu không có sự giúp đỡ, chúng ta sẽ không có hy vọng về sự sống trong tương lai hoặc sự sống lại. Khi đó, cái chết của chúng ta sẽ không khác gì cái chết của thú vật.—Truyền 3:19; 2 Phi 2:12.
5. Cha yêu thương đã giúp chúng ta trả món nợ tội lỗi như thế nào? (Xem hình).
5 Hãy nghĩ về chàng trai được đề cập ở đầu bài. Cậu cảm thấy thế nào nếu một người giàu có đề nghị trả hết nợ cho cậu? Chắc hẳn chàng trai ấy rất biết ơn và chấp nhận món quà rộng rãi đó. Tương tự, Cha yêu thương của chúng ta là Đức Giê-hô-va đã ban một món quà để trả món nợ tội lỗi mà A-đam để lại cho chúng ta. Chúa Giê-su giải thích điều đó như sau: “Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con một của ngài, để ai thể hiện đức tin nơi Con ấy sẽ không bị hủy diệt mà có được sự sống vĩnh cửu” (Giăng 3:16). Ngoài ra, món quà đó mở ra cơ hội cho chúng ta có mối quan hệ tốt với Đức Giê-hô-va.
6. Bài này sẽ xem xét những cụm từ nào trong Kinh Thánh, và tại sao?
6 Làm thế nào chúng ta có thể nhận được lợi ích từ món quà tuyệt vời này và được tha tội hay “nợ”? Để trả lời câu hỏi ấy, hãy xem xét một số cụm từ trong Kinh Thánh và ý nghĩa của chúng. Đó là hòa thuận lại, chuộc tội, cầu hòa, giá chuộc, cứu chuộc và được tuyên bố là công chính. Khi suy ngẫm về những sự giải thích ấy, chúng ta sẽ càng biết ơn sự tha thứ của Đức Giê-hô-va.
MỤC TIÊU CỦA SỰ THA THỨ: HÒA THUẬN LẠI
7. (a) A-đam và Ê-va đánh mất điều gì khác? (b) Là con cháu của A-đam và Ê-va, chúng ta rất cần điều gì? (Rô-ma 5:10, 11)
7 Ngoài việc đánh mất triển vọng được sống mãi mãi, A-đam và Ê-va còn đánh mất mối quan hệ quý báu với Cha họ là Đức Giê-hô-va. Lúc đầu, A-đam và Ê-va thuộc về gia đình của ngài (Lu 3:38). Nhưng vì không vâng lời Đức Giê-hô-va, họ bị đuổi khỏi gia đình ấy, và điều đó xảy ra trước khi họ có con (Sáng 3:23, 24; 4:1). Vì thế, là con cháu của họ, chúng ta cần được hòa thuận lại với Đức Chúa Trời. (Đọc Rô-ma 5:10, 11). Nói cách khác, chúng ta cần xây dựng mối quan hệ tốt với ngài. Theo một tài liệu tham khảo, từ Hy Lạp được dịch là “hòa thuận lại” có thể mang nghĩa là “biến thù thành bạn”. Điều đáng kinh ngạc là chính Đức Giê-hô-va đã chủ động mở đường để chúng ta trở thành bạn ngài. Như thế nào?
SỰ SẮP ĐẶT ĐỂ CÓ SỰ THA THỨ: CHUỘC TỘI
8. (a) Chuộc tội là gì? (b) Cầu hòa là gì?
8 Chuộc tội là sự sắp đặt của Đức Giê-hô-va để khôi phục mối quan hệ tốt đẹp giữa ngài và con người tội lỗi. Sắp đặt này bao gồm việc đổi một điều để lấy một điều có giá trị tương đương. Theo cách này, một điều bị đánh mất hoặc tiêu diệt có thể có lại hoặc được thay thế. Phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp dùng một từ liên quan có nghĩa tương tự với từ “chuộc tội”, đó là cầu hòa (1 Giăng 4:10). Cầu hòa là hành động giúp một người hòa thuận với Đức Chúa Trời và có mối quan hệ tốt với ngài.
9. Đức Giê-hô-va cung cấp sắp đặt tạm thời nào để người Y-sơ-ra-ên được tha tội?
9 Đức Giê-hô-va cung cấp một sắp đặt tạm thời để người Y-sơ-ra-ên được tha tội và có mối quan hệ tốt với ngài. Ở Y-sơ-ra-ên, Ngày Chuộc Tội được cử hành hằng năm. Vào ngày đó, thầy tế lễ thượng phẩm sẽ vì dân chúng mà dâng những con sinh tế. Dĩ nhiên, chúng không thể hoàn toàn chuộc tội cho bất cứ ai vì thú vật thấp kém hơn con người. Nhưng miễn là người Y-sơ-ra-ên ăn năn và dâng vật tế lễ mà Đức Giê-hô-va đòi hỏi thì ngài sẵn lòng tha tội cho họ (Hê 10:1-4). Ngoài ra, sắp đặt về Ngày Chuộc Tội và việc dâng những vật tế lễ chuộc tội khác giúp người Y-sơ-ra-ên nhận ra tình trạng tội lỗi của họ là nghiêm trọng và họ rất cần một giải pháp vĩnh viễn.
