Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 30

Hãy tiếp tục bước theo chân lý

Hãy tiếp tục bước theo chân lý

“Không có gì khiến tôi vui mừng hơn là nghe rằng con cái tôi tiếp tục bước theo chân lý”.—3 GIĂNG 4.

BÀI HÁT 54 “Đây là đường”

GIỚI THIỆU *

1. Như được nói nơi 3 Giăng 3, 4, điều gì làm chúng ta vui mừng?

Hãy hình dung sứ đồ Giăng vui mừng thế nào khi biết những người mà ông giúp học chân lý vẫn tiếp tục trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va. Họ đối mặt với nhiều vấn đề, và Giăng đã nỗ lực để củng cố đức tin của những tín đồ trung thành này, là các con thiêng liêng của ông. Tương tự, chúng ta vui mừng khi con cái của chúng ta, bất kể con ruột hay là con thiêng liêng, dâng mình cho Đức Giê-hô-va và tiếp tục phụng sự ngài.—Đọc 3 Giăng 3, 4.

2. Mục đích của ba lá thư mà Giăng viết là gì?

2 Vào năm 98 CN, rất có thể Giăng đang sống ở Ê-phê-sô hoặc gần đó. Có lẽ ông chuyển đến thành này sau khi được trở về từ cuộc lưu đày ở đảo Bát-mô. Trong khoảng thời gian đó, thần khí thánh thúc đẩy ông viết ba lá thư để khuyến khích các tín đồ giữ vững đức tin nơi Chúa Giê-su và tiếp tục bước theo chân lý.

3. Chúng ta sẽ trả lời những câu hỏi nào?

3 Giăng là sứ đồ qua đời sau cùng, và ông lo lắng về ảnh hưởng tai hại của các thầy dạy giả đối với hội thánh * (1 Giăng 2:18, 19, 26). Những kẻ bội đạo này tự cho rằng họ biết Đức Chúa Trời, nhưng họ không vâng theo điều răn của ngài. Hãy xem lời khuyên được soi dẫn của Giăng và trả lời ba câu hỏi: Bước theo chân lý có nghĩa gì? Chúng ta đối mặt với những rào cản nào? Và chúng ta có thể giúp nhau ra sao để tiếp tục bước theo chân lý?

BƯỚC THEO CHÂN LÝ CÓ NGHĨA GÌ?

4. Theo 1 Giăng 2:3-6 và 2 Giăng 4, 6, bước theo chân lý bao gồm điều gì?

4 Để bước theo chân lý, chúng ta cần hiểu chân lý trong Lời Đức Chúa Trời. Chúng ta cũng cần ‘vâng giữ các điều răn của Đức Giê-hô-va’. (Đọc 1 Giăng 2:3-6; 2 Giăng 4, 6). Chúa Giê-su nêu gương hoàn hảo trong việc vâng lời Cha ngài. Thế nên, một cách quan trọng chúng ta vâng lời Đức Giê-hô-va là cố gắng theo sát dấu chân của Chúa Giê-su.—Giăng 8:29; 1 Phi 2:21.

5. Chúng ta cần tin chắc những gì?

5 Để tiếp tục bước theo chân lý, chúng ta cần tin chắc Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời chân thật và mọi điều ngài nói trong Kinh Thánh đều là sự thật. Chúng ta cũng cần tin chắc Chúa Giê-su là Đấng Mê-si được hứa trước. Ngày nay, nhiều người không tin Chúa Giê-su đã được bổ nhiệm làm Vua Nước Trời. Giăng cảnh báo là có nhiều kẻ có thể lừa gạt những ai không sẵn sàng bênh vực sự thật về Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su (2 Giăng 7-11). Giăng viết: “Ai là kẻ nói dối, chẳng phải kẻ phủ nhận Chúa Giê-su là Đấng Ki-tô sao?” (1 Giăng 2:22). Cách duy nhất để tránh bị lừa gạt là học Lời Đức Chúa Trời. Chỉ khi đó, chúng ta mới hiểu về Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su (Giăng 17:3). Và chỉ khi đó, chúng ta mới tin chắc mình đã tìm được chân lý.

CHÚNG TA ĐỐI MẶT VỚI NHỮNG RÀO CẢN NÀO?

