Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 35

BÀI HÁT 123 Trung thành phục tùng sự sắp đặt thần quyền

Làm thế nào trưởng lão có thể giúp những người bị loại bỏ khỏi hội thánh?

Làm thế nào trưởng lão có thể giúp những người bị loại bỏ khỏi hội thánh?

“Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn hơn là 99 người công chính không cần ăn năn”.LU 15:7.

TRỌNG TÂM

Lý do một số người cần bị loại bỏ khỏi hội thánh, và cách trưởng lão có thể giúp những người như thế ăn năn và nhận lại ân huệ của Đức Giê-hô-va.

1, 2. (a) Đức Giê-hô-va có quan điểm nào về việc phạm tội mà không ăn năn? (b) Đức Giê-hô-va hy vọng những người phạm tội sẽ làm gì?

 Đức Giê-hô-va không phải là đấng dễ dãi. Ngài không dung túng tội lỗi (Thi 5:​4-6). Ngài đòi hỏi chúng ta tôn trọng tiêu chuẩn công chính của ngài trong Kinh Thánh. Dĩ nhiên, Đức Giê-hô-va không mong đợi người bất toàn phải hoàn hảo (Thi 130:​3, 4). Nhưng ngài cũng không dung túng ‘những kẻ không tin kính, biến lòng nhân từ bao la của ngài thành cớ cho hành vi trâng tráo’ (Giu 4). Thật vậy, Kinh Thánh nói đến việc “hủy diệt những kẻ không tin kính” tại cuộc chiến Ha-ma-ghê-đôn.—2 Phi 3:7; Khải 16:16.

2 Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va không muốn bất cứ ai bị hủy diệt. Như đã xem xét trong loạt bài này, Kinh Thánh nói rõ ngài “muốn mọi người đều ăn năn” (2 Phi 3:9). Các trưởng lão noi gương Đức Giê-hô-va khi kiên nhẫn và cố gắng giúp người phạm tội thay đổi đường lối mình và có lại ân huệ của ngài. Tuy nhiên, không phải tất cả những người phạm tội đều hưởng ứng tích cực (Ê-sai 6:9). Một số người tiếp tục làm điều sai trái, dù các trưởng lão đã nhiều lần cố gắng giúp họ ăn năn. Các trưởng lão cần làm gì trong trường hợp đó?

“HÃY LOẠI BỎ KẺ GIAN ÁC”

3. (a) Kinh Thánh đưa ra chỉ dẫn nào liên quan đến người phạm tội mà không ăn năn? (b) Tại sao chúng ta có thể nói người phạm tội ấy đã chọn bị loại bỏ khỏi hội thánh?

3 Khi người phạm tội không ăn năn, các trưởng lão không có lựa chọn nào khác là làm theo chỉ dẫn nơi 1 Cô-rinh-tô 5:13: “Hãy loại bỏ kẻ gian ác khỏi anh em”. Theo một nghĩa nào đó, người phạm tội đã chọn hậu quả ấy. Người đó đang gặt những gì mình gieo (Ga 6:7). Tại sao có thể nói thế? Vì người phạm tội nhất quyết không thay đổi khi các trưởng lão nhiều lần cố gắng giúp người ấy ăn năn (2 Vua 17:​12-15). Qua những hành động của mình, người ấy cho thấy mình đã chọn không vâng theo tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va.—Phục 30:​19, 20.

4. Tại sao sẽ có một thông báo khi người phạm tội không ăn năn bị loại bỏ khỏi hội thánh?

4 Khi người phạm tội không ăn năn bị loại bỏ khỏi hội thánh, sẽ có một thông báo cho hội thánh biết người ấy không còn là một Nhân Chứng Giê-hô-va. a Mục đích của thông báo không phải là để khiến cho người phạm tội cảm thấy nhục nhã. Thay vì thế, mục đích là để hội thánh có thể làm theo lời khuyến giục của Kinh Thánh là “ngưng kết hợp” với người phạm tội, “thậm chí không ăn chung” với người ấy (1 Cô 5:​9-11). Chỉ dẫn này được đưa ra vì lý do chính đáng. Sứ đồ Phao-lô viết: “Một chút men làm dậy cả mẻ bột nhào” (1 Cô 5:6). Người phạm tội không ăn năn có thể làm suy yếu lòng quyết tâm của những người đang cố gắng sống theo tiêu chuẩn công chính của Đức Giê-hô-va.—Châm 13:20; 1 Cô 15:33.

