Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 26

Anh chị có thể tham gia công việc đào tạo môn đồ không?

Anh chị có thể tham gia công việc đào tạo môn đồ không?

“Đức Chúa Trời... ban cho anh em ước muốn lẫn sức mạnh để hành động”.—PHI-LÍP 2:13.

BÀI HÁT 64 Vui mừng tham gia mùa gặt

GIỚI THIỆU *

1. Đức Giê-hô-va đã làm gì cho anh chị?

Làm thế nào anh chị trở thành một Nhân Chứng Giê-hô-va? Trước hết, anh chị đã nghe “tin mừng”, có lẽ từ cha mẹ, đồng nghiệp, bạn học hoặc qua công việc rao giảng từng nhà (Mác 13:10). Sau đó, có một người đã dành nhiều thời gian và nỗ lực để học Kinh Thánh với anh chị. Qua những buổi thảo luận ấy, anh chị bắt đầu yêu thương Đức Giê-hô-va và học được rằng ngài yêu thương anh chị. Đức Giê-hô-va kéo anh chị đến với chân lý, và giờ đây là môn đồ của Chúa Giê-su, anh chị có triển vọng sống đời đời (Giăng 6:44). Chắc chắn, anh chị rất biết ơn Đức Giê-hô-va vì ngài đã thúc đẩy một người dạy anh chị về chân lý và chấp nhận anh chị làm tôi tớ của ngài.

2. Chúng ta sẽ thảo luận điều gì trong bài này?

2 Giờ đây khi biết chân lý, chúng ta có đặc ân để giúp người khác cùng đi trên con đường dẫn đến sự sống. Có lẽ chúng ta cảm thấy thoải mái khi đi rao giảng từng nhà, nhưng thấy khó để mời người ta tìm hiểu Kinh Thánh và điều khiển cuộc học hỏi. Anh chị có cảm thấy như thế không? Nếu thế, có lẽ anh chị sẽ thấy một vài gợi ý trong bài này rất hữu ích. Chúng ta sẽ thảo luận điều gì thúc đẩy mình tham gia công việc đào tạo môn đồ, và làm thế nào để vượt qua những thách đố có thể cản trở mình điều khiển cuộc học hỏi. Trước tiên, hãy xem tại sao chúng ta không chỉ cần rao giảng cho người khác mà còn cần dạy họ về tin mừng.

CHÚA GIÊ-SU LỆNH CHO CHÚNG TA RAO GIẢNG DẠY DỖ

3. Tại sao chúng ta rao giảng?

3 Khi còn ở trên đất, Chúa Giê-su giao cho các môn đồ một sứ mạng gồm hai phần. Thứ nhất, Chúa Giê-su bảo họ rao giảng tin mừng về Nước Trời, và ngài chỉ họ cách làm thế (Mat 10:7; Lu 8:1). Chẳng hạn, Chúa Giê-su cho các môn đồ biết phải làm gì khi người ta từ chối hoặc hưởng ứng thông điệp Nước Trời (Lu 9:2-5). Ngài cũng báo trước công việc rao giảng sẽ được mở rộng đến mức nào khi nói với các môn đồ rằng họ sẽ “làm chứng cho muôn dân” (Mat 24:14; Công 1:8). Dù người ta phản ứng thế nào trước công việc rao giảng, các môn đồ vẫn phải nói với họ về Nước Trời và những điều Nước ấy sẽ thực hiện.

4. Theo Ma-thi-ơ 28:18-20, chúng ta cần làm gì ngoài việc rao giảng về Nước Trời?

4 Phần thứ hai của sứ mạng mà Chúa Giê-su giao là gì? Ngài bảo các môn đồ dạy người ta giữ mọi điều ngài đã truyền. Nhưng phải chăng công việc rao giảng và dạy dỗ chỉ dành cho các tín đồ vào thế kỷ thứ nhất, như một số người nghĩ? Không. Chúa Giê-su cho biết công việc thiết yếu này thậm chí sẽ tiếp tục đến thời chúng ta, “cho đến khi thế gian này kết thúc”. (Đọc Ma-thi-ơ 28:18-20). Rất có thể Chúa Giê-su đã giao sứ mạng này khi ngài hiện ra với hơn 500 môn đồ (1 Cô 15:6). Và trong mạc khải Chúa Giê-su ban cho Giăng, ngài cho thấy rõ ngài muốn tất cả các môn đồ giúp người khác biết về Đức Giê-hô-va.—Khải 22:17.

