Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 10

Cả hội thánh có thể giúp học viên tiến bộ đến bước báp-têm

Cả hội thánh có thể giúp học viên tiến bộ đến bước báp-têm

“Khi mỗi bộ phận hoạt động đúng cách thì cơ thể phát triển”.—Ê-PHÊ 4:16.

BÀI HÁT 85 Hãy tiếp đón nhau

GIỚI THIỆU *

1, 2. Ai có thể giúp một học viên tiến bộ đến bước báp-têm?

Chị Amy sống ở Fiji nói: “Tôi rất thích những điều mình học được trong các cuộc học hỏi Kinh Thánh. Tôi biết đây là chân lý nhưng chỉ khi bắt đầu kết hợp với anh chị em, tôi mới thực hiện những thay đổi cần thiết và tiến bộ đến bước báp-têm”. Kinh nghiệm của chị Amy nhấn mạnh một sự thật quan trọng, đó là học viên sẽ dễ tiến bộ đến bước báp-têm hơn khi nhận sự giúp đỡ của các anh chị trong hội thánh.

2 Mỗi công bố đều có thể góp phần vào sự phát triển của hội thánh (Ê-phê 4:16). Một chị tiên phong tên Leilani sống ở Vanuatu cho biết: “Người ta nói rằng cần cả làng để nuôi dạy một đứa trẻ. Tôi nghĩ điều này cũng đúng trong việc đào tạo môn đồ, thường thì cần cả hội thánh để giúp một người vào chân lý”. Thật vậy, các thành viên trong gia đình, bạn bè và thầy cô đều đóng vai trò quan trọng trong việc giúp một đứa trẻ trở thành một người chín chắn. Họ làm điều này bằng cách động viên và dạy em những bài học quan trọng. Tương tự, các công bố có thể chỉ bảo, khuyến khích và nêu gương tốt cho học viên Kinh Thánh, nhờ đó họ giúp học viên tiến bộ đến bước báp-têm.—Châm 15:22.

3. Anh chị học được gì từ lời chia sẻ của chị Ana, anh Dorin và chị Leilani?

3 Tại sao người hướng dẫn cuộc học hỏi Kinh Thánh nên vui khi công bố khác trợ giúp học viên của mình? Hãy lưu ý điều chị Ana, một tiên phong đặc biệt sống ở Moldova, nói: “Rất khó để một người có thể đáp ứng mọi nhu cầu của học viên khi người ấy bắt đầu tiến bộ”. Anh Dorin, một tiên phong đặc biệt cũng phụng sự ở nước đó, nhận xét: “Nhiều lần các công bố khác nói một điều động đến lòng của học viên, là điều mà tôi chưa từng nghĩ tới”. Chị Leilani đề cập một lý do khác: “Tình yêu thương nồng ấm mà các anh chị thể hiện với học viên có thể giúp người ấy nhận diện dân của Đức Giê-hô-va”.—Giăng 13:35.

4. Chúng ta sẽ thảo luận điều gì trong bài này?

4 Tuy nhiên, có lẽ anh chị thắc mắc: “Làm thế nào tôi có thể giúp một học viên tiến bộ trong khi tôi không phải là người hướng dẫn cuộc học hỏi đó?”. Hãy xem những điều chúng ta có thể làm khi được mời tham dự một cuộc học hỏi Kinh Thánh cũng như khi học viên bắt đầu tham dự nhóm họp. Chúng ta cũng sẽ xem làm thế nào trưởng lão có thể giúp các học viên tiến bộ đến bước báp-têm.

KHI THAM DỰ CUỘC HỌC HỎI KINH THÁNH

Khi được mời tham dự cuộc học hỏi, hãy chuẩn bị tài liệu sẽ được thảo luận (Xem đoạn 5-7)

5. Anh chị đóng vai trò nào khi được mời tham dự cuộc học hỏi Kinh Thánh?

5 Trong buổi học Kinh Thánh, người dạy có trách nhiệm chính trong việc giúp học viên hiểu Lời Đức Chúa Trời. Nếu được người dạy mời tham dự cuộc học hỏi, anh chị nên xem mình là bạn đồng hành. Vai trò của anh chị là hỗ trợ người ấy (Truyền 4:9, 10). Cụ thể, anh chị có thể làm gì để trở thành người trợ giúp hữu hiệu?