5. Chúng ta nên có quan điểm nào về người bị loại bỏ khỏi hội thánh, và tại sao?

5 Vậy chúng ta nên có quan điểm nào về một anh em đồng đạo bị loại bỏ khỏi hội thánh? Dù không kết hợp với người ấy, chúng ta nên xem người ấy là chiên bị lạc, chứ không phải người vô phương cứu chữa. Một con chiên bị lạc thì rất có thể sẽ trở lại với bầy. Hãy nhớ rằng chiên bị lạc ấy đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va. Đáng buồn là hiện tại người đó không sống đúng với sự dâng mình, và điều này khiến người đó rơi vào tình huống nguy hiểm (Ê-xê 18:31). Tuy nhiên, bao lâu Đức Giê-hô-va còn thể hiện lòng thương xót thì bấy lâu vẫn có hy vọng là người ấy sẽ trở về. Vậy làm thế nào các trưởng lão cho thấy họ cũng có hy vọng như thế về người phạm tội đã bị loại bỏ khỏi hội thánh?

CÁCH TRƯỞNG LÃO GIÚP ĐỠ NGƯỜI BỊ LOẠI BỎ KHỎI HỘI THÁNH

6. Các trưởng lão thực hiện những bước nào để giúp đỡ người bị loại bỏ khỏi hội thánh?

6 Khi một người bị loại bỏ khỏi hội thánh, người ấy có bị bỏ rơi và phải tự tìm đường trở về với Đức Giê-hô-va không? Chắc chắn không! Khi cho người phạm tội không ăn năn biết người ấy sẽ bị loại bỏ khỏi hội thánh, ủy ban các trưởng lão sẽ giải thích những điều người ấy cần làm để trở lại hội thánh. Nhưng các trưởng lão còn làm nhiều hơn thế. Trong đa số trường hợp, các trưởng lão sẽ cho người phạm tội biết là họ muốn gặp lại người ấy sau vài tháng để xem người ấy đã thay đổi thái độ hay chưa. Nếu người phạm tội sẵn lòng gặp lại thì vào cuộc gặp kế tiếp ấy, các trưởng lão sẽ nồng nhiệt khuyến khích người ấy ăn năn và trở lại. Ngay cả nếu người ấy chưa thay đổi thái độ vào thời điểm đó, các trưởng lão vẫn sẽ cố gắng thỉnh thoảng gặp lại người ấy và khuyến khích người ấy ăn năn.

7. Làm thế nào các trưởng lão phản ánh lòng trắc ẩn của Đức Giê-hô-va khi đối xử với người bị loại bỏ khỏi hội thánh? (Giê-rê-mi 3:12)

7 Các trưởng lão cố gắng phản ánh lòng trắc ẩn của Đức Giê-hô-va khi họ đối xử với người bị loại bỏ khỏi hội thánh. Chẳng hạn, vào thời xưa, Đức Giê-hô-va không đợi dân Y-sơ-ra-ên ương ngạnh của ngài ăn năn rồi mới giúp họ. Thay vì thế, ngài chủ động tìm cách giúp họ ngay cả trước khi họ cho thấy dấu hiệu của sự ăn năn. Như chúng ta đã xem trong bài thứ hai của loạt bài này, Đức Giê-hô-va nhấn mạnh lòng trắc ẩn của ngài bằng cách bảo nhà tiên tri Ô-sê chủ động hàn gắn mối quan hệ với người vợ vẫn còn đang phạm tội (Ô-sê 3:1; Mal 3:7). Noi gương Đức Giê-hô-va, các trưởng lão thật lòng muốn người phạm tội trở lại, và họ không gây khó dễ cho việc người ấy làm thế.—Đọc Giê-rê-mi 3:12.

8. Làm thế nào ngụ ngôn của Chúa Giê-su về người con lầm lạc giúp chúng ta hiểu rõ hơn về lòng trắc ẩn và thương xót của Đức Giê-hô-va? (Lu-ca 15:7)

8 Hãy nhớ lại ngụ ngôn của Chúa Giê-su về người con lầm lạc, như được xem xét trong bài thứ hai của loạt bài này. Khi vừa thấy con trai trở về nhà, người cha “chạy đến ôm choàng lấy cổ anh mà hôn cách trìu mến” (Lu 15:20). Hãy lưu ý là người cha không đợi người con nài xin mình tha thứ. Thay vì thế, ông chủ động chạy đến chỗ con vì yêu thương con. Các trưởng lão cố gắng thể hiện thái độ tương tự với người lạc lối. Họ muốn những con chiên lạc “trở về nhà” (Lu 15:​22-24, 32). Khi người phạm tội trở lại, trên trời sẽ có sự vui mừng, và dưới đất cũng thế!—Đọc Lu-ca 15:7.

9. Đức Giê-hô-va muốn người phạm tội làm gì?

