Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 28

Tránh kích động tinh thần ganh đua và đẩy mạnh sự bình an

Tránh kích động tinh thần ganh đua và đẩy mạnh sự bình an

“Chúng ta chớ nên tự cao, kích động tinh thần ganh đua, đố kỵ nhau”.—GA 5:26.

BÀI HÁT 101 Cùng hợp nhất phụng sự

GIỚI THIỆU *

1. Tinh thần ganh đua có thể ảnh hưởng thế nào đến một người?

Trong thế giới ngày nay, nhiều người có tính ích kỷ và để tinh thần ganh đua chi phối. Một doanh nhân dùng những thủ đoạn đê hèn để vượt lên đối thủ. Một vận động viên đang thi đấu cố tình làm bị thương người chơi trong đội kia để giành chiến thắng. Một học sinh cạnh tranh để vào trường đại học danh giá gian lận khi thi tuyển. Là tín đồ đạo Đấng Ki-tô, chúng ta biết những hành vi như thế là sai và thuộc về “các việc làm của xác thịt” (Ga 5:19-21). Tuy nhiên, có thể nào một số tôi tớ của Đức Giê-hô-va lại kích động tinh thần ganh đua trong hội thánh mà không nhận ra không? Đó là câu hỏi quan trọng vì tinh thần ganh đua có thể ảnh hưởng đến sự hợp nhất của đoàn thể anh em chúng ta.

2. Bài này sẽ thảo luận điều gì?

2 Trong bài này, chúng ta sẽ thảo luận những tính xấu có thể khiến mình ganh đua với anh em. Cũng hãy xem gương của những người nam và nữ trung thành vào thời Kinh Thánh đã kháng cự tinh thần ganh đua. Trước hết, hãy xem làm thế nào để tra xét động cơ của mình.

TRA XÉT ĐỘNG CƠ CỦA MÌNH

3. Chúng ta nên tự hỏi những câu nào?

3 Thỉnh thoảng tra xét động cơ của mình là điều hữu ích. Chúng ta có thể tự hỏi: “Mình có đánh giá bản thân bằng cách so sánh với người khác không? Phải chăng động cơ của mình là muốn chứng tỏ mình giỏi nhất hoặc ít nhất giỏi hơn một anh chị nào đó? Hay mình chỉ muốn dâng cho Đức Giê-hô-va điều tốt nhất?”. Tại sao chúng ta nên tự hỏi những câu này? Hãy lưu ý Lời Đức Chúa Trời nói gì.

4. Tại sao chúng ta nên tránh so sánh mình với người khác, như được nói nơi Ga-la-ti 6:3, 4?

4 Kinh Thánh khuyến giục chúng ta tránh so sánh mình với người khác. (Đọc Ga-la-ti 6:3, 4). Tại sao? Một mặt, nếu nghĩ mình tốt hơn anh em, có lẽ chúng ta sẽ trở nên kiêu ngạo. Mặt khác, nếu nghĩ mình kém hơn người khác, rất có thể chúng ta sẽ nản lòng. Cả hai cách so sánh ấy khiến chúng ta suy nghĩ không đúng mực về bản thân (Rô 12:3). Một chị tên Katerina * sống ở Hy Lạp cho biết: “Trước kia, tôi thường so sánh bản thân với những chị có vẻ đẹp hơn, hữu hiệu hơn trong thánh chức và khéo kết bạn hơn. Điều này khiến tôi cảm thấy mình vô giá trị”. Hãy nhớ rằng Đức Giê-hô-va kéo chúng ta đến với ngài, không phải vì chúng ta đẹp, khéo ăn nói hay được nhiều người quý, nhưng vì ngài thấy chúng ta sẽ yêu mến ngài và lắng nghe Con ngài.—Giăng 6:44; 1 Cô 1:26-31.

5. Anh chị học được gì từ kinh nghiệm của anh Hyun?

5 Một câu hỏi khác chúng ta có thể tự hỏi là: “Mình được biết đến là người tạo sự hòa thuận, hay thường có bất đồng với người khác?”. Hãy xem kinh nghiệm của một anh tên Hyun ở Hàn Quốc. Có một thời gian anh xem những anh có đặc ân phụng sự là đối thủ của mình. Anh cho biết: “Tôi hay chỉ trích các anh ấy và thường không đồng ý với những điều họ nói”. Hậu quả là gì? Anh thừa nhận: “Thái độ của tôi gây chia rẽ trong hội thánh”. Một số anh em thân với anh Hyun đã giúp anh nhận ra vấn đề của mình. Anh Hyun đã thực hiện những thay đổi cần thiết, và hiện nay anh là một trưởng lão hữu hiệu. Nếu thấy mình có khuynh hướng kích động tinh thần ganh đua thay vì đẩy mạnh sự bình an, chúng ta cần lập tức hành động.