6. Khi được mời tham dự một cuộc học hỏi, anh chị có thể áp dụng nguyên tắc nơi Châm ngôn 20:18 như thế nào?

6 Chuẩn bị cho buổi học. Trước hết, hãy xin người dạy chia sẻ vài thông tin về học viên. (Đọc Châm ngôn 20:18). Anh chị có thể hỏi: “Học viên ấy có gốc gác ra sao? Buổi học này sẽ thảo luận về đề tài nào? Anh chị muốn học viên rút ra bài học nào? Có điều gì mà tôi nên hoặc không nên nói và làm không? Tôi có thể làm gì để khuyến khích học viên tiến bộ?”. Dĩ nhiên, người dạy sẽ không chia sẻ điều cần giữ kín của học viên, nhưng những điều mà người ấy nói với anh chị có thể rất hữu ích. Một chị giáo sĩ tên Joy thường thảo luận những điều này với người cùng tham dự. Chị cho biết: “Cuộc trò chuyện như thế giúp người đi cùng quan tâm đến học viên và biết cách góp phần vào buổi học”.

7. Tại sao người đi cùng cần chuẩn bị cho buổi học?

7 Nếu anh chị được mời tham dự cuộc học hỏi, điều hữu ích là chuẩn bị trước tài liệu sẽ được thảo luận (Ê-xơ-ra 7:10). Anh Dorin, người được đề cập ở trên, nói: “Tôi biết ơn khi người đi cùng chuẩn bị trước cho buổi học. Nhờ thế người ấy có thể tham gia một cách ý nghĩa”. Ngoài ra, rất có thể học viên sẽ để ý thấy cả người dạy lẫn người đi cùng đã chuẩn bị kỹ, và điều này sẽ nêu gương tốt cho học viên. Ngay cả khi anh chị không thể chuẩn bị kỹ tài liệu thì ít nhất hãy dành chút thời gian để nắm được những điểm chính của bài học.

8. Điều gì có thể giúp anh chị cầu nguyện có ý nghĩa tại buổi học hỏi Kinh Thánh?

8 Cầu nguyện đóng một vai trò quan trọng trong buổi học hỏi Kinh Thánh, vì thế hãy suy nghĩ trước điều anh chị sẽ nói nếu được mời dâng lời cầu nguyện. Hẳn điều này sẽ làm cho lời cầu nguyện có ý nghĩa hơn (Thi 141:2). Chị Hanae sống ở Nhật Bản vẫn nhớ những lời cầu nguyện của một chị đã đi cùng người dạy Kinh Thánh cho mình. Chị Hanae nói: “Tôi cảm nhận được mối quan hệ mật thiết mà chị ấy có với Đức Giê-hô-va, và tôi muốn được giống như thế. Tôi cũng cảm thấy mình được yêu thương khi chị ấy nhắc đến tên tôi trong lời cầu nguyện”.

9. Theo Gia-cơ 1:19, anh chị có thể làm gì để trở thành bạn đồng hành hữu ích?

9 Hỗ trợ người dạy trong buổi học. Chị Omamuyovbi, một tiên phong đặc biệt sống ở Nigeria, cho biết: “Một người bạn đồng hành hữu ích sẽ chăm chú dõi theo bài học. Người ấy góp phần một cách có ý nghĩa nhưng không nói quá nhiều vì nhận biết rằng người dạy là người dẫn đầu cuộc học hỏi”. Làm sao để biết mình nên đóng góp vào buổi thảo luận khi nào và như thế nào? (Châm 25:11). Hãy chú ý lắng nghe khi người dạy và học viên nói. (Đọc Gia-cơ 1:19). Chỉ lúc đó anh chị mới có thể sẵn sàng trợ giúp khi thích hợp. Dĩ nhiên, anh chị cũng cần suy xét. Chẳng hạn, anh chị sẽ không muốn nói quá nhiều, cắt ngang khi người dạy đang lý luận, hoặc giới thiệu đề tài khác. Bằng cách bình luận ngắn gọn, dùng minh họa hoặc đặt câu hỏi, anh chị có thể giúp làm rõ điểm đang được thảo luận. Đôi khi, có lẽ anh chị cảm thấy mình không đóng góp được nhiều vào buổi học. Nhưng nếu khen và quan tâm đến học viên, anh chị sẽ góp phần giúp người ấy tiến bộ.