10. Đức Giê-hô-va có sắp đặt vĩnh viễn nào để con người có thể được tha tội?
10 Đức Giê-hô-va có một sắp đặt vĩnh viễn để con người có thể được tha tội. Ngài sắp xếp cho Con yêu dấu của ngài “được dâng một lần đủ cả để gánh lấy tội lỗi của nhiều người” (Hê 9:28). Chúa Giê-su đã “hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều người” (Mat 20:28). Vậy, giá chuộc là gì?
GIÁ PHẢI TRẢ ĐỂ CÓ SỰ THA THỨ: GIÁ CHUỘC
11. (a) Theo Kinh Thánh, giá chuộc là gì? (b) Giá chuộc chỉ có thể được trả khi đáp ứng những điều kiện nào?
11 Theo Kinh Thánh, giá chuộc là giá phải trả để chuộc tội và hòa thuận lại. a Theo quan điểm của Đức Giê-hô-va, giá chuộc là cơ sở để khôi phục điều đã mất. Như thế nào? Hãy nhớ rằng A-đam và Ê-va đã đánh mất sự sống hoàn hảo cùng với triển vọng sống đời đời. Vì thế, giá chuộc phải có giá trị bằng với điều đã mất (1 Ti 2:6). Giá chuộc chỉ có thể được trả bởi một người đàn ông (1) hoàn hảo, (2) có khả năng sống mãi mãi trên đất và (3) sẵn sàng hy sinh sự sống vĩnh cửu của mình vì chúng ta. Chỉ khi đó, sự sống của người ấy mới có thể thay thế, hay chuộc lại, sự sống đã mất.
12. Tại sao Chúa Giê-su có thể cung cấp giá chuộc cần thiết?
12 Hãy xem ba lý do Chúa Giê-su trả được giá chuộc ấy. (1) Ngài là hoàn hảo, “chẳng hề phạm tội” (1 Phi 2:22). (2) Vì thế, ngài có khả năng sống mãi mãi trên đất. (3) Ngài sẵn sàng chết và hy sinh sự sống ấy cho chúng ta (Hê 10:9, 10). Là người hoàn hảo, Chúa Giê-su tương đương với người đầu tiên là A-đam khi ông chưa phạm tội (1 Cô 15:45). Vì vậy, qua cái chết của ngài, Chúa Giê-su có thể chuộc lại tội của A-đam, tức là thay thế những gì A-đam đã đánh mất (Rô 5:19). Thế nên, Chúa Giê-su trở thành “A-đam sau cùng”. Không cần một người hoàn hảo nào khác đền bù cho những gì A-đam đã đánh mất. Chúa Giê-su chết “một lần đủ cả”.—Hê 7:27; 10:12.
13. Chuộc tội khác với giá chuộc như thế nào?
13 Vậy chuộc tội khác với giá chuộc như thế nào? Chuộc tội là hành động mà Đức Chúa Trời thực hiện để khôi phục mối quan hệ giữa ngài với con người. Giá chuộc là giá phải trả để có thể chuộc tội cho con người tội lỗi. Giá phải trả này được tượng trưng bởi huyết báu của Chúa Giê-su đã đổ ra vì chúng ta.—Ê-phê 1:7; Hê 9:14.
KẾT QUẢ CỦA SỰ THA THỨ: ĐƯỢC CỨU CHUỘC VÀ ĐƯỢC TUYÊN BỐ LÀ CÔNG CHÍNH
14. Chúng ta sẽ xem xét điều gì, và tại sao?
14 Sắp đặt chuộc tội mang lại kết quả nào? Để biết câu trả lời, hãy xem hai cụm từ mà Kinh Thánh dùng để nêu bật các lợi ích của sắp đặt ấy. Nhờ thế, chúng ta sẽ hiểu mình nhận được lợi ích nào từ sự tha thứ của Đức Giê-hô-va.
15, 16. (a) Trong Kinh Thánh, từ “cứu chuộc” nói đến điều gì? (b) Chúng ta cảm thấy thế nào về sự cứu chuộc?