ĐỀ PHÒNG TÍNH TỰ CAO VÀ ĐỐ KỴ

6. Theo Ga-la-ti 5:26, những tính xấu nào có thể dẫn đến tinh thần ganh đua?

6 Đọc Ga-la-ti 5:26. Những tính xấu nào có thể dẫn đến tinh thần ganh đua? Một tính xấu là tự cao. Người tự cao thì kiêu ngạo và ích kỷ. Tính xấu khác là đố kỵ. Người đố kỵ không chỉ muốn có những gì người khác có mà còn muốn người ấy mất đi điều họ có. Thật ra, đố kỵ là một hình thức thù ghét. Chắc chắn chúng ta muốn tránh những tính xấu này như tránh dịch bệnh!

7. Hậu quả của tính tự cao và đố kỵ có thể được minh họa như thế nào?

7 Tính tự cao và đố kỵ có thể được ví như tạp chất làm bẩn xăng của máy bay. Có lẽ máy bay vẫn cất cánh được, nhưng tạp chất có thể làm nghẽn ống dẫn xăng, khiến động cơ mất năng lượng ngay trước khi hạ cánh và máy bay sẽ gặp thảm họa. Tương tự, có lẽ một người phụng sự Đức Giê-hô-va trong một thời gian, nhưng nếu động cơ của người ấy là tự cao và đố kỵ thì sẽ dẫn đến thảm họa (Châm 16:18). Người ấy sẽ ngưng phụng sự Đức Giê-hô-va cũng như làm hại chính mình và người khác. Vậy làm thế nào để đề phòng tính tự cao và đố kỵ?

8. Làm thế nào để kháng cự tính tự cao?

8 Chúng ta có thể kháng cự tính tự cao bằng cách ghi nhớ lời khuyên của sứ đồ Phao-lô gửi cho các tín đồ ở Phi-líp: “Đừng làm việc gì vì ưa tranh cãi hay vì tự cao, nhưng hãy khiêm nhường xem người khác cao hơn mình” (Phi-líp 2:3). Nếu xem người khác cao hơn mình, chúng ta sẽ không ganh đua với những người dường như có năng khiếu và khả năng hơn mình. Thay vì thế, chúng ta sẽ vui cho họ, đặc biệt nếu họ dùng những khả năng ấy để phụng sự Đức Giê-hô-va hầu tôn vinh ngài. Còn đối với các anh chị có tài năng, nếu làm theo lời khuyên của Phao-lô, họ sẽ tập trung vào những phẩm chất tốt mà họ thấy nơi chúng ta. Kết quả là tất cả chúng ta sẽ đẩy mạnh sự bình an và hợp nhất trong hội thánh.

9. Làm thế nào để kháng cự khuynh hướng đố kỵ?

9 Chúng ta có thể kháng cự khuynh hướng đố kỵ bằng cách vun trồng tính khiêm tốn, tức ý thức về giới hạn của mình. Nếu khiêm tốn, chúng ta sẽ không cố chứng tỏ mình tài năng hơn hoặc giỏi hơn người khác. Thay vì thế, chúng ta sẽ suy nghĩ xem mình có thể học được gì từ những người giỏi hơn mình. Giả sử một anh trong hội thánh trình bày các bài giảng công cộng rất hay. Chúng ta có thể hỏi xem anh chuẩn bị bài giảng như thế nào. Nếu một chị giỏi nấu ăn, chúng ta có thể xin chị những đề nghị để giúp mình nấu ăn ngon hơn. Nếu một tín đồ trẻ thấy khó kết bạn, người ấy có thể xin lời khuyên của một anh chị khéo kết bạn. Những cách này có thể giúp chúng ta tránh đố kỵ và cải thiện kỹ năng của mình.

HỌC TỪ CÁC GƯƠNG TRONG KINH THÁNH

Nhờ khiêm nhường, Ghi-đê-ôn giữ được sự bình an với những người thuộc chi phái Ép-ra-im (Xem đoạn 10-12)

10. Ghi-đê-ôn đối mặt với thử thách nào?

10 Hãy xem điều gì đã xảy ra giữa Ghi-đê-ôn, một người thuộc chi phái Ma-na-se, và những người nam thuộc chi phái Ép-ra-im. Nhờ sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va, Ghi-đê-ôn và 300 người của ông chiến thắng kẻ thù, và chiến thắng này đã có thể khiến họ kiêu ngạo. Những người nam thuộc chi phái Ép-ra-im đến gặp Ghi-đê-ôn, không phải để khen mà để gây sự với ông. Dường như họ tự ái vì ban đầu Ghi-đê-ôn không mời họ tham gia trận chiến chống lại kẻ thù của Đức Chúa Trời. Họ tập trung vào việc bảo vệ thanh danh của chi phái mình đến mức không nhận thấy điều quan trọng hơn, đó là việc Ghi-đê-ôn đã góp phần tôn vinh danh Đức Giê-hô-va và bảo vệ dân ngài.—Quan 8:1.