10. Kinh nghiệm của anh chị có thể giúp một học viên như thế nào?

10 Chia sẻ kinh nghiệm của mình. Nếu thích hợp, hãy kể vắn tắt với học viên về việc anh chị biết chân lý như thế nào, anh chị đã làm gì để vượt qua một thử thách hoặc anh chị thấy bàn tay của Đức Giê-hô-va giúp mình ra sao trong đời sống (Thi 78:4, 7). Kinh nghiệm của anh chị có thể là điều học viên đang cần nghe. Kinh nghiệm đó có lẽ củng cố đức tin hoặc khuyến khích học viên tiếp tục tiến bộ đến bước báp-têm, cũng như cho học viên thấy làm thế nào để vượt qua thử thách mà người ấy đang gặp phải (1 Phi 5:9). Anh Gabriel, một tiên phong sống ở Brazil, nhớ lại anh đã nhận được lợi ích ra sao lúc còn học hỏi Kinh Thánh. Anh cho biết: “Khi được nghe các kinh nghiệm của anh em, tôi học được rằng Đức Giê-hô-va thấy những thử thách mà chúng ta phải đương đầu. Nếu các anh chị ấy có thể vượt qua, thì tôi cũng có thể”.

KHI HỌC VIÊN THAM DỰ NHÓM HỌP

Tất cả chúng ta có thể khuyến khích học viên tiếp tục tham dự nhóm họp (Xem đoạn 11)

11, 12. Tại sao chúng ta nên nồng ấm chào đón học viên khi họ đến nhóm họp?

11 Để tiến bộ đến bước báp-têm, một học viên phải đều đặn tham dự và nhận lợi ích từ các buổi nhóm họp (Hê 10:24, 25). Rất có thể học viên đến nhóm họp lần đầu tiên là do người dạy mời. Khi người ấy đến nhóm, tất cả chúng ta có thể khuyến khích họ tiếp tục đến Phòng Nước Trời. Chúng ta có thể làm điều này bằng cách nào?

12 Nồng ấm chào đón học viên (Rô 15:7). Nếu cảm thấy được chào đón tại các buổi nhóm họp, rất có thể học viên sẽ muốn tiếp tục đến Phòng Nước Trời. Hãy nồng ấm chào đón và giới thiệu họ với người khác, nhưng đừng khiến họ cảm thấy choáng ngợp. Không nên nghĩ rằng người ấy đã được người khác chăm sóc; có thể người dạy chưa đến hoặc bận rộn với nhiều trách nhiệm. Hãy chú ý lắng nghe khi học viên nói và tỏ lòng quan tâm đến họ. Sự chào đón nồng ấm của anh chị có thể có tác động nào? Hãy xem kinh nghiệm của anh Dmitrii vừa mới báp-têm cách đây vài năm và hiện đang làm phụ tá hội thánh. Nhớ lại buổi nhóm họp đầu tiên, anh nói: “Một anh nhìn thấy tôi hồi hộp đứng đợi bên ngoài Phòng Nước Trời. Anh đã tử tế dẫn tôi vào trong. Nhiều anh chị đã đến chào hỏi tôi. Tôi thật sự rất ngạc nhiên. Tôi thích không khí đó đến mức ước là mỗi ngày đều có nhóm họp. Tôi chưa bao giờ có trải nghiệm như thế ở nơi nào khác”.

