Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 13

Hãy biểu lộ sự đồng cảm trong thánh chức

Hãy biểu lộ sự đồng cảm trong thánh chức

“Ngài thấy một đoàn dân đông thì động lòng thương cảm... và ngài bắt đầu dạy họ nhiều điều”.MÁC 6:34.

BÀI HÁT 70 Tìm kiếm những người xứng đáng

GIỚI THIỆU *

1. Một trong những điều ấm lòng nhất về Chúa Giê-su là gì? Hãy giải thích.

Một trong những điều ấm lòng nhất về Chúa Giê-su là ngài có khả năng hiểu những thử thách mà con người bất toàn đối mặt. Khi còn ở trên đất, Chúa Giê-su “vui với người đang vui” và “khóc với người đang khóc” (Rô 12:15). Chẳng hạn, khi 70 môn đồ trở về vui mừng sau một đợt rao giảng thành công, Chúa Giê-su “vui mừng khôn xiết bởi thần khí thánh” (Lu 10:17-21). Mặt khác, khi chứng kiến nỗi đau buồn mà những người yêu thương La-xa-rơ phải gánh chịu lúc ông qua đời, Chúa Giê-su “vô cùng đau xót trong lòng và buồn rầu”.—Giăng 11:33.

2. Điều gì giúp Chúa Giê-su biểu lộ sự đồng cảm với người khác?

2 Điều gì giúp một người hoàn hảo như Chúa Giê-su biểu lộ lòng thương xót và trắc ẩn đối với con người tội lỗi? Trên hết, Chúa Giê-su yêu thương con người. Bài trước cho biết ngài “đặc biệt quý mến loài người” (Châm 8:31). Tình yêu thương dành cho con người đã thôi thúc ngài quan tâm và để ý đến lối suy nghĩ của họ. Sứ đồ Giăng cho biết: “Ngài biết được lòng dạ người ta” (Giăng 2:25). Chúa Giê-su có tình cảm dịu dàng với người khác. Cảm nhận được tình yêu thương của ngài, người ta được thôi thúc để hưởng ứng tích cực trước thông điệp Nước Trời. Càng vun trồng tình cảm dịu dàng với người khác, chúng ta sẽ càng hữu hiệu trong thánh chức.—2 Ti 4:5.

3, 4. (a) Nếu có sự đồng cảm, chúng ta sẽ có quan điểm nào về thánh chức? (b) Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài này?

3 Sứ đồ Phao-lô biết ông có bổn phận rao giảng, và chúng ta cũng có bổn phận đó (1 Cô 9:16). Tuy nhiên, nếu có sự đồng cảm, chúng ta sẽ không xem thánh chức chỉ là một trách nhiệm. Chúng ta muốn cho thấy mình quan tâm đến người khác và mong muốn được giúp họ. Chúng ta biết rằng “cho thì hạnh phúc hơn nhận” (Công 20:35). Ghi nhớ nguyên tắc này giúp chúng ta có nhiều niềm vui trong thánh chức.

4 Trong bài này, hãy xem làm thế nào để biểu lộ sự đồng cảm trong thánh chức. Trước hết, chúng ta sẽ xem mình học được gì từ quan điểm của Chúa Giê-su về người khác. Sau đó, hãy xem bốn cách chúng ta có thể noi gương ngài.—1 Phi 2:21.

CHÚA GIÊ-SU BIỂU LỘ SỰ ĐỒNG CẢM TRONG THÁNH CHỨC

Sự đồng cảm đã thôi thúc Chúa Giê-su rao giảng thông điệp an ủi (Xem đoạn 5, 6)

5, 6. (a) Chúa Giê-su biểu lộ sự đồng cảm với ai? (b) Tại sao Chúa Giê-su động lòng thương cảm với những người mà ngài rao giảng, như được báo trước nơi Ê-sai 61:1, 2?

5 Hãy xem một ví dụ về cách Chúa Giê-su biểu lộ sự đồng cảm. Vào dịp nọ, Chúa Giê-su và các môn đồ cảm thấy rất mệt sau một chuyến rao giảng. Họ thậm chí ‘không có thì giờ để ăn uống’. Vì thế, Chúa Giê-su cùng các môn đồ đi đến “nơi hẻo lánh để nghỉ ngơi một chút”. Tuy nhiên, một đoàn dân đông đã kéo đến đó trước khi Chúa Giê-su và các môn đồ đến. Khi Chúa Giê-su tới nơi và thấy người ta, ngài phản ứng thế nào? Ngài “động lòng thương cảm * vì họ như chiên không có người chăn, và ngài bắt đầu dạy họ nhiều điều”.—Mác 6:30-34.