11. Ghi-đê-ôn đáp lại thế nào với những người nam thuộc chi phái Ép-ra-im?

11 Ghi-đê-ôn đã đáp lại những người nam thuộc chi phái Ép-ra-im một cách khiêm nhường. Ông nói: “Điều tôi làm có đáng gì so với anh em?”. Rồi ông nhắc đến một trường hợp cụ thể cho thấy cách Đức Giê-hô-va đã ban phước cho chi phái họ. Kết quả là họ “nguôi giận” (Quan 8:2, 3). Ghi-đê-ôn đã sẵn sàng gạt tự ái sang một bên để giữ sự bình an trong vòng dân Đức Chúa Trời.

12. Chúng ta học được gì từ những người nam thuộc chi phái Ép-ra-im và Ghi-đê-ôn?

12 Chúng ta học được gì từ lời tường thuật này? Qua hành động của những người nam thuộc chi phái Ép-ra-im, chúng ta học được rằng mình không nên tập trung vào việc bảo vệ thanh danh của bản thân hơn là tôn vinh Đức Giê-hô-va. Những người làm đầu gia đình và trưởng lão cũng có thể học từ gương của Ghi-đê-ôn. Nếu làm người khác giận, chúng ta nên cố gắng nhìn sự việc theo góc nhìn của người ấy. Chúng ta cũng có thể khen người ấy về những điều tốt họ đã làm. Điều này đòi hỏi chúng ta phải khiêm nhường, đặc biệt nếu rõ ràng là người đó sai. Nhưng sự bình an quan trọng hơn nhiều so với lòng tự ái của mình.

Nhờ tin rằng Đức Giê-hô-va sẽ xử lý vấn đề, Ha-na có lại sự bình an nội tâm (Xem đoạn 13, 14)

13. Ha-na đối mặt với thử thách nào, và điều gì giúp cô vượt qua?

13 Cũng hãy nghĩ về gương của Ha-na. Cô kết hôn với một người Lê-vi tên là Ên-ca-na. Ông yêu thương cô rất nhiều. Nhưng Ên-ca-na có người vợ khác là Phê-ni-na. Ông yêu thương Ha-na nhiều hơn Phê-ni-na. Tuy nhiên, “Phê-ni-na có con, còn Ha-na thì không”. Vì thế, Phê-ni-na “cứ chế nhạo khiến [Ha-na] đau buồn”. Kinh Thánh cho biết: “Cô khóc và chẳng thiết ăn gì” (1 Sa 1:2, 6, 7). Dù vậy, không chỗ nào trong Kinh Thánh cho thấy Ha-na cố tìm cách trả thù Phê-ni-na. Thay vì thế, Ha-na dốc đổ lòng mình với Đức Giê-hô-va và tin rằng ngài sẽ xử lý vấn đề. Thái độ của Phê-ni-na đối với Ha-na có thay đổi không? Kinh Thánh không cho biết. Nhưng chúng ta biết Ha-na đã có lại sự bình an nội tâm. Lời tường thuật nói rằng: “Nét mặt cô không còn ưu sầu nữa”.—1 Sa 1:10, 18.

14. Chúng ta học được gì từ gương của Ha-na?

14 Chúng ta học được gì từ gương của Ha-na? Nếu một người cố ganh đua với anh chị, hãy nhớ rằng anh chị không cần phải ganh đua lại. Thay vì lấy ác trả ác, hãy cố gắng làm hòa (Rô 12:17-21). Ngay cả nếu người ấy không hưởng ứng, anh chị sẽ giữ được bình an nội tâm.

Nhờ nhận biết Đức Giê-hô-va đang ban phước cho công việc, A-bô-lô và Phao-lô không xem nhau là đối thủ (Xem đoạn 15-18)

15. A-bô-lô và Phao-lô có những điểm chung nào?

15 Cuối cùng, hãy xem chúng ta học được gì từ gương của môn đồ A-bô-lô và sứ đồ Phao-lô. Cả hai người có sự hiểu biết sâu sắc về Kinh Thánh. Cả hai đều là người dạy giỏi và được nhiều người biết đến. Và cả hai đều giúp đào tạo nhiều môn đồ. Nhưng họ không xem nhau là đối thủ.