13. Hạnh kiểm của anh chị có thể tác động ra sao đến học viên?

13 Nêu gương tốt. Hạnh kiểm của anh chị có thể giúp học viên tin chắc mình đã tìm được chân lý (Mat 5:16). Anh Vitalii hiện đang làm tiên phong ở Moldova nói: “Tôi thấy cách các anh chị trong hội thánh sống, suy nghĩ và cư xử. Điều này thuyết phục tôi rằng Nhân Chứng Giê-hô-va thật sự bước đi với Đức Chúa Trời”.

14. Làm thế nào gương của anh chị có thể giúp một người tiếp tục tiến bộ?

14 Để hội đủ điều kiện báp-têm, học viên cần áp dụng những gì mình học. Điều này không phải lúc nào cũng dễ. Nhưng khi thấy việc áp dụng nguyên tắc Kinh Thánh mang lại nhiều lợi ích cho anh chị, học viên có thể được thúc đẩy để noi theo (1 Cô 11:1). Hãy xem kinh nghiệm của chị Hanae được đề cập ở trên. Chị cho biết: “Các anh chị trong hội thánh là gương sống về những điều mà tôi đang học. Tôi học được cách khích lệ, tha thứ và thể hiện tình yêu thương với người khác. Họ luôn nói tốt về người khác, và tôi muốn bắt chước họ”.

15. Theo Châm ngôn 27:17, tại sao chúng ta nên kết bạn với học viên khi người ấy tiếp tục tham dự nhóm họp?

15 Kết bạn với học viên. Khi học viên tiếp tục tham dự nhóm họp, hãy luôn thể hiện lòng quan tâm đến họ (Phi-líp 2:4). Hãy nói chuyện với họ. Thay vì hỏi về những chuyện quá riêng tư, anh chị có thể khen về bất cứ sự thay đổi tích cực nào người ấy đã thực hiện và hỏi thăm họ về việc học hỏi Kinh Thánh, gia đình hay công việc. Những cuộc nói chuyện như thế có thể giúp anh chị thân mật với họ hơn. Khi làm bạn với học viên, anh chị giúp họ tiến bộ đến bước báp-têm. (Đọc Châm ngôn 27:17). Chị Hanae hiện nay đang làm tiên phong đều đều. Nhớ lại khi mới bắt đầu tham dự nhóm họp, chị nói: “Khi kết bạn với anh chị trong hội thánh, tôi bắt đầu mong chờ các buổi nhóm họp, và tôi tham dự ngay cả khi cảm thấy mệt. Tôi thích kết hợp với những người bạn mới, điều này đã giúp tôi chấm dứt tình bạn với những người không cùng niềm tin. Tôi muốn đến gần hơn với Đức Giê-hô-va và các anh chị. Vì thế, tôi đã quyết định báp-têm”.

16. Anh chị có thể làm điều gì khác để giúp học viên cảm thấy mình là một phần của hội thánh?

16 Khi học viên tiếp tục tiến bộ và thực hiện những thay đổi, hãy giúp họ cảm thấy mình là một phần của hội thánh. Anh chị có thể làm điều này bằng cách thể hiện lòng hiếu khách (Hê 13:2). Nhớ lại khi còn là học viên Kinh Thánh, anh Denis phụng sự ở Moldova cho biết: “Nhiều lần, vợ chồng tôi được mời kết hợp với các anh chị. Họ kể cho chúng tôi nghe về cách Đức Giê-hô-va giúp đỡ họ. Điều này khích lệ chúng tôi. Những dịp như thế giúp chúng tôi càng tin chắc là mình muốn phụng sự Đức Giê-hô-va và một đời sống tuyệt vời đang đón đợi chúng tôi”. Khi học viên hội đủ điều kiện làm công bố, anh chị cũng có thể mời họ cùng tham gia thánh chức. Anh Diego, một công bố đến từ Brazil, nói: “Nhiều anh đã mời tôi đi thánh chức. Đây là cách tốt nhất để hiểu rõ hơn về họ. Nhờ thế, tôi học được nhiều điều, đồng thời cảm thấy gần gũi hơn với Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su”.