9 Dựa trên những điều đã xem xét, chúng ta thấy rõ là Đức Giê-hô-va không dung túng việc phạm tội mà không ăn năn. Tuy nhiên, ngài không quay lưng lại với người phạm tội. Ngài muốn họ trở về. Cảm xúc của Đức Giê-hô-va đối với người phạm tội biết ăn năn được ghi lại nơi Ô-sê 14:4: “Ta sẽ chữa lành sự bất trung của chúng. Ta sẽ tự nguyện yêu thương chúng, vì cơn giận của ta đã lìa khỏi”. Khi nghĩ đến cảm xúc của Đức Giê-hô-va, các trưởng lão được thúc đẩy để tìm kiếm bất cứ dấu hiệu nào cho thấy một người ăn năn và hành động để giúp đỡ. Câu Kinh Thánh này cũng giúp người đã rời bỏ Đức Giê-hô-va có nhiều động lực để trở lại càng sớm càng tốt.

10, 11. Làm thế nào các trưởng lão cố gắng giúp những người bị loại bỏ khỏi hội thánh trong quá khứ?

10 Nói sao về những người bị loại bỏ khỏi hội thánh trong quá khứ, có thể là nhiều năm trước? Những người đó có thể không còn tiếp tục làm điều sai trái mà đã khiến mình bị loại bỏ khỏi hội thánh. Trong một số trường hợp, họ còn không nhớ lý do mình bị loại bỏ. Dù là trường hợp nào, các trưởng lão sẽ cố gắng tìm và đến thăm họ. Trong những cuộc viếng thăm đó, các trưởng lão sẽ đề nghị cầu nguyện với họ và nồng nhiệt khuyến khích họ trở lại hội thánh. Dĩ nhiên, nếu một người đã rời khỏi hội thánh trong nhiều năm, chắc chắn người ấy rất yếu về thiêng liêng. Vì thế, nếu người ấy cho biết là mình muốn trở lại, các trưởng lão có thể sắp xếp để một tín đồ điều khiển cuộc học hỏi Kinh Thánh với người ấy, cho dù người ấy chưa được nhận lại. Trong tất cả các trường hợp, trưởng lão là người sắp xếp cho những cuộc học hỏi như vậy.

11 Noi theo lòng trắc ẩn của Đức Giê-hô-va, các trưởng lão muốn chủ động giúp càng nhiều người càng tốt biết là cánh cửa vẫn rộng mở để chào đón họ trở về. Khi thể hiện sự ăn năn và từ bỏ đường lối sai trái, một người phạm tội có thể được nhận lại ngay.—2 Cô 2:​6-8.

12. (a) Những trường hợp nào đòi hỏi các trưởng lão cần đặc biệt thận trọng? (b) Tại sao chúng ta không nên cho rằng người phạm một loại tội nào đó không thể nhận được lòng thương xót của Đức Giê-hô-va? (Cũng xem chú thích).

12 Trong một số trường hợp, các trưởng lão cần đặc biệt thận trọng trước khi nhận lại một người. Chẳng hạn, nếu một người phạm tội xâm hại trẻ em, bội đạo hoặc âm mưu để chấm dứt hôn nhân, các trưởng lão cần chắc chắn là người ấy thật lòng ăn năn (Mal 2:14; 2 Ti 3:6). Họ cần bảo vệ bầy. Đồng thời chúng ta cần nhận ra rằng Đức Giê-hô-va sẽ nhận lại bất cứ người phạm tội nào thể hiện sự ăn năn chân thật và ngưng làm điều sai trái. Vì thế, dù các trưởng lão thận trọng với những người đối xử xảo trá với người khác, họ không nên cho rằng người phạm một loại tội nào đó sẽ không bao giờ được Đức Giê-hô-va thương xót. b1 Phi 2:10.

HỘI THÁNH CÓ THỂ LÀM GÌ?

13. Có sự khác biệt nào về cách chúng ta đối xử với người bị khiển trách và với người bị loại bỏ khỏi hội thánh?

13 Như đã đề cập trong bài trước, đôi khi có thông báo là một người bị khiển trách. Trong trường hợp đó, chúng ta có thể tiếp tục kết hợp với người ấy vì biết rằng người ấy đã ăn năn và từ bỏ đường lối sai trái (1 Ti 5:20). Người ấy vẫn thuộc về hội thánh và cần sự khích lệ đến từ việc kết hợp với anh em đồng đạo (Hê 10:​24, 25). Tuy nhiên, trường hợp một người bị loại bỏ khỏi hội thánh thì hoàn toàn khác. Chúng ta “ngưng kết hợp” với người đó, “thậm chí không ăn chung với người như thế”.—1 Cô 5:11.

14. Các tín đồ có thể dùng lương tâm được Kinh Thánh rèn luyện như thế nào khi đối xử với một người bị loại bỏ khỏi hội thánh? (Cũng xem hình).