5. Theo 1 Cô-rinh-tô 3:6-9, Phao-lô dùng minh họa nào để cho thấy mối liên kết giữa công việc rao giảng và dạy dỗ?

5 Sứ đồ Phao-lô ví công việc đào tạo môn đồ với việc canh tác, điều đó cho thấy chúng ta phải làm nhiều hơn là chỉ gieo hạt. Ông nhắc các tín đồ ở Cô-rinh-tô: “Tôi trồng, A-bô-lô tưới... Anh em là ruộng Đức Chúa Trời canh tác”. (Đọc 1 Cô-rinh-tô 3:6-9). Là thợ làm công trong “ruộng Đức Chúa Trời”, chúng ta không chỉ gieo hạt mà còn tưới nước và đều đặn kiểm tra sự phát triển của cây (Giăng 4:35). Đồng thời, chúng ta cũng nhận biết rằng Đức Chúa Trời là đấng làm cho hạt giống lớn lên.

6. Khi dạy dỗ, chúng ta cần giúp người ta làm gì? 

6 Chúng ta đang tìm kiếm những người “có lòng ngay thẳng để hưởng sự sống vĩnh cửu” (Công 13:48). Để giúp những người ấy trở thành môn đồ, chúng ta cần giúp họ (1) hiểu, (2) chấp nhận, và (3) áp dụng những điều học được từ Kinh Thánh (Giăng 17:3; Cô 2:6, 7; 1 Tê 2:13). Mọi người trong hội thánh có thể giúp các học viên bằng cách thể hiện tình yêu thương với họ và giúp họ cảm thấy được chào đón khi đến nhóm họp (Giăng 13:35). Hẳn người điều khiển cũng cần dành nhiều thời gian và sức lực để giúp học viên phá đổ “các thành lũy”, tức những niềm tin hoặc thực hành đã ăn sâu trong lòng (2 Cô 10:4, 5). Có lẽ cần nhiều tháng giúp một người thực hiện những bước trên để họ có thể đạt đến mục tiêu báp-têm. Nhưng nỗ lực đó rất đáng công.

TÌNH YÊU THƯƠNG THÚC ĐẨY CHÚNG TA ĐÀO TẠO MÔN ĐỒ

7. Điều gì thúc đẩy chúng ta tham gia công việc rao giảng và đào tạo môn đồ?

7 Tại sao chúng ta tham gia công việc rao giảng và đào tạo môn đồ? Thứ nhất, vì chúng ta yêu thương Đức Giê-hô-va. Khi cố gắng hết sức để vâng theo mệnh lệnh rao giảng và đào tạo môn đồ, anh chị đang cho thấy mình yêu thương Đức Chúa Trời (1 Giăng 5:3). Hãy nghĩ về điều này: Tình yêu thương dành cho Đức Giê-hô-va đã thúc đẩy anh chị đi rao giảng từng nhà. Vâng theo mệnh lệnh đó có dễ không? Hẳn là không. Lần đầu tiên đi rao giảng, anh chị có hồi hộp không? Hẳn là có. Nhưng anh chị biết đây là công việc Chúa Giê-su muốn anh chị làm, nên anh chị vâng theo. Với thời gian, rất có thể anh chị thấy dễ đi rao giảng hơn. Nói sao về việc điều khiển một cuộc học hỏi Kinh Thánh? Anh chị có thấy hồi hộp khi nghĩ đến điều đó không? Có lẽ có. Tuy nhiên, khi cầu xin Đức Giê-hô-va giúp anh chị vượt qua nỗi sợ và thu hết can đảm để mời người ta tìm hiểu Kinh Thánh, ngài có thể giúp anh chị gia tăng ước muốn đào tạo môn đồ.