6 Điều gì khiến Chúa Giê-su động lòng thương cảm, hay biểu lộ sự đồng cảm, với đoàn dân ấy? Ngài thấy họ “như chiên không có người chăn”. Có lẽ Chúa Giê-su thấy trong số đó có những người nghèo khổ và làm việc cực nhọc để chu cấp cho gia đình. Số khác thì có thể đang phải đương đầu với nỗi đau mất người thân. Hẳn Chúa Giê-su cảm thông với hoàn cảnh của họ. Như được đề cập trong bài trước, có lẽ chính Chúa Giê-su cũng từng đối mặt với một số vấn đề đó. Chúa Giê-su quan tâm đến người khác, và ngài được thôi thúc để chia sẻ cho họ thông điệp an ủi.—Đọc Ê-sai 61:1, 2.

7. Chúng ta có thể noi gương Chúa Giê-su như thế nào?

7 Chúng ta học được gì từ gương của Chúa Giê-su? Như vào thời Chúa Giê-su, xung quanh chúng ta ngày nay là những người “như chiên không có người chăn”. Họ phải đối phó với nhiều vấn đề. Chúng ta có điều họ cần, đó là thông điệp Nước Trời (Khải 14:6). Noi gương Thầy của mình, chúng ta rao giảng tin mừng vì “rủ lòng thương kẻ thấp hèn và người nghèo túng” (Thi 72:13). Chúng ta động lòng thương cảm với người khác và muốn làm điều gì đó để giúp họ.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ BIỂU LỘ SỰ ĐỒNG CẢM?

Hãy nghĩ đến nhu cầu của từng người (Xem đoạn 8, 9)

8. Một cách chúng ta có thể biểu lộ sự đồng cảm là gì? Hãy minh họa.

8 Điều gì giúp chúng ta biểu lộ sự đồng cảm với những người mình rao giảng? Chúng ta muốn đặt mình vào vị trí của người mình gặp trong thánh chức và đối xử với họ theo cách mình muốn được đối xử nếu ở trong hoàn cảnh của họ * (Mat 7:12). Hãy xem bốn cách chúng ta có thể làm thế. Thứ nhất, hãy nghĩ đến nhu cầu của từng người. Khi rao giảng tin mừng, chúng ta có vai trò giống như vai trò của bác sĩ. Một bác sĩ giỏi sẽ nghĩ đến nhu cầu của từng bệnh nhân. Ông đặt câu hỏi và cẩn thận lắng nghe khi bệnh nhân miêu tả bệnh tình hoặc triệu chứng. Thay vì kê toa ngay cho bệnh nhân dựa vào suy đoán cá nhân, có lẽ bác sĩ sẽ dành thời gian để theo dõi triệu chứng của người đó trước khi đưa ra hướng điều trị thích hợp. Tương tự, chúng ta không nên dùng một cách duy nhất để tiếp cận với tất cả những người mình gặp trong thánh chức. Thay vì thế, chúng ta muốn để ý đến quan điểm và hoàn cảnh của từng người.

9. Chúng ta cần tránh làm gì? Hãy giải thích.

9 Khi gặp một người trong thánh chức, đừng vội cho rằng mình đã biết về hoàn cảnh hoặc niềm tin và lý do người đó tin như thế (Châm 18:13). Thay vì vậy, hãy khéo léo đặt những câu hỏi (Châm 20:5). Nếu phù hợp với văn hóa địa phương, hãy hỏi thăm về công việc, gia đình và quan điểm của họ. Khi đặt câu hỏi, chúng ta như thể đang để cho họ tự nói ra lý do họ cần tin mừng. Khi đó, chúng ta có thể biểu lộ sự đồng cảm và đáp ứng nhu cầu của họ, như Chúa Giê-su đã làm.—So sánh 1 Cô-rinh-tô 9:19-23.

Hãy cố gắng hình dung về đời sống của những người mình rao giảng (Xem đoạn 10, 11)

10, 11. Theo 2 Cô-rinh-tô 4:7, 8, cách thứ hai chúng ta có thể biểu lộ sự đồng cảm là gì? Hãy cho ví dụ.

10 Thứ hai, hãy cố gắng hình dung về đời sống của những người mình rao giảng. Chúng ta có thể hiểu hoàn cảnh của một người ở mức độ nào đó. Suy cho cùng, chúng ta đều là người bất toàn và có những vấn đề trong đời sống (1 Cô 10:13). Chúng ta biết rằng đời sống trong thế gian hiện tại vô cùng khó khăn. Chúng ta chỉ có thể chịu đựng với sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va. (Đọc 2 Cô-rinh-tô 4:7, 8). Nhưng hãy nghĩ về những người phải vật lộn mỗi ngày trong thế gian này mà không có tình bạn mật thiết với Đức Giê-hô-va. Giống như Chúa Giê-su, chúng ta động lòng thương cảm và được thúc đẩy để chia sẻ với họ “tin mừng về điều tốt lành hơn”.—Ê-sai 52:7.