15 Trong Kinh Thánh, cứu chuộc nói đến việc được thả ra, hay tha bổng, nhờ đã trả giá chuộc. Sứ đồ Phi-e-rơ nói về điều ấy: “Anh em biết rằng chẳng phải bởi những thứ có thể hư nát như bạc hoặc vàng mà anh em được giải thoát [ds: “được chuộc tội; được cứu chuộc”] khỏi lối sống vô ích do các tổ phụ truyền lại. Nhưng ấy là bởi huyết báu của Đấng Ki-tô, giống như huyết của chiên con lành lặn, không tì vết”.—1 Phi 1:18, 19; chú thích.
16 Nhờ giá chuộc, chúng ta có thể được giải thoát khỏi sự cai trị hà khắc của tội lỗi và sự chết (Rô 5:21). Chắc chắn chúng ta biết ơn Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su một cách sâu xa về sự cứu chuộc có được nhờ huyết, hay sự sống, quý báu của Chúa Giê-su.—1 Cô 15:22.
17, 18. (a) Được tuyên bố là công chính có nghĩa gì? (b) Điều này mang lại lợi ích nào cho chúng ta?
17 Được tuyên bố là công chính có nghĩa là những cáo buộc được bãi bỏ, và tiền án của chúng ta được xóa hoàn toàn. Khi làm điều này, Đức Giê-hô-va không vi phạm tiêu chuẩn công chính của ngài. Ngài không tuyên bố chúng ta là công chính nhờ nỗ lực của chúng ta, cũng không dung túng tội lỗi của chúng ta. Nhưng vì đức tin của chúng ta nơi sắp đặt chuộc tội và giá chuộc, Đức Giê-hô-va có cơ sở để xóa nợ cho chúng ta.—Rô 3:24; Ga 2:16.
18 Điều này có nghĩa gì đối với mỗi người chúng ta? Những người được chọn để cùng cai trị với Chúa Giê-su trên trời đã được tuyên bố là công chính với tư cách là con cái của Đức Chúa Trời (Tít 3:7; 1 Giăng 3:1). Tội của họ được tha. Điều này như thể họ không mang tiền án nữa, nhờ thế hội đủ điều kiện để hưởng Nước Trời (Rô 8:1, 2, 30). Những người có hy vọng sống trên đất đã được tuyên bố là công chính với tư cách là bạn của Đức Chúa Trời, và tội của họ được tha (Gia 2:21-23). Đám đông lớn, là những người sống sót qua Ha-ma-ghê-đôn, có triển vọng sẽ không bao giờ chết (Giăng 11:26). “Người công chính” và ‘người không công chính’ đang ngủ trong sự chết sẽ được làm cho sống lại (Công 24:15; Giăng 5:28, 29). Cuối cùng, tất cả các tôi tớ biết vâng lời sống trên đất sẽ “có sự tự do vinh hiển của con cái Đức Chúa Trời” (Rô 8:21). Chúng ta sẽ được hòa thuận lại với Cha Giê-hô-va một cách trọn vẹn. Đó quả là ân phước tuyệt vời đến từ sắp đặt chuộc tội!
19. Hoàn cảnh của chúng ta đã thay đổi tốt hơn như thế nào? (Cũng xem khung “ Sự tha thứ của Đức Giê-hô-va”).
19 Thật vậy, hoàn cảnh của chúng ta từng giống như chàng trai được đề cập ở đầu bài, là người bị mất mọi thứ và gánh món nợ khổng lồ mà không bao giờ trả nổi. Nhưng Đức Giê-hô-va đã giúp đỡ chúng ta. Hoàn cảnh của chúng ta đã thay đổi nhờ sắp đặt chuộc tội và việc trả giá chuộc. Vì có đức tin nơi Chúa Giê-su, chúng ta có thể được cứu chuộc, tức được giải thoát, khỏi tội lỗi và sự chết. Tội của chúng ta cũng có thể được tha, và tiền án bị xóa bỏ. Nhưng điều quan trọng hơn hết là giờ đây chúng ta có thể có mối quan hệ mật thiết với Cha yêu thương trên trời, là Đức Giê-hô-va.
20. Bài kế tiếp sẽ xem xét điều gì?
20 Khi suy ngẫm về điều mà Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su đã làm cho chúng ta, lòng chúng ta tràn đầy sự biết ơn (2 Cô 5:15). Nếu không có sự giúp đỡ của hai đấng ấy, chúng ta sẽ chẳng có hy vọng gì. Nhưng sự tha thứ của Đức Giê-hô-va thật sự có nghĩa gì với mỗi cá nhân chúng ta? Bài kế tiếp sẽ xem xét điều này.
BÀI HÁT 10 Hãy khen ngợi Đức Giê-hô-va!
a Trong một số ngôn ngữ, từ “giá chuộc” được dịch bằng một cụm từ có nghĩa đen là “giá của mạng sống” hoặc “giá đã trả”.