6. Một rào cản mà các tín đồ trẻ gặp phải là gì?

6 Mọi tín đồ phải cảnh giác để không bị lừa gạt bởi những triết lý của con người (1 Giăng 2:26). Đặc biệt các tín đồ trẻ cần cẩn thận để tránh rơi vào bẫy này. Chị Alexia, * 25 tuổi ở Pháp, cho biết: “Trước đây, khi học về những lập luận của thế gian, chẳng hạn như thuyết tiến hóa và triết lý của con người, có lúc tôi thấy mình bị những lập luận ấy lôi cuốn. Nhưng tôi nghĩ mình không thể cứ thụ động chấp nhận những gì được dạy ở trường mà lại không xem xét những gì Đức Giê-hô-va nói”. Chị bắt đầu đọc sách Sự sống—Đã xuất hiện thế nào? Do tiến hóa hay sáng tạo? (Life—How Did It Get Here? By Evolution or by Creation?). Trong vài tuần, mọi nghi ngờ của chị đều tan biến. Chị Alexia nói: “Tôi đã chứng minh cho chính mình rằng Kinh Thánh là chân lý, và tôi nhận ra sống theo tiêu chuẩn của sách này mang lại nhiều niềm vui và sự bình an”.

7. Chúng ta phải tránh điều gì, và tại sao?

7 Tất cả các tín đồ dù trẻ hay già đều phải tránh lối sống hai mặt. Giăng cho biết chúng ta không thể vừa bước theo chân lý mà lại vừa có lối sống vô luân (1 Giăng 1:6). Nếu muốn được Đức Chúa Trời chấp nhận ngay bây giờ và trong tương lai, chúng ta cần nhớ rằng trước mắt ngài, mọi hành động của mình đều lộ ra như giữa ban ngày. Nói cách khác, chẳng ai có thể lén lút phạm tội vì Đức Giê-hô-va thấy mọi điều chúng ta làm.—Hê 4:13.

8. Chúng ta phải bác bỏ điều gì?

8 Chúng ta phải bác bỏ quan điểm của thế gian về tội lỗi. Sứ đồ Giăng viết: “Nếu nói: ‘Chúng ta không có tội’ là chúng ta đang lừa dối mình” (1 Giăng 1:8). Vào thời Giăng, những kẻ bội đạo cho rằng một người có thể cố tình bước theo con đường tội lỗi và vẫn được Đức Chúa Trời chấp nhận. Ngày nay, chúng ta đang sống trong một thế gian có quan điểm tương tự như thế. Nhiều người cho rằng mình tin có Đức Chúa Trời, nhưng họ không có cùng quan điểm với ngài về tội lỗi, đặc biệt là quan điểm về tình dục. Điều mà Đức Giê-hô-va xem là tội lỗi thì họ lại xem là ý thích riêng hoặc một lối sống khác.

Hỡi các bạn trẻ, hãy củng cố lập trường dựa trên Kinh Thánh về điều đúng và điều sai, nhờ đó có thể bênh vực đức tin của mình (Xem đoạn 9) *

9. Các tín đồ trẻ nhận được lợi ích nào khi giữ vững lập trường dựa trên Kinh Thánh?

9 Đặc biệt các tín đồ trẻ có thể bị bạn học hoặc đồng nghiệp gây áp lực để có cùng quan điểm với họ về tình dục. Anh Aleksandar từng đối mặt với điều này. Anh kể: “Một số bạn nữ ở trường cố thuyết phục tôi quan hệ tình dục với họ. Các bạn ấy nói rằng tôi không có bạn gái nên chắc tôi là người đồng tính”. Khi anh chị gặp thử thách tương tự, hãy nhớ rằng nếu giữ vững lập trường dựa trên Kinh Thánh, anh chị sẽ giữ được lòng tự trọng, bảo vệ được sức khỏe thể chất lẫn tinh thần và duy trì mối quan hệ với Đức Giê-hô-va. Mỗi lần kháng cự cám dỗ, anh chị sẽ dễ làm điều đúng hơn. Cũng hãy nhớ rằng quan điểm sai trái của thế gian về tình dục bắt nguồn từ Sa-tan. Thế nên, khi cương quyết không thỏa hiệp thì anh chị chiến thắng Kẻ Ác.—1 Giăng 2:14.

10. Làm thế nào 1 Giăng 1:9 giúp chúng ta phụng sự Đức Giê-hô-va với một lương tâm trong sạch?

10 Chúng ta biết Đức Giê-hô-va có quyền đặt ra tiêu chuẩn về điều đúng, điều sai, và chúng ta cố gắng hết sức làm theo tiêu chuẩn ấy để không phạm tội. Nhưng khi phạm tội, chúng ta thú nhận tội lỗi với Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện. (Đọc 1 Giăng 1:9). Và nếu phạm tội trọng, chúng ta tìm đến sự giúp đỡ của các trưởng lão, là những anh mà Đức Giê-hô-va bổ nhiệm để chăm sóc chiên ngài (Gia 5:14-16). Tuy nhiên, chúng ta không nên để cho cảm giác tội lỗi khiến mình trở nên kiệt quệ. Tại sao? Vì Cha yêu thương đã ban Con ngài làm giá chuộc để chúng ta có cơ hội được tha tội. Khi Đức Giê-hô-va nói rằng ngài tha thứ cho người phạm tội biết ăn năn, thì ngài làm đúng như vậy. Thế nên, chẳng điều gì cản trở chúng ta phụng sự Đức Giê-hô-va với một lương tâm trong sạch.—1 Giăng 2:1, 2, 12; 3:19, 20.