8. Theo Mác 6:34, điều gì khác thúc đẩy chúng ta dạy người ta chân lý?

8 Thứ hai, tình yêu thương dành cho người lân cận thúc đẩy chúng ta dạy họ chân lý. Dịp nọ, Chúa Giê-su và các môn đồ rất mệt sau một chuyến rao giảng hăng say. Họ cần một nơi để nghỉ ngơi, nhưng đám đông tìm đến họ. Động lòng thương cảm, Chúa Giê-su bắt đầu dạy họ “nhiều điều”. (Đọc Mác 6:34). Ngài gắng sức giúp họ. Tại sao? Chúa Giê-su đặt mình vào vị trí của những người trong đám đông. Ngài thấy họ phải chịu khổ và cần niềm hy vọng đến mức nào, và ngài muốn giúp họ. Người ta ngày nay cũng ở trong tình trạng tương tự. Họ có nhiều vấn đề trong đời sống và cần niềm hy vọng, dù họ có vẻ hạnh phúc và thỏa lòng. Họ như chiên bị lạc lối, không có người chăn hướng dẫn. Sứ đồ Phao-lô miêu tả những người như thế là người chẳng biết Đức Chúa Trời và không có hy vọng (Ê-phê 2:12). Họ đang đi trên “đường thênh thang dẫn đến sự hủy diệt” (Mat 7:13). Khi nghĩ đến những người trong khu vực cần biết Đức Chúa Trời tới mức nào, tình yêu thương và lòng trắc ẩn sẽ thúc đẩy chúng ta giúp đỡ họ. Cách tốt nhất để giúp họ là mời họ học Kinh Thánh với chúng ta.

9. Theo Phi-líp 2:13, Đức Giê-hô-va có thể giúp anh chị như thế nào?

9 Có lẽ anh chị ngại mời người ta học Kinh Thánh vì biết rằng mình sẽ phải dành nhiều thời gian để chuẩn bị và điều khiển cuộc học hỏi. Nếu anh chị cảm thấy như thế, hãy chia sẻ cảm xúc của mình với Đức Giê-hô-va. Hãy xin ngài giúp anh chị có ước muốn tìm và điều khiển một cuộc học hỏi Kinh Thánh. (Đọc Phi-líp 2:13). Sứ đồ Giăng đảm bảo rằng Đức Chúa Trời sẽ đáp lại những lời cầu nguyện phù hợp với ý muốn của ngài (1 Giăng 5:14, 15). Vì thế, anh chị có thể tin chắc Đức Giê-hô-va sẽ giúp anh chị có ước muốn tham gia công việc đào tạo môn đồ.

VƯỢT QUA NHỮNG THÁCH ĐỐ KHÁC

10, 11. Điều gì có lẽ khiến chúng ta ngại điều khiển cuộc học hỏi Kinh Thánh?

10 Chúng ta xem trọng sứ mạng dạy dỗ dù gặp những thách đố khiến mình khó tham gia công việc đào tạo môn đồ nhiều như mình mong muốn. Hãy xem một số thách đố đó là gì và làm thế nào để vượt qua.

11 Có thể chúng ta cảm thấy bị giới hạn vì hoàn cảnh. Chẳng hạn, một số anh chị thì lớn tuổi hoặc có sức khỏe kém. Đó có phải là vấn đề của anh chị không? Nếu có, hãy cùng xem một trong những bài học mà chúng ta học được từ đại dịch COVID-19. Chúng ta đã khám phá rằng mình có thể điều khiển những cuộc học hỏi Kinh Thánh hữu hiệu bằng thiết bị điện tử! Vì thế, anh chị có thể bắt đầu và điều khiển học hỏi Kinh Thánh ngay tại nhà mình. Ngoài ra, còn có một lợi thế khác. Một số người muốn học Kinh Thánh, nhưng không học được vào giờ các anh chị khác tham gia thánh chức. Tuy nhiên, có lẽ họ có thời gian vào sáng sớm hoặc tối khuya. Anh chị có thể học Kinh Thánh với họ vào những giờ đó không? Chúa Giê-su dạy Ni-cô-đem vào ban đêm, là thời điểm thích hợp với ông.—Giăng 3:1, 2.

12. Điều gì có thể giúp chúng ta tự tin để điều khiển cuộc học hỏi Kinh Thánh?