16. Anh chị miêu tả thế nào về A-bô-lô?

16 A-bô-lô xuất thân từ A-léc-xan-ri-a, một trung tâm tri thức vào thế kỷ thứ nhất. Ông có tài hùng biện và “thông thạo Kinh Thánh” (Công 18:24). Khi A-bô-lô phụng sự ở Cô-rinh-tô, một số người trong hội thánh cho thấy rằng họ thích A-bô-lô hơn những anh khác, kể cả Phao-lô (1 Cô 1:12, 13). Phải chăng A-bô-lô đã cổ xúy tinh thần chia rẽ đó? Chắc chắn là không. Thực tế, một thời gian sau khi A-bô-lô rời Cô-rinh-tô, Phao-lô khuyến giục ông trở lại đó (1 Cô 16:12). Hẳn Phao-lô đã không làm thế nếu ông nghĩ A-bô-lô gây chia rẽ trong hội thánh. Rõ ràng A-bô-lô dùng khả năng của mình một cách hữu ích, đó là để rao truyền tin mừng và làm vững mạnh anh em. Chúng ta cũng có thể tin rằng A-bô-lô là người khiêm nhường. Một ví dụ là không nơi nào trong Kinh Thánh cho thấy ông tự ái khi A-qui-la và Bê-rít-sin “giải thích cho ông chính xác hơn về đường lối của Đức Chúa Trời”.—Công 18:24-28.

17. Phao-lô đẩy mạnh sự bình an như thế nào?

17 Sứ đồ Phao-lô biết về những việc tốt mà A-bô-lô làm. Nhưng ông không xem A-bô-lô là mối đe dọa. Sự khiêm nhường, khiêm tốn và phải lẽ của Phao-lô được thấy rõ qua lời khuyên mà ông viết cho hội thánh ở Cô-rinh-tô. Thay vì hãnh diện khi nghe người ta nói: “Tôi thuộc về Phao-lô”, ông hướng mọi sự chú ý đến Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su.—1 Cô 3:3-6.

18. Dựa trên 1 Cô-rinh-tô 4:6, 7, chúng ta học được gì từ gương của A-bô-lô và Phao-lô?

18 Chúng ta học được gì từ gương của A-bô-lô và Phao-lô? Có thể chúng ta nỗ lực rất nhiều để phụng sự Đức Giê-hô-va, và có thể chúng ta đã giúp nhiều người tiến bộ đến bước báp-têm. Nhưng chúng ta nhận ra rằng chỉ nhờ sự ban phước của Đức Giê-hô-va, chúng ta mới có thành quả ấy. Gương của A-bô-lô và Phao-lô dạy chúng ta bài học khác, đó là càng có nhiều đặc ân, chúng ta càng có nhiều cơ hội để đẩy mạnh sự bình an. Chúng ta thật biết ơn khi các anh được bổ nhiệm đẩy mạnh sự bình an và hợp nhất bằng cách dựa trên Lời Đức Chúa Trời khi đưa ra lời khuyên và hướng sự chú ý đến gương mẫu của chúng ta là Chúa Giê-su, thay vì bản thân.—Đọc 1 Cô-rinh-tô 4:6, 7.

19. Mỗi chúng ta có thể làm gì? (Cũng xem khung “ Tránh kích động tinh thần ganh đua”).

19 Mỗi chúng ta đều được Đức Chúa Trời ban một năng khiếu hoặc khả năng nào đó. Chúng ta có thể dùng món quà ấy “để phục vụ nhau” (1 Phi 4:10). Có lẽ chúng ta cảm thấy những gì mình làm thật nhỏ nhoi. Nhưng những hành động nhỏ đẩy mạnh sự hợp nhất thì giống như những đường kim mũi chỉ nhỏ kết thành một chiếc áo. Mong sao chúng ta nỗ lực hết sức để loại bỏ khỏi lòng bất cứ dấu vết nào của tinh thần ganh đua. Hãy quyết tâm làm mọi điều có thể để đẩy mạnh sự bình an và hợp nhất trong hội thánh.—Ê-phê 4:3.

BÀI HÁT 80 “Nếm thử và nghiệm thấy Đức Giê-hô-va tốt thay!”

^ đ. 5 Như những vết nứt nhỏ có thể khiến một bình bằng đất dễ vỡ, tinh thần ganh đua có thể khiến hội thánh dễ chia rẽ. Nếu hội thánh không vững mạnh và không hợp nhất thì đó không thể là nơi bình an để thờ phượng Đức Chúa Trời. Bài này sẽ thảo luận tại sao cần tránh tinh thần ganh đua và chúng ta có thể làm gì để đẩy mạnh sự bình an trong hội thánh.

^ đ. 4 Các tên đã được thay đổi.