11. Chúng ta cần làm gì để bảo vệ tâm trí khỏi những sự dạy dỗ khiến đức tin bị suy yếu?

11 Chúng ta phải bác bỏ sự dạy dỗ của kẻ bội đạo. Từ khi hội thánh đạo Đấng Ki-tô được thành lập, Ác Quỷ dùng nhiều kẻ lừa gạt để gieo rắc sự nghi ngờ vào tâm trí của những tín đồ trung thành. Thế nên, chúng ta cần biết cách phân biệt sự thật và sự dối trá. * Kẻ thù có thể đưa ra lời tuyên truyền trên Internet hoặc mạng xã hội để làm suy giảm lòng tin của chúng ta nơi Đức Giê-hô-va và khiến tình yêu thương của chúng ta dành cho anh em đồng đạo dần nguội lạnh. Sa-tan chính là kẻ đứng sau những lời tuyên truyền giả dối ấy. Thế nên, hãy cương quyết bác bỏ!—1 Giăng 4:1, 6; Khải 12:9.

12. Tại sao chúng ta cần gia tăng lòng quý trọng những sự thật mình học được?

12 Để kháng cự sự tấn công đến từ Sa-tan, chúng ta cần củng cố lòng tin nơi Chúa Giê-su và vai trò của ngài trong ý định của Đức Chúa Trời. Chúng ta cũng cần tin cậy phương tiện duy nhất mà Đức Giê-hô-va đang dùng để hướng dẫn tổ chức ngài (Mat 24:45-47). Chúng ta củng cố đức tin bằng cách đều đặn học Lời Đức Chúa Trời. Khi đó, đức tin của chúng ta sẽ giống như một cây có rễ bám sâu trong đất. Phao-lô cũng nói điều tương tự trong thư gửi hội thánh ở Cô-lô-se. Ông viết: “Anh em đã chấp nhận Đấng Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta, thể nào thì hãy tiếp tục bước đi trong sự hợp nhất với ngài thể ấy; hãy tiếp tục đâm rễ, xây chính mình trên ngài và vững vàng trong đức tin” (Cô 2:6, 7). Sa-tan và những kẻ theo hắn chẳng thể làm gì để khiến đức tin của chúng ta bị lung lay.—2 Giăng 8, 9.

13. Chúng ta không nên ngạc nhiên về điều gì, và tại sao?

13 Chúng ta không nên ngạc nhiên nếu bị thế gian thù ghét (1 Giăng 3:13). Giăng nhắc chúng ta nhớ rằng “cả thế gian nằm dưới quyền của Kẻ Ác” (1 Giăng 5:19). Khi thế gian này càng đến gần hồi kết, Sa-tan càng giận dữ (Khải 12:12). Hắn không chỉ tấn công chúng ta một cách tinh vi, chẳng hạn như qua cám dỗ vô luân hoặc lời dối trá của kẻ bội đạo, mà còn tấn công chúng ta một cách trực diện. Sa-tan biết hắn chỉ còn ít thời gian để cố ngăn cản công việc rao giảng và phá đổ đức tin của chúng ta. Thế nên, không ngạc nhiên gì khi công việc của chúng ta bị hạn chế hoặc cấm đoán ở một số nước. Dù thế, anh em chúng ta vẫn trung thành chịu đựng. Họ đang chứng tỏ dù Kẻ Ác có làm gì đi nữa, chúng ta vẫn có thể chiến thắng!

GIÚP NHAU TIẾP TỤC BƯỚC THEO CHÂN LÝ

14. Một cách chúng ta có thể giúp anh em đồng đạo tiếp tục bước theo chân lý là gì?

14 Để giúp anh em đồng đạo tiếp tục bước theo chân lý, chúng ta cần tỏ lòng trắc ẩn (1 Giăng 3:10, 11, 16-18). Chúng ta cần yêu thương nhau không chỉ khi thuận lợi mà còn cả lúc khó khăn. Chẳng hạn, anh chị có biết ai trong hội thánh vừa mất người thân và cần được an ủi hoặc hỗ trợ một cách thực tế không? Hay anh chị có biết anh em đồng đạo nào đang chịu thiệt hại sau thảm họa thiên nhiên và cần được giúp xây lại Phòng Nước Trời hoặc nhà cửa không? Chúng ta cần cho thấy mình thật sự yêu thương và đồng cảm với anh em đồng đạo không phải chỉ qua lời nói mà quan trọng hơn là qua hành động.