14 Phải chăng chỉ dẫn nơi 1 Cô-rinh-tô 5:11 nghĩa là chúng ta sẽ hoàn toàn lờ đi người bị loại bỏ khỏi hội thánh? Không nhất thiết. Chắc chắn chúng ta không kết hợp với người ấy. Nhưng các tín đồ có thể dùng lương tâm được Kinh Thánh rèn luyện để quyết định có mời một người bị loại bỏ khỏi hội thánh, có thể là người trong gia đình hoặc từng thân thiết, đến nhóm họp hay không. Nếu người ấy tham dự, chúng ta nên đối xử thế nào? Trước đây, chúng ta sẽ không chào hỏi những người như thế. Nhưng một lần nữa, mỗi tín đồ cần dùng lương tâm được Kinh Thánh rèn luyện trong vấn đề này. Có thể một số người cảm thấy thoải mái để chào hỏi hoặc chào đón người đó đến buổi nhóm họp. Tuy nhiên, chúng ta sẽ không nói chuyện lâu hoặc dành thời gian với người ấy trong những hoạt động khác.

Các tín đồ có thể dùng lương tâm được Kinh Thánh rèn luyện để quyết định có mời một người bị loại bỏ khỏi hội thánh đến nhóm họp hoặc chào hỏi người ấy một cách đơn giản hay không (Xem đoạn 14)


15. Đoạn 2 Giăng 9-11 nói về người phạm loại tội nào? (Cũng xem khung “ Có phải Giăng và Phao-lô nói về cùng một loại tội không?”).

15 Một số người có thể thắc mắc: “Chẳng phải Kinh Thánh nói rằng những ai chào một người như thế là dự phần vào việc ác của người đó sao?”. (Đọc 2 Giăng 9-11). Văn cảnh của đoạn Kinh Thánh cho thấy chỉ dẫn này áp dụng cho những kẻ bội đạo và bất cứ ai khác tích cực cổ vũ hành vi sai trái (Khải 2:20). Vì thế, nếu một người tích cực cổ vũ những dạy dỗ bội đạo hoặc các hành vi sai trái khác, trưởng lão sẽ không sắp xếp để thăm người ấy. Dĩ nhiên, vẫn có hy vọng là người ấy sẽ tỉnh ngộ. Nhưng cho đến khi điều đó xảy ra, chúng ta không chào hoặc mời người ấy tham dự buổi nhóm họp.

NOI THEO LÒNG TRẮC ẨN VÀ THƯƠNG XÓT CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA

16, 17. (a) Đức Giê-hô-va muốn người phạm tội làm gì? (Ê-xê-chi-ên 18:32) (b) Làm thế nào các trưởng lão cho thấy mình là người cùng làm việc với Đức Giê-hô-va?

16 Chúng ta học được gì từ loạt bài gồm năm bài này? Đức Giê-hô-va không muốn bất cứ ai bị hủy diệt! (Đọc Ê-xê-chi-ên 18:32). Ngài muốn người phạm tội hòa thuận lại với ngài (2 Cô 5:20). Đó là lý do trong suốt lịch sử, Đức Giê-hô-va nhiều lần khuyến giục dân Y-sơ-ra-ên ương ngạnh, cũng như những cá nhân đã lìa bỏ ngài, ăn năn và trở lại với ngài. Trưởng lão có đặc ân là người cùng làm việc với Đức Giê-hô-va khi cố gắng giúp người phạm tội ăn năn.—Rô 2:4; 1 Cô 3:9.

17 Hãy hình dung niềm vui ở trên trời khi người phạm tội ăn năn! Cha yêu thương của chúng ta là Đức Giê-hô-va có niềm vui đó mỗi khi một con chiên lạc của ngài trở lại hội thánh. Tình yêu thương của chúng ta dành cho Đức Giê-hô-va càng sâu đậm khi chúng ta suy ngẫm về lòng trắc ẩn, sự thương xót và lòng nhân từ bao la của ngài.—Lu 1:78.

BÀI HÁT 111 Những lý do khiến chúng ta vui mừng

a Chúng ta sẽ không còn dùng từ “khai trừ” khi nói đến những người như thế. Phù hợp với lời của Phao-lô nơi 1 Cô-rinh-tô 5:​13, chúng ta sẽ nói là họ bị loại bỏ khỏi hội thánh.

b Theo Kinh Thánh, tội không thể tha không phải là một loại tội cụ thể mà là tội đã phạm với thái độ chai lì, luôn chống lại Đức Chúa Trời. Chúng ta không có quyền phán xét một người có phạm tội như thế hay không.—Mác 3:29; Hê 10:​26, 27.