12 Có thể chúng ta thiếu tự tin vì nghĩ mình không có khả năng điều khiển cuộc học hỏi Kinh Thánh. Có lẽ chúng ta cảm thấy mình cần có thêm sự hiểu biết hoặc cải thiện kỹ năng dạy dỗ trước khi học Kinh Thánh với người khác. Nếu anh chị cảm thấy như thế, hãy cùng xem ba điều có thể giúp anh chị tự tin hơn. Thứ nhất, Đức Giê-hô-va xem anh chị đã hội đủ điều kiện để dạy người khác (2 Cô 3:5). Thứ hai, Chúa Giê-su, đấng có “mọi quyền hành ở trên trời và dưới đất”, lệnh cho anh chị làm công việc dạy dỗ (Mat 28:18). Và thứ ba, anh chị có sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va và người khác. Đức Giê-hô-va đã giúp Chúa Giê-su biết phải nói gì, và ngài cũng có thể giúp anh chị làm thế (Giăng 8:28; 12:49). Ngoài ra, anh chị có thể nhờ anh giám thị nhóm rao giảng, một tiên phong hữu hiệu hoặc một công bố có kinh nghiệm giúp anh chị biết cách bắt đầu và điều khiển cuộc học hỏi Kinh Thánh. Cách khác có thể giúp anh chị tự tin hơn là xin đi học hỏi cùng với một trong những anh chị ấy.

13. Tại sao chúng ta cần sẵn sàng thích nghi?

13 Có thể chúng ta thấy khó thích nghi với phương pháp và công cụ mới. Cách chúng ta điều khiển cuộc học hỏi Kinh Thánh giờ đây đã thay đổi. Ấn phẩm học hỏi chính là sách Vui sống mãi mãi! đòi hỏi chúng ta phải chuẩn bị và điều khiển cuộc học hỏi khác với cách chúng ta làm trước đây. Mỗi bài có ít đoạn để đọc hơn nên chúng ta sẽ thảo luận nhiều hơn với học viên. Khi dạy dỗ, chúng ta dùng nhiều video và các công cụ điện tử, như ứng dụng JW Library®. Nếu chưa biết cách sử dụng thành thạo những công cụ này, hãy nhờ một người giúp. Con người thường thích trung thành với cách làm cũ nên không dễ để chúng ta thích nghi với cách làm mới. Nhưng với sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va và người khác, anh chị sẽ thấy dễ thích nghi hơn, thậm chí là vui thích hơn khi học hỏi với người khác. Như một tiên phong nói, phương pháp dạy dỗ này “tạo sự hào hứng cho cả người học lẫn người dạy”.

14. Chúng ta muốn nhớ điều gì khi rao giảng trong khu vực ít người hưởng ứng, và 1 Cô-rinh-tô 3:6, 7 khích lệ chúng ta ra sao?

14 Có thể chúng ta rao giảng trong một khu vực khó để bắt đầu cuộc học hỏi Kinh Thánh. Một số người thờ ơ hoặc thậm chí chống đối thông điệp của chúng ta. Điều gì giúp chúng ta giữ tinh thần tích cực khi rao giảng trong khu vực như thế? Hãy nhớ rằng hoàn cảnh của người ta có thể thay đổi nhanh chóng trong thế giới hỗn loạn này, và những người từng không chú ý có thể bắt đầu ý thức về nhu cầu tâm linh của họ (Mat 5:3). Một số người trước kia luôn từ chối nhận ấn phẩm nhưng sau này lại đồng ý học Kinh Thánh. Chúng ta cũng biết rằng Đức Giê-hô-va là Chủ mùa gặt (Mat 9:38). Ngài muốn chúng ta tiếp tục trồng và tưới, còn ngài sẽ là đấng làm cho lớn lên (1 Cô 3:6, 7). Thật khích lệ khi nhớ rằng dù hiện nay chúng ta không điều khiển cuộc học hỏi Kinh Thánh nào, Đức Giê-hô-va vẫn ban thưởng cho chúng ta dựa trên nỗ lực của mình chứ không phải kết quả! *

CẢM NGHIỆM NIỀM VUI CỦA VIỆC ĐÀO TẠO MÔN ĐỒ

Hãy xem công việc rao giảng và dạy dỗ có thể giúp một người ra sao (Xem đoạn 15-17) *

15. Đức Giê-hô-va cảm thấy thế nào khi một người đồng ý học Kinh Thánh và áp dụng điều học được?