15. Như được nói nơi 1 Giăng 4:7, 8, chúng ta cần làm gì?

15 Chúng ta noi gương Cha yêu thương trên trời khi thể hiện tình yêu thương với nhau. (Đọc 1 Giăng 4:7, 8). Một cách quan trọng để thể hiện tình yêu thương là tha thứ cho nhau. Chẳng hạn, có lẽ một anh chị nào đó khiến chúng ta bị tổn thương nhưng đã xin lỗi. Khi tha thứ và quên đi lỗi lầm của người ấy, chúng ta đang thể hiện tình yêu thương (Cô 3:13). Một anh tên là Aldo cảm thấy buồn rầu khi nghe một anh mà mình kính trọng nói những lời không tốt về văn hóa của mình. Anh Aldo cho biết: “Tôi cầu nguyện rất nhiều với Đức Giê-hô-va để không có cảm xúc tiêu cực về anh ấy”. Nhưng chưa dừng lại ở đó, anh Aldo còn mời anh kia đi rao giảng cùng. Trong lúc đi thánh chức cùng nhau, anh Aldo đã nói ra cảm xúc của mình. Anh kể: “Khi biết tôi cảm thấy thế nào về những lời mà anh đã nói, anh ấy liền xin lỗi. Qua cách nói của anh, tôi nhận thấy anh rất hối hận. Chúng tôi tiếp tục là bạn của nhau và quên đi chuyện ấy”.

16, 17. Chúng ta nên quyết tâm làm gì?

16 Sứ đồ Giăng rất yêu mến anh em đồng đạo và tha thiết muốn họ có đức tin mạnh mẽ. Chúng ta thấy rõ điều này khi đọc lời khuyên mà ông đưa ra trong ba lá thư được soi dẫn. Thật khích lệ khi biết cả Giăng lẫn những người có tình yêu thương và lòng quan tâm giống như ông sẽ cùng Chúa Giê-su cai trị ở trên trời!—1 Giăng 2:27.

17 Mong sao chúng ta ghi nhớ những lời khuyên trong bài này. Hãy quyết tâm bước theo chân lý, vâng lời Đức Giê-hô-va trong mọi khía cạnh của đời sống. Học Kinh Thánh và hết lòng tin cậy Lời ngài. Xây dựng lòng tin mạnh mẽ nơi Chúa Giê-su. Bác bỏ triết lý của con người và sự dạy dỗ của kẻ bội đạo. Tránh lối sống hai mặt và không chiều theo cám dỗ. Sống theo tiêu chuẩn đạo đức cao của Đức Giê-hô-va. Giúp anh em vững mạnh bằng cách tha thứ cho những ai khiến mình bị tổn thương và giúp đỡ những ai cần. Khi đó, dù gặp khó khăn nào đi nữa, chúng ta vẫn sẽ tiếp tục bước theo chân lý.

BÀI HÁT 49 Làm Cha Giê-hô-va vui lòng

^ đ. 5 Cha của sự nói dối là Sa-tan đang cai trị thế gian này. Bởi vậy, chúng ta gặp nhiều khó khăn khi tiếp tục bước theo chân lý. Tín đồ đạo Đấng Ki-tô sống vào cuối thế kỷ thứ nhất cũng ở trong hoàn cảnh ấy. Để giúp các tín đồ này và tất cả chúng ta, Đức Giê-hô-va đã soi dẫn sứ đồ Giăng viết ba lá thư. Các thư này giúp xác định những rào cản mà chúng ta gặp phải và cách vượt qua các rào cản ấy.

^ đ. 6 Một số tên đã được thay đổi.

^ đ. 11 Xin xem bài học “Anh chị có hiểu rõ sự việc không?” trong Tháp Canh tháng 8 năm 2018.

^ đ. 59 HÌNH ẢNH: Khi ở trường, một tín đồ trẻ bị choáng ngợp trước những sự tuyên truyền về đồng tính luyến ái. (Tại một số nước, bảy sắc cầu vồng được dùng làm biểu tượng của lối sống đồng tính). Sau đó, em dành thời gian nghiên cứu Kinh Thánh để củng cố đức tin. Điều này giúp em đương đầu với thử thách ấy.