CÁC TRƯỞNG LÃO CÓ THỂ TRỢ GIÚP NHƯ THẾ NÀO?

Lòng quan tâm nồng ấm của các trưởng lão có thể giúp các học viên tiến bộ (Xem đoạn 17)

17. Các trưởng lão có thể trợ giúp học viên như thế nào?

17 Dành thời gian cho các học viên. Các anh trưởng lão thân mến, lòng quan tâm yêu thương của các anh có thể giúp học viên tiến bộ đến bước báp-têm. Các anh có thể thường xuyên trò chuyện với học viên tại buổi nhóm họp không? Họ sẽ cảm nhận lòng quan tâm của các anh nếu các anh nhớ tên của họ, đặc biệt khi họ bắt đầu bình luận. Các anh có thể sắp xếp thời gian để thỉnh thoảng tham dự cuộc học hỏi của các công bố không? Các anh có thể tác động đến học viên nhiều hơn là mình nghĩ. Một chị tiên phong tên Jackie sống ở Nigeria kể lại: “Nhiều học viên kinh ngạc khi biết người đi cùng tôi để học hỏi với họ là một trưởng lão. Một học viên nói: ‘Mục sư của tôi không bao giờ làm thế. Ông ấy chỉ thăm những người giàu và chỉ khi họ trả tiền cho ông!’”. Học viên đó hiện đang tham dự nhóm họp.

18. Làm thế nào các trưởng lão có thể chu toàn trách nhiệm được nói nơi Công vụ 20:28?

18 Huấn luyện và khích lệ người dạy. Hỡi các trưởng lão, các anh có trọng trách giúp người công bố trở nên hữu hiệu trong thánh chức, bao gồm việc điều khiển học hỏi Kinh Thánh. (Đọc Công vụ 20:28). Nếu một anh chị cảm thấy ngại điều khiển cuộc học hỏi khi anh có mặt, thì anh hãy đề nghị điều khiển giúp. Chị Jackie được đề cập ở trên kể lại: “Các trưởng lão thường xuyên hỏi thăm về các học viên của tôi. Khi tôi gặp khó khăn trong việc điều khiển học hỏi, các anh đưa ra lời khuyên hữu ích”. Các trưởng lão có thể khích lệ người dạy rất nhiều và thúc đẩy họ tiếp tục kiên trì (1 Tê 5:11). Chị Jackie nói thêm: “Tôi vui khi trưởng lão khích lệ và nói rằng họ quý trọng nỗ lực của tôi. Những lời như thế giống như một ly nước mát trong ngày hè oi bức, giúp tôi tươi tỉnh. Lời khen của họ giúp tôi tự tin hơn và gia tăng niềm vui trong việc điều khiển học hỏi”.—Châm 25:25.

19. Tất cả chúng ta có thể có niềm vui nào?

19 Dù hiện nay không điều khiển cuộc học hỏi Kinh Thánh nào, chúng ta vẫn có thể giúp một người tiến bộ về thiêng liêng. Thay vì lấn át vai trò của người dạy, chúng ta có thể hỗ trợ qua những lời bình luận được chuẩn bị kỹ. Chúng ta có thể làm bạn với học viên khi họ đến Phòng Nước Trời, đồng thời nêu gương tốt cho họ. Các trưởng lão có thể khích lệ học viên bằng cách dành thời gian cho họ cũng như khích lệ người dạy bằng cách huấn luyện và khen họ. Thật vậy, còn gì vui hơn khi biết mình góp phần dù nhỏ nhoi vào việc giúp một người yêu mến và phụng sự Cha trên trời, Đức Giê-hô-va?

BÀI HÁT 79 Xin Cha giúp chiên vững vàng

^ đ. 5 Không phải ai trong chúng ta cũng đang có đặc ân điều khiển một cuộc học hỏi Kinh Thánh. Tuy nhiên, tất cả chúng ta có thể góp phần vào việc giúp một người tiến bộ đến bước báp-têm. Bài này sẽ xem mỗi chúng ta có thể làm gì để giúp một học viên đạt được mục tiêu đó.