15 Đức Giê-hô-va vui mừng khi một người chấp nhận chân lý và chia sẻ điều đó cho người khác (Châm 23:15, 16). Hẳn Đức Giê-hô-va vui biết bao khi thấy những điều đang diễn ra ngày nay! Chẳng hạn, bất kể đại dịch toàn cầu trong năm công tác năm 2020, vẫn có 7.705.765 học hỏi Kinh Thánh, và nhờ đó có 241.994 người dâng mình cho Đức Giê-hô-va và báp-têm. Rồi những môn đồ mới này sẽ điều khiển các cuộc học hỏi Kinh Thánh và đào tạo thêm nhiều môn đồ (Lu 6:40). Chắc chắn, chúng ta làm Đức Giê-hô-va vui lòng khi tham gia công việc đào tạo môn đồ.

16. Chúng ta có thể đặt mục tiêu nào?

16 Đào tạo môn đồ không phải dễ, nhưng với sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va, chúng ta có thể góp phần vào việc dạy người mới yêu thương Cha trên trời. Chúng ta có thể đặt mục tiêu bắt đầu và điều khiển ít nhất một cuộc học hỏi Kinh Thánh không? Có lẽ chúng ta sẽ ngạc nhiên về kết quả nếu tận dụng mọi cơ hội để mời những người mình gặp tìm hiểu Kinh Thánh. Chúng ta có thể tin chắc Đức Giê-hô-va sẽ ban phước cho nỗ lực của mình.

17. Chúng ta sẽ cảm nghiệm điều gì nếu điều khiển một cuộc học hỏi Kinh Thánh?

17 Thật là một đặc ân khi được rao giảng dạy dỗ chân lý cho người khác! Công việc này mang lại cho chúng ta hạnh phúc thật. Sứ đồ Phao-lô đã giúp cho nhiều người ở Tê-sa-lô-ni-ca trở thành môn đồ. Ông bày tỏ cảm xúc của mình như sau: “Chúng tôi có được hy vọng, niềm vui hay vương miện vinh dự nào trước mặt Chúa Giê-su khi ngài hiện diện? Chẳng phải đó chính là anh em sao? Anh em quả là sự vinh hiển và niềm vui của chúng tôi” (1 Tê 2:19, 20; Công 17:1-4). Nhiều anh chị ngày nay cũng có cùng cảm xúc ấy. Một chị tên là Stéphanie cùng với chồng đã giúp nhiều người tiến đến báp-têm cho biết: “Không có niềm vui nào lớn hơn việc giúp người khác dâng mình cho Đức Giê-hô-va”.

BÀI HÁT 57 Rao giảng cho mọi loại người

^ đ. 5 Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta không chỉ đặc ân rao giảng cho người khác mà còn dạy họ giữ mọi điều Chúa Giê-su đã truyền. Điều gì thúc đẩy chúng ta muốn dạy người khác? Chúng ta gặp những thách đố nào trong công việc rao giảng và đào tạo môn đồ? Và làm thế nào để vượt qua những thách đố ấy? Bài này sẽ giải đáp những câu hỏi đó.

^ đ. 14 Để biết thêm về vai trò của chúng ta trong việc đào tạo môn đồ, xem bài “Cả hội thánh có thể giúp học viên tiến bộ đến bước báp-têm” trong Tháp Canh tháng 3 năm 2021.

^ đ. 53 HÌNH ẢNH: Hãy xem một cuộc học hỏi Kinh Thánh có thể mang đến những thay đổi nào trong đời sống của một người: Lúc đầu đời sống của một người đàn ông dường như không có mục đích, xa cách Đức Giê-hô-va. Sau đó, các Nhân Chứng gặp anh khi đi rao giảng, và anh đồng ý tìm hiểu Kinh Thánh. Những điều anh được dạy đưa đến việc anh dâng mình và báp-têm. Với thời gian, anh cũng giúp người khác trở thành môn đồ. Cuối cùng, tất cả đều vui hưởng đời sống trong địa đàng.