11 Hãy xem trường hợp của một anh tên là Sergey. Trước khi học chân lý, anh Sergey là người sống khép kín. Anh thấy rất khó nói chuyện với người khác. Sau này, anh chấp nhận học Kinh Thánh. Anh Sergey cho biết: “Khi học Kinh Thánh, tôi biết rằng tín đồ đạo Đấng Ki-tô có bổn phận chia sẻ niềm tin với người khác. Thật sự, tôi không bao giờ nghĩ mình có thể làm được điều đó”. Nhưng anh nghĩ đến những người chưa biết chân lý và hình dung đời sống của họ khó khăn thế nào khi không biết về Đức Giê-hô-va. Anh nói: “Những điều tôi học được đã mang lại cho tôi hạnh phúc và bình an tâm trí. Tôi biết rằng người khác cũng cần được học về những sự thật này”. Càng có sự đồng cảm với người khác, anh càng can đảm để rao giảng. Anh Sergey nói thêm: “Thật ngạc nhiên khi thấy việc nói với người khác về Kinh Thánh đã giúp tôi tự tin hơn và củng cố đức tin của mình”. *

Có lẽ cần thời gian để một người tiến bộ về thiêng liêng (Xem đoạn 12, 13)

12, 13. Tại sao chúng ta cần kiên nhẫn với những người mình dạy Kinh Thánh? Hãy minh họa.

12 Thứ ba, hãy kiên nhẫn với những người mà anh chị dạy Kinh Thánh. Hãy nhớ rằng có lẽ họ chưa bao giờ nghĩ về một số sự thật trong Kinh Thánh mà chúng ta đã biết rõ. Và nhiều người vẫn còn gắn bó với niềm tin của họ. Có thể họ cảm thấy tôn giáo ấy đã gắn kết họ với gia đình, văn hóa và cộng đồng. Vậy làm thế nào để giúp những người như thế?

13 Hãy nghĩ về minh họa này: Nói sao nếu một cây cầu đã cũ và ọp ẹp cần được thay thế? Thường thì cây cầu ấy sẽ vẫn được sử dụng cho đến khi cây cầu mới được xây xong. Khi cây cầu mới hoàn tất thì có thể phá bỏ cây cầu cũ. Tương tự, trước khi khuyến khích một người từ bỏ niềm tin “cũ” của họ, có lẽ đầu tiên chúng ta cần giúp họ xây đắp lòng quý trọng đối với những sự thật “mới”, tức những sự dạy dỗ Kinh Thánh mà họ chưa quen thuộc. Chỉ khi đó, họ mới sẵn sàng từ bỏ niềm tin trước kia. Việc giúp một người thực hiện những thay đổi ấy có thể cần thời gian.—Rô 12:2.

14, 15. Làm thế nào chúng ta giúp những người biết ít hoặc chưa hề biết về hy vọng sống mãi mãi trong địa đàng? Hãy cho ví dụ.

14 Nếu kiên nhẫn với những người mình gặp trong thánh chức, chúng ta sẽ không mong đợi họ hiểu hoặc chấp nhận ngay một sự dạy dỗ nào đó khi mới nghe lần đầu. Thay vì thế, sự đồng cảm thôi thúc chúng ta kiên trì đến giúp họ lý luận dựa trên Kinh Thánh. Chẳng hạn, hãy xem cách chúng ta có thể lý luận với một người về hy vọng sống mãi mãi trong địa đàng. Nhiều người biết rất ít hoặc chưa hề biết về sự dạy dỗ này. Có lẽ họ tin rằng chết là hết. Hoặc họ nghĩ tất cả người tốt đều lên thiên đàng sau khi chết. Chúng ta có thể giúp họ như thế nào?

15 Một anh chia sẻ như sau về cách lý luận mà anh thấy hiệu quả. Đầu tiên, anh đọc Sáng thế 1:28. Sau đó, anh hỏi chủ nhà là Đức Chúa Trời muốn gia đình nhân loại sống ở đâu và có đời sống như thế nào. Hầu hết người ta đều trả lời: “Ngài muốn con người sống hạnh phúc trên đất”. Tiếp theo, anh đọc Ê-sai 55:11 và hỏi rằng ý định của Đức Chúa Trời có thay đổi không. Thường thì chủ nhà sẽ trả lời là không. Cuối cùng, anh đọc Thi thiên 37:10, 11 và hỏi rằng tương lai nào đang chờ đón nhân loại. Nhờ dùng lập luận này của Kinh Thánh, anh đã giúp một số người hiểu rằng Đức Chúa Trời vẫn muốn người tốt sống mãi mãi trong địa đàng.

Một hành động dù nhỏ, chẳng hạn viết những lời khích lệ, cũng có thể mang lại nhiều kết quả tốt (Xem đoạn 16, 17)

16, 17. Ghi nhớ những lời nơi Châm ngôn 3:27, chúng ta có thể biểu lộ sự đồng cảm qua một số cách thực tế nào? Hãy cho ví dụ.

16 Thứ tư, hãy nghĩ đến những cách thực tế để biểu lộ lòng quan tâm. Chẳng hạn, đã bao giờ chúng ta thăm một chủ nhà vào thời điểm không thuận tiện? Chúng ta có thể xin lỗi và hẹn trở lại vào lúc khác. Nói sao nếu chủ nhà cần giúp một số việc nhỏ? Hay chủ nhà cần ai đó giúp làm việc vặt vì họ không thể ra khỏi nhà do bị bệnh hoặc lớn tuổi? Trong những trường hợp như thế, có lẽ chúng ta muốn trợ giúp họ.—Đọc Châm ngôn 3:27.

17 Một chị đã làm điều dường như nhỏ nhoi nhưng mang lại kết quả rất tốt. Sự đồng cảm đã thôi thúc chị viết thư cho một gia đình có con trai qua đời. Trong thư, chị cũng trích một số câu Kinh Thánh đầy an ủi. Gia đình ấy phản ứng thế nào? Người mẹ hồi âm như sau: “Hôm qua, trong lòng tôi cảm thấy rất buồn. Tôi rất biết ơn khi đọc những lời quan tâm và đầy ân cần trong lá thư của chị. Lá thư đó đã thật sự an ủi và giúp chúng tôi lên tinh thần rất nhiều. Ngày hôm qua, tôi đọc lá thư đó ít nhất 20 lần. Từ đáy lòng, chúng tôi cám ơn chị rất nhiều”. Chắc chắn, chúng ta cũng có thể đạt được kết quả tốt nếu đặt mình vào hoàn cảnh của người đang đau buồn và làm điều gì đó để giúp họ.

GIỮ QUAN ĐIỂM THĂNG BẰNG VỀ VAI TRÒ CỦA MÌNH

18. Phù hợp với 1 Cô-rinh-tô 3:6, 7, chúng ta muốn giữ quan điểm thăng bằng nào trong thánh chức?

18 Dĩ nhiên, chúng ta muốn giữ quan điểm thăng bằng trong thánh chức. Đúng là mỗi chúng ta đều góp phần giúp người khác học về Đức Chúa Trời, nhưng chúng ta không phải là người đóng vai trò quan trọng nhất. (Đọc 1 Cô-rinh-tô 3:6, 7). Đức Giê-hô-va là đấng kéo người ta đến với ngài (Giăng 6:44). Mỗi người sẽ tự chọn hưởng ứng tin mừng hay không dựa vào tình trạng lòng của họ (Mat 13:4-8). Hãy nhớ rằng đa số người ta không chấp nhận thông điệp của Chúa Giê-su, người dạy dỗ xuất sắc nhất đã từng sống! Vì thế, chúng ta không nên nản lòng nếu nhiều người mà mình muốn giúp không hưởng ứng tích cực.

19. Việc biểu lộ sự đồng cảm mang lại lợi ích nào trong thánh chức?

19 Việc biểu lộ sự đồng cảm mang lại nhiều lợi ích trong thánh chức. Chúng ta sẽ vui thích công việc rao giảng hơn. Chúng ta sẽ cảm nghiệm niềm hạnh phúc đến từ việc ban cho. Khi chúng ta biểu lộ sự đồng cảm, những người “có lòng ngay thẳng để hưởng sự sống vĩnh cửu” sẽ dễ chấp nhận tin mừng hơn (Công 13:48). Vì thế, “trong khi còn cơ hội, chúng ta hãy làm điều lành cho mọi người” (Ga 6:10). Rồi chúng ta sẽ có niềm vui sâu xa trong việc mang lại sự vinh hiển cho Cha trên trời.—Mat 5:16.

BÀI HÁT 64 Vui mừng tham gia mùa gặt

^ đ. 5 Khi biểu lộ sự đồng cảm trong thánh chức, chúng ta có thể gia tăng niềm vui và thu hút người ta chú ý đến tin mừng hơn. Tại sao có thể nói như thế? Trong bài này, hãy xem chúng ta học được gì từ gương của Chúa Giê-su, cũng như bốn cách cụ thể để biểu lộ sự đồng cảm với những người mình gặp trong thánh chức.

^ đ. 5 GIẢI NGHĨA: Trong văn cảnh của câu này, cụm từ động lòng thương cảm có nghĩa là có tình cảm dịu dàng với người đang đau buồn hoặc bị đối xử hà khắc. Cảm xúc ấy thôi thúc một người làm bất cứ điều gì có thể để giúp người khác.

^ đ. 8 Xin xem bài “Làm theo Luật Vàng trong thánh chức” trong Tháp Canh ngày 15